Bài viết của Hoa Thanh, phóng viên báo Minh Huệ ở Sydney
[MINH HUỆ 31-7-2015] Tuần trước, một luật sư nổi tiếng ở Sydney, Úc, người có nhiều cống hiến trong các vụ kiện nhân quyền, gồm cả việc đại diện cho các học viên Pháp Luân Công ở các tòa án Úc, đã chia sẻ với Minh Huệ về làn sóng khởi kiện cựu Tổng Bí thư Trung Quốc Giang Trạch Dân gần đây.
Ông Robert Dubler, vị trạng sư Sydney đã gọi hơn 40.000 đơn kiện của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc kể từ tháng 5 là “một bước tiến tuyệt vời” đối với người Trung Quốc.
Mới đây nhất, các học viên hiện đang sống ở hơn 20 quốc gia ngoài lãnh thổ Trung Quốc đã hòa vào làn sóng khởi kiện Giang vì ông ta đã khởi xướng cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999.
Ông Dubler đại diện cho nguyên đơn trong các vụ án nhân quyền, gồm các nạn nhân bị tra tấn ở Trung Quốc, trước Ủy ban Chống tra tấn ở Geneva, Tòa án Phúc thẩm New South Wales và Tòa án Tối cao của Úc.
“Nhiều áp lực từ các nơi khác nhau trên thế giới chắc chắn sẽ là tốt,” ông Dubler nói. “Ý tưởng là, với hệ thống tội hình sự hóa toàn cầu, chúng ta đang cố gắng để cho những hạng người này không có nơi trú ẩn an toàn.”
“Chẳng hạn những người, dù từng là người đứng đầu nhà nước, biết rằng đang có các động thái pháp lý trên khắp thế giới, sẽ khiến họ khó đi đây đi đó, khó được chấp nhận ở xã hội dân chủ bên ngoài đất nước của chính họ. Nó gia tăng áp lực đối với họ và hy vọng là sẽ góp phần ngăn chặn họ trong tương lai,” ông nói.
Ông Robert Dubler, luật sư biện hộ lâu năm ở Sydney
Không ai có thể đứng trên luật pháp
Ông Dubler lo ngại sâu sắc về nhân quyền. Ông đã làm luật sư đại diện tình nguyện trong nhiều vụ án nhân quyền, trong đó có vụ kiện Thế hệ bị đánh cắp của những người bản địa Úc ở Tòa án tối cao Úc, những vụ kiện liên quan đến tình trạng tỵ nạn của người Đông Timor sống ở Úc và là luật sư biện hộ cho người thân của một nhà báo Úc bị giết ở Đông Timor vào năm 1975. Hiện ông đang viết một cuốn sách về những tội ác chống lại nhân loại.
Ông Dubler coi các vụ kiện của các học viên Pháp Luân Công không chỉ mang tính tượng trưng, bất chấp sự bất lực của hệ thống tư pháp Trung Quốc. Ông trích dẫn vụ án của cựu độc tài Chile, Augusto Pinochet, kẻ ra lệnh ám sát người nước ngoài và sau đó đã bị cảnh sát bắt ở London theo một yêu cầu của Tây Ban Nha.
“Họ [các học viên Pháp Luân Công] đã dựng nên bức tường các vụ kiện chỉ để chỉ ra rằng, cho dù là cựu lãnh đạo của một quốc gia quyền lực, cũng không có nghĩa là người đó có thể đứng trên luật pháp,” Dubler nói. “Trong khi họ có được đặc quyền ở đất nước mình, nó cũng không giúp ích gì cho họ ở nước ngoài. Tất cả chúng ta sống dưới một hệ thống luật hình chung. Không ai có thể đứng trên luật pháp.”
Ông Dubler khích lệ các học viên Pháp Luân Công giữ vững lập trường: “Theo phương diện người phương Tây chúng tôi, chúng tôi cố gắng giải quyết vụ việc ở tòa án phương Tây. Điều đó là căn bản bởi vì chúng ta luôn có tranh luận về hệ thống pháp lý Trung Quốc, nó không thực sự có một quy trình đúng đắn cần phải có.
“Một bước tiến tuyệt vời là người Trung Quốc đang nỗ lực nhiều hơn ở nước họ. Đó thực sự là nơi nên làm những việc này. Trọng điểm bây giờ là hệ thống pháp lý Trung Quốc không có khả năng xử lý việc đó.”
Ông Dubler nói thêm rằng, vì Trung Quốc đã tham gia Công ước Liên Hợp quốc về Chống Tra tấn và Điều ước Quốc tế về Quyền Chính trị và Dân sự, “đã đến lúc họ phải thực hiện lời hứa của mình.”
Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2015/7/31/313397.html
Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2015/8/6/151919.html
Đăng ngày x-x-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.