Bài viết của Trương Tuệ Kiệt ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 21-12-2015] Là con gái của hai học viên Pháp Luân Công, cô Trương Tuệ Kiệt, 21 tuổi, đã chứng kiến và cũng là nạn nhân của cuộc bức hại suốt 16 năm qua từ khi cô lên bảy tuổi. Gần đây cô đã đệ đơn khởi kiện hình sự Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vì đã phát động cuộc bức hại.

Suốt thời thơ ấu và tuổi thiếu niên, cô Trương ngập chìm trong nỗi sợ hãi và lo lắng. Cô đã chứng kiến cha mẹ mình bị bắt hết lần này đến lần khác vì đức tin của họ, chứng kiến họ chịu đựng những thương tích đau đớn; chính bản thân cô cũng bị theo dõi và sách nhiễu. Từ nhỏ đến lớn, cô phải chuyển đến chỗ ở từ nhà người họ hàng này sang nhà khác, chịu đựng sự chỉ trích và phản đối từ các thành viên trong gia đình cũng như những người lạ.

“Nỗi sợ hãi khi thấy bố mẹ mình bị bắt luôn ám ảnh tôi trong những giấc mơ, ngay cả cho đến tận bây giờ. Tôi thường bị thức giấc và khóc lúc nửa đêm. Tỉnh dậy, tôi thấy mình vẫn nhìn quanh xem có bị ai theo dõi không. Từ một người vui vẻ và cởi mở, tôi đã dần trở nên rụt rè và khép kín.”

Bố mẹ cô Trương đã bị bắt và bị giam giữ phi pháp nhiều lần trong hơn chục năm qua. Bố cô bị gãy đốt sống thắt lưng hai lần do bị đánh đập trong các trại giam. Hiện ông đã bị liệt vĩnh viễn. Mẹ cô cũng có thời điểm bị liệt và không thể tự chăm sóc bản thân.

Cô chia sẻ: “Bố mẹ tôi và tôi đã phải chịu đựng quá nhiều. Tôi hy vọng một ngày nào đó, Giang sẽ bị đưa ra công lý. Nhưng không gì có thể bù đắp được tuổi thơ đã mất của tôi, sức khỏe bị hủy hoại của bố tôi, nỗi đau mà chúng tôi đã phải chịu đựng hay những giọt nước mắt của chúng tôi.”

Cô Trương đã nộp đơn kiện của mình lên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vào tháng 8 năm 2015. Cô cho rằng Giang phải chịu trách nhiệm vì những gì mà gia đình cô đã phải chịu đựng.

Dưới đây là lời cáo buộc về những khổ nạn mà cô và gia đình đã trải qua.

Cuộc sống của tôi không bao giờ được như trước nữa

Bố tôi tên là Trương Khắc Lượng còn mẹ tôi là Vương Trung Vân, chúng tôi sống ở thành phố Thọ Quang tỉnh Sơn Đông. Cả bố và mẹ tôi đều bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 5 năm 1996 và cả nhà tôi đều được hưởng lợi ích. Tôi không còn đau ốm gì từ hồi lên hai.

Bố mẹ tôi đã dạy tôi sống theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và luôn nghĩ cho người khác trước. Tôi còn nhớ bất cứ khi nào thấy túi rác trên các hành lang khu tập thể chúng tôi ở, bố mẹ tôi luôn bảo nhặt bỏ chúng vào thùng rác. Chúng tôi hạnh phúc và cũng rất khỏe mạnh.

Tuy nhiên, mọi thứ đột nhiên thay đổi khi Pháp Luân Công bị vu khống là “tà giáo” và các học viên trên khắp đất nước bị bắt và giam giữ.

Bố mẹ tôi liên tục bị bắt kề từ năm 2001, còn tôi thường bị theo dõi, sách nhiễu và không có nơi nào để ở. Tôi chủ yếu ở với bà nội 80 tuổi của mình. Một vài người họ hàng cũng cho tôi ở nhờ một thời gian ngắn, song chỉ được một thời gian là lại đuổi tôi đi vì áp lực xã hội.

Bị đầu độc bởi những câu chuyện lừa dối và bịa đặt từ chính phủ nhằm phỉ báng Pháp Luân Công, toàn thể gia đình quay lưng lại với chúng tôi – họ chửi rủa, lăng mạ bố mẹ tôi trước mặt tôi và không muốn liên quan gì đến chúng tôi nữa. Khi tôi ở cùng với bà nội, bà thường trút những bực dọc lên tôi. Có một lần, bà đã giật lấy từ tay tôi đồ mà tôi vừa mua về và đưa nó cho anh/chị họ của tôi.

