Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 23-3-2016] Ngày 18 tháng 3 năm 2016, luật sư bào chữa Vương Lỗi ở tỉnh Hà Nam đã nhận được một cuộc điện thoại từ thẩm phán Kim Thự ở tòa án trung cấp (tòa thượng thẩm) thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ.

Kim yêu cầu: “Căn cứ trên những gì đã xảy ra trong phiên xét xử đầu tiên của bà Vu Quế Mẫn, ông không được phép bào chữa cho bà ấy trong phiên xét xử thứ hai nữa.”

Khi bị chất vấn, thẩm phán nói rằng quyết định của bà dựa trên Điều 250 của luật Tố tụng hình sự. Nhắc lại điều luật này “được áp dụng xử phạt đối với những người gây rối trật tự ở tòa án,” luật sư khẳng định rằng “chính thẩm phán của tòa án mới là người đã phạm pháp trong vấn đề đó.”

Luật sư bị buộc rời khỏi phòng xử án

Ngày 3 tháng 11 năm 2015, bà Vu Quế Mẫn và bà Dương Tú Hoa bị xét xử tại tòa án quận Phú Lạp Nhĩ. Hai người đều là học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần đang bị chính quyền cộng sản Trung Quốc đàn áp.

Luật sư Vương, luật sư bào chữa của bà Vu, đã yêu cầu thẩm phán bác bỏ tất cả những bằng chứng thu được qua tra tấn.

Bà Vu cho mọi người thấy vết sẹo sâu trên cổ tay của mình do bị còng tay gây ra. Bà yêu cầu chủ tọa Lưu Khánh Hoa xem các vết thương khác trong cuộc thẩm vấn. Nhưng Lưu đã từ chối yêu cầu đó.

Khi luật sư Vương đề cập rằng tòa án đã vi phạm luật Tố tụng hình sự khi bỏ qua vấn đề bằng chứng phi pháp, thẩm phán Lưu vặn lại: “Ông không được phép nhắc đến luật Hình sự.”

Luật sư Vương phản biện: “Đó là trái với Hiến pháp.”

Thẩm phán tuyên bố: “Ông không được phép đề cập đến Hiến pháp.”

Luật sư Vương phản biện: “Chủ tịch Tập Cận Bình thúc đẩy ‘cai trị đất nước theo pháp luật’ và ‘cai trị đất nước theo Hiến pháp’. Tại sao tôi không được phép đề cập đến?”

Sau đó, thẩm phán Lưu ra lệnh cho chấp hành viên đuổi luật sư ra khỏi phòng xử án.

Thẩm phán đe dọa, gây áp lực bắt bị cáo phải từ bỏ luật sư

Bà Vu bị kết án ba năm tù giam vì đã đưa một chiếc thẻ truy cập Internet có thể giúp đột phá kiểm duyệt trực tuyến cho một người lạ.

Thẩm phán Lưu hăm dọa nếu bà kháng án, bà sẽ phải nhận một bản án nặng hơn.

Lưu soạn một đơn viết tay để tước quyền luật sư biện hộ và yêu cầu đồng nghiệp của ông là Vương Long Hoài đưa nó cho bà Vu trong trại giam. Khi bà Vu từ chối ký vào văn bản, Lưu lại tiếp tục đe dọa bà.

Thẩm phán bị buộc tội đồng lõa

Ngày 28 tháng 2 năm 2016, luật sư Vương đến thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ để đại diện cho bà Vu. Hai cảnh sát địa phương đã có mặt tại phòng khách sạn của ông vào khoảng 23 giờ 30 phút và đưa ông đến đồn cảnh sát Long Hoa Lộ để thẩm vấn.

Luật sư Vương đã đến gặp thẩm phán Kim Thự ở tòa án trung cấp, người có liên quan đến những hành vi của thẩm phán Lưu trong phiên tòa đầu tiên của bà Vu. Ông cũng gửi hai văn kiện: Một là lời khai của bà Vu về việc bà đã bị tra tấn trong khi thẩm vấn như thế nào và một đơn là đơn kiện thẩm phán Lưu của bà Vu. Thẩm phán Kim đã yêu cầu đơn khiếu nại từ luật sư và ông đã trình lên đơn khiếu nại.

Tuy nhiên, nửa tháng sau, thẩm phán tòa án phúc thẩm đã từ chối nhận đơn khiếu nại. Trong một cuộc gọi điện thoại vào ngày 18 tháng 3 năm 2016, bà nói: “Ngay cả khi tôi nhận đơn khiếu nại, ông vẫn không thể đại diện cho bà Vu kháng cáo.”

Sau đó, luật sư Vương đã đến Viện Kiểm sát Tề Tề Cáp Nhĩ, Tòa án tối cao tỉnh Hắc Long Giang và Viện kiểm sát tỉnh để đệ đơn khiếu nại về việc thẩm phán Lưu của Tòa án Phú Lạp Nhĩ vi phạm pháp luật.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/3/23/325717.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/4/10/156230.html

Đăng ngày 11-6-2016. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share