Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 5-11-2015] Trung tâm Giáo dục Pháp luật thuộc Cục Cải tạo Đất đai tỉnh Hắc Long Giang đã hoạt động trở lại vào cuối tháng 10 năm 2015, sau hơn một năm rưỡi đóng cửa. Đối với người dân địa phương, trung tâm này là một “hắc lao”, trung tâm này được thành lập vào năm 2000 nhằm giam giữ, tẩy não và tra tấn người dân Hắc Long Giang, những người từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện tinh thần đang bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc đàn áp.
Chính quyền đã đóng cửa cơ sở này vào tháng 3 năm 2014 sau vụ bắt giữ 11 người ủng hộ một nhóm các học viên đang bị giam giữ ở đó thu hút sự quan tâm và lên án rộng khắp cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, gần đây trung tâm này đã hoạt động trở lại, ông Ngô Tồn Lợi là học viên Pháp Luân Công đầu tiên bị giam giữ tại trung tâm này trong năm nay, và là học viên thứ 117 bị đưa đến trung tâm này kể từ khi nó được mở ra vào năm 2000.
Vụ bắt giữ ông Ngô
Ông Ngô, làm việc ở Nông trường Giang Xuyên, một chi nhánh của Tổng Cục Khai hoang Đất đai tỉnh Hắc Long Giang, bị bắt giữ vào ngày 22 tháng 10 năm 2015 tại đồn cảnh sát địa phương khi ông đến đó theo yêu cầu của cảnh sát để nói chuyện về việc tu luyện Pháp Luân Công của ông. Trước khi bị bắt, ông liên tục bị cảnh sát sách nhiễu, họ cố gắng bắt ông viết các cam kết tuyên bố từ bỏ tu luyện.
Sau đó gia đình ông phát hiện ra rằng ông bị đưa đến hắc lao này vào ngày ông bị bắt giữ. Họ yêu cầu được gặp ông nhưng bị từ chối, và họ rất lo lắng cho ông, đặc biệt là vì trước đây nhiều học viên bị giam giữ ở hắc lao này thường bị tra tấn.
Người thân quay lưng lại
Từ trái sang (theo chiều kim đồng hồ): ảnh chụp ông Ngô, người thân của ông đứng ở bên ngoài hắc lao; người thân hét lớn nói chuyện với ông qua cổng hắc lao
Buổi sáng ngày 29 tháng 10 năm 2015, vợ, con trai, em gái, và em dâu ông Ngô đã đến trung tâm này cùng với một học viên, bà Tưởng Hân Ba. Bà Tưởng từng bị giam giữ ở trung tâm này và là một trong ba học viên cuối cùng được trả tự do trước khi trung tâm này tạm thời đóng cửa vào năm 2014.
Một nhân viên ra ngoài và hỏi về mối quan hệ của họ với ông Ngô. Mặc dù họ là người có quan hệ gần gũi nhất với ông Ngô và được phép thăm nom ông Ngô theo luật định, nhưng nhân viên kia không cho phép họ vào trong. Người đó còn đề nghị họ vứt bỏ đi những bộ quần áo mà họ mang đến cho ông Ngô.
Ngày hôm sau, hai cảnh sát của đồn cảnh sát ở phía sau trung tâm này đã đến kiểm tra chứng minh nhân dân của những người thân của ông Ngô. Phó đồn Cảnh sát theo dõi họ. Phó giám đốc Trung tâm Tẩy não cũng có mặt ở đó.
Những người thân của ông Ngô nói với vị phó giám đốc đó về lý do mà họ đến đó, nhưng ông ta đã không cho phép họ vào thăm ông Ngô. Ông ta nói rằng họ có thể được phép vào thăm ông Ngô nếu bà Tưởng không đi cùng. Ông ta cáo buộc bà Tưởng là thành viên của một tổ chức ngoài vòng pháp luật. Ông ta cũng đe dọa rằng sẽ bắt giữ bà Tưởng.
Khi người nhà của ông Ngô khăng khăng đòi gặp mặt ông, vị phó giám đốc này đã cho họ xem một tấm ảnh mà ông ta chụp bằng điện thoại của mình bữa ăn của ông Ngô. Bà Tưởng muốn được nhìn bức ảnh gần hơn nữa, nhưng ông ta không cho. “Đây không phải việc của bà,” ông ta nói.
Người thân của ông Ngô đứng trong giá rét trong thời gian dài và cuối cùng họ đành rời đi sau nhiều lần không được phép vào thăm ông Ngô.
Bối cảnh của hắc lao ở Hắc Long Giang
Trung tâm Giáo dục Pháp luật Cục Cải tạo Đất đai tỉnh Hắc Long Giang được lập ra vào năm 2000, một năm sau khi chính quyền cộng sản bắt đầu bức hại Pháp Luân Công. Từ năm 2000 đến năm 2009, trung tâm này nằm trong Nông trường Tiền Tiến và kể từ năm 2010, nó chuyển địa điểm về Nông trường Thanh Long Sơn.
Hắc lao này đóng cửa vào cuối tháng 3 năm 2014 sau khi cảnh sát dùng vũ lực khống chế và bắt giữ bảy học viên và bốn luật sư tại khách sạn của họ vào ngày 21 tháng 3 năm 2014. Trước ngày bị bắt giữ, họ đã đến trung tâm này để thăm các học viên đang bị giam giữ.
Vụ việc này được phơi bày ra quốc tế sau khi ba học viên được thả ra trong tình trạng nguy kịch, bốn luật sư bị gãy xương, vàbốn học viên khác bị kết án phi pháp.
Vụ việc này nhanh chóng được lan truyền rộng rãi, và nhiều luật sư cũng như người dân đổ xô đến trung tâm này yêu cầu trả tự do cho các học viên. Khắp thế giới lên án những hành vi này của chính quyền Trung Quốc và yêu cầu trả tự do cho các học viên.
Trung tâm này khét tiếng bởi những hình thức tra tấn cực kỳ tàn ác – cấm ngủ, dùng lửa đốt mặt, dùng gậy sắt đánh vào sườn, bức thực, và nhiều tội ác khác nữa.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/11/5/318680.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/11/14/153659.html
Đăng ngày 22-11-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.