Tôi phải chuyển trường ba lần khi còn học tiểu học, các bạn cùng lớp luôn coi tôi như người ngoài. Tôi còn nhớ có một lần tôi đã cố gắng giải thích với giáo viên chủ nhiệm của mình rằng Pháp Luân Công thực sự là gì. Cô ấy không những không chịu nghe mà còn kể với mẹ của bạn thân tôi những gì tôi đã nói. Sau đó bạn thân của tôi nói với tôi: “Mẹ tớ bảo tớ không được chơi với cậu nữa bởi vì mẹ cậu tu luyện Pháp Luân Công.” Tôi đã rất buồn.

Mặc dù tôi không có nhiều thứ như bạn bè cùng trang lứa nhưng tôi cũng không quan tâm lắm. Tôi muốn chỉ được ở cùng với bố mẹ tôi và có một gia đình bình thường. Tuy nhiên, cuộc bức hại đã khiến điều đó trở thành một giấc mơ không thể thực hiện được.

Lần đầu xa bố mẹ

Vào một buổi tối tháng 9 năm 2001, trong khi đang phát tờ thông tin về Pháp Luân Công với bố mẹ ở trong làng, cảnh sát đột nhiên xuất hiện và bắt giữ chúng tôi. Họ đưa chúng tôi tới đồn cảnh sát và bố mẹ tôi bị tra hỏi riêng biệt. Chúng tôi phải ở đó qua đêm, và có ba cảnh sát giám sát chúng tôi. Một trong số họ còn kéo giường ra chặn cửa ra vào trước khi đi ngủ.

Hôm sau, cảnh sát đưa mẹ và tôi về và lục soát nhà của chúng tôi. Họ để tôi lại nhà bà nội rồi đưa mẹ tôi đi. Sau đó tôi được biết rằng bố mẹ tôi đã bị Phòng 610 thành phố đưa vào trung tâm tẩy não.

Tôi phải rời xa bố mẹ lần đầu tiên trong đời. Khi bố mẹ tôi bị bắt đi, tôi phải ở một mình. Tất cả mọi người trong gia đình trở nên thù ghét, chỉ trích và lăng mạ bố mẹ tôi. Lúc đó, tôi mới lên bảy và không hoàn toàn hiểu chuyện gì đang xảy ra và tại sao bố mẹ lại đi mất. Tôi nhớ họ rất nhiều.

Sau khi được thả ra từ trung tâm tẩy não, bố tôi phải làm việc không lương trong một năm còn mẹ tôi thì bị mất việc làm. Họ hàng bên nhà bố tôi không thèm nói chuyện với mẹ tôi nữa.

Bố mẹ bị bắt lần nữa

Tôi đã nghĩ rằng cơn ác mộng đã qua đi khi bố mẹ tôi được thả. Tôi không hề biết rằng đó mới chỉ là sự bắt đầu. Mẹ tôi lại bị bắt một tháng sau đó. Vào môt buổi tối, cảnh sát đến đập cửa ầm ầm. Tiếng ồn đã làm tôi thức giấc.

Để tránh bị bắt lần nữa, bố tôi đã nhảy xuống từ ban công của căn hộ nhà tôi ở trên tầng hai. Cảnh sát đã đạp tung cửa và đuổi theo khi họ nhận ra ông bỏ chạy. Tối hôm đó bị mất điện, trong phòng tối đen. Tôi đã quá sợ hãi đến nỗi không khóc nổi. Đó là ký ức đáng sợ nhất trong đời tôi và thường xuất hiện trở lại trong những giấc mơ khiến tôi bị ám ảnh.

Cuối cùng thì bố tôi cũng không trốn thoát được – ông bị bắt và bị đưa đến Sở Cảnh sát Văn Gia, ở đó ông bị cảnh sát đánh đập đến gãy lưng. Bố tôi đã phải nhập viện. Mẹ tôi tới thăm ông sau khi bà được thả, nhưng cô của tôi đã đuổi bà ra ngoài. Cô tôi còn ra sức thuyết phục bố tôi ly dị mẹ tôi.

Bất chấp thái độ phản đối của các thành viên khác trong gia đình, bố mẹ tôi vẫn ở bên nhau và kiên định tu luyện Pháp Luân Công. Bố tôi hồi phục một phần chấn thương ở lưng nhưng đốt sống thắt lưng đã bị vỡ nát.

Phải bỏ học khi mới lớp ba

Không lâu sau khi sức khỏe của bố tôi khá lên, bố mẹ tôi phải rời thị trấn. Song cảnh sát không để chúng tôi yên – họ thường tới gõ cửa nhà tôi. Tôi sống ở nhà chú nhưng cảnh sát mặc thường phục vẫn theo dõi tôi mọi nơi.

