Bài viết của một nhóm học Pháp ở Thành Đô

[MINH HUỆ 30-05-2014] Đã gần 15 năm kể từ lúc bắt đầu giai đoạn tu luyện trong thời kỳ Chính Pháp. Mặc dù thời gian tu luyện của chúng ta trong Chính Pháp đã được kéo dài bằng những phó xuất vĩ đại của Sư phụ, nhân tâm và những hành vi không đúng đắn vẫn tồn tại trong số các đệ tử Đại Pháp ở Đại lục. Tu luyện là một vấn đề nghiêm túc. Tiêu chuẩn của Đại Pháp rất nghiêm khắc. Chúng ta hãy cùng dành vài phút để tìm ra các chấp trước đằng sau những tư tưởng và hành vi không chính của mình, và làm tốt trách nhiệm của chúng ta – vì Đại Pháp, vì chính chúng ta, và vì chúng sinh.

Những tư tưởng và hành vi không chính

Một số đồng tu thường nói về việc khi nào thì Chính Pháp sẽ kết thúc. Họ nghĩ nó đã kéo dài quá lâu và không thể tiếp tục chờ đợi thêm để quay trở về vị trí của họ trên thiên thượng.

Một số đồng tu thường nhắc đến số lần mà họ tham dự khóa giảng của Sư phụ, và số lần mà họ kiên định khi phải đối mặt với cuộc đàn áp. Họ hài lòng với những trải nghiệm của mình và nghĩ rằng viên mãn chỉ là vấn đề thời gian. Vì vậy họ buông lơi và chờ đến thời khắc cuối cùng của Chính Pháp.

Khi thấy cuộc đàn áp khiến cho một số học viên buộc phải từ bỏ tu luyện, một số học viên sợ rằng cuộc đàn áp sẽ khiến cho họ mất hết tất cả mọi thứ mà họ đã đạt được trong tu luyện. Nhưng họ biết rằng làm ba việc là điều bắt buộc mà một đệ tử Đại Pháp cần phải làm trong giai đoạn Chính Pháp. Vì thế họ giảng chân tướng như để giữ chỗ trước và chờ cho tới khi Chính Pháp kết thúc.

Một số học viên đã tham dự các buổi giảng Pháp của Sư phụ nhiều lần và vẫn kiên định trong trại giam kể từ năm 1999. Họ nghĩ rằng họ đã vượt qua các khảo nghiệm và đạt tiêu chuẩn viên mãn. Họ không vui khi thấy thời gian kết thúc Chính Pháp bị kéo dài. Một số đồng tu ngưỡng mộ họ và đồng ý với họ rằng đã đến lúc kết thúc Chính Pháp và để họ trở về vị trí mà họ xứng đáng.

Giữa một số học viên đã xuất hiện bất đồng liên quan đến thời gian học Pháp nhóm. Một số học viên không vui khi người khác chỉnh lại những từ mà họ đọc sai. Một số không thể hướng nội để tìm ra các thiếu sót của bản thân họ, và sử dụng thái độ của người khác như là một cái cớ.

Một số học viên tùy ý đặt sách Đại Pháp ở bất cứ vị trí thuận tiện nào. Một số thậm chí còn đặt sách Đại Pháp gần chân của họ. Một số không rửa tay sau khi đi vệ sinh và chạm vào sách Đại Pháp với đôi tay dơ bẩn.

Một số học viên làm việc riêng và nói chuyện trong khi nghe các bài giảng của Sư phụ.

Động tác của một số học viên không chính xác vì không thường xuyên luyện công nhóm và không thường xuyên tự điều chỉnh.

Tu luyện là một vấn đề nghiêm túc

Tu luyện là một vấn đề nghiêm túc. Nó không thể được đo lường bằng nhân tâm. Cách một học viên đối đãi với tu luyện của bản thân chính là sự phản ánh tầng thứ tu luyện của người đó.

Kể từ thời điểm một học viên bắt đầu tu luyện, không có gì xảy ra là ngẫu nhiên. Chẳng phải cái gọi là “sự hy sinh” trong cuộc đàn áp là một phần trong tu luyện và là quá trình tiến bộ của chúng ta sao? Mục tiêu của chúng ta là tu luyện bản thân nhằm đạt tới sự giác ngộ chân chính và vứt bỏ tự ngã. Chịu trách nhiệm với Đại Pháp là nhiệm vụ của chúng ta. Ngoài việc để loại bỏ nghiệp lực của chúng ta, một lý do khác mà chúng ta phải chịu đau khổ là vì chúng ta có sơ hở để Cựu thế lực dùi vào. Sư phụ bảo vệ chúng ta khi chúng ta có chính niệm. Liệu chúng ta có từng nghĩ đến việc Sư phụ đã phải chịu đựng nhiều đến thế nào cho chúng ta khi chúng ta nghĩ rằng mình “đã vượt qua khảo nghiệm?” hay không? Đau khổ chẳng có gì để tự hào cả. Chúng ta nên tìm ra thiếu sót của mình, loại bỏ chúng và bước những bước đi vững chắc để cứu độ chúng sinh.

