Bài chia sẻ của một học viên ở Hà Nội  

Tôi đắc Pháp năm 2008, đến nay tu luyện đã được 5 năm. Ban đầu nhận thấy mình còn nhiều vấn đề trong tu luyện nên cũng chần chừ không muốn viết bài chia sẻ; nhưng sau khi nghe nhiều đồng tu nhắc nhở, tôi thấy rằng đó cũng là trách nhiệm của mình, cũng là một cơ hội đóng góp cho sự đề cao của chỉnh thể, nên quyết định viết bài chia sẻ này.

1. Chứng thực Pháp ở hoàn cảnh công tác

Đầu năm 2011, tôi chuyển vào làm việc cho một cơ quan nhà nước trong khuôn khổ một dự án nước ngoài. Khi bắt đầu công việc, tôi mới nhận thấy rằng một phần tương đối các khoản tài trợ của dự án thường không được sử dụng đúng với ý đồ của nhà tài trợ. Tôi ý thức được rằng điều đó là không Chân, nên mặc dù ở vai trò điều phối, tôi vẫn xin với Sư phụ để mình không phải làm việc gì không đúng với Pháp lý. Cuối cùng tất cả các tiểu mục đó đều bị nhà tài trợ phủ quyết. Do những vấn đề đó mà dự án gặp phải rất nhiều rắc rối. Đứng trước khó khăn đó, lại thêm áp lực của việc học hành, báo cáo, hầu hết các đồng nghiệp của tôi đều xin nghỉ việc. Lúc đó, nhớ đến lời Sư phụ giảng:

“Chư vị luôn từ bi, lấy Thiện đãi người, làm việc gì đều luôn luôn cân nhắc đến người khác, mỗi khi gặp vấn đề thì trước hết nghĩ rằng: ‘Việc này đối với người khác có thể chịu được không, đối với người khác có phương hại gì không’ (Bài giảng thứ tư- Chuyển Pháp Luân)

Tôi quyết định sẽ ở lại hỗ trợ mọi người cho đến khi khó khăn này qua đi. Thời gian đó, tôi luôn phải làm việc thêm giờ có khi đến tận tối, ngay cả ngày nghỉ. Do khó khăn về tài chính, nên suốt 4 tháng tôi cũng không nhận được lương. Thực ra là quỹ lương vẫn có, nhưng không đủ nên tôi quyết định nhường cho những nhân viên ở tỉnh ra, vốn có hoàn cảnh vất vả hơn tôi lĩnh lương trước. Nhớ đến lời giảng của Sư phụ :

“Những người tu luyện chúng ta giảng ‘tuỳ kỳ tự nhiên’; cái gì của chư vị thì sẽ không mất, cái gì không của chư vị thì chư vị [dù có] tranh [giành] cũng không được.” (Bài giảng thứ bảy – Chuyển Pháp Luân)

Tôi chỉ cố gắng tận tâm làm hết trách nhiệm của mình mà không kêu ca, than vãn gì. Khi khó khăn tạm thời qua đi, ban quản lý dự án đã cảm kích và nói với tôi rằng việc tôi ở lại giúp đỡ họ là nguồn động viên rất lớn đối với họ trong thời điểm đó. Cô kế toán vốn nổi tiếng là khó tính cũng ra cảm ơn tôi. Người phụ trách trực tiếp sau khi biết tôi chưa được nhận lương đã rất cảm động và nói rằng nếu biết trước, chị đã bỏ tiền riêng của mình ra để trả lương cho tôi. Khi biết ý định muốn ra đi của tôi, mọi người đã cố gắng giữ tôi ở lại. Họ định chuyển tôi sang một dự án khác với mức lương còn hấp dẫn hơn. Nhưng tôi không muốn ở lại để phải làm những việc không Chân. Ngay hôm tôi nói với họ nguyện vọng thôi việc thì một người quen lại đề nghị tôi sang làm cho công ty của họ. Tôi đã nhận lời và biết rằng đó là sự an bài của Sư phụ. Tôi đã vượt qua được một quan và Sư phụ đã cho tôi thứ mà tôi đáng được có. Sau này, tôi cũng nhận được đầy đủ lương của 4 tháng. Điều duy nhất mà tôi thấy hối tiếc là do nhân tâm ngăn trở, mà tôi chưa tìm được cơ hội để nói với những người ở cơ quan là nhờ học Pháp Luân Đại Pháp mà tôi mới có thể hành xử như vậy.

