[MINH HUỆ 7-4-2016] Ông Quắc Phúc Kỳ, 55 tuổi, từng là phát thanh viên truyền hình ở tỉnh Cát Lâm. Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, ông Quắc là người có sức khoẻ yếu và sống dựa vào thuốc men để trị bệnh. Tuy nhiên, sức khoẻ của ông đã được cải thiện sau khi ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1993.

Trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công do cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân phát động, ông Quắc đã bị giam và bị tra tấn ở Trại lao động cưỡng bức tỉnh Cát Lâm, Trại lao động cưỡng bức Thông Hoá, và Trại lao động cưỡng bức Triêu Dương Câu ở Trường Xuân.

Ngày 15 tháng 7 năm 2015, ông Quắc đã nộp đơn kiện Giang tới Toà án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, yêu cầu văn phòng công tố cấp cao nhất này buộc tội cựu lãnh đạo Trung Quốc vì vai trò của ông ta trong cuộc đàn áp bạo lực Pháp Luân Công.

Dưới đây là một số nội dung trong đơn kiện của ông Quắc.

Sức khoẻ được hồi phục

Tôi từng là một phát thanh viên ở đài truyền hình địa phương và đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau. Điều này khiến cho sức khoẻ của tôi bị tổn hại, và tôi phải sống dựa vào nhiều loại thuốc.

Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1993, điều thần kỳ là mọi vấn đề về sức khoẻ của tôi đã nhanh chóng biến mất. Cơ thể tôi lại khoẻ mạnh trở lại và tràn đầy năng lượng, các đồng nghiệp của tôi đều ấn tượng với việc tôi có thể hoàn thành nhiều việc khó khăn một cách dễ dàng.

Có lần tôi được yêu cầu làm phóng sự về việc vận chuyển gỗ bằng cáp treo từ những ngọn núi cao. Để thu thập thông tin, tôi đã đến vùng núi này và phải mang hơn 15kg hành lý. Tuy nhiên, điều này không làm tôi bận tâm vì tôi có sức khoẻ tốt và có thể hoàn thành công việc dễ dàng. Ngay cả những công nhân làm thợ mộc ở đây đều rất ngạc nhiên.

Sau khi trở về, tôi đã viết báo cáo, biên tập lại đoạn phim tài liệu, và thu âm. Khi chương trình này hoàn thành và chuẩn bị phát sóng, tôi chỉ ngủ có 3 giờ trước khi trở lại làm việc.

Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về việc thân và tâm tôi được thụ ích do tu luyện Pháp Luân Công.

Cuộc sống bị đảo ngược

Năm 1999, cựu lãnh đạo Giang phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Cách thức ông ta làm bao gồm dựng lên những lời vu khống dối trá và phỉ báng môn tu luyện này.

Cuộc bức hại đã làm thay đổi cuộc sống của tôi, tôi bị đình chỉ công tác và bị hạn chế tự do cá nhân. Nhà tôi bị lục soát, tôi bị bắt giữ phi pháp, bị thẩm vấn, và bị giam trong nhiều trại lao động cưỡng bức.

Gia đình tôi thường xuyên bị sách nhiễu, công việc của vợ và việc học hành của con tôi cũng bị ảnh hưởng, điều này khiến cho gia đình tôi tan nát. Thậm chí đến ngày hôm nay, tôi vẫn chỉ có thu nhập ít ỏi từ một công việc bình thường.

Bị bắt ở Bắc Kinh

Mùa đông năm 2000, tôi đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Lúc đó tôi bị bắt và bị đưa đến nơi họ đang giam cầm một nghìn học viên khác.

Vào lúc chạng vạng tối, họ đưa chúng tôi đến nhiều nơi khác nhau bằng xe buýt. Tôi bị đưa đến một Trại tạm giam lớn và bị nhốt cùng với những người buôn lậu ma tuý và tội phạm giết người. Lúc đó thời tiết rất lạnh vào ban đêm, nhưng họ không cho tôi giường để ngủ. Tôi đã tuyệt thực trong 10 ngày để phản đối việc bắt giữ phi pháp này.

Tôi bị chuyển đến văn phòng Cát Lâm tại Bắc Kinh, nơi tôi bị giam một tuần trước khi bị đưa về Cát Lâm. Tôi bị giam tại một trại tạm giam trong một tháng và sau đó bị chuyển đến Trại lao động cưỡng bức thành phố Cát Lâm

Bị tra tấn tại Trại lao động cưỡng bức Cát Lâm

Khi tôi luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công, họ đã tra tấn tôi bằng phương pháp “giường chết”. Tôi đã tuyệt thực và bị bức thực bằng nước muối nồng độ cao và bột cháo. Ngoài ra, họ còn đấm đá, đánh tôi bằng gậy, sốc điện tôi bằng dùi cui điện.

