Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Việt Nam
[MINH HUỆ 17-03-2014] Con xin kính chào Sư phụ từ bi vĩ đại! Chào các bạn đồng tu!
Tôi là một đệ tử Đại Pháp ở Hà Nội, tôi đã may mắn đắc Pháp từ đầu năm 2012. Từ đó đến nay, thời gian tuy mới chỉ gần hai năm nhưng với tôi nó là một cuộc hành trình dài, một sự thay đổi bản thân và mục đích sống.
Khi viết bài chia sẻ này, tôi đã băn khoăn và không biết viết những gì vì thấy rằng mình chưa tu luyện tốt cũng như chưa làm được gì cho Đại Pháp. Nhưng ngay sau đó, tôi đã chính lại niệm đầu của mình, phải chăng tôi vẫn còn bị ảnh hưởng của ‘bệnh thành tích’ của văn hóa đảng? Tôi đã niệm diệt đi cái tâm thái không đúng đắn này và bắt đầu viết bài chia sẻ với các đồng tu về những gì tôi đã được hưởng từ Đại Pháp, quá trình tôi đề cao tâm tính, từ tu luyện cá nhân và bước ra chứng thực Pháp, giảng chân tướng. Sau đây là một vài chia sẻ của tôi.
Cơ duyên đắc Pháp và bước đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp
Tôi đắc Pháp vào thời điểm mà tôi gần như suy sụp hoàn toàn, nhưng có lẽ lại là thời khắc may mắn nhất, tôi đã gặp được Đại Pháp. Một học viên lớn tuổi đã hồng Pháp cho tôi. Tôi có cảm nhận các bài công pháp này chứa đựng điều gì đó như là điều mà trong tâm tôi chờ đợi, mà tôi muốn tập chúng.
Khi đọc sách Chuyển Pháp Luân dường như mọi điều trong đó mới mẻ và quá khó hiểu với tôi vì nó khác xa so với những gì tôi được biết trước kia về thế giới và vũ trụ này. Gần một tháng trời tôi chỉ đọc Luận Ngữ. Mặc dù đọc không ngộ được điều gì nhưng tôi vẫn cứ đọc, và mặc niệm trong đầu là khi nào tôi hiểu ra điều gì đó, và thấy cuốn sách này “hay” và “đúng” thì tôi mới đọc tiếp; tôi chưa ý thức được thế nào là “tu luyện”, thế nào là “chân tu”, v.v. Thậm chí tôi còn thấy có phần khó chịu khi có đồng tu chia sẻ với tôi về việc học Pháp và luyện công đều, bởi tôi nghĩ đơn giản đó là việc riêng của mình.
Sau đó, qua nhiều lần chia sẻ, tâm tôi có sự phân vân về Pháp môn này. Tôi nghĩ có lẽ Pháp Luân Công đúng là tốt thật. Tự nhiên tâm tôi cảm thấy hổ thẹn vì mình đã từng có lần nói lời không chân với các học viên. Và lần này đọc Luận Ngữ không giống những lần trước đây nữa. Khi tôi đọc đến câu:
“Nếu khai mở lĩnh vực này, thì cần phải cải biến từ tận gốc quan niệm của người thường; nếu không, chân tướng vũ trụ sẽ vĩnh viễn là điều thần thoại của nhân loại, và người thường vĩnh viễn bò lết trong cái khung do hiểu biết ngu muội của mình dựng nên.”
Tôi đã nhận ra đây là Đại Pháp – là Pháp lớn của vũ trụ. Tôi hiểu rằng trước nay tôi không hiểu là vì những gì được học, được biết đến trước kia cùng với lối tư duy của tôi đã làm tôi ngu muội nên mới chưa thể ngộ được ra đây là Pháp của vũ trụ.
Được Sư phụ khích lệ, triển hiện cho thấy những Pháp lý, tôi đã nhận ra rằng chỉ có Đại Pháp mới có thể giúp tôi thay đổi con người hiện tại, thay đổi tương lai của tôi. Từng ngày, từng ngày, qua việc học Pháp và cố gắng chiểu theo Pháp để hành xử, dần dần sức khỏe của tôi được cải biến và tâm tính cũng như cách xử sự của tôi với người khác, cách giải quyết các tình huống trong cuộc sống hàng ngày đã thay đổi theo chiều hướng tốt lên mà nhiều khi tôi không tự nhận ra. Tôi hiểu rằng tôi đang được nhận ân đức của Sư phụ, và cũng là Sư phụ đang khích lệ để tôi chuyên tâm tu luyện.
