Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 28-3-2016] “Một lính canh đã yêu cầu bốn tù nhân nghiện ma túy lột quần áo của tôi và giữ tôi nằm xuống sàn trước khi ông ta sốc điện tôi bằng dùi cui với điện áp 100.000 V. Ông ta từ từ di chuyển dùi cui qua những phần nhạy cảm trên cơ thể tôi, bắt đầu từ đầu, mắt, miệng, cổ, nách, ngực, rốn, vùng bụng dưới, bộ phận sinh dục, cho đến gan bàn chân, lưng và vùng hậu môn.
Ông ta làm đi làm lại như vậy. Cuộc tra tấn này kéo dài tới 20 phút. Trong mỗi phút đó tôi cảm thấy như chết đi sống lại. Tôi dường như đã ở tột cùng của sự đau đớn, tôi gần như đã ngất xỉu.”
Trên đây là một đoạn trích từ đơn khiếu nại hình sự của ông Vương Trường Long đối với cựu độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân, người đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999.
Ông Vương Trường Long, một cựu viên chức chính phủ tại thị trấn Cô Sơn, thành phố Đông Cảng, tỉnh Liêu Ninh đã bị sa thải và sau đó bị kết án ba năm lao động cưỡng bức vào năm 2002 vì từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.
Trong thời gian bị giam giữ tại trại lao động cưỡng bức Bản Khê, ông Vương đã nhiều lần bị tra tấn và bị cưỡng bức lao động trong thời gian dài mà không được trả công.
Chỉ vài tháng trước khi ông bị đưa đến trại lao động, vợ ông đã nộp đơn xin ly dị vì không thể chịu đựng nổi áp lực bị liên lụy do chồng tu luyện Pháp Luân Công. Con gái của họ lúc đó chỉ mới hai tuổi.
Người đàn ông 43 tuổi này yêu cầu Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm về việc ông bị tra tấn trong tù, bị cưỡng bức lao động, và sự tan vỡ của gia đình ông. Ngày 10 tháng 6 năm 2015, ông đã gửi đơn khiếu nại hình sự lên Toà án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Bị giam giữ và tra tấn bằng dùi cui điện
Ông Vương từng bị mắc nhiều căn bệnh khác nhau, đôi khi ông còn bị ngất xỉu. Ông đã nhanh chóng hồi phục sức khoẻ sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998. Vào năm 2001, ông được trao tặng bằng khen “cá nhân tiên tiến” của thành phố Đan Đông.
Tuy nhiên, sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, ông đã nhiều lần bị bắt giam.
Ngày 22 tháng 7 năm 1999, ông Vương và một số học viên khác đã đến Bắc Kinh để phản đối cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Ông bị bắt giữ nửa tháng sau đó. Ông bị giam tại trại tạm giam thành phố Đông Cảng trong 15 ngày và buộc phải trả 200 nhân dân tệ.
Tháng 9 năm 2001, ông Vương bị đưa tới trung tâm tẩy não thành phố Đông Cảng. Tại đó, các học viên bị buộc phải xem các video tuyên truyền vu khống Pháp Luân Công. Họ bị giám sát rất chặt chẽ. Ông Vương phải chịu một cú sốc lớn về tinh thần và chứng bệnh ngất xỉu của ông lại tái phát chỉ trong vài ngày. Sau đó ông được thả ra.
Ngày 10 tháng 11 năm 2001, ông Vương lại đến Bắc Kinh một lần nữa và giương cao một biểu ngữ với 3 chữ “Chân-Thiện-Nhẫn” trên Quảng trường Thiên An Môn. Ông bị bắt và bị giữ ở đồn cảnh sát Thiên An Môn một ngày. Vài ngày sau đó, ông bị đưa đến trại tạm giam thành phố Đông Cảng.
Tháng 1 năm 2002, ông Vương bị kết án ba năm lao động cưỡng bức mà không được xét xử công khai. Ông bị giam tại trại cưỡng bức lao động Đan Đông, sau đó bị chuyển đến trại lao động cưỡng bức Bản Khê.
Tại trại lao động cưỡng bức Bản Khê, ông Vương bị tra tấn dã man và bị sốc điện bằng dùi cui điện nhiều lần.
Mùa thu năm 2002, ông Vương bị lính canh bắt gặp khi đang tập các bài công pháp của Pháp Luân Công vào ban đêm. Lính canh Hồ Đại Minh đã dùng dùi cui điện với điện áp 100.000V để sốc điện lên các bộ phận nhạy cảm của cơ thể ông như đầu, mắt, miệng, cổ, vai, ngực và lưng.
Có một lần Hồ Đại Minh sốc điện lên môi của ông Vương trong hơn một phút. Người này đặt dùi cui trực tiếp lên môi của ông khiến một mảng môi lớn của ông bị bong tróc ra. Vì thế mà ông không thể ăn uống được gì sau đó.