2. Vứt bỏ nhân tâm để phối hợp với các đồng tu

Trong hạng mục mà tôi tham gia, tôi luôn nghĩ rằng mình đã rất cố gắng để có thể duy trì thực hiện công tác Đại Pháp trong hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng trong một buổi họp, tôi bị các học viên khác kêu ca, phê phán là tôi làm việc không cẩn thận, thiếu trách nhiệm. Nhân tâm của tôi lúc đó nổi lên dữ dội, nghĩ rằng mọi người thật bất công, rằng có ai biết mình phải làm việc trong hoàn cảnh thế nào đâu, rằng mình đã cố gắng rất nhiều rồi mà. Nhưng một mặt, tôi vẫn nhận ra rằng chắc chắn tôi phải có sai sót, có tâm cần buông bỏ thì mới xảy ra sự việc đó. Khi định tâm hướng nội, tôi thấy tâm tranh đấu của mình còn rất mạnh, thêm vào đó là tâm chấp vào bản sự, luôn cho rằng mình là quan trọng, mà sinh ra tâm ngạo mạn coi thường người khác; còn nổi lên tâm tật đố, luôn so sánh hoàn cảnh của mình và người khác. Tôi kinh ngạc nhận ra rằng, trong suốt quá trình vừa qua, tôi bề mặt là làm việc Đại Pháp, nhưng lại mang tâm chứng thực bản thân rất lớn, luôn mong cầu người khác ghi nhận và đánh giá cao những gì mình làm. Lúc đó, tôi cảm thấy rất buồn khi  nhận ra rằng mang nhiều nhân tâm như vậy thì những Pháp khí của mình làm sao có đủ uy lực thuần chính mà cứu người. Từ đó, tôi luôn cố gắng giữ chính tâm khi làm hạng mục Đại Pháp, không phàn nàn về các học viên khác mà tìm cách âm thầm hỗ trợ hoặc giúp đỡ chia sẻ với mọi người. Thời gian vừa qua, do hoàn cảnh thay đổi, vì mất nhiều thời gian cho gia đình, tôi không thể tham gia đầy đủ các công tác Đại Pháp khác. Ban đầu, tôi cảm thấy khá ức chế và chán nản. Nhưng khi bình tâm lại, tôi nhận ra rằng đó là con đường dành cho tôi, chính là cần phải từ trong hoàn cảnh đó mà xuất lai. Vậy nên, tôi quyết định sẽ hỗ trợ cho các học viên khác trong hạng mục của mình để hạng mục vẫn có thể vận hành đều đặn trong khi mọi người phải dành thời gian cho công tác khác. Sau này, học Pháp tôi nhận ra rằng phải làm được đến như  lời Sư phụ giảng: “Phật gia độ nhân không nói điều kiện, [cũng] không có giá cả; có thể giúp đỡ người kia một cách vô điều kiện;” Bài giảng thứ nhất – Chuyển Pháp Luân thì mới đạt được từ bi vô ngã, mới là cảnh giới của Thần.

3. Nhận thức về tu bỏ tự ngã

Dù đã tu luyện gần 5 năm, nhưng tôi biết mình vẫn chưa đạt tiêu chuẩn của người tu luyện.Trong Thế nào là Nhẫn, Tinh tấn yếu chỉ 1 Sư phụ giảng:

“Nhẫn là chìa khoá của đề cao tâm tính. Nhẫn mà uất hận, uỷ khuất, hay đẫm lệ là cái nhẫn của người thường với chấp trước vào tâm lo nghĩ, hoàn toàn không hề nảy sinh uất hận, không cảm thấy uỷ khuất thì mới là cái Nhẫn của người tu luyện.”

Việc tu Nhẫn với tôi là một việc rất khó. Tôi đã rớt lên rớt xuống trong những khảo nghiệm, mâu thuẫn ở gia đình đến nỗi có lúc cảm thấy chán nản, bất lực mà nghĩ mình không thể thực hiện nổi. Có những lúc tôi cũng cố nhẫn được, nhưng trong tâm vẫn bứt rứt khó chịu, chỉ là không biểu hiện ra bên ngoài. Tôi biết rõ đó chỉ là nhẫn ở bề mặt chứ chưa hề thực sự xả bỏ.

Trong Viên dung, Tinh tấn yếu chỉ 1, Sư phụ giảng:

“Trong Nhẫn có xả, mà xả tận lại là Pháp Lý cao hơn của vô lậu43.”

