Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 31-8-2016] Một cặp vợ chồng ở Kiến Tam Giang, tỉnh Hắc Long Giang vừa bị kết án tù vì nộp đơn khởi kiện các thủ phạm chính gây ra cuộc đàn áp Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần dựa trên các nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.
Ông Thạch Mạnh Xương và vợ của mình, bà Hàn Thục Quyên đều tu luyện Pháp Luân Công. Cả hai người đã nhiều lần bị bắt giữ vì đức tin của họ kể từ khi cựu độc tài Trung Quốc, Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp vào tháng 7 năm 1999.
Ảnh: Ông Thạch Mạnh Xương
Mặc dù trải qua nhiều năm bị bức hại tàn bạo, ông Thạch và bà Hàn chưa bao giờ nản lòng bởi họ biết rằng việc tập luyện và truyền rộng thông tin về Pháp Luân Công là quyền công dân được quy định trong Hiến pháp. Nỗ lực mới nhất của họ là đưa các thủ phạm chính của cuộc đàn áp Pháp Luân Công ra trước công lý; tuy nhiên, họ đã bị kết án tù. Ông Thạch bị kết án 2 năm rưỡi tù giam và bị phạt 20.000 nhân dân tệ; bà Hàn bị kết án 2 năm tù và 4 năm án treo, đồng thời bị phạt 10.000 nhân dân tệ.
Ông Thạch và luật sư của ông đã nhận thấy thái độ mềm mỏng của thẩm phán đối với vấn đề Pháp Luân Công trong suốt phiên xét xử, nhưng thẩm phán vẫn kết án ông Thạch dưới áp lực của Phòng 610 tỉnh Hắc Long Giang. Phòng 610 là một cơ quan ngoài vòng pháp luật có nhiệm vụ đàn áp Pháp Luân Công và có quyền hạn trên cả hệ thống tư pháp và luật pháp.
Sự kiện ngày 28 tháng 10
Ông Thạch và bà Hàn, cùng với người con trai và sáu học viên Pháp Luân Công khác tại địa phương, đã bị bắt giữ vào ngày 24 tháng 12 năm 2015, hai tháng sau khi diễn ra “Sự kiện ngày 28 tháng 10”.
Ngày 28 tháng 10 năm 2015, 9 học viên nói trên đã gửi đơn kiện Giang Trạch Dân và Trung tâm Tẩy não Thanh Long Sơn đến Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hắc Long Giang, Tòa án Nhân dân Tối cao tỉnh Hắc Long Giang, và Hội đồng Nhân dân tỉnh Hắc Long Giang. Họ cũng gửi kèm các đĩa DVD ghi lại những lời tự thuật của họ về các hình thức tra tấn và bức hại mà họ đã trải qua tại trung tâm tẩy não.
Các học viên không chỉ yêu cầu quyền được tự do tín ngưỡng, họ còn yêu cầu trả tự do cho bốn học viên khác bị bắt vào tháng 3 năm 2014 và bị kết án tù vào tháng 5 năm 2015. Các học viên bị bắt vào tháng 3 đã yêu cầu trả tự do cho một nhóm học viên khác cũng đang bị giam giữ.
Em trai của ông Thạch, ông Thạch Mạnh Văn, là một trong bốn học viên đó. Trong khi người em trai Thạch Mạnh Văn đang phải chịu án 3 năm tù giam, thì người anh trai Thạch Mạnh Xương lại trở thành một trong những nạn nhân mới nhất trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi ông tìm cách giải cứu em trai mình.
Cảnh sát truy quét hai tháng sau đó
Cuộc kháng nghị ôn hòa của ông Thạch Mạnh Xương và các học viên khác đã diễn ra tại trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Hắc Long Giang. Sau sự kiện này, người đứng đầu Phòng 610 tỉnh Hắc Long Giang đã ra lệnh thành lập “Tổ chuyên án 10.28”.
