Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 12-11-2015] Trong tiếng Trung, “Kính Thảo” (cỏ cứng) là một từ ẩn dụ để chỉ một người kiên định. Tôi đã từng sử dụng bút danh “Tượng Thảo” (cây cỏ), bởi vì đối với tôi cái tên đó phản ánh 16 năm bức hại mà tôi và gia đình đã phải chịu đựng. Gần đây tôi đã đổi bút danh của tôi thành “Kính Thảo”.

Bố mẹ tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ khi tôi mới 6 tuổi. Mẹ tôi đã khỏi bệnh ung thư, còn bố tôi thì trở nên khỏe mạnh hơn. Hạnh phúc đã đến với gia đình chúng tôi.

Mẹ tôi là cán bộ cơ sở. Đồng nghiệp và bạn bè của mẹ tôi thường khen bà là người phụ nữ “tài năng”. Bố tôi là một giáo viên ưu tú. Ở nhà, mọi người thường gọi tôi là “cách cách” (công chúa).

Nhưng hạnh phúc của chúng tôi đột ngột kết thúc vào năm 1999 khi một nhóm người lạ xông vào nhà chúng tôi và bắt bố tôi đi.

Một nhóm người lạ khác đến và lấy đi các sách Đại Pháp, máy tính, và đầu máy video của chúng tôi. Điện thoại của chúng tôi bị nghe lén. Mẹ tôi và tôi thường bị chính quyền theo dõi và quấy nhiễu.

Khi mẹ tôi bị giam giữ ở trong trại tẩy não, bà ngoại đã tới chăm sóc cho tôi. Bà đã vô cùng lo lắng cho bố mẹ tôi nên đã khóc rất nhiều.

Khi mẹ tôi trở về, bà trông như một bộ xương di động. Các khớp của bà nhô ra khỏi cơ thể. Bà quá yếu đến mức chỉ có thể nằm liệt trên giường.

Bố tôi được thả ra khỏi trại tạm giam một thời gian ngắn, sau đó ông lại bị bắt vào tù.

Sau khi mẹ tôi hồi phục từ những nhục hình mà bà đã phải chịu đựng ở trong trại tẩy não, bà liền đưa tôi đi thăm bố tôi. Lúc đó đang là kỳ nghỉ hè của tôi. Lính canh nhà tù đã không cho chúng tôi gặp bố tôi.

Vào kỳ nghỉ đông, mẹ và tôi lại thử đi thăm bố tôi một lần nữa. Cuối cùng lần này chúng tôi cũng được gặp bố tôi.

Sau này, mẹ tôi lại bị bắt một lần nữa. Bà đã bị tra tấn dã man. Khi trở về, bà đã bị gãy rất nhiều xương và bị liệt nửa người từ ngực trở xuống, không thể tự mình làm gì cả. Tôi đã phải đút cho bà ăn.

Khi học cấp 2, tôi phải ở trong ký túc xá. Vào các kỳ nghỉ hè và nghỉ đông thì tôi đến ở cùng với những người họ hàng của tôi. Tôi trả tiền học bằng khoản tiền dành dụm ít ỏi của gia đình và sự giúp đỡ của những người họ hàng.

Bố mẹ tôi vẫn còn ở trong tù khi tôi bắt đầu vào học cấp 3. Vào “Ngày của mẹ”, tôi xếp hàng ở bốt điện thoại công cộng của trường để gọi điện cho mẹ tôi. Khi gần đến lượt tôi thì đến giờ vào lớp. Sau giờ học tôi lại ra xếp hàng một lần nữa.

Cuối cùng tôi đã gọi được cho mẹ tôi. Do lo lắng rằng cuộc gọi của tôi đang bị nghe lén, tôi không dám gọi “mẹ”, mà chỉ dám nói “Alo” với một giọng rất khẽ. Mẹ tôi chỉ trả lời “Ừ” rất quả quyết và gác máy. Tối hôm đó tôi không ngủ được, muốn khóc mà không khóc được, tôi ghi vào nhật ký: “Hôm nay là Ngày của mẹ, con nhớ mẹ rất nhiều…”

Nhiều năm sau, mẹ tôi đã đọc được những dòng nhật ký này của tôi mà trong lòng đầy xót xa, mẹ ghi vào lời cảm thán: “Cuộc bức hại này đã khiến cho con gái của mẹ tựa như cây cỏ vậy.” Đó là lý do tôi đã lấy tên “Tượng Thảo” làm bút danh của tôi.

Cái bóng của cuộc đàn áp vẫn còn lởn vởn bám theo tôi trong suốt thời gian học đại học, tốt nghiệp và đi tìm việc làm. Thời học đại học, có một bác phụ đạo viên đã hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của gia đình tôi, bác ấy đã trao cho tôi “Học bổng quốc gia vì sự nỗ lực chuyên cần”. Tôi suốt đời biết ơn những người tốt đã hiểu được hoàn cảnh của chúng tôi.

Một số thanh niên không muốn hẹn hò với tôi nữa khi họ biết rằng gia đình tôi tu luyện Pháp Luân Công và bố mẹ tôi đã bị bắt vào tù.

Nhưng tôi không căm ghét những người đã bức hại chúng tôi. Các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp đã dạy tôi biết từ bi và khoan dung. Tôi yêu công việc và cuộc sống của tôi. Tôi hạnh phúc vì mình có thể cống hiến cho xã hội. Tôi hiểu rằng căn nguyên của cuộc đàn áp và những khổ nạn của tôi chính là do Giang Trạch Dân đã điên đảo đổi trắng thay đen.

16 năm chịu đựng cuộc bức hại, tôi đã viết thư lên Tòa án Nhân dân Tối cao để tố cáo tội ác của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân về tội tra tấn, vu khống, tước đoạt tự do tín ngưỡng của công dân, lục soát phi pháp, tống giam phi pháp…

Tôi cũng muốn nói với tất cả những người chưa minh bạch chân tướng về Pháp Luân Công rằng bố mẹ tôi không làm điều gì sai, các đệ tử Pháp Luân Đại Pháp không làm gì sai, và Sư phụ Lý Hồng Chí dạy chúng ta “Chân-Thiện-Nhẫn” càng không có gì sai cả.

Đưa Giang Trạch Dân ra công lý!

Đây là tiếng nói của hàng vạn người Trung Quốc, những người đã từng phải chịu đựng khổ nạn giống như tôi.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/11/12/319030.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/11/21/153765.html

Đăng ngày 11-12-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share