Gần đây, sau khi rớt trong khảo nghiệm về Nhẫn, tôi hướng nội và chợt nhận ra rằng tôi chưa xả bỏ tự ngã của mình. Sau đó, khi tĩnh tâm học Pháp, tôi ngộ ra rằng cái quan niệm về tự ngã chính như là “gốc của bệnh” mà các chấp trước khác cứ theo đó mà bám vào. Nếu không xả bỏ được cái tự ngã vốn là căn bản đó, thì không xả được gì mà còn là đang nuôi nó lớn lên. Khi nhận ra điểm này, tôi cảm thấy việc buông bỏ các chấp trước khác không còn khó khăn như trước nữa. Tôi thấy rằng bất cứ chấp trước nào từ tâm an nhàn, sắc dục, tranh đấu, tật đố v.v đều xuất ra từ cái tự ngã đó chứ không phải là chân ngã thực sự của mình. Với mỗi tư niệm xuất hiện, tôi đều nhìn thẳng vào đó, để xem nó có phải là xuất phát từ cái tự ngã kia không, chính là nhắm thẳng vào tự ngã mà xả bỏ. Có những thứ không phải là diệt trừ được ngay, nhưng khi cái gốc của nó đã bị lung lay thì chắc chắn nó cũng không thể bám trụ được nữa. Cùng với nó, việc thực hành Nhẫn cũng trở nên dễ dàng đến không ngờ. Khi gặp mâu thuẫn, tôi thấy tâm mình không còn động. Nếu trước đây, tôi sẽ tìm mọi cách theo kiểu người thường để giải quyết, để bao biện, để bảo vệ chính mình thì giờ tôi chỉ lặng lẽ hướng nội, cố gắng đặt mình vào vị trí của người khác mà suy xét. Quả thật Phật pháp là vô biên.

4. Phần kết:

Trải qua gần 5 năm tu luyện, tôi càng thấy thấm thía hơn rằng tu luyện là tu tâm. Chúng ta là đệ tử Đại Pháp đang tu luyện trong thời kỳ chính Pháp, vừa phải tu luyện trong phản bức hại, vừa phải cứu người, mang trách nhiệm vô cùng trọng đại thì như Sư phụ đã nhiều lần nhắc nhở việc học Pháp và tu luyện bản thân cho tốt là nền tảng trọng yếu nhất. Có những lúc tôi giảng chân tướng trực tiếp mà thấy không có đủ lực thức tỉnh con người, khơi dậy thiện lương ở họ. Trong day dứt, tôi tự hỏi vì sao mà mình không làm tốt được thì có một lời nói vang vọng bên tai: Đã đạt tiêu chuẩn chưa.

Vì vậy bề mặt, cho dù chúng ta có làm công tác Đại Pháp tốt đến đâu, nhưng hiệu quả thực sự ra sao lại phụ thuộc vào việc chúng ta tu luyện đã đủ uy đức chưa, hay vẫn chỉ là người thường làm việc Đại Pháp.

Trong kinh văn “Thế nào là đệ tử Đại Pháp”, Sư phụ đã nhắc nhở:

“Đệ tử Đại Pháp trong xã hội mê hoặc và sống cùng người thường, cực dễ dàng là về tư tưởng, hoặc ít nhất là về một phương diện nào đó bị cuốn theo dòng. Nếu chư vị làm việc không thể dùng Đại Pháp để do lường bản thân, chư vị nếu làm việc không thể dùng chính niệm suy xét vấn đề, gặp vấn đề không đứng trong Pháp, thì chư vị chính là một người thường, không có bất cứ khác biệt gì. Ngoại hình của chư vị là người thường, hoàn cảnh sinh hoạt của chư vị là người thường, công tác của chư vị là công tác người thường. Ngay cả chư vị làm các hạng mục của đệ tử Đại Pháp, trên trời lại không có TV, Thần cũng không có báo chí, những cái này đều là hình thức xã hội người thường. Chư vị nếu không thể dùng chính niệm chỉ đạo chư vị, chư vị không thể giống như một đệ tử Đại Pháp dùng tiêu chuẩn người tu luyện để đo lường chính mình, đo lường thế giới, đo lường người khác, vậy chư vị chính là như người thường.”

Nhìn lại những thăng trầm trong thời gian qua, mỗi khi tôi có tư tưởng buông lơi hay chán nản vì không làm được tốt, Sư phụ đều thông qua Pháp hay lời của các đồng tu khác mà điểm hóa, nhắc nhở tôi phải trân quý hết thảy. Những lời giảng trong Chuyển Pháp Luân lại hiên lên rõ mồn một trong đầu tôi. Tôi hiểu rằng phần đã tu thành đang sốt ruột mong chờ tôi lấy lại chính niệm để tiếp tục tiến bước. Tôi vẫn thường nhắc nhở bản thân bằng lời giảng của Sư phụ trong Giảng Pháp tại Pháp hội New York, lễ Phục sinh năm 2004:

“Hãy trân quý, nhất định phải quý tiếc con đường chư vị đã đi qua. Chỉ  [khi nào] biết trân quý con đường mà chư vị đã đi qua, mọi người mới có thể tiến bước thật tốt trên đoạn đường sau này. Phần đường còn lại không dài, hãy tiến bước thật tốt hơn nữa, thực hiện thật [ngay] chính hơn nữa.“

Trên đây là thể ngộ của tôi ở tầng thứ sở tại. Nếu có gì chưa phù hợp với Pháp, xin được chỉ rõ.


Đăng ngày 13-03-2013;

Share