Vương Hiến Khôi, Bí thư Tỉnh ủy Hắc Long Giang, đã ra lệnh bắt giữ 9 học viên Pháp Luân Công hai tháng sau đó.
Trong khi con trai của ông Thạch và một vài học viên khác đã được thả ra, ông Thạch và vợ ông vẫn còn bị giam giữ.
Biện hộ vô tội cho ông Thạch
Ông Thạch bị đưa ra xét xử vào ngày 13 tháng 7 năm nay. Thẩm phán Vương Kính Quân là người chủ trì phiên xét xử, và công tố viên là ông Lưu Ái Nhân, đến từ Viện kiểm sát Kiến Tam Giang.
Luật sư Mã Vệ đã mở đầu bằng việc biện hộ vô tội cho ông Thạch và cho rằng Hiến pháp Trung Quốc cho phép thân chủ của mình được quyền tự do tín ngưỡng.
Ông Mã lập luận rằng: “Không có luật nào ở Trung Quốc quy định rằng tu luyện Pháp Luân Công là có tội. Như vậy, thân chủ của tôi không vi phạm pháp luật khi nộp đơn kiện những người đã xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng của ông ấy. Ông ấy không gây hại cho bất cứ ai, mà chỉ muốn luật pháp được thực thi.”
Khi ông Thạch yêu cầu tòa án mở các đĩa DVD trong đó các học viên Pháp Luân Công kể lại những khổ nạn mà họ phải chịu đựng khi bị tra tấn trong trung tâm tẩy não, thẩm phán Vương đã từ chối yêu cầu của ông.
Sau đó, ông Thạch mô tả lại những hành vi tra tấn tàn bạo mà ông đã phải chịu đựng tại Trung tâm tẩy não Thanh Long Sơn.
Tiếp theo, luật sư Mã nói: “Nhiều hồ sơ thẩm vấn và lời khai không có chữ ký không nên được sử dụng để làm bằng chứng chống lại thân chủ của tôi.”
Thái độ mềm mỏng của thẩm phán
Ông Thạch đã nhắc nhở thẩm phán và công tố viên rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu như họ không thể bảo vệ công lý cho những người dân vô tội như ông.
Thẩm phán Vương trả lời: “Tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các học viên Pháp Luân Công yêu cầu trả tự do cho ông. Tôi biết [hậu quả của việc đưa ra phán quyết sai là gì] và tôi cảm ơn ông đã nhắc nhở.”
Khi ông Thạch và vợ của ông liên tục bị bắt giam vì đức tin của mình trong nhiều năm qua, người mẹ già của ông đã không ngừng đi tìm công lý cho hai người. Bà cũng có mặt tại phiên tòa, thẩm phán Vương đã cho phép bà được gặp mặt con trai trong chốc lát vào cuối phiên xét xử.
Luật sư Mã ghi nhận thái độ mềm mỏng của thẩm phán. Ông nói với gia đình ông Thạch rằng: “Các thủ tục tố tụng pháp lý được thực thi theo đúng pháp luật trong phần lớn phiên xét xử ngày hôm nay và tôi có thể trình bày rõ những luận cứ bào chữa của mình. Trước đây, việc tòa án cho phép một học viên Pháp Luân Công bị kết án nói chuyện với gia đình sau khi phiên tòa kết thúc là chuyện không tưởng.”
Phòng 610 vẫn kiểm soát hệ thống tư pháp
Đáng buồn thay, tòa án cho thấy họ vẫn chỉ là bù nhìn trong việc xét xử các học viên Pháp Luân Công. Thẩm phán Vương vẫn phải chịu áp lực từ Phòng 610 trong việc tuyên án ông Thạch. Bản án đã được công bố vào ngày 11 tháng 8.
Bà Hàn bị xét xử vào ngày 30 tháng 6, nhưng những thông tin chi tiết về buổi xét xử bà vẫn đang được điều tra.
Các báo cáo liên quan:
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/8/31/333783.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/9/12/158659.html
Đăng ngày 28-9-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.