Bài viết của một học viên ở Trung Quốc Đại lục

[MINH HUỆ 23-08-2014] Là một điều phối viên, tôi luôn động viên các đồng tu gửi bài chia sẻ của họ cho Pháp hội Trung Quốc trực tuyến. Ngoài việc gửi bài của mình, tôi cũng giúp chỉnh sửa bài của một số học viên khác, trong đó có bài của học viên A.

Học viên này đã có một bước đột phá trong hạng mục gọi điện thoại thuyết phục mọi người thoái xuất khỏi các tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong hai năm qua. Cô đã viết về những trải nghiệm tu luyện của cô trong việc này.

Sau khi Pháp hội lần thứ 10 bắt đầu, một học viên khác nói với tôi rằng bài viết của học viên A đã được đăng trên Minh Huệ. Sau đó khi gặp học viên A, tôi cảm thấy không được ổn. Tôi và học viên A có một mối quan hệ tốt, chúng tôi thường cùng nhau nói cho mọi người biết về cuộc đàn áp. Nhưng thay vì cảm thấy mừng cho cô ấy, tôi lại nghĩ rằng bài viết của mình nên được đăng trước.

Đêm ấy sau khi về đến nhà, tôi cảm thấy lạc lỏng, chán nản và vô cùng thất vọng về bản thân cũng như tương lai của mình. Tôi thậm chí còn cảm thấy như bị bỏ rơi.

Tôi nghĩ: “Chuyện gì đang xảy ra với mình vậy? Mình là một điều phối viên và luôn luôn khuyến khích các đồng tu cùng nhau đề cao như một chỉnh thể. Khi học viên A mới tham gia hạng mục gọi điện thoại, cô ấy đã gặp phải trở ngại lớn và mình thường gọi điện để động viên, chia sẻ với cô ấy những trải nghiệm của mình. Bây giờ cô ấy đã tốt lên thì mình lại cảm thấy không được thoải mái!”

Tôi biết rõ đó là tâm tật đố. Nhưng mãi đến lúc đó tôi vẫn không nhận ra nó lại mạnh mẽ đến vậy. Giống như Sư phụ giảng:

“Bởi vì tâm tật đố biểu hiện cực kỳ mạnh mẽ ở Trung Quốc, mạnh mẽ đến mức đã trở thành tự nhiên, bản thân không cảm giác thấy.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Khi nghĩ về tâm tật đố, tôi chưa bao giờ ý thức về việc loại bỏ chấp trước này. Qua đây, tôi càng thể ngộ sâu sắc hơn về Pháp của Sư phụ:

“Nếu tâm tật đố không dứt bỏ, thì hết thảy các tâm người ta tu luyện được đều biến thành yếu nhược. (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Tôi bắt đầu chép lại đoạn Pháp giảng về “Tâm tật đố” trong Chuyển Pháp Luân. Tôi cảm thấy việc này sẽ giúp tôi loại bỏ rất nhiều vật chất xấu. Trong quá trình này, tôi thấy rằng bất cứ khi nào Sư phụ đưa ra một ví dụ về tâm tật đố, Ngài đều nói về việc xem thường người khác và cảm thấy khó chịu khi nghe về những điều tốt của người khác.

Nhìn lại bản thân, tôi phát hiện mình có quá nhiều biểu hiện của tâm tật đố trong tư tưởng. Ví dụ như: Tôi thường có những suy nghĩ tiêu cực về các đồng tu, nghĩ học viên này có quá nhiều quan niệm người thường, người đó không hiểu rõ về các nguyên lý của Pháp; người kia thậm chí không biết tu luyện như thế nào, cô ấy có quá nhiều văn hóa Đảng, v.v.

Ngay cả sau khi một học viên đã thuyết phục được nhiều người thoái xuất khỏi các tổ chức của ĐCSTQ, tôi cũng sẽ so sánh chúng với con số mà tôi đã đạt được thay vì thật sự cảm thấy vui mừng cho các đồng tu của mình. Đó chẳng phải là biểu hiện của tâm tật đố sao?

Khi hướng nội sâu hơn nữa, tôi nhận ra lý do tôi không tự tin trong công tác điều phối. Bất cứ khi nào gặp phải một vấn đề, tôi sẽ nghĩ đến việc thoái lui và luôn cảm thấy mình đang phải đối mặt với một cơn bão lớn.

Tôi từng nghĩ rằng các học viên nhận thức rõ về Pháp lo lắng quá nhiều khi làm các việc, và những người tiên phong [trong làm các việc] thì hiểu Pháp rất nông cạn. Tôi cảm giác như không có bất kỳ ai để tôi có thể nhờ cậy và có được sự ủng hộ. Tôi thường phàn nàn và đổ lỗi cho các đồng tu. Chẳng phải biểu hiện xem thường người khác này là do tâm tật đố gây ra hay sao ?

Tôi từng chia sẻ những trải nghiệm của mình tại một Pháp hội về việc giảng chân tướng qua điện thoại di động. Sau đó, bài viết này được Minh Huệ chọn để biên soạn thành tài liệu giảng chân tướng và được các đồng tu đánh giá cao.

Mặc dù không nói bất cứ điều gì, nhưng trong tâm tôi cảm thấy tự mãn. Sau đó, khi tôi đọc các bài chia sẻ của những người khác về đề tài này, tôi sẽ đem nó so sánh với bài viết của mình một cách vô thức. Tôi không nhận thức được thói quen này trong nhiều năm và luôn luôn nghĩ rằng bài viết của mình tốt hơn của người khác. Đây không phải là tự tâm sinh ma sao?

Khi các học viên nói rằng tôi có con mắt tinh tường để nhận ra các vấn đề, tôi liền cảm thấy tự mãn. Nhưng giờ đây tôi biết rằng đó là một trở ngại trong tu luyện của mình. Nhận ra những vấn đề của người khác để làm gì? Một người tu luyện tinh tấn nên thấu đáo những vấn đề của bản thân mình.

Tôi cảm thấy hối hận. Những ngày sau đó, khi phát chính niệm, việc đầu tiên tôi làm là loại bỏ tâm tật đố của mình. Trong khi tiếp xúc với các đồng tu, tôi cũng để ý đến suy nghĩ của mình và ngay lập tức phủ nhận bất kỳ suy nghĩ tiêu cực nào hướng đến họ hoặc những niệm đầu xem thường các học viên khác.

Tôi từng rất giỏi trong việc tìm kiếm những thiếu sót của người khác. Nhưng giờ đây, tôi bắt đầu nhìn thấy những điểm tốt của người khác. Dường như bằng cách này, tâm tính của tôi cũng được đề cao rất nhiều và tôi đã học được cách thấu hiểu và nhẫn nại với người khác.

Nhờ không ngừng hướng nội, tôi cảm thấy mình đã có những thay đổi đáng kể. Mỗi ngày tôi đều cảm giác toàn thân mình tràn đầy năng lượng. Tôi biết đó chính là Sư phụ đang động viên cho những nỗ lực tiến về phía trước của tôi. Những thay đổi cũng phản ánh trong các cuộc gọi điện giảng chân tướng của tôi; các cuộc gọi bắt đầu diễn ra rất thuận lợi. Một lần, tôi đã thuyết phục thành công 40 người thoái xuất khỏi ĐCSTQ trong một ngày.

Sau đó một vài ngày, tôi nhìn thấy bài chia sẻ Pháp hội của một học viên khác được đăng. Lần này, tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc cho người học viên đó. “Tạ ơn Sư phụ!” Tôi vừa khóc vừa cảm tạ Sư phụ vì Ngài đã giúp tôi đề cao.

Sau đó khi tôi nhìn thấy bài chia sẻ Pháp hội của một học viên khác ở địa phương được đăng trên Minh Huệ, tôi đã tải nó xuống và chia sẻ nó với những người khác trong nhóm học Pháp của chúng tôi.

Mặc dù bài viết của tôi không được đăng, nhưng tôi đã đạt được rất nhiều nhờ tham gia Pháp hội Trung Quốc trực tuyến. Sau đó, tôi đã tìm ra rất nhiều vấn đề trong bài viết đã gửi của mình. Kể từ đó, tôi học được cách nhìn nhận các đồng tu bằng chính niệm.

Nhờ vào thay đổi đó mà tôi nhận ra rằng quanh tôi có rất nhiều học viên tinh tấn. Họ có thế mạnh riêng của mình. Một số có tâm thái cởi mở và rất ít quan niệm. Một số nhận thức Pháp rất tốt và lý trí, có thể tu luyện vững vàng. Một số khác có chính niệm rất mạnh mẽ. Những người khác lại có kỹ năng tổ chức và giao tiếp tốt. Một số là những chuyên gia kỹ thuật mẫn cán v.v. Tất cả đều đang âm thầm phối hợp hài hòa như một chỉnh thể.

Bộ Pháp vĩ đại của Sư phụ cùng sự phối hợp và hỗ trợ của rất nhiều đồng tu đã giúp tôi cảm nhận được sự khích lệ vô cùng to lớn.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/8/23/同修的法会投稿发表之后-296313.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/9/13/3233.html

Đăng ngày 29-10-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share