Sư phụ dẫn dắt tôi trưởng thành trong Pháp
Từ việc nghĩ rằng Pháp Luân Công giúp tôi có thể cải biến được sức khỏe, tôi đã dần dần nhận thức được sứ mệnh của mình qua việc học Chuyển Pháp Luân và kinh văn của Sư phụ, cũng như qua việc chia sẻ của các đồng tu. Tuy rằng bản thân nhận thấy rằng từng bước đi của tôi trên con đường tu luyện Đại Pháp khá chậm chạp, nhưng tôi biết rằng tôi thật may mắn khi đắc được Pháp vĩ đại này.
Khi ý thức được điều này, tôi dành toàn bộ thời gian rảnh của mình để học Pháp, học kinh văn và luyện công, với ý niệm là “học bù” cho những khoảng thời gian trước đây đã lãng phí. Và dần dần tôi được trải nghiệm một số những điều mà Sư phụ đã giảng trong sách Chuyển Pháp Luân. Tôi hiểu rằng chứng thực Pháp bằng bản thân mình là tốt hơn hết với những người xung quanh, đặc biệt là người thân. Dần dần trong mỗi hành vi và lời nói tôi đều chú ý hơn và cố gắng chiểu theo Pháp để hành xử. Tôi rất hạnh phúc khi mỗi lần cảm thấy rằng mình đang được đồng hóa với Pháp.
Dần dần tôi ý thức được từ lời giảng của Sư phụ rằng sứ mệnh của mỗi đệ tử Đại Pháp là cứu độ chúng sinh chứ không phải là viên mãn cá nhân. Thêm vào đó tôi hiểu rằng để giúp được người khác thì trước hết bản thân mình phải bước đi cho tốt. Tôi cố gắng từng bước từng bước chiểu theo Pháp, theo các nguyên lý ‘Chân – Thiện – Nhẫn’ để hành xử.
Khoảng thời gian cách đây gần một năm, công tác người thường cũng như việc học tập khiến tôi không ra luyện công thường xuyên ở điểm luyện công. Thêm vào đó, tâm an dật khiến tôi ngại cái lạnh của mùa đông, nên mặc dù ở nhà, tôi cũng không luyện các bài công pháp. Tôi thấy mình giống như người thường. Cơ thể tôi có những biểu hiện của nghiệp bệnh, và những bệnh trước kia tôi mắc phải nay dường như phát trở lại. Có một vài buổi, tôi cố gắng vượt tâm an dật của tôi để ra điểm luyện công, mỗi lần đó Sư phụ đều an bài để tôi lại tiếp tục ra công viên luyện công. Gần như thời gian đó, sau mỗi buổi luyện công đều có đồng tu nhắc nhở tôi: “Sáng mai lại ra công viên luyện công nhé!” Mỗi lần như vậy tôi lại nghĩ: “Bạn ấy quan tâm tới mình thế này mà mai mình không ra thì ngại với bạn ấy quá!” Do đó, tôi bắt đầu đi luyện công đều đặn trở lại và chăm chỉ học Pháp cũng như kinh văn của Sư phụ. Và mỗi khi tâm an dật của tôi nổi lên, tôi lại nhớ đến lời giảng của Sư phụ trong bài Phật tính và ma tính trong sách Tinh Tấn Yếu Chỉ:
“Ma tính của con người là ác, biểu hiện sát sinh, trộm cướp, tự tư, tà niệm, khuấy đảo thị phi, phiến động đồn đại, tật đố, độc ác, phát cuồng, lười biếng, loạn luân, v.v.”