Họ theo dõi tôi từ nhà chú tôi tới trường và ngược lại. Họ còn bám đuôi tôi khi tôi tới nhà bạn cùng lớp để làm bài tập về nhà. Họ thậm chí đi theo tôi cả khi bão tuyết, lái chiếc ô tô màu đen vòng vòng quanh nhà bác tôi suốt đêm giá buốt.

Tôi luôn sống trong tình trạng sợ hãi, lo lắng và nhớ bố mẹ. Tôi không muốn khóc trước mặt gia đình vì không muốn họ lo lắng, nhưng tôi thường khóc khi ở một mình.

Trước khi năm học kết thúc, tôi đã không thể tiếp tục theo học được. Tôi đã bỏ học và chuyển đến ở cùng với bố mẹ tôi. Mặc dù cuộc sống có khó khăn, tôi vẫn thấy hạnh phúc khi lại được ở cùng với bố mẹ.

Một cái Tết buồn

Trước khi vào năm học lớp bốn, một học viên đã nhận nuôi tôi được đăng ký học tại trường tiều học địa phương nơi cô ấy sống. Cô ấy rất tốt với tôi và cho tới tận hôm nay, cả nhà tôi vẫn biết ơn cô.

Trong kỳ nghỉ đông năm đó, bố mẹ và tôi đã quay lại thị trấn để thăm bà nội. Khi chúng tôi còn chưa chào hỏi xong, tôi đã nghe thấy tiếng còi xe, một lúc sau, rất đông cảnh sát đã ập tới trước cửa nhà.

Bố mẹ tôi nhanh chóng trốn đi và tôi đã ra ngoài để tiễn họ. Khi một trong những cảnh sát hỏi bố mẹ tôi đâu, tôi đã không trả lời ông ta một cách trực tiếp. Một cảnh sát thấp người đã đấm tôi một cú khiến tôi phải lùi lại vài bước mới thăng bằng lại được.

Bà nội 80 tuổi của tôi đã rất sợ hãi đến nỗi bà run rẩy không ngừng. Cảnh sát đã truy tìm trong những nhà hàng xóm, cuối cùng đã tìm thấy bố mẹ tôi và đưa họ đi. Tôi đã khóc và gào thét khi xe cảnh sát đi khuất.

Cuối ngày hôm đó, anh họ chở tôi tới nhà bà ngoại tôi. Một chiếc xe hơi màu đen không có biển đăng ký đã theo rất sát chúng tôi. Ông ngoại tôi mới mất một tháng trước đây và tin bố mẹ tôi bị bắt khiến bà đau lòng khôn cùng. Chúng tôi ngồi ôm nhau khóc đến tận nửa đêm hôm đó.

Đó là dịp Tết âm lịch và khắp nơi người ta đang chào đón ngày lễ lớn nhất trong năm. Còn nhà bà thì chìm trong nước mắt và buồn đau. Bố mẹ tôi đã phải ở trong trại giam vào Tết năm đó. Bà nội tôi và tôi rất lo cho họ và sợ điều tồi tệ nhất có thể xảy ra.

Mẹ tôi bị liệt

Vì sợ tôi có thể ảnh hưởng tới tương lai của chú và anh họ, cô tôi không muốn tôi đăng ký học tại trường địa phương với tư cách là người nhà. Sau kỳ nghỉ đông năm đó, tôi đã quay trở lại nhà bà nội.

Hàng ngày, tôi theo con phố chính và đi bộ ra phía ven làng, nhìn về phía xa và hy vọng rằng bố mẹ tôi sẽ xuất hiện. Đến khi tuyệt vọng, tôi chỉ biết nấp trong cánh đồng ở ven làng mà khóc.

Tôi không thể tưởng tượng được rằng mẹ tôi lại bị liệt khi chúng tôi đoàn tụ. Bà thậm chí còn không thể đi được. Họ đã làm gì với bà? Tại sao họ lại độc ác đến vậy?

Bà nội giúp tôi chăm sóc mẹ. Chúng tôi gặp khó khăn về tài chính khi mà chúng tôi không có nguồn thu nhập nào. Một đứa trẻ 10 tuổi luôn phải mua rau giảm giá ở chợ nông phẩm thì chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý – tất cả các cửa hàng đều biết tôi. Hàng ngày, tôi phải đi bộ ba dặm tới trường để tiết kiệm tiền.

Trong khi đó, bố tôi bị đánh đập ở trại tạm giam khiến lưng của ông lại bị thương đúng ở vị trí cũ. Khi được thả ra, ông cũng không thể tự chăm sóc bản thân mình. Mặc dù cả bố và mẹ tôi dần hồi phục sức khỏe nhưng bố không thể đứng thẳng người được nữa.

Hai, ba năm sau, cuối cùng gia đình chúng tôi lại được đoàn tụ. Trong thời gian đó, bố mẹ tôi đã phải lao động nặng nhọc và làm những công việc tạm bợ để kiếm sống. Mẹ tôi làm việc ngoài đồng vào những ngày hè nóng bức còn bố tôi thì làm những công việc lặt vặt như là bảo vệ hay thợ sửa máy. Cả hai người họ đã từng là những viên chức văn phòng

Ấc mộng không ngừng

Vào một ngày tháng 5 năm 2008, chú tôi tới đón tôi khi tôi đang trên đường từ trường về nhà. Chú nói với tôi rằng bố mẹ tôi lại bị bắt. Sau đó tôi biết rằng một chiếc xe hơi màu đen không có biển số đã ép mẹ tôi vào lề đường cho đến khi bà ngã xuống, rồi cảnh sát nhảy ra và lôi bà vào xe.

Cảnh sát khám người mẹ tôi và lấy được chìa khóa nhà. Bố tôi đã khóa cửa không cho họ vào khi họ cố gắng đột nhập vào, cảnh sát đã gọi cho xe cứu hỏa và dùng một cái thang để trèo vào nhà tôi bằng cửa sổ. Bố tôi bị bắt đi, còn nhà tôi thì bị lục soát.

Khi cố gắng mở khóa, cảnh sát đã làm gãy chìa, cái chìa còn nằm lại trong ổ khóa và tôi không mở được cửa để vào nhà mình. Tôi lại ở nhà của chú tôi. Tôi đã mặc quần áo cũ của anh họ và phải mượn tiền từ một người chú khác để đóng tiền học.

Tôi nhớ bố mẹ tôi, nhất là vào buổi tối. Tôi đã gấp một nghìn con hạc giấy và hy vọng rằng điều ước gia đình đoàn tụ sẽ thành hiện thực. Khi đó tôi học lớp bảy.

Trong trại giam, đôi chân của mẹ tôi bị thương vì bị tra tấn. Bà đã không thể tự chăm sóc bản thân và phải nằm liệt giường. Bà đã không bị đưa đến trại lao động cưỡng bức với đôi chân như vậy nên cuối cùng được thả ra.

Bố tôi cũng không được trại lao động cưỡng bức chấp nhận bởi vì lưng của ông bị thương. Tuy nhiên ông vẫn phải lao động nặng nhọc ở trại giam. Ông phải làm việc phân loại tỏi hơn 10 giờ một ngày trong cái bể ngâm tỏi.

Đến lúc được thả ra, hai lòng bàn chân của ông đen kịt và da bị bong tróc. Cả mười ngón chân của ông bị rụng hết móng. Bố kể với tôi rằng, ngày nào cũng vậy, tù nhân được phân công giám sát ông đã lấy giày đập vào đầu ông.

Một buổi tối tháng 3 năm 2009, có mấy người tới gõ cửa nhà tôi. Bố tôi đã trèo xuống theo đường ống từ tầng năm và khi ông nhày xuống dưới, ông đã bị thương ở chân trái. Chửi rủa và đập phá diễn ra cả ngày lẫn đêm. Mẹ và tôi bị kẹt lại trong nhà và tôi đã phải nghỉ học.

Lần bị bắt gần đây nhất là vào tháng 1 năm 2015, cảnh sát từ Sở Cảnh sát Thanh Thành đã đưa bố tôi đi. Ngày hôm sau tôi mới biết tin này. Biết rằng cảnh sát cũng sẽ truy bắt mẹ tôi nên chúng tôi đã đi xa mà không trở về nhà nữa.

Cảnh sát đã lục soát nhà tôi và tịch thu 9.600 Nhân dân tệ tiền mặt, 20 bộ tem phiếu đặc biệt, ba máy tính xách tay, một máy tính bảng, một máy in, nhiều điện thoại di động và tất cả sách Pháp Luân Đại Pháp của chúng tôi. Nhà chúng tôi bị xới tung lên. Họ còn lấy đi xe hơi của chúng tôi. Họ không đưa cho chúng tôi biên bản tịch thu những thứ họ đã lấy. Chúng tôi đã tới sở cảnh sát nhiều lần yêu cầu trả lại những thứ của mình nhưng lần nào họ cũng từ chối.

Bố tôi bị giam giữ trong vòng ba tuần nhưng với sự giúp đỡ của một vị luật sư, cuối cùng ông cũng được tại ngoại. Ông đã nói với tôi rằng khi ở trong đồn cảnh sát, cảnh sát Quách Hồng Đường đã đánh ông rất mạnh vào đầu đến nỗi ông suýt ngã quỵ.


Bản tiếng Hánhttps://www.minghui.org/mh/articles/2015/12/21/320759.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/1/12/154766.html

Đăng ngày 23-01-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share