Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Đức

[MINH HUỆ 4-5-2016 ] Kính chào Sư phụ tôn kính! Chào các bạn đồng tu!

Năm nay, tôi đã có thời gian dài thực hiện công tác quảng bá Thần Vận tại địa phương nơi tôi sống. Thông qua việc tham gia vào hạng mục này, tâm tính của tôi đã được đề cao.

Tâm tật đố là một cảm xúc phức tạp

Vài năm gần đây, các học viên ở một nước Châu Âu đã rất thành công trong công tác quảng bá Thần Vận. Tất cả các buổi biểu diễn đều cháy vé. Mỗi khi nghe điều này, tôi đều nghĩ: “Họ đã làm rất tốt, chúng ta nên học hỏi họ.”

Tôi đã không cảm thấy tật đố, hoặc tôi đã nghĩ như vậy, cho tới vài ngày trước đây, khi một đồng tu nói với tôi: “Các học viên đó hy vọng Thần Vận 2016 sẽ được biểu diễn ở thành phố của họ. Nhưng giữa họ có nhiều mâu thuẫn, nên hoạt động quảng bá Thần Vận của họ tiến triển không thuận lợi, do vậy năm nay Thần Vận không thể biểu diễn ở đó.”

Suy nghĩ đầu tiên của tôi lúc đó là: “Aha, họ cũng có xung đột và không phải lúc nào cũng làm tốt.” Bằng cách nào đó tôi cảm thấy tôi đã tìm ra một cái cớ làm chúng tôi thấy dễ chịu hơn: “Chúng tôi đã không làm tốt lắm ở thành phố này, nhưng ít nhất chúng tôi cũng đảm bảo có được nhà hát để Thần Vận được tổ chức ở đây.”

Tuy nhiên, ngay sau khi niệm đầu này xuất hiện, tôi biết rằng tôi không nên giữ nó trong tâm. Sau đó tôi tự hỏi bản thân mình: “Suy nghĩ hằn học này đến từ đâu?” Tôi nhận ra rằng tôi đã tìm cớ để không phải thực thi tốt việc quảng bá Thần Vận tại thành phố của mình.

Những niệm đầu bất hảo này lởn vởn trong đầu tôi trong hai ngày. Tiếp theo đó, một ý nghĩ khác thoáng qua trong tâm trí tôi: “Một vị Phật sẽ nói gì nếu biết rằng các học viên ở một thành phố nào đó không thể sắp xếp được một buổi biểu diễn Thần Vận? Vị Phật này chắc chắn sẽ cảm thấy tiếc nuối cho các học viên và chúng sinh ở thành phố đó. Ông sẽ hy vọng rằng các học viên này sẽ càng ngày càng làm tốt hơn.”

Niệm đầu của tôi tập trung vào thất bại của các học viên kia và so sánh họ với chúng tôi, đó chẳng phải tâm tranh đấu sao? Tâm tranh đấu này đã nuôi dưỡng tâm tật đố, chỉ bất quá là tâm tật đố biểu hiện ẩn núp sâu hơn mà thôi.

Than ôi, tâm tật đố này luôn ẩn sâu và chỉ biểu hiện ra dưới một hình thức khó nhận ra. Khi các đồng tu này thành công, tôi nói: “Không có gì là phi thường cả!” Sau đó, khi họ thực hiện không tốt, tôi nghĩ: “Họ cũng không phải là quá vĩ đại.”

Sư phụ giảng:

“Bởi vì tâm tật đố biểu hiện cực kỳ mạnh mẽ ở Trung Quốc, mạnh mẽ đến mức đã trở thành tự nhiên, bản thân không cảm giác thấy.” (Chuyển Pháp Luân)

Pháp của Sư phụ đã chỉ ra gốc rễ tâm tật đố của tôi. Cảm tạ Sư tôn đã cho con cơ hội lần thứ hai.

Chấp trước vào tự ngã cản trở việc tu xuất tâm từ bi

Sư phụ yêu cầu các đệ tử Đại Pháp làm tốt các công việc chứng thực Pháp và cứu độ chúng sinh. Tôi hy vọng rằng mình sẽ thành công. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng thiện tâm cứu độ chúng sinh của tôi chưa trọn vẹn, vẫn còn trộn lẫn với tạp niệm vị kỷ trong quá trình thực hiện.

Vài ngày trước, một đồng tu và tôi chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Tôi kể với cô ấy rằng mình đã dành hết thời gian cho công tác quảng bá Thần Vận từ tháng 9 năm ngoái và còn ít thời gian cho dự án truyền thông đang thực hiện. Tôi không làm tốt cả hai dự án và bị giằng xé khi phân chia một ngày làm dự án này và ngày hôm sau làm dự án còn lại. Tôi cảm thấy tệ vì những cảm xúc không chắc chắn này.

Học viên này không bị lạc hướng bởi các chi tiết trong câu chuyện của tôi. Cô ấy đã không nói với tôi làm thế nào để lập kế hoạch thời gian hiệu quả hơn. Thay vào đó, cô cho rằng nếu tôi đã vứt bỏ tất cả các chấp trước và những suy nghĩ của tôi hoàn toàn dựa trên Pháp, tôi sẽ không cảm thấy tệ, sẽ không có vấn đề gì về dự án mà tôi đang thực hiện. Tôi chợt thức tỉnh và cảm nhận đó là điều rất quan trọng. Nhưng sự thiếu hụt về tâm tính của tôi là gì?

Tôi hướng nội và tự hỏi tâm lý “muốn thực thi tốt mọi việc” phải chăng là vì danh tiếng và chấp trước vào tự ngã. Tôi đột nhiên nhận ra rằng tôi rất thích được khen ngợi mỗi khi làm tốt việc nào đó. Chỉ vì tôi chấp trước vào sự khen ngợi, tôi đã đòi hỏi bản thân quá cao. Tuy nhiên, khi tôi không thể đáp ứng các yêu cầu, tôi cảm thấy thất vọng và muốn làm tốt hơn. Khi tôi không vứt bỏ chấp trước này, Sư phụ không cấp cho tôi trí huệ.

Mong muốn “thực thi tốt mọi việc” cần phải vì chúng sinh, vị tha chứ không phải vị kỷ. Trong quá trình thực hiện, hết thảy các chấp trước vào tự ngã đều cần phải tu bỏ. Sau khi hiểu ra ý nghĩa chân thực của việc này dựa trên Pháp, tâm tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều.

Tạ ơn Sư phụ đã cho con hết cơ hội này đến cơ hội khác để con có thể tu luyện và quay trở về! Cảm ơn các bạn đồng tu!

(Bài trình bày trong Pháp hội Chia sẻ Kinh nghiệm Tu luyện tại Đức năm 2016)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/4/23/327024.html

Bản tiếng Anh https://en.minghui.org/html/articles/2016/5/4/156529.html

Đăng ngày 8-6- 2016. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lao để sát hơn với nguyên bản.

Share