Bài viết của Nhất Phàm, một học viên từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 08 – 08 – 2014] Khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, tôi nhìn thấy một chữ “Chân” lớn ngay trước mắt khi đang học Pháp. Khi lật tiếp các trang sách, tôi lại nhìn thấy một chữ “Thiện” lớn. Càng học, tôi càng thấy hai chữ “Chân” và “Thiện” liên tục xuất hiện. Điều này tiếp tục diễn ra trong một vài ngày. Tôi cảm thấy bối rối vì tại sao tôi lại không thấy được chữ “Nhẫn”. Tôi nghĩ rằng đó là vì mình tu nhẫn chưa đủ tốt. Nhìn lại, tôi nhận ra rằng dường như mọi trải nghiệm của tôi đều liên quan đến việc tu nhẫn.

Nhẫn trong gia đình

Khi hướng nội, tôi thấy mình không có gì sai khi không dung thứ cho cuộc bức hại. Làm sao chúng ta có thể cho phép việc đánh đập các học viên vô tội xảy ra?

Sư phụ giảng:

“[nhưng nếu] chư vị thấy [việc] sát nhân phóng hoả mà không quản thì đó lại là vấn đề tâm tính; nếu không thì thể hiện là người tốt sao được? Sát nhân phóng hoả mà chư vị cũng chẳng quản, thì hỏi chư vị quản việc gì nữa đây?” (Bài giản thứ Chín, Chuyển Pháp Luân)

Tôi cũng vô cùng buồn bã khi người khác nói xấu Sư phụ. Tôi không thể giữ im lặng hay tha thứ cho những người có thái độ thù địch với Sư phụ. Có lần tôi nói với gia đình: “Mọi người có thể nói bất kỳ điều gì về con, nhưng không thể nói xấu Sư phụ của con. Con sẽ không tha thứ cho điều đó!”  Tôi thường tranh cãi với người khác về Pháp Luân Công. Thỉnh thoảng tôi thậm chí còn cãi nhau với gia đình và phàn nàn trong nhiều năm. Tôi đã phải tốn rất nhiều thời gian để khôi phục lại các mối quan hệ trong gia đình.

Cha tôi là một người trí thức. Sau khi đọc Cửu Bình Cộng sản Đảng, ông công nhận tất cả nội dung trong đó là đúng. Ông đã nhận ra được bản chất tà ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và thoái Đảng. Tuy nhiên, ông sợ rằng những thay đổi trong hệ thống chính trị sẽ dẫn đến sự hỗn loạn. Ông biết rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt, và Chân – Thiện – Nhẫn là tốt, nhưng vẫn kiên quyết phủ nhận sự tồn tại của Thần, Phật. Khi cha tôi cao tuổi hơn, thính giác và năng lực tư duy của ông cũng giảm sút, nên việc giao tiếp với ông trở nên khó khăn hơn.

Năm ngoái, mẹ của tôi, cũng là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, gặp vấn đề về sức khỏe. Cha tôi đưa bà đến nhiều bệnh viện để khám và khăng khăng đòi bà ở lại bệnh viện. Tuy mẹ của tôi không muốn điều đó nhưng bà cũng ngại tranh cãi với chồng. Tôi đã khóc vì lo lắng không biết mẹ có vượt qua khảo nghiệm này tốt không, và liệu cha tôi có hiểu nhầm Pháp Luân Đại Pháp hay không. Tôi đã cố nhiều cách để trì hoãn kế hoạch của cha và hy vọng mẹ sẽ hồi phục nhanh chóng. Mỗi lần đến gặp họ, tôi thường liên tục nói chuyện với mẹ và áp đặt thể ngộ của tôi cho bà. Cả tôi và mẹ tôi đều không biết rằng chúng tôi đang ôm giữ chấp trước truy cầu mạnh mẽ.

Cha tôi tiếp tục ép mẹ ở lại bệnh viện và cuối cùng chúng tôi đã xảy ra tranh cãi. Ông nói: “Con không chịu cho mẹ đi bệnh viện vì con tu luyện sao? Con đang gây cản trở cho mọi thứ. Con mới là mấu chốt. Mẹ của con cảm thấy khỏe hơn khi có con ở đây, và bà ấy thấy yếu mỗi khi con rời đi. Nếu con quan tâm đến mẹ, con nên chuyển đến đây để giúp đỡ bà ấy. Đừng rời đi sau khi mới nói được vài lời.” Mặc dù tôi có quá nhiều việc để làm, nhưng tôi vẫn thỏa hiệp: “Được rồi, ngày mai con sẽ ở lại đây.” Cha tôi nói: “Không phải chỉ một ngày. Hãy ở lại trong vài tuần, một tháng, hoặc lâu hơn!”