Tôi ngộ ra rằng nếu tôi không diệt trừ đi ma tính của mình, thì tôi không thể đi đến đích được, và những trở ngại và rối ren trong công tác đời thường theo lời Sư phụ giảng không phải là ngẫu nhiên, mà nó là cơ hội để tôi đề cao tâm tính, và để khảo nghiệm xem tôi có tín Sư tín Pháp, kiên chính thực tu hay không. Tôi cố gắng điều chỉnh lại hành vi, chính lại từng ý niệm. Mỗi lần thấy mình trượt dốc hoặc đã làm những việc không đúng theo Pháp, tôi thấy thực sự hối hận và hổ thẹn. Những lúc này tôi nhớ đến lời giảng của Sư phụ trong bài Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây ở Mỹ quốc vào tiết Nguyên Tiêu năm 2003 (phần hỏi đáp):
“Chứ ngã rồi cứ nằm mãi ở đó, (mọi người cười) không đứng lên thế thì không được.”
Tôi cảm nhận được sự từ bi và ân cần của Sư phụ. Gạt đi những hổ thẹn và thất vọng, tôi lại đứng dậy đi tiếp. Tôi dần dần hình thành thói quen hướng nội, được Sư phụ điểm hóa và ban cấp thêm sức mạnh và trí huệ để nhận ra chấp trước và tiếp tục bước đi trên con đường tu luyện.
Có lúc tôi thấy mình dường như đang rời xa Pháp, và tôi đã tự hỏi trong tâm: “Thưa Sư phụ, Ngài còn quản con không?” Ngay đêm hôm đó, tôi đã nằm mộng thấy Sư phụ. Ngài chỉ lặng im và cười từ bi với tôi. Đầu tiên tôi được ngồi đối diện với Sư phụ, nhưng ở hàng ghế phía sau các đồng tu khác, sau đó tôi ngồi phía sau lưng Sư phụ. Tôi ngộ ra rằng Sư phụ vẫn cấp cho tôi cơ hội để tu luyện và hoàn thành thệ nguyện của mình. Sư phụ cho tôi thấy rằng trước hết cần phải học Pháp, tu luyện bản thân cho tốt, sau đó đi cứu độ chúng sinh. Khi tỉnh giấc, tôi có một cảm giác hạnh phúc vô bờ, và tôi đã niệm: “Con xin cảm tạ từ bi vĩ đại của Người”. Sư phụ đã không bỏ rớt một để tử nào, kể cả người không tinh tấn như tôi.
Còn rất nhiều những tình huống khác mà Sư phụ đã an bài cho tôi khiến tôi vô cùng xúc động và biết ơn Ngài, tôi không biết dùng ngôn từ nào để diễn tả nổi cảm xúc của mình vào những lúc đó.
Tôi đã phóng túng bản thân và để nảy sinh tình cảm với một đồng tu – cũng là một người bạn của tôi. Trong vòng mấy tháng trời, tôi cảm nhận được mình đang rớt xuống từng ngày khi trong đầu tôi luôn có hình ảnh của người đồng tu đó. Tôi không biết cách nào để vượt qua.
Sư phụ đã giảng:
“Nhưng tu luyện chính là để đề cao, chư vị đã có thể xả chấp trước này, thế thì sao không xả bỏ luôn bản thân việc sợ chấp trước đó?” (Vô Lậu, Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Tôi ngộ ra rằng vì tôi sợ bị vướng vào chuyện tình cảm, sợ nó ảnh hưởng đến việc tu luyện nên tôi đã phải vượt quan đó. Thêm vào đó, tôi cũng hiểu ra rằng khi hướng nội ra nguyên nhân của vấn đề, trước kia tôi hay thừa nhận rằng vì nguyên nhân đó nên tôi đã gặp những vấn đề như vậy là đúng. Nhưng không phải vậy, khi tìm ra nguyên nhân nếu thừa nhận thì cũng tương đương với thừa nhận sự an bài của cựu thế lực và can nhiễu của các nhân tố ngoại lai.
Sư phụ cũng giảng:
“Chư vị nhất định phải từ chỗ người thường mà vứt bỏ hết tất cả các chủng tư tưởng không tốt, [rồi] chư vị mới có thể đề cao lên được.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)
Khi đọc bài giảng này, tôi chợt bừng tỉnh và hiểu ra rằng nếu tôi không vượt qua được quan này, không vượt qua tình trạng hiện tại, thì tôi sẽ không thể tu luyện lên cao tầng được. Thêm vào đó là thệ nguyện với Sư phụ cứu độ chúng sinh. Tôi không đến đây để làm người thường. Thời gian không còn nhiều, vậy sao tôi còn lãng phí cho những thứ tình cảm của người thường kia chứ. Và với việc để suy nghĩ của mình không chính như vậy, tôi sẽ tu xuất ra cái gì đây? Tôi cảm thấy thật nhẹ nhàng khi chính lại tư tưởng của mình, và đã vượt qua được nó.
