Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 30 – 03 – 2014] Cuộc sống của bà Mưu Vĩnh Hà, 65 tuổi, một cựu giáo viên trung học ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, đã gặp nhiều khó khăn kể từ khi bà được thả khỏi Nhà tù Nữ Hắc Long Giang vào tháng 07 năm 2012. Nơi làm việc của bà từ chối giải quyết bảo hiểm chăm sóc dài hạn và trả trợ cấp nhà ở, cũng như tiền thưởng cho bà chỉ vì bà kiên định tu luyện Pháp Luân Công.

Từng sống trong những khoảng thời gian đầy biến động ở Trung Quốc đương đại, trong đó có Cách mạng Văn hóa và cuộc bức hại Pháp Luân Công kéo dài 15 năm, cuộc đời bà Mưu đã trả qua nhiều thay đổi to lớn. Bà đã bị bức hại nghiêm trọng, bao gồm tra trấn trong tù và bệnh viện tâm thần; nhưng tu luyện Pháp Luân Công đã nhiều lần giúp bà vượt qua những chấn thương chết người.

Không thể tồi tệ hơn

“Không thể tồi tệ hơn,” bà Mưu mô tả về cuộc đời của mình trước khi gặp được Pháp Luân Công.

Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, bà bị gửi về nông thôn để lao động hơn mười năm khi đang còn là sinh viên năm thứ nhất. Vì những căng thẳng và khổ cực thể chất, bà đã mắc bệnh gan, bệnh dạ dày và không thể đi lại trong hơn một năm. Tình trạng của bà được chương trình phúc lợi chính phