Bài viết của Nhất Chính, một học viên từ thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 02 – 09 – 2014] Dù đã tu luyện Pháp Luân Công nhiều năm nhưng tôi vẫn không nhận ra mình có chấp trước tật đố cho đến thời gian gần đây. Trước đây, tôi nghĩ rằng tâm tật đố liên quan đến việc ngưỡng mộ ai đó hoặc khi tôi là người giỏi hơn những người khác. Vì vậy, tôi thấy mình không có tâm tật đố với người khác, mà ngược lại, chỉ có thể là người ta tật đố với tôi. Thật ra, chấp trước tật đố của tôi vẫn có, nhưng lại được che giấu một cách tinh vi và khó phát hiện. Nhờ an bài của Sư phụ mà chấp trước tật đố của tôi đã được bộc lộ và tôi có cơ hội để loại bỏ nó.

Thể hiện ban đầu của tâm tật đố – Tôi tật đố vì học viên A có tiền lương hưu cao hơn

Đồng tu A là bạn cấp hai và cũng là một người bạn thời thơ ấu của tôi. Trong bài viết này, tôi sẽ gọi cô ấy là A. Tôi hồng Pháp cho A sau khi bắt đầu tu luyện.

Chồng của A cũng là bạn cùng lớp với tôi. Cả hai đều đã nghỉ hưu từ một công ty nhà nước và lương hưu của họ gấp đôi của tôi vì tôi chỉ làm việc trong một công ty tư nhân.

Tôi đã thành lập một điểm sản xuất tài liệu tại nhà và tự lo phần lớn kinh phí. Tất cả tài liệu in ấn là do tôi chi trả. Tôi nghĩ rằng A có thể hỗ trợ tôi một phần chi phí làm CD hay DVD để các học viên từ vùng quê có thể giảm bớt gánh nặng.

Tuy nhiên, chồng của bà ấy kịch liệt phản đối việc dùng tiền vào các dự án Đại Pháp và giám sát chặt chẽ việc chi tiêu của bà ấy. Chẳng hạn, nếu bà ấy cần tiền để đi xe buýt đến điểm học Pháp thì ông ấy sẽ chỉ đưa cho bà vừa đủ số tiền cho chuyến đi.

Tâm tật đố bộc lộ lần thứ nhất

Vào mùa Thu năm 2011, tại một buổi học Pháp nhóm, học viên A chia sẻ kinh nghiệm tu luyện trong việc xin tiền từ chồng của bà ấy. A nói rằng chồng của bà đã đồng ý cho bà 100 nhân dân tệ mỗi tháng để hỗ trợ điểm sản xuất tài liệu.

Sau khi nghe chia sẻ của A, tôi nói với giọng điệu mỉa mai: “Thế thì ít quá. Tại sao cậu không xin thêm? 100 nhân dân tệ mỗi tháng là quá ít và nói ra thật đáng xấu hổ.”

Ngay khi tôi nói xong, một đồng tu trẻ không thể nhịn được cười. Học viên A thấy xấu hổ và không chịu được điều tôi vừa nói nên đã ngay lập tức đứng dậy rời đi.

Khi bà ấy không đến buổi học Pháp sau đó, tôi đã bị các học viên khác trách mắng vì thiếu từ bi với A. Tôi nhận ra vấn đề của mình và đến thăm bà ấy để xin lỗi.

Sau khi rời khỏi buổi học Pháp trước đó, A đã về nhà và khóc đến mức bị sốt cao mất mấy ngày. Cuối cùng, bà ấy phải tiêm IV để kiểm soát cơn sốt.

Sau khi tôi xin lỗi, bà ấy cảm thấy đỡ hơn và trở lại nhóm học Pháp.

Tâm tật đố bộc lộ lần thứ hai

Sau Tết Nguyên Đán năm 2012, A đến buổi học Pháp nhóm và bà ấy lấy DVD Thần Vận để phân phát. Tôi nói: “DVD Thần Vận có chất lượng rất cao và tốn nhiều tiền để làm, cậu hãy phân phát chúng khi nói chuyện trực tiếp với người ta thôi nhé.”

Vài ngày sau, tôi nhận điện thoại từ chồng của A. Anh ấy nói: “A suýt chết vì bà đấy!” Thực tế là bà ấy đã bị đột quỵ vì đau tim. Bà ấy được đưa đến bệnh viện cấp cứu và sau đó phải nằm ở nhà để chờ hồi phục.

Tôi và hai đồng tu khác đã đến nhà bà ấy để thăm, nhưng chồng bà ấy kiên quyết không cho chúng tôi vào nên chúng tôi đành phải ra về. Vài ngày sau, tôi đi một mình và có thể nói chuyện với A khi chồng bà không có ở nhà.

Có vẻ như A về nhà sau khi học Pháp và lại khóc vì bà ấy nghĩ rằng lời nhắc nhở của tôi là nhắm vào bà ấy. Bà ấy nghĩ rằng tôi đang yêu cầu bà ấy hỗ trợ thêm tiền để làm DVD và làm tài liệu. Bà ấy đã lo lắng tới mức bị đau tim.