Tôi rời đi mà trong lòng vẫn còn bất bình và tức giận. Tôi không thể bình tĩnh hay suy nghĩ mạch lạc sau khi trở về nhà. Tôi đứng trước chân dung của Sư phụ và đột nhiên tôi thấy nước mắt tuôn ra từ đôi mắt của Sư phụ. Tôi thấy sốc và vội vàng nói: “Thưa Sư phụ, con sai rồi. Con biết là con đã sai rồi.” Tôi ngồi xuống và khóc vì biết rằng đó là lỗi của mình. Sau khi tĩnh tâm lại, tôi đã học Pháp. Mỗi từ trong Pháp đều như chạm tới tâm can của tôi. Tôi hướng nội và suy xét sự việc từ quan điểm tu luyện. Cuối cùng, tôi quyết định xả bỏ tâm lo lắng và cái tình, đồng thời phát chính niệm. Sự lo lắng của cha tôi là có thể hiểu được. Tôi nhận ra rằng mẹ tôi là một học viên Đại Pháp, bà nên tự quyết định cho bản mình, và bà cần phải đi trên con đường mà Sư phụ an bài cho bà.

Ngày hôm sau, tôi nói với cha tôi: “Con hoàn toàn hiểu được sự lo lắng của cha. Là học viên Pháp Luân Đại Pháp, thông qua tu luyện, con và mẹ đều biết được những lý do đằng sau bệnh tật. Đó là lý do tại sao mẹ con và con chia sẻ nhận thức về cách bà nên giải quyết việc này. Nhưng cuối cùng thì mẹ sẽ là người đưa ra quyết định cho bản thân. Con hoàn toàn ủng hộ dù bà có quyết định thế nào. Con sẽ cố hết sức để chăm sóc mẹ. Xin cha đừng lo lắng.”

Cha tôi nhìn tôi và lúng túng. Ông có vẻ như muốn tranh cãi, nhưng không thể tìm được lý do. Ông bảo với mẹ tôi: “Tôi không biết phải làm gì. Bà hãy nói cho tôi biết đi.” Tối hôm đó, cả cha và mẹ tôi nói rằng họ không cần tôi ở lại vì tôi còn nhiều việc phải làm. Cuối cùng, vấn đề sức khỏe của mẹ đã được giải quyết một cách từ bi sau khi chúng tôi chia sẻ thể ngộ với nhau.

Nhẫn với các đồng tu

Tôi và học viên A thường học các bài giảng và chia sẻ thể ngộ với nhau. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, chúng tôi đã động viên và hỗ trợ lẫn nhau trong những lúc khó khăn. Chúng tôi theo sát tiến trình Chính Pháp bằng cách lên website Minh Huệ và đọc những câu chuyện về việc các học viên giúp mọi người hiểu chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại, sau đó làm và phân phát tài liệu giảng chân tướng. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nguy hiểm, nhưng lại an toàn dưới sự bảo hộ của Sư phụ.

Trong nhiều năm, chúng tôi đã chia sẻ thể ngộ về các Pháp lý và trải qua nhiều thăng trầm. Tuy nhiên, sau khi cùng nhau đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Đại Pháp, cả hai đã bị đưa đến các lớp học tẩy não. Chúng tôi đã không làm tốt và bị mê lạc.

May mắn thay, Sư phụ từ bi đã đưa chúng tôi quay lại tu luyện. Tuy nhiên, chúng tôi lại xảy ra mâu thuẫn với nhau. Các chấp trước đã khiến chúng tôi tách ly nhau. Tôi nghe người khác kể rằng học viên A đã nói xấu tôi và những lời của cô ấy được lan truyền trong các đồng tu và gây ra ảnh hưởng tiêu cực. Tôi khó có thể chịu được điều này. Mặc dù tôi biết rằng mình còn nhiều phương diện cần phải đề cao, nhưng tôi không thể vứt bỏ được cảm giác bị đối xử bất công và suy nghĩ về những điều mà người khác đã làm sai.

Bị bao vây bởi cảm giác lạc lối trong tu luyện, tôi đã nhìn lên bầu trời và hét lớn thỉnh cầu Sư phụ giúp đỡ.

Lời giảng của Sư phụ liền xuất hiện trong tâm trí tôi:

“Nhẫn là chìa khoá của đề cao tâm tính. Nhẫn mà uất hận, uỷ khuất, hay đẫm lệ là cái nhẫn của người thường với chấp trước vào tâm lo nghĩ, hoàn toàn không hề nảy sinh uất hận, không cảm thấy uỷ khuất thì mới là cái Nhẫn của người tu luyện.” (Tinh Tấn Yếu Chỉ – Thế nào là Nhẫn?)