Tham gia hạng mục giảng chân tướng cho người Trung Quốc
Tôi phát tâm muốn giảng chân tướng cho người Trung Quốc, nhưng e ngại rằng hạn chế của bản thân là không thể nói tiếng Trung. Sau đó tôi đã niệm là: “Ước gì có đồng tu nào đó dạy mình tiếng Trung thì tốt quá,” vì tôi không muốn tham gia lớp học của người thường. Không lâu sau đó, đã có một nhóm các đồng tu có nguyện ý muốn học tiếng Trung để giảng chân tướng cho người Trung Quốc, đồng thời một đồng tu đã đồng ý dạy tiếng Trung cho chúng tôi. Tôi thực sự thấy cảm động trước sự quan tâm, an bài của Sư phụ cho mình.
Lần đầu tiên đi ra ngoài giảng chân tướng cho người Trung Quốc, tôi đã cùng một đồng tu khác đi đến điểm có nhiều du khách Trung Quốc. Ngày hôm đó có rất nhiều tình huống diễn ra và khiến tôi có nhiều tâm trạng khác nhau.
Buổi sáng hôm đó, trước khi phát tài liệu và giảng chân tướng chúng tôi cùng nhau phát chính niệm và đọc Luận Ngữ. Khi chúng tôi vừa thống nhất rằng sẽ bắt đầu đi giảng chân tướng, thì ngay lập tức có ba người Trung Quốc xuất hiện trước mắt chúng tôi. Vì e ngại rằng vốn tiếng Trung của tôi không tốt, nên hầu như tôi hỗ trợ phát chính niệm còn đồng tu kia giảng chân tướng. Ngày hôm đó, chúng tôi giảng chân tướng và phát tài liệu nhưng không người Trung Quốc nào nhận cả. Tôi và bạn đồng tu đi cùng hướng nội và nhận ra nhiều vấn đề của mỗi người.
Tôi nhận ra bản thân khi giảng chân tướng, nhiều nhân tâm của tôi đã nổi lên. Mặc dù thấy rằng sốt ruột muốn giảng chân tướng cho người Trung Quốc, phát tâm muốn cứu họ, nhưng khi đi giảng chân tướng, tôi lại có một tâm thái “hờ hững”. Vào buổi trưa, sau khi phát chính niệm, gần nơi chúng tôi đang ngồi có một cành cây cổ thụ khá to đã mục bị gãy và rơi xuống một người phụ nữ đang đi xe máy ngang qua. Lúc đó có rất đông người dân xúm lại xung quanh xem và nhiều người đã dùng điện thoại để gọi xe cấp cứu. Lúc đó có một người phụ nữ trẻ đứng ngay cạnh tôi cứ liên tục giục tôi: “Gọi cấp cứu cho người ta đi”. Sau đó, tôi được biết người phụ nữ kia không bị thương nặng, chỉ bị xây xát nhẹ và chấn động mà thôi. Tôi ngộ ra rằng Sư phụ đã mượn lời người phụ nữa kia để nói với tôi rằng cần khẩn trương cứu người.
Tình huống giảng chân tướng đầu tiên, chúng tôi gặp ba người Trung quốc xuất hiện, ba người họ đều từ chối nhận tài liệu và xua tay không muốn nghe chúng tôi giảng chân tướng. Tôi hướng nội và thấy rằng việc giảng chân tướng không phải quan trọng ở việc tiếng Trung của mình có tốt hay không mà vấn đề là tâm thái của mình ra sao. Tâm của tôi chưa thực sự từ bi, họ chưa cảm nhận được tôi đang cứu họ.