Tôi đã không giải thích với bà ấy rằng đó chỉ là một lời nhắc nhở và tôi không có ý định yêu cầu hỗ trợ tài chính.

Đúng lúc đó, chồng của bà ấy trở về nhà. Thấy tôi ngồi trên ghế, anh ấy bắt đầu chửi rủa và kéo tôi ra khỏi nhà. Từ nhà anh ấy ra đến cửa có ba bậc, và mắt cá chân của tôi đã bị kẹt vào một bậc, nhưng anh ấy vẫn tiếp tục kéo. Cuối cùng anh ấy kéo lê tôi ra bãi đất ngoài cổng và quẳng đồ đạc của tôi ra khỏi cửa sổ.

Tôi ngồi đó và chịu đựng cơn đau ở bàn chân. Cuối cùng, tôi từ từ đứng lên và bước đi. Tôi thấy người ta đang nói chuyện ở tầng một nên tôi đã đến đó để nói vài lời, nhưng có một người đàn ông hét lên từ đằng sau: “Đi ra khỏi đây.” Tôi mỉm cười với họ và đi khập khiễng ra ngoài cửa. Tôi đã bắt một chiếc taxi để về nhà.

Nhận ra mình có chấp trước tật đố

Sau khi tôi về nhà, mắt cá chân phải của tôi bị sưng tím lên. Nó đau đến nỗi tối hôm đó tôi không thể ngủ được.

Khi đau đớn nằm đó, tôi nhận ra rằng khổ nạn của tôi bắt nguồn từ một vài chấp trước người thường. Sau khi hướng nội, tôi nhận ra rằng tôi có suy nghĩ xem thường cặp vợ chồng đó. Tôi phải thật sự thừa nhận rằng tôi đã không dùng giọng điệu đúng đắn để nói chuyện với A, đó là lỗi của tôi, nhưng tôi thật sự đã nghĩ Sư phụ đang điểm hóa cho bà ấy bằng cách dùng miệng của tôi. Tôi thấy rằng đó là để giúp bà ấy đề cao tâm tính.

Sau đó, tôi miễn cưỡng hướng nội sâu hơn. Thật ra, từ tận đáy lòng mình, tôi đã xem thường chồng của A. Anh ấy không có tài cán gì nhưng lại rất hay đòi hỏi vì anh ấy bị ảnh hưởng nặng bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Tôi bắt đầu nhận ra rằng khổ nạn của mình sinh ra bởi tôi thiếu từ bi với người khác và ôm giữ những suy nghĩ khiêu khích với họ.

Ngày hôm sau, tôi không luyện công vì không thể ngồi song bàn. Thay vào đó, tôi tập trung học Pháp. Tôi đọc bài kinh văn “Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp” của Sư phụ.

Tôi phát hiện rằng ngoài việc khinh thường đồng tu đó, tôi còn có chấp trước tật đố. Lương hưu của vợ chồng đó cao gấp đôi của tôi và tôi đã tật đố, khiến cho tôi nói ra những lời mỉa mai với bà ấy. Tôi đã hoàn toàn không chiểu theo các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn của Đại Pháp.

Tôi nhớ tới điều các đồng tu khác đã chỉ ra: “Dù đóng góp bao nhiêu thì đó là tự tâm và không ai được quyền bình luận về điều đó. Kiếm được nhiều tiền hơn không có nghĩa là phải đóng góp nhiều hơn.”

Tôi hiểu rằng chúng ta không thể áp đặt người khác trong tu luyện. Chúng ta không thể ép buộc một học viên ngừng uống thuốc khi họ gặp nghiệp bệnh và chúng ta không thể ép buộc các học viên làm ba việc. Ép buộc người khác có thể được xem là phá hoại Pháp. Tôi đã nói một vài điều với A để ép buộc bà ấy, việc đó cũng tương đương với phá hoại Pháp.

Khi phát hiện ra chấp trước tật đố của mình, tôi bắt đầu tự chất vấn bản thân và nghĩ rằng nó không phải là mình: “Hãy nhìn ngươi xem. Ngươi thật là ngu ngốc làm sao! Tại sao ngươi lại tật đố với lương hưu của họ như vậy. Nếu ngươi có lương hưu cao bằng họ, thì ngươi có thể đã không có cơ hội được biết Đại Pháp. Tiền đó được đổi bằng đức của họ. Ngươi không nghĩ rằng có ít tiền hơn nhưng vẫn đủ sống và giữ được thêm đức sẽ tốt hơn hay sao? Ngươi phải loại bỏ tâm tật đố.”

Sau khi loại bỏ được tâm tật đố của mình, tôi cảm thấy hạnh phúc khôn tả. Trong vòng chưa đầy một tuần, tôi đã có thể luyện công trở lại. Giờ tôi đã có thể ngồi song bàn trong hai giờ đồng hồ để học Pháp mà không bị đau chân.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/9/2/剜心透骨修去嫉妒心-296723.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/9/18/3311.html

Đăng ngày 01-10-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share