2004-12-4-dalian9.jpgMiêu tả lại cảnh tra tấn: Tra tấn bằng “giường chết”

Họ bắt chúng tôi ngồi trên một cái phản bằng gỗ và học thuộc nội quy của nhà tù trong cả ngày. Có khoảng 70 người cùng bị giam trong một phòng lớn, chúng tôi phải chia nhau một cái cốc và chỉ được cung cấp một xô nước mỗi ngày. Thức ăn hàng ngày chỉ là bánh bắp bị hỏng, một ít súp bẩn với vài miếng củ cải già và khoai tây.

Họ sắp xếp cho chúng tôi ngủ trên những tấm phản gỗ, nhưng có vẻ như đây là loại gỗ tươi, mới được chặt và chưa qua xử lý. Chính vì thế, một số trong chúng tôi đã bị ghẻ, còn quần áo và chăn đắp thì có rất nhiều rận.

Mùa đông, họ bắt chúng tôi chạy ở ngoài sân với quần áo mỏng.

Trại lao động cưỡng bức Thông Hoá

Trong giờ ăn sáng, một lính canh đã đọc tên một danh sách. Những người này (trong đó có tôi) ngay lập tức bị còng tay cho lên xe buýt.

Sau khi đến Trại lao động cưỡng bức Thông Hoá, họ khám xét người chúng tôi. Tôi ngửi thấy mùi đặc trưng của dùi cui điện, cũng như nghe thấy những tiếng hét thảm thiết từ một căn phòng bên cạnh.

Sau đó, ông Tôn, tầm tuổi trung niên, là lãnh đạo của Trại lao động cưỡng bức Thông Hoá đã tới. Ông ta xắn tay áo và nói: “Chúng tôi có hai cách cư xử với các người. Nếu các người cộng tác với chúng tôi, các người sẽ có mỳ để ăn và được ngủ. Nếu không, thì những điều khác đang chờ đợi các người.”

Trong lúc ông ta nói, một cảnh sát khẽ nói với chúng tôi: “Xin đừng trách chúng tôi. Chúng tôi phải theo lệnh của ông già [ám chỉ Giang Trạch Dân], nếu các người có thù oán gì, hãy trách ông ta.”

Tại Trại lao động cưỡng bức Thông Hoá, chúng tôi bị ép phải lao động, phải xem các băng hình tuyên truyền nói xấu Pháp Luân Công, và phải viết các “báo cáo cảm nghĩ”.

Tôi được thả vào ngày 25 tháng 7 năm 2001. Sau đó tôi bị mất việc làm, và phải làm những việc lặt vặt để kiếm sống. Cùng lúc đó, công an vẫn canh chừng và bắt tôi phải báo cáo chỗ ở của tôi.

Trại lao động cưỡng bức Triêu Dương Câu

Tháng 4 năm 2000, ngay khi tôi vừa về đến nhà sau khi hoàn thành một công việc truyền thông ở Cát Lâm, có năm cảnh sát mặc thường phục đã đến lục soát nhà tôi. Họ tìm thấy một số sách Pháp Luân Công. Nhằm tạo “chứng cứ”, họ đã xé toạc các cuốn sách và đặt từng trang lên để quay phim. Sau đó họ bắt tôi với lý do “tàng trữ một lượng lớn tài liệu Pháp Luân Công.”

Lúc đầu tôi bị giam tại trại tạm giam Cục lâm nghiệp Bạch Thạch Sơn trong hai tuần, sau đó bị chuyển đến Trại lao động cưỡng bức Vi Tử Câu. Sau đó họ chuyển tôi về Trại lao động cưỡng bức Triêu Dương Câu ở Trường Xuân.

Các học viên bị bắt phải ngồi trên “ghế nhỏ” trong cả ngày và phải học thuộc nội quy nhà tù. Họ cũng bị cưỡng bức lao động, bao gồm việc gánh đất đi bồi đắp, sửa đường, phá gạch, xây dựng, thu hoạch lõi ngô và nhiều việc khác.

Sau một thời gian, sức khoẻ của tôi trở nên xấu đi. Khi tôi được thả, hai chân tôi gầy giơ xương, đến mức tôi không thể đi lại được bình thường. Thêm vào đó, bác sỹ chẩn đoán tôi bị viêm gan B nặng.

Nhờ có Pháp Luân Công, sức khoẻ của tôi đã dần hồi phục.

Bối cảnh

Năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã gạt bỏ ý kiến của các thành viên khác trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị để phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.

Cuộc bức hại đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 17 năm qua. Nhiều người bị tra tấn vì đức tin của họ và thậm chí bị giết để lấy nội tạng. Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo của ông ta, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610” vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này đứng trên lực lượng cảnh sát và hệ thống tư pháp để thực thi các chỉ thị của Giang Trạch Dân về Pháp Luân Công: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật mới của Trung Quốc hiện cho phép công dân nước này là nguyên đơn trong các vụ án hình sự. Cho đến nay nhiều học viên Pháp Luân Công đã sử dụng quyền khiếu nại hình sự này để kiện cựu độc tài Giang Trạch Dân.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/4/7/326233.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/4/20/156353.html

Đăng ngày 11-6-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share