Bài viết của Âu Dương Phi

Tiếp theo phần 1

[MINH HUỆ 08-01-2015] “Hệ thống tư pháp là tuyến phòng ngự cuối cùng cho công bằng xã hội,” Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu vào năm 2014, lặp lại Những nguyên tắc cơ bản về sự độc lập của pháp luật do Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 1985 nhằm công nhận một hệ thống luật pháp độc lập là một điều cần thiết cơ bản.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, hoạt động của cơ quan tư pháp nằm dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Chính trị và Pháp luật, một tổ chức của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản (Bộ Chính trị). Điều này phản ánh đặc biệt rõ ràng trong 15 năm đàn áp Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vì nó dùng các tòa án quốc gia như một công cụ khác để tiến hành chiến dịch bức hại của nó.

Bên dưới là một số trích dẫn của các thẩm phán Trung Quốc khi họ kết án bất lợi cho các học viên Pháp Luân Công:

“Cứ nói thêm một câu thì sẽ tăng thêm một năm tù.”

“Đảng ngăn cấm điều này [thuê những luật sư không phải của chính phủ]!”

“Đừng nói luật với tôi!”

“Đúng, chúng tôi chính là cường đạo đấy. Thì sao nào?”

“Chúng tôi muốn đấu với các người đấy, chúng tôi đã quyết phấn đấu suốt đời vì chủ nghĩa Cộng sản!”

Dù Hiến pháp Trung Quốc quy định tất cả công dân có quyền tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận, hàng chục nghìn trường hợp đã được báo cáo trên Minh Huệ Net về việc các học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ bỏ tù và tra tấn vì tín ngưỡng của họ, hoặc nói với người khác về cuộc bức hại.

Phần 1:“Đừng nói luật với tôi” – Các thẩm phán như những con rối dưới chế độ ĐCSTQ (Phần 1/3)

“Bà có chết cũng không là gì đối với chúng tôi.” Tòa án thành phố Thái Thương ở tỉnh Giang Tô đã xét xử học viên Pháp Luân Công bà Tần Diễm Thu vào ngày 07 tháng 11 năm 2005, buộc tội bà sở hữu tài liệu Pháp Luân Công. Khi bà Tần nói rằng bà sẽ phản đối bằng cách tuyện thực, thẩm phán Lưu Lương Khải đáp lại: “Bà có chết cũng không là gì đối với chúng tôi.”

“Tôi không sợ vi phạm pháp luật.” Tòa án khu Dụ Hoa ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc đã xét xử bà Tôn Đào vào ngày 07 tháng 12 năm 2012. Khi hai luật sư của bà đến phòng xử án, các chấp hành viên ra lệnh họ phải qua kiểm tra an ninh. Các luật sư chỉ ra rằng luật sư được miễn kiểm tra an ninh, nhưng các chấp hành viên khẳng định họ tuân theo nguyên tắc do tòa án khu đặt ra.

Sự giằng co kéo dài khoảng 10 phút cho đến khi thẩm phán Vương Huệ đến và nói: “Tôi không sợ vi phạm pháp luật. Hãy để tôi kiểm tra họ.”

Sau đó ông ta đã cưỡng chế lục soát hai luật sư.

“Chúng tôi sẽ ngắt lời nếu luật sư cố biện hộ cho thân chủ của ông ấy. Sau khi ngắt lời ba lần, luật sư sẽ bị đuổi ra khỏi phòng xử án.” Tòa án khu Nguyên Bảo, tỉnh Liêu Ninh đã xét xử bà Vương Hương Cúc vào ngày 28 tháng 07 năm 2009. Chủ tọa Mã Thuật Hòa đã liên tục can ngăn luật sư biện hộ vô tội cho thân chủ.

Ngoài ra, ông ta còn nói: “Chúng tôi sẽ ngắt lời nếu luật sư cố biện hộ cho thân chủ của ông ấy. Sau khi ngắt lời ba lần, luật sư sẽ bị đuổi ra khỏi phòng xử án.”