Lần gặp người Trung Quốc thứ hai, chúng tôi gặp một người đàn ông Trung Quốc và con trai đang chờ xe điện. Họ rất nghi ngại khi tiếp xúc với người lạ. Khi đồng tu kia hỏi ông ấy có phải người Trung Quốc không, ông ấy đã trả lời là “không phải” mặc dù ông ấy là người Trung Quốc Đại lục. Tôi hướng nội và thấy rằng khi niệm đầu của tôi không chính, tôi còn nghi ngại rằng không biết họ có nghe mình giảng chân tướng không nhỉ, thì ngay lập tức người đàn ông kia trả lời luôn là không phải người Trung Quốc.
Tình huống thứ ba, chúng tôi gặp một nhóm người Trung Quốc đang đứng xem một sự kiện cộng đồng. Một trong số họ nghe thấy chúng tôi giới thiệu là học viên Pháp Luân Công, họ ngay lập tức ra báo cho người hướng dẫn viên du lịch và bảo vệ khu vực. Tôi hướng nội và thấy rằng vì lúc đó, tôi nhìn thấy bảo vệ khu vực, tôi đã xuất ra một niệm không chính là: “Có nên giảng chân tướng cho họ không khi mà bảo vệ đứng ở kia, vậy có thể không an toàn cho bản thân”. Lúc đó chính niệm của tôi đã không mạnh mẽ và kiên định.
Lần thứ tư, chúng tôi gặp một nhóm ba người khác, đầu tiên khi gặp họ, vì nghĩ rằng họ là người Nhật Bản nên chúng tôi đã không giảng chân tướng cho họ. Sau đó, chúng tôi nhận ra họ là người Trung Quốc nhưng lại e ngại vì họ đã đi xa chúng tôi. Sau khi đi một vòng quanh khu vực đó, chúng tôi lại gặp họ lần hai, tôi và đồng tu kia đều thấy rằng không hề ngẫu nhiên khi gặp họ đến hai lần, nên chúng tôi đã quyết định phải giảng chân tướng cho họ. Tuy không hiểu hết những lời mà một trong số ba người phụ nữ đó đang nói, nhưng tôi xác định thấy rằng người đó là hướng dẫn viên du lịch, người phụ nữ này đã nói rất nhiều về Sư phụ và Đại Pháp, nhưng đều là những lời bất hảo. Còn hai người còn lại không nói gì rồi họ tỏ thái độ đồng tình với người hướng dẫn viên kia và không muốn nghe chân tướng cũng như nhận tài liệu, rồi họ đi nơi khác. Sau khi đi một lúc, chúng tôi lại gặp lại họ lần thứ ba, lần này họ còn tỏ thái độ gay gắt hơn lần trước khi chúng tôi đưa tài liệu cho họ. Tôi hướng nội và thấy rằng ngay từ đầu, niệm đầu mà tôi chần chừ, và không biết bắt đầu nói từ đâu đã khiến họ tỏ thái độ và không cho chúng tôi có cơ hội để giải thích một lời nào cả.
Sau ngày hôm đó, tôi hướng nội và thấy rằng khi giảng chân tướng và phát tài liệu tôi chưa xuất được tâm từ bi và mong muốn cứu người sâu sắc. Nhiều nhân tâm của tôi đã nổi lên.
Nhưng sau đó, tôi đã nhớ đến lời giảng của Sư phụ rằng mọi việc đều là hảo sự. Tôi đã rút được ra bài học cho mình khi đi giảng chân tướng cho người Trung Quốc. Với mỗi một tình huống, dường như Sư phụ đều điểm hóa để tôi tìm ra câu trả lời cho những vướng mắc cũng như nhìn thấy những vấn đề của bản thân.
Thời gian đã rất khẩn trương rồi, tôi không thể phân vân do dự trong việc cứu người nữa. Thêm vào đó, tâm e ngại là một cản trở rất lớn. Cũng không nên nghĩ rằng tiếng Trung không tốt là một rào cản quá lớn, quan trọng vẫn là chính niệm phải mạnh và kiên định. Và hơn nữa là không cứng nhắc theo một cách thức nào cả mà cần phải linh hoạt khi giảng chân tướng. Quan trọng hơn hết là cần tu luyện bản thân cho tốt và thực sự xuất tâm từ bi muốn cứu người, không ngừng hướng nội và phải chính trong từng ý niệm.
Trên đây là một số chia sẻ của tôi về quá trình đề cao của bản thân kể từ khi đắc Pháp.
Con xin cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các bạn đồng tu! Hợp thập.