Đột nhiên, tâm trí tôi tràn đầy hình ảnh của những học viên đã tận tụy chứng thực Pháp. Tất cả những điều tôi có thể thấy là các học viên đã hy sinh bản thân để cứu độ chúng sinh bất chấp khổ cực. Họ thật là những người tu luyện vĩ đại! Tôi ngừng khóc và thấy được thiếu sót của mình. Tôi nhận ra cách để làm tốt hơn. Tôi không còn để tâm đến giọng điệu của người khác khi họ nói chuyện với tôi. Tôi nhận ra rằng mọi thứ xảy ra là để tôi tu luyện và từ bỏ chấp trước. Bỗng chốc, những suy nghĩ tiêu cực đè nặng trong tâm trí tôi đã vơi đi rất nhiều.

Sau đó tôi nghe nói rằng học viên A cảm thấy rất có lỗi về chuyện xảy ra giữa hai chúng tôi. Lúc đó, tôi không còn thấy vui hay không vui về những gì đã xảy ra. Trong những năm gần đây, các học viên đã nhận ra tầm quan trọng của việc tu luyện bản thân. Chúng tôi đã xem lại nhiều lần video “Giảng Pháp dành cho các học viên Úc” của Sư phụ. Chúng tôi hướng nội kỹ càng và cảm thấy như Sư phụ đang nói với chúng tôi. Tôi đã thấy được sự vô tư, kiên định của các đồng tu, cũng như sự ích kỷ và bảo vệ bản thân của mình.

Tôi từng sợ bị trách mắng và tổn thương. Tôi từng than phiền và không thể tha thứ cho sai lầm hay chấp trước của những người khác. Tâm thái này đã ngăn cản con đường đề cao và phối hợp của tôi. Tôi cũng nhận ra tâm tật đố và những phàn nàn ẩn giấu của mình. Tôi đã xin lỗi học viên A. Chúng tôi đã bỏ qua xích mích và chân thành đối diện với nhau và với chính mình. Thông qua đó, tôi đã học được thiện và nhẫn.

Nhẫn với đồng nghiệp

Một đồng nghiệp mới ở phòng của tôi không được hiểu biết lắm nhưng lại thích hiển thị. Anh ấy được chọn làm người giám sát. Tôi không đánh giá cao anh ấy lắm. Đôi lúc, tôi thậm chí còn tỏ ra phản đối quyết định để anh ấy làm người giám sát.

Khi anh ấy nghỉ phép, tôi được đề nghị tạm thời đảm trách nhiệm vụ giám sát. Tôi đã dồn nhiều tâm trí vào việc điều phối và giúp cho mọi việc vận hành trôi chảy. Nhưng ngay khi anh ấy trở về sau kỳ nghỉ, anh ấy lại bắt đầu làm xáo trộn mọi thứ. Đồng thời, anh ấy cũng giành công cho mọi thành quả mà chúng tôi đã phải vất vả để đạt được. Một đồng nghiệp khác bảo với tôi: “Chị đã làm rất tốt để sắp xếp mọi việc khi anh ấy đi vắng. Tất cả chúng tôi đều biết phải làm gì. Giờ thì anh ấy về và mọi thứ lại lộn xộn.” Những lời đó càng khiến tôi không thích người giám sát. Tôi thường cảm thấy khổ tâm và kiệt sức vì tâm tranh đấu của mình.

Là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, tôi biết tâm tật đố đang ảnh hưởng đến mình và tôi cần phải đề cao bản thân. Mặt khác, rất khó để từ bỏ chấp trước vào danh lợi của tôi. Tôi đã đấu tranh với nó trong một thời gian dài. Tôi tự nhủ rằng tôi phải loại bỏ tâm tật đố, bởi đó là một chướng ngại cho tu luyện và cứu độ chúng sinh. Nhìn lại hành vi của chính mình, tôi thấy bản thân mình hay nói chuyện với những người khác bằng giọng điệu chỉ huy và thiếu từ bi. Tôi thường quá chú ý tới chủ kiến của mình tại nơi làm việc và trong lúc làm các hạng mục liên quan đến Đại Pháp. Tôi rất bảo thủ và hay áp đặt quyết định của mình lên những người khác mà không tự biết.

Tôi từng cảm thấy tự ti. Nhiều chấp trước của tôi đã được ẩn giấu dưới vẻ ngoài có vẻ hiền lành và khép kín. Bây giờ những chấp trước này đã được phơi bày khi tôi tự tin hơn. Tôi nhận ra cảm giác tự ti và tự tôn là hai mặt của cùng một chấp trước. Tôi đã phát chính niệm để loại trừ chấp trước này và chỉnh sửa lại bản thân. Tôi có thể nói rằng mình đã thay đổi.

Thông qua việc học Pháp, hướng nội và liên tục chỉnh sửa lại bản thân, tôi đã học được cách trở nên thấu hiểu, từ bi và nhẫn nại hơn.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/8/8/学会宽容-295694.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/9/3/2830.html

Đăng ngày 29-10-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share