“Nếu ông cố gắng biện hộ sau khi chúng tôi đã ngăn lại ba lần, quyền biện hộ của ông sẽ bị tước bỏ.” Một hành vi vi phạm tương tự đã diễn ra ở tỉnh Hắc Long Giang khi Tòa án huyện Y Lan xét xử ông Lưu Phượng Thành và bốn học viên khác vào ngày 31 tháng 07 năm 2013.

Thẩm phán Trương An đã nói với luật sư của ông Lưu: “Theo như chính sách nội bộ của chúng tôi, nếu ông cố gắng biện hộ sau khi chúng tôi đã ngăn lại ba lần, quyền biện hộ của ông sẽ bị tước bỏ; nếu không, tôi sẽ bị khiển trách.”

“Ông/bà biết điều thì hãy từ bỏ những nỗ lực thay cho bị cáo. Chúng tôi sẽ không cho phép ông/bà biện hộ nữa.” Vào sáng ngày 08 tháng 12 năm 2005, ba học viên Pháp Luân Công – Nông Hữu Dược, Hoàng Anh và Lan Hoành Bình – ở huyện Bình Quả, tỉnh Quảng Tây đã bị xét xử phi pháp tại tòa. Khi thẩm phán đọc tuyên bố kháng cáo từ ông Dương Tại Tân, luật sư của ông Nông, và biết rằng ông sắp biện hộ vô tội, thẩm phán đã cấm ông biện hộ cho thân chủ.

Khi luật sư Dương đề nghị giải thích, thẩm phán trả lời: “Quyết định này không có gì phải thảo luận cả. Ông/bà biết điều thì hãy từ bỏ những nỗ lực thay cho bị cáo. Chúng tôi sẽ không cho phép ông/bà biện hộ nữa.”

Bởi vì lần biện hộ này, luật sư Dương Tại Tân đã bị Công ty Luật Trung Trì cắt hợp đồng lao động vào ngày 26 tháng 01 năm 2006.

“Họ [công an] có toàn quyền hủy bỏ chứng cứ đó.” Ông Diệp Xảo Minh ở Đại học Sư phạm Phúc Kiến đã bị kết án ba năm tù cùng bốn năm quản chế vào ngày 15 tháng 09 năm 2010. Luật sư của ông đã lưu ý rằng ông bị từ chối quyền được luật sư biện hộ trong phiên xử đầu tiên, và bằng chứng chống lại ông chưa từng được cơ quan độc lập xác nhận tại tòa. Khi ông liên hệ Tòa án Trung thẩm thành phố Phúc Châu về vụ việc và yêu cầu gọi nhân chứng để làm chứng trong phiên tòa thứ hai, thẩm phán Lương Khánh Dong đã viết thư trả lời: “Công an không có nghĩa vụ phải cung cấp bất kỳ bằng chứng nào ở phiên xử đầu tiên, và thậm chí nếu họ làm thế, họ có toàn quyền hủy bỏ chứng cứ đó.”

“…từ bỏ Pháp Luân Công, tôi sẽ gỡ bỏ án quản chế của bà. Nếu bà tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công, tôi sẽ kết án bà ba năm tù.” Khi học viên Pháp Luân Công, bà Chu Vinh Trân ở Vân Nam bị giam giữ phi pháp trong một trại giam, bà bị tăng huyết áp và phải nhập viện ở Bệnh viện Nhà tù Đa khoa Vân Nam. Các quan chức đã xét xử bà trong bệnh viện vào ngày 23 tháng 12 năm 2010, và một thẩm phán đã nói với bà: “Nếu bà viết một bức thư bảo đảm từ bỏ Pháp Luân Công, tôi sẽ gỡ bỏ án quản chế của bà. Nếu bà tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công, tôi sẽ kết án bà ba năm tù.” Khi bà Chu từ chối từ bỏ đức tin của mình, thẩm phán đã kết án bà ba năm tù.

“Không cần phải theo quy trình pháp lý đối với các vấn đề của Pháp Luân Công.” Tòa án huyện Nông An ở tỉnh Cát Lâm đã bí mật xét xử bảy học viên Pháp Luân Công vào tháng 12 năm 2008 mà không thông báo cho gia đình của họ, và đã kết án tù các học viên vào tháng 03 năm 2009. Các học viên đã kháng cáo lên Tòa án Trung thẩm Trường Xuân, vốn liên tục trì hoãn trường hợp của họ và đã lên kế hoạch tuyên án họ trực tiếp.

Khi gia đình họ chỉ ra hành vi phi pháp, một quan chức tòa án trả lời: “Không cần phải theo quy trình pháp lý đối với các vấn đề của Pháp Luân Công.”

“Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dùng quyền lực của nó để bác bỏ luật pháp đối với Pháp Luân Công. Chúng tôi phải theo chỉ đạo của ĐCSTQ.” Sau khi học viên Trương Xuân Thu ở tỉnh Hồ Nam bị bắt giữ và bị xét xử, ông không được thuê luật sư. Sau khi kết thúc phiên xét xử, thẩm phán đã nói: “ĐCSTQ dùng quyền lực của nó để bác bỏ luật pháp đối với Pháp Luân Công. Chúng tôi phải theo chỉ đạo của ĐCSTQ.” Vì vậy ông Trương đã bị kết án tám năm tù.

“Nếu tôi không làm việc này, ông/bà có trả lương cho tôi không?” Tòa án khu Trường An ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc đã xét xử bà Khâu Lập Anh vào tháng 04 năm 2013, tuyên bố bà sở hữu một “tài liệu mật.” Tuy nhiên, tài liệu được nói đến, “Thông báo công khai số 2000-39,” được truy cập công khai trên mạng và nhiều luật sư cũng sử dụng nó. Luật sư của bà Khâu đã chỉ ra điều này và yêu cầu các quan chức tòa án không coi thường pháp luật.

Khi nghe điều này, thẩm phán Điền Điện Anh đã đáp lại tại tòa: “Nếu tôi không làm việc này, ông/bà có trả lương cho tôi không?”

Trong khi làm ngơ yêu cầu của luật sư là phải tuân theo pháp luật, Điền Điện Anh cũng hăm dọa và cười vào họ: “Nếu các người có căn cứ thì hãy kiện tôi đi!”

“Dù có biện hộ như thế nào – tôi có thể luôn luôn đưa ra phán quyết như cần thiết.”Câu này là của Vương Húc, chủ tọa, nói ra trong cuộc nói chuyện với luật sư của bà Khâu Lập Anh trước khi xử án.

“Ông/bàchỉ có thể nhận tội; nếu không, phiên xét xử sẽ bị hủy.” Bà Trương Dung là một giáo viên mẫu giáo ở thành phố Đức Huệ, tỉnh Cát Lâm. Bà và chồng, ông Khương Học Phú, một công an, đã bị bắt giữ vào năm 2011 vì họ cho con trẻ xem một đĩa DVD Thần Vận.

Con gái của họ đã thuê một luật sư, nhưng Vương Vinh Phú, thẩm phán Tòa án Đức Huệ, đã nói với luật sư: “Ông/bà chỉ có thể nhận tội; nếu không, phiên xét xử sẽ bị hủy.”

Phòng 610 đại diện cho Đảng.”Tòa án thành phố Giao Nam, tỉnh Sơn Đông đã xét xử bà Trương Tú Hoa và ba học viên khác mà không thông báo cho gia đình của họ. Khi gia đình bà Trương và luật sư hỏi tại sao, thẩm phán Lưu nói rằng ông ta chỉ làm theo lệnh của Phòng 610 vì “Phòng 610 đại diện cho Đảng.”

“Trên phim ảnh, công an luôn mang theo lệnh khám xét và gõ cửa trước khi vào. Đó chỉ là tuyên truyền và không đúng trong đời thật. Tháng 05 năm 2011, học viên bà Vương Tĩnh ở thành phố Tế Nam đã bị kết án ba năm tù bởi niềm tin của bà. Gia đình bà đã kháng cáo lên Tòa án Trung thẩm Tế Nam và giải thích rằng bà Vương đã bị bắt mà không có lệnh khám xét hay lệnh bắt giữ.

