Bài viết của một học viên Pháp Luân Công ở Ý

[MINH HUỆ 09-10-2014] Hội nghị năm 2014 của Hiệp hội Cấy ghép Nội tạng Ý (SITO) vừa được tổ chức ở Siena vào cuối tháng 09. Nạn buôn bán nội tạng phi pháp là một trong những chủ đề được đưa ra thảo luận tại hội nghị, và các thành viên tham dự đã lên án nạn mổ cướp nội tạng đang diễn ra ở Trung Quốc.

Vấn đề “kho nội tạng sống” đã được đưa ra, đặc biệt trong bối cảnh nạn mổ cướp nội tạng diễn ra một cách có hệ thống đối với các tù nhân lương tâm.

a15ff7917b9c77fd0ec73804d7b836cb.jpg
Giáo sư Franco Citterio, chủ tịch của SITO (Hiệp hội Cấy ghép Nội tạng Ý)

Theo SITO, có ít nhất 10.000 ca ghép tạng phi pháp mỗi năm với mức giá đáng kinh ngạc: ở Trung Quốc – nơi chính quyền kiểm soát bệnh viện và nhân viên y tế – một quả thận có giá lên tới 70.000 USD. Việc lấy nội tạng từ tử tù là hành vi đi ngược lại với tiêu chuẩn y đức. Vào tháng 10 năm 2012, Tổ chức Y khoa Thế giới đã quy định rõ ràng rằng “ở những nơi mà luật pháp sử dụng án tử hình, tử tù bị hành quyết không thể được coi là người hiến tạng và/hoặc hiến mô.”

“Chúng tôi biết tình hình ở Trung Quốc,” giáo sư Citterio nói, “[quốc gia đó] đã bị cảnh cáo bởi Hiệp hội Cấy ghép tạng Quốc tế. Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra vài lời phát biểu rằng điều đó sẽ không tái diễn. Nhưng thực tế thì không phải như vậy, tội ác này đang tiếp tục được thực hiện.

Vào tháng 11 năm 2013, Trung Quốc đã ký Nghị định Hàng Châu, tuyên bố ý định chấm dứt lấy nội tạng từ tử tù. Điều này đã được cộng đồng y tế thế giới biểu dương.

Tuy nhiên, chỉ một vài tháng sau, vào tháng 03 năm 2014, các viên chức Trung Quốc lại tuyên bố sẽ tiếp tục dùng nội tạng từ tử tù, và thông tin về các thi thể sẽ được đưa vào một hệ thống máy tính mới dùng để quản lý nội tạng.

“Ở Trung Quốc, người hiến tạng bị giết chết,” bác sỹ Katerina Angelakopoulou phát biểu. Bà là phát ngôn viên của Hiệp hội Bác sỹ Chống Cưỡng bức Mổ cướp Nội tạng (DAFOH) tại Ý. Tổ chức này được thành lập vào năm 2007 và hướng đến bảo vệ y đức.

DAFOH đang khởi xướng một chiến dịch quốc tế chống lại nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc. Một nhóm các bác sỹ đã quyết định lập ra tổ chức này sau cuộc điều tra năm 2006 của các luật sư nhân quyền David Matas và David Kilgour – cựu Bộ trưởng Ngoại giao Canada.

Họ đã xuất bản một cuốn sách – “Thu hoạch đẫm máu” – trong đó chỉ ra có ít nhất 41.500 nội tạng đã bị mổ cướp trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2005, từ các học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện bị chính quyền Trung Quốc đàn áp.

“Tôi tin rằng cộng đồng quốc tế phải lên án mạnh mẽ và gây áp lực đối với hoạt động này,” giáo sư Franco Citterio đề nghị, ông nói thêm rằng ở Ý thời gian chờ trung bình để có thận ghép là hai năm, trong khi ở Trung Quốc có thể chỉ từ một đến bốn tuần.

Vào tháng 03 năm 2013, Ủy ban Nhân quyền của Thượng viện Ý đã thông qua nghị quyết chống lại nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc. Khoảng hai tháng sau đó, một liên hiệp bao gồm các Nghị sĩ Quốc hội Ý đã được lập ra.

“Có khoảng hơn một chục Nghị sĩ Quốc hội mong muốn hợp tác ở mức độ quốc tế, để chấm dứt hành vi vô nhân đạo này ở Trung Quốc,” bác sỹ Angelakopoulou nói.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/10/9/298728.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/10/11/146331.html
Đăng ngày 05-11-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share