Một tù nhân đã nhìn thấy ông Vương bị như vậy và nói: “Tôi bị giam ở nhà tù và trại lao động cưỡng bức này. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy dùi cui điện được sử dụng trên môi. Thật là dã man tàn bạo!”
Lao động khổ sai tại trại lao động cưỡng bức
Khi ông Vương lần đầu tiên bị đưa đến trại lao động cưỡng bức Đan Đông, một tù nhân đã ép ông phải giặt đồng phục cho các lính canh.
Ông đã không thể tập các bài công pháp hay đọc những cuốn sách của Pháp Luân Công, và bệnh ngất xỉu của ông lại tái phát. Một lần khi đang giặt quần áo, ông bị bất tỉnh trong hơn một giờ. Ông đã ngất nhiều lần như vậy trong trại lao động cưỡng bức.
Ông Vương cũng bị bắt phải làm các bao tải nhựa bằng máy dệt. Ông thường xuyên bị ép phải làm cả đêm. Mùi dầu và tiếng ồn của máy thường làm ông chóng mặt và buồn nôn. Ông Vương đã phải làm việc trong tình trạng này trong suốt một tháng trời.
Sau ca đêm, ông phải làm ca ngày ngay lập tức. Hàng ngày, mỗi người phải hoàn thành từ 700 đến 1.000 bao tải và phải mất 12 đến 13 giờ đồng hồ để hoàn thành khối lượng công việc này. Một số người không thể hoàn thành việc này cho đến nửa đêm.
Một lần, ông Vương và một học viên khác đến từ Đan Đông bị ép phải làm ca đêm ngay sau khi ca ngày của họ kết thúc. Họ đã phải làm việc liên tục trong 24 giờ đồng hồ.
Một học viên khác, ông Vương Kim Hải phải làm việc cả đêm trước khi được thả vào ngày hôm sau.
Vào mùa xuân năm 2003, họ bị bắt phải chuyển đá trên đường cao tốc. Cứ hai người làm thành một nhóm, họ phải bê những rổ đá nặng tới 25 kg từ phía bên này sang phía bên kia của đường cao tốc, dài hơn 100m.
Mỗi ngày họ phải bê 100 rổ đá như vậy. Họ không thể trở về trại giam trước 7 hay 8 giờ tối, và phải làm công việc nặng nhọc này trong nhiều ngày liền. Bàn tay của họ đều bị phồng rộp.
Đầu mùa hè năm 2003, họ bị đưa tới một công trình xây dựng để vận chuyển các thanh thép dày. Mỗi thanh nặng hơn 40 kg. Cứ hai người thành một nhóm. Những người trẻ tuổi thì phải mang hai thanh cùng một lúc. Những người già hơn thì vác một thanh.
Họ phải bê vác những thanh thép trên một cây cầu trơn trượt cao hơn 300m để chuyển đến một giàn giáo. Họ đã phải làm việc không ngừng nghỉ. Khi ông Vương trèo lên cầu để đến giàn giáo, ông đã bị ngã gãy tay và mất rất nhiều máu.
Vào mùa hè năm 2003, ông Vương và các học viên khác bị bắt đi lọc rác phía trước văn phòng chính quyền thành phố Đông Cảng. Các thùng rác này được chuyển đến từ Nhật Bản. Họ phải lọc ra các vật liệu như sắt, thép, đồng, nhôm, dây điện và nhựa. Dưới cái nóng gay gắt, ông Vương đã phải tự mang vác các loại vật liệu này rất cực nhọc.
Ngày 31 tháng 8 năm 2003, ông bị chuyển đến trại lao động cưỡng bức Bản Khê. Ngày thứ hai, một số tù nhân đã từ bỏ Pháp Luân Công tới để “chuyển hóa” các học viên cả ngày. Vào ban đêm, họ ép các học viên xem các video tuyên truyền chống Pháp Luân Công. Cuộc chuyển hóa này kéo dài gần một tháng.
Đối với tất cả các học viên đã làm việc tại các trại lao động cưỡng bức này, họ đã không hề nhận được sự bồi thường nào.
Bối cảnh
Vào năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã gạt bỏ ý kiến của các thành viên khác trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị để phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.
Cuộc bức hại đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 17 năm qua. Nhiều người bị tra tấn vì đức tin của họ và thậm chí bị giết để lấy nội tạng. Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.
Dưới sự chỉ đạo của ông ta, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610” vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này đứng trên lực lượng cảnh sát và hệ thống tư pháp để thực thi các chỉ thị của Giang Trạch Dân về Pháp Luân Công: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.
Luật mới của Trung Quốc hiện cho phép công dân nước này là nguyên đơn trong các vụ án hình sự. Cho đến nay nhiều học viên Pháp Luân Công đã sử dụng quyền khiếu nại hình sự này để kiện cựu độc tài Giang Trạch Dân.
Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2016/3/28/325897.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/4/13/156268.html
Đăng ngày 4-6-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.