Thẩm phán Lưu Chí Minh nói với họ: “Trên phim ảnh, công an luôn mang theo lệnh khám xét và gõ cửa trước khi vào. Đó chỉ là tuyên truyền và không đúng trong đời thật.”

“Học viên Pháp Luân Công sẽ bị kết án dù là luật sư của ông ấy thắng kiện.”Học viên ông Triệu Quốc Giang ở thành phố Tương Dương đã bị bắt giữ vào tháng 08 năm 2011 vì nói với một số sinh viên về Pháp Luân Công. Khi gia đình ông cho Tòa án Phiền Thành biết rằng họ đã thuê một luật sư, thẩm phán Phùng nói rằng thuê luật sư chẳng có ích gì cả, vì “Học viên Pháp Luân Công sẽ bị kết án dù là luật sư của ông ấy thắng kiện.”

“Chúng tôi cung cấp văn bản cho mọi trường hợp kháng cáo, ngoại trừ liên quan đến Pháp Luân Công.” Ông Diệp Duyên Đông ở huyện Khang Bình, tỉnh Liêu Ninh đã bị bắt giữ vào tháng 12 năm 2010 khi nói chuyện về Pháp Luân Công với mọi người, và đã bị kết án hai năm lao động cưỡng bức. Gia đình ông đã kháng cáo lên Tòa án Trung thẩm Thiết Lĩnh, vốn đã từ chối vụ án. Khi gia đình ông Diệp yêu cầu các quan chức cung cấp văn bản kháng cáo, một người nói: “Chúng tôi cung cấp văn bản cho mọi trường hợp kháng cáo, ngoại trừ liên quan đến Pháp Luân Công.”

“Nói với người khác về thoái ĐCSTQ là vi phạm pháp luật.” Sau khi bà Lưu Quế Phượng, một học viên ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, và năm học viên khác kháng cáo bản án của họ, một thẩm phán họ Lưu ở Tòa án Trung thẩm Thẩm Dương đã nói với họ: “Nói với người khác về thoái ĐCSTQ là vi phạm pháp luật.” Nhưng ông ta từ chối giải thích tính pháp lý khi bị chất vấn.

“Tôi không quan tâm là hợp pháp hay phi pháp. Miễn là ĐCSTQ còn nắm quyền, tôi sẽ không phải chịu trách nhiệm.” Học viên Pháp Luân Công, ông Hàn Xuân Long ở thành phố Thẩm Dương đã bị bắt giữ trong một chuyến công tác vào tháng 12 năm 2012. Sau khi gia đình ông thuê một luật sư để biện hộ cho ông, thẩm phán Đào Chiêm Hoa ở Tòa án quận Chấn Hưng tại thành phố Đan Đông đã từ chối luật sư.

Khi luật sư nói rằng việc này là phi pháp, Đào trả lời: “Tôi không quan tâm là hợp pháp hay phi pháp. Miễn là ĐCSTQ còn nắm quyền, tôi sẽ không phải chịu trách nhiệm.”

“Chúng tôi làm việc dựa trên chỉ dẫn của Ủy ban Chính trị và Pháp luật, không phải [dựa trên] luật. Câu này là phát biểu của Hoàng Tiến, một thẩm phán ở khu Thiết Đông, thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh. Hoàng đã công khai ý kiến của mình.

“Dù gì thì lời của các quan chức cấp cao hơn nói với tôi mới là luật.” Tòa án khu Thiết Đông, tỉnh Liêu Ninh đã tích cực tham gia đàn áp các học viên Pháp Luân Công, gồm cả bà Hình Đan đã bị xét xử vào ngày 14 tháng 11 năm 2014.

Để biện minh cho hành vi của mình, Hoàng Tiến nói: “Dù gì thì lời của các quan chức cấp cao hơn nói với tôi mới là luật.”

(Còn tiếp)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/1/9/302861.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/1/25/148101.html

Đăng ngày 27-05-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share