[MINH HUỆ 6-8-2015] Ngày 4 tháng 8 năm 2015, Tòa án Hành chính tối cao Thái Lan đã bác bỏ quyết định của tòa án cấp thấp hơn và Bộ Nội vụ về việc từ chối đăng ký hoạt động của các học viên Pháp Luân Công. Tòa án cấp cao nhấn mạnh rằng nhóm này là hợp pháp và hợp hiến.

Quyết định được ban hành vào thời điểm mà hơn 120 nghìn học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc và hải ngoại đang đệ đơn kiện hình sự cựu Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân vì đã phát động và chỉ đạo cuộc bức hại.

Chính phủ Trung Quốc đang ra sức gây áp lực lên chính phủ Thái Lan, và cố gắng bành trướng chính sách bức hại sang Thái Lan.

Ngày 4 tháng 1 năm 2005, các học viên Pháp Luân Công đã nộp đơn lên quận Phayathai để đăng ký “Hiệp hội Pháp Luân Công Thái Lan.” Vào ngày 27 tháng 9, Sở Hành chính địa phương của Bộ Nội vụ đã bác bỏ đăng ký, với lý do rằng việc đăng ký sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực lên mối quan hệ giữa Thái Lan với Trung Quốc.

Các học viên đã kháng cáo lên Tòa án Hành chính về việc bị cơ quan đăng ký từ chối. Ngày 2 tháng 2 năm 2006, Tòa án sơ thẩm đã ủng hộ Bộ Nội vụ. Sau đó các học viên địa phương đã bắt đầu một vụ kiện kéo dài 10 năm.

Vào ngày 4 tháng 8, tại tòa án, các học viên Pháp Luân Công nói rằng quyết định từ chối của Bộ Nội vụ là dựa trên chiến dịch tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc. Họ nói rằng việc thực hành Pháp Luân Công lấy nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn làm chỉ đạo, và mang đến lợi ích cả về thân lẫn tâm.

Tòa án Hành chính nhấn mạnh rằng Luật Dân sự, Điều 82 (1), cho phép cơ quan đăng ký xác nhận một hiệp hội nếu nó không mang tính phi đạo đức, tuân thủ luật pháp, không phá hoại sự ổn định và hòa bình, hoặc đe dọa an ninh.

Theo những người nộp đơn, lý do đăng ký hoạt động Hiệp hội Pháp Luân Công là để “thúc đẩy hoạt động tập luyện khí công theo phương thức của Pháp Luân Công và trao đổi tin tức và thông tin giữa các học viên và công chúng, mà không có nội dung liên quan đến chính trị hay tạo lợi nhuận.“

Tòa án cho rằng không nên coi hồ sơ đăng ký là vi phạm luật pháp, đảo lộn các giá trị đạo đức hoặc là một mối đe dọa đến an ninh quốc gia.

Tòa án nói: “Luận điểm của Vụ hành chính địa phương là những người ủng hộ Pháp Luân Công bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ở Trung Quốc, và rằng cho phép nhóm này đăng ký sẽ ảnh hưởng đến quan hệ song phương, không liên quan gì đến nhóm người này đăng ký một hiệp hội ở Thái Lan.”

Nỗ lực bành trướng bức hại của Phòng 610

Dưới chỉ đạo của Giang Trạch Dân, Phòng 610, tổ chức phi pháp chính trong việc thi hành bức hại Pháp Luân Công, đã cố gắng bành trướng chính sách bức hại ra hải ngoại.

Ví dụ như, sau khi thành phố Kingston, Canada công bố ngày 13 tháng 5 năm 2012 là ngày Pháp Luân Đại Pháp, các cơ quan đặc vụ của Trung Quốc đã mạo nhận các học viên, gửi email tới các quan chức của chính quyền thành phố, cố gắng làm mất uy tín của Pháp Luân Công. Các email đã được chuyển tiếp cho các học viên địa phương, những người này đã cho các quan chức chính quyền biết sự thật về Pháp Luân Công. Các quan chức chính quyền thành phố nói rằng họ không bị ảnh hưởng bởi những bức thư vu khống, và sẽ ủng hộ Pháp Luân Công trong tương lai.

Vào ngày 13 tháng 5 năm 2013, thành phố Kingston đã ban hành một tuyên bố công nhận nữa đối với Pháp Luân Công. Tính cả năm 2015, thành phố đã vinh danh Pháp Luân Công 7 năm liên tiếp.

Một trường hợp khác xảy ra ở Canada vào tháng 5 năm 2015, khi hơn 10 nghị sỹ Nghị viện Canada cho biết đã nhận được email từ những người tự xưng là học viên Pháp Luân Công. Những email chứa đầy lời lẽ đe dọa và xúc phạm. Các vụ việc đã được học viên thông báo cho The Hate Crime Unit (Phòng Tội phạm thù nghịch) của cảnh sát Ottawa.

Nhiều nghị sỹ đã phúc đáp một học viên, người đã làm rõ những gì vừa diễn ra, và cảm ơn cô về bức thư. Ban đầu một số ít người tin rằng những bức thư thù hằn là từ các học viên. Giờ đây họ lại đề nghị hỗ trợ các học viên điều tra sự việc đã xảy ra này.

Ông Bruce Hyer, Phó lãnh đạo Đảng Xanh nói: “Tôi không tin rằng Pháp Luân Đại Pháp, những người tin vào hòa bình, vào Chân, Thiện, Nhẫn lại đe dọa các Nghị sỹ. Vì thế đối với tôi, chắc hẳn là Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc những người ủng hộ Đảng đang làm việc này để làm mất uy tín của Pháp Luân Đại Pháp.”

Tình huống thứ ba là từ New Zealand. Ngày 5 tháng 5 năm 2015, một email đã vô tình được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao New Zealand gửi tới các Nghị sỹ. Trong bức thư bị rò rỉ, vốn chỉ định gửi cho các Nghị sỹ của Đảng Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Murray McCully đã khuyến cáo các Nghị sỹ không tham dự một buổi lễ chúc mừng ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới (13 tháng 5).

Ông David Shearer, phát ngôn viên các vấn đề đối ngoại của Đảng Lao động, nói với báo chí: “Cảnh báo các Nghị sỹ không tham dự sự kiện thật là vô nhân đạo. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Murray McCully và Bộ của ông ta không nên đưa ra khuyến cáo như vậy vì cảm thấy nó có thể làm một quốc gia khác mất lòng.”


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2015/8/6/泰国最高行政法院推翻内务部决定-313724.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2015/8/7/151949.html

Đăng ngày 26-08-2015. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share