Tu luyện trong giai đoạn Chính Pháp không chỉ là tu luyện cá nhân. Chúng ta nên suy nghĩ từ góc độ trợ Sư Chính Pháp và cứu độ chúng sinh.

Tiêu chuẩn của đệ tử Pháp Luân Đại Pháp trong giai đoạn Chính Pháp là rất nghiêm ngặt. Tất cả chúng ta từng rất tinh tấn khi mới bắt đầu tu luyện. Tại sao chúng ta không thể tiếp tục tinh tấn? Tại sao nhiều chấp trước của chúng ta lại quay trở lại? Suy nghĩ lại một cách cẩn thận, động lực ban đầu của chúng ta là vượt qua cảnh giới con người và tiến đến cảnh giới tốt hơn. Đó là sự ích kỷ. Nếu chúng ta tiếp tục ôm giữ chấp trước này, chúng ta sẽ không có động lực khi thấy chúng sinh đang mong đợi được đắc cứu. Chúng ta sẽ không có động lực để hành động khi thấy chúng sinh gặp nguy hiểm, khi hiểu về nguồn gốc của các đệ tử Đại Pháp, và nhớ lại nguyện ước thiêng liêng của chúng ta là đến đây để trợ Sư Chính Pháp. Chúng ta sẽ không nhớ đến sự an nguy của chúng sinh và những yêu cầu của Sư phụ.

Đây là thời khắc quan trọng để loại bỏ sự ích kỷ và đồng hoá với Pháp. Khi chúng ta phàn nàn rằng Chính Pháp đã kéo dài quá lâu và buông lơi, liệu chúng ta có nhận ra rằng thời gian kết thúc đã được hoãn lại vì chính những lý do này? Nếu Chính Pháp kết thúc ngay bây giờ và sự ích kỷ của chúng ta vẫn tồn tại, liệu Sư phụ có thể trao vị trí nào cho chúng ta?

Một học viên giữ chúng sinh trong tâm của mình sẽ tận dụng tối đa thời gian quý báu mà Sư phụ cấp cho họ bằng sự phó xuất to lớn của Ngài. Khi chúng ta hoàn toàn loại bỏ sự ích kỷ của mình và nghĩ về tình huống nguy hiểm của vô lượng chúng sinh, chắc chắn chúng ta sẽ có thể dũng mãnh tinh tấn như khi chúng ta mới bắt đầu tu luyện. Sự khác biệt duy nhất là chúng ta thường làm điều đó cho bản thân, nhưng hiện nay chúng ta làm điều đó cho chúng sinh.

Thói quen tìm kiếm lời bào chữa

Một số học viên có thói quen tìm kiếm lời bào chữa khi người khác chỉ ra những thiếu sót của họ. Từ quan điểm tu luyện cá nhân, họ đã thất bại trong việc xem tu luyện là nghiêm túc và chân thành.

Khi nảy sinh mâu thuẫn và phải nghe những lời khó chịu, đó là thời điểm tuyệt vời nhất để hướng nội và chính lại bản thân. Nhưng nếu chúng ta xử lý mâu thuẫn bằng tâm người thường, chúng ta sẽ tìm lý do để bào chữa cho các chấp trước của mình. Do đó, những hành vi không chính sẽ làm tổn thương mối quan hệ giữa các đồng tu, và tầng thứ tu luyện của chúng ta sẽ bị hạ xuống thay vì được đề cao.

Chúng ta có thật sự tin hay không?

Sư phụ đã dạy chúng ta:

“Có người không nâng ngộ tính lên được; có người lấy cuốn sách này của tôi mà tuỳ tiện vẽ vẽ vạch vạch vào đó. Những ai đã khai [mở] thiên mục trong chúng ta đều thấy rằng, cuốn sách này nhìn là thấy ngũ quang thập sắc, lấp lánh ánh vàng kim, mỗi chữ đều là hình tượng Pháp thân của tôi. Nếu tôi nói lời giả thì chính là lừa đảo mọi người; đường vẽ kia từ bút của chư vị là đen thui, chư vị dám tuỳ tiện vẽ lên đó là sao? Chúng tôi đang làm gì tại nơi đây? Chẳng phải đưa chư vị tu lên trên là gì? Có những sự việc chư vị cũng cần suy nghĩ một chút; cuốn sách này có thể chỉ đạo chư vị tu luyện; chư vị có nghĩ rằng nó trân quý hay không? Chư vị bái Phật có thể làm cho chư vị tu luyện chân chính không? Chư vị rất thành kính, chẳng dám chạm khẽ vào tượng Phật, hàng ngày đốt hương cho tượng; vậy mà chư vị dám làm hư hại Đại Pháp vốn thật sự có thể chỉ đạo chư vị tu luyện.” (Chuyển Pháp Luân – Bài giảng thứ chín)

Do lớn lên dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa vô thần, nên khi mới bắt đầu tu luyện hầu hết các học viên người Trung Quốc không thể tin vào Đại Pháp 100%. Khi chúng ta không ngừng tu luyện bản thân, độc tố của chủ nghĩa vô thần sẽ không ngừng được tẩy sạch. Khi một học viên tin tưởng hoàn toàn vào điều Sư phụ giảng trong bài giảng này, góc nhìn của họ về Đại Pháp sẽ thay đổi đáng kể.

Ngày nay, hầu hết đệ tử Đại Pháp đều có thần thông mà Sư phụ ban cho họ. Chẳng phải chúng ta nên kính Sư kính Pháp giống như là những vị Thần cung kính trước Phật Chủ sao? Liệu chúng ta có dám lơ đãng và bất kính khi chúng ta biết rõ cuốn sách Chuyển Pháp Luân bao gồm các tầng tầng các vũ trụ, thiên thể, và không gian? Sư phụ đang chính lại tất cả bằng sức mạnh cự đại của Ngài trong các bài giảng của Ngài; Sức mạnh của Sư phụ thể hiện qua giọng nói của chúng ta khi chúng ta đọc Pháp; toàn thân chúng ta từ tầng thứ thô nhất đến tầng thứ vi quan đang thay đổi theo cơ chế của Đại Pháp trong khi chúng ta luyện các bài công pháp. Làm sao chúng ta lại dám tính toán những được mất của mình bằng tâm người thường? Làm sao chúng ta dám vô ý đọc sai Pháp? Làm sao chúng ta dám không nghiêm túc chỉnh lại các động tác của mình? Kính Sư kính Pháp là tâm thái xuất ra trong tu luyện và nó phản ánh tầng thứ tu luyện của chúng ta.

‘Tây du ký’, một tác phẩm kinh điển của văn học Trung Quốc, có kể về nguồn gốc của hòa thượng Huyền Trang. Ông thực ra là hoá thân của Mục Kiền Liên, đệ tử thứ hai của Phật Thích Ca Mâu Ni. Vì ngủ gật trong khi Phật Thích Ca Mâu Ni giảng Pháp nên ông bị đày xuống thế gian con người trong 10 đời. Sau khi trải qua biết bao đau khổ và lấy được kinh phật, ông mới được phép trở lại thiên thượng. Câu chuyện cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc kính Sư kính Pháp đối với các sinh mệnh trên thiên thượng.

Tu luyện của đệ tử Đại Pháp không chỉ liên quan đến viên mãn cá nhân, mà còn liên quan đến việc để lại một con đường chân chính cho những người tu luyện tương lai. Vì đây là giai đoạn cuối cùng của Chính Pháp, nên các tiêu chuẩn của đệ tử Đại Pháp phải càng ngày càng cao hơn. Cựu thế lực không ngừng nhìn vào chúng ta. Đừng để bản thân có bất cứ sơ hở nào cho cực thế lực dùi vào. Chúng ta hãy bước những bước đi vững chắc và không để cho các chúng sinh phải thất vọng vì chúng ta. Đó là yêu cầu của Chính Pháp và mong muốn của Sư phụ.

Trên đây là bản tóm tắt và phân tích một số suy nghĩ và hành vi không chính nhất định trong nhóm học Pháp của chúng tôi. Mục đích không phải là để đổ lỗi cho bất kỳ học viên nào, mà là để giúp tạo ra một môi trường tu luyện hướng nội và tạo thành một thực thể kiên chắc bất phá, để chúng ta có thể cùng nhau hoàn thành thệ nguyện tiền sử này.

Xin vui lòng chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp trong thể ngộ của chúng tôi.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/5/30/严肃对待修炼和正法时间-292720.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/6/2/1474.html

Đăng ngày 27-06-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share