Bài viết của một học viên từ Trung Quốc Đại lục
[MINH HUỆ 27-8-2012] Hôm nay tôi gặp một nữ đồng tu, cô ấy nói với tôi rằng trạng thái của cô ấy gần đây vô cùng không tốt; cô không thể tập trung học Pháp, không ra ngoài giảng chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp, và không phân phát tờ rơi về Đại Pháp. Sáu tháng qua chồng cô chỉ làm được 3.000 nhân dân tệ, điều đó khiến cuộc sống của họ trở nên rất khó khăn. Vì điều này, cô không thể buông bỏ những lo lắng của mình. Khi cô kể với tôi điều này, tôi đã đối chiếu với nỗ lực buông bỏ chấp trước hiện tại của bản thân. Có lẽ việc cố gắng buông bỏ của chúng tôi trên bề mặt khác nhau, nhưng ở một tầng thứ sâu hơn, thực chất là cả hai đều chấp trước vào tiền và không thể nhận thức chính xác nội hàm tu luyện mà tạo thành khổ nạn.
Con nhỏ cần đến trường học và người già cần phụng dưỡng, và vật giá đang tăng lên. Duy trì một cuộc sống ổn định là điều căn bản mà nhiều học viên thường phải đối mặt. Nếu thu nhập của một người không đủ cao, thì anh ấy có thể làm gì? Một số học viên cố gắng nghĩ ra nhiều cách để kiếm nhiều tiền hơn để xoay sở, hay thậm chí để cải thiện đời sống. Cách nghĩ này là rất hợp lý đối với người thường. Tuy nhiên, là đệ tử Đại Pháp, chúng ta đang hướng đến việc buông bỏ hết thảy chấp trước thế gian và cứu độ chúng sinh. Lẽ nào chúng ta lại nên suy nghĩ và hành động như người thường?
Tôi muốn chia sẻ thể ngộ và tâm đắc của mình đối với một vấn đề tương tự. Hy vọng trải nghiệm của tôi sẽ hữu ích đối với các đồng tu cũng đang đối diện với việc này.
Tôi đã từng làm một công việc thu nhập thấp trong suốt ba năm. Lương hàng tháng của tôi chỉ có 500 nhân dân tệ. Vợ tôi làm các việc bán thời gian để hỗ trợ thu nhập của tôi, tính ra thu nhập hàng tháng của chúng tôi chỉ hơn 1.000 nhân dân tệ một chút. Trước đây tôi cũng không buông được tâm xuống, đã nghĩ cách tìm thêm việc khác để tăng thu nhập; tâm càng không buông xuống được, thì một số người thường và đặc biệt là một số đồng tu lại càng nói rằng thu nhập của tôi thật sự quá thấp. Một lần kia, một học viên, người vừa mới bắt đầu bước ra giảng chân tướng, đã nói với tôi: “Anh kiếm được ít tiền quá. Sao anh có thể đảm đương trách nhiệm chăm sóc cha mẹ và vợ con?” Tôi trả lời: “Mỗi người đều có vận mệnh của mình.” Lúc đó thì nói vậy, nhưng tôi cũng phần nào cảm thấy anh ấy nói có lý, do không minh bạch pháp lý, nên cảm thấy tâm lý rất áp lực. Khi về nhà, tôi đã chia sẻ vấn đề tài chính với vợ mình, cũng là một học viên. Cô ấy nói: “Dù anh không làm ra nhiều tiền, nhưng anh đã làm rất tốt ba việc mà Sư phụ yêu cầu. Chúng ta thật sự không thiếu gì cả, tại sao anh còn băn khoăn quá vậy? Quan trọng là tập trung làm tốt ba việc.”
Điều vợ tôi nói đã thật sự thức tỉnh tôi. Vợ tôi bình thường vốn không phải là người nói năng hòa ái lại có thể nói ra những lời như vậy, không giống ngữ khí thường ngày của cô ấy. Đây rõ ràng là Sư phụ thông qua miệng của vợ tôi mà điểm ngộ cho tôi. Hiện tại điều gì là quan trọng nhất đối với một đệ tử Đại Pháp? Dĩ nhiên là làm tốt ba việc mà Sư phụ yêu cầu. Nhìn lại cuộc sống của tôi trong những năm qua, tôi có thể thấy rằng chính xác là vì công việc nhẹ nhàng mà tôi có thời gian học Pháp trong giờ làm việc. Nhờ có thêm thời gian học Pháp, tôi cảm thấy mình có thể hiểu Pháp và thăng hoa nhanh chóng. Đồng thời tôi cũng có thể tập trung vào những hạng mục giảng chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp cho nhiều người hơn. Trong khi nói chuyện với mọi người, tôi đã khuyên vài người thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bao gồm ông chủ và đồng nghiệp trong nhà máy của chúng tôi. Những người chưa sẵn sảng thoái ngay lập tức, hay những người đã vào Đảng cũng có hiểu biết tốt về Đại Pháp. Nhìn lại, tôi đã thực hiện ba việc khá tốt. Chẳng phải đó là do Sư phụ an bài sao?
Sư phụ giảng:
Con người có nạn, có thống khổ là để con người hoàn trả nghiệp, từ đó có tương lai hạnh phúc. Còn người tu luyện chính là chiểu theo chính lý mà tu luyện. Chịu khổ chịu nạn là cơ hội rất tốt để tiêu trừ nghiệp lực, tiêu trừ tội lỗi, tịnh hoá nhân thể, đề cao cảnh giới tư tưởng, và thăng hoa tầng thứ; đó là việc rất tốt; Pháp lý chân chính là như vậy. (Càng về cuối càng tinh tấn)
Dĩ nhiên, với thu nhập thấp thì đời sống một người sẽ khổ hơn chút đỉnh. Nhưng chẳng phải lại là đại hảo sự sao? Trong thời gian này, tôi đã tìm thấy rất nhiều chấp trước như sợ mất mặt, tâm so sánh, tật đố, tự ti, và cái tình với thân nhân. Khi nhớ lại điều Sư tôn giảng, mọi chấp trước của tôi đã tiêu tan theo lời của Ngài, giống như băng tan dưới ánh mặt trời ấm áp, khiến tâm tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
“Chư vị cần biết, tôi vẫn luôn nói rằng, đệ tử Đại Pháp xét vấn đề thì nhất định xét phản ngược lại, vì Tam giới là ‘phản’ [đảo] lại, nhưng chư vị cần phải đi ‘chính’. [Điều] người thường cho là không tốt, thì đã là một người tu luyện —sinh mệnh muốn ly khai nơi đây— lại là [điều] tốt. Nếu chư vị nhìn nhận cũng là giống như cách nghĩ của người thường, thì chư vị vĩnh viễn là người thường, chư vị vĩnh viễn không ly khai nơi đây. Do vậy chư vị gặp phải ma nạn thì đó chính là cơ hội để chư vị đề cao; nếu chư vị có thể hướng bên trong mà tìm, thì đó chính là chư vị đang vượt qua cửa khó, cơ hội tiến nhập sang trạng thái mới. Tại sao không xét [vấn đề] như thế? Gặp ma nạn liền đẩy ra ngoài.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2008)
Người thường thường cố gắng kiếm nhiều tiền hơn để có cuộc sống tốt hơn. Chúng ta, những đệ tử Đại Pháp, lại suy nghĩ giống vậy sao. Thay vào đó, chúng ta nên nghĩ cách để đề cao tầng thứ và cứu độ chúng sinh nhiều hơn. Khi gặp khổ nạn hay khảo nghiệm trong cuộc sống, dù là trong tu luyện cá nhân hay khi giảng chân tướng về Đại Pháp cho chúng sinh, chúng ta nên dùng chính niệm thản nhiên mà đối diện, xem đó là một cơ hội tốt và hiểu rằng đó là Sư tôn an bài với mục đích đề cao cảnh giới của chúng ta. Thông qua các chủng loại hiện tượng phức tạp bên ngoài, giữa những suy nghĩ phức tạp của “Ai đúng” và “Ai sai,” chúng ta tìm ra chấp trước của mình và tu bỏ chúng, thay vì quá để tâm đến kết quả của sự việc. Chúng ta phó thác tất cả cho Sư phụ, và thuận theo tự nhiên. Chúng ta không nên nghĩ: “Đây là can nhiễu việc giảng chân tướng của tôi nên tôi sẽ không thừa nhận nó.” Dùng “chứng thực Pháp” như một cái cớ để né tránh việc vượt khảo nghiệm, tâm tính sẽ không thể thực sự đề cao. Chẳng phải là lãng phí một cơ hội ư? Bạn mong muốn tu luyện trong an nhàn, không có đau khổ, khổ nạn, hay dằn vặt buông bỏ mọi loại chấp trước hay sao? Cố tránh đau khổ và bất tiện và nhìn nhận khó khăn là rắc rối chính là quan niệm của người thường. Chúng ta cần thay đổi thái độ bản thân từ căn bản bằng cách dùng chính lý tu luyện mà Sư phụ đã giảng cho chúng ta. Trong Pháp, chúng ta sẽ quy chính tư tưởng và ngôn hành của mình, vứt bỏ những chấp trước khởi phát từ tư tâm. Nhờ vậy, cựu thế lực sẽ không thể can nhiễu chúng ta. Dĩ nhiên, chúng ta không nên cực đoan. Khi gặp can nhiễu nghiêm trọng trong lúc làm ba việc, chúng ta nên phát chính niệm để tiêu diệt nó.
Để nhìn nhận tình huống xa hơn từ khía cạnh của các đệ tử Đại Pháp, dù chúng ta đang làm gì hay ở đâu, chúng ta phải đặt ba việc lên ưu tiên hàng đầu. Khi gặp khó nạn, chúng ta không nên bỏ cuộc hay chùng chân trên con đường Chính Pháp, hay chuyển sang tập trung vào những hoạt động của người thường. Hãy thử nghĩ xem, chúng ta có thể tu luyện, nhận thức Pháp, và cứu độ chúng sinh trong thời kỳ trân quý này và tại nơi đây. Thật là một sứ mệnh cao cả và vinh diệu! Sư phụ giảng:
Tôi hỏi thử mọi người: cứu độ chúng sinh thêm mười năm nữa, chư vị có làm hay không? (Học viên đồng thanh đáp: “Có làm!”) (vỗ tay) (Giảng Pháp luân lưu tại Bắc Mỹ)
Giờ đây tôi thật sự cảm thấy mình toàn tâm nguyện ý tiếp tục cứu độ chúng sinh cho đến khi tất cả đều được cứu.
Khi chúng ta tập trung giảng chân tướng về Đại Pháp để cứu người, được và mất, hưởng thụ tiện nghi hay lợi ích bản thân đều trở nên vô nghĩa. Lúc đó, khổ nạn của bản thân trở nên quá đỗi tầm thường. Tất cả chấp trước sẽ dễ dàng biến mất.
Trên đây là chia sẻ là dựa trên tầng thứ hiện tại của bản thân. Xin vui lòng chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2008/8/27/184816.html
Bản tiếng Anh: https://www.clearwisdom.net/emh/articles/2008/9/15/100653.html
Đăng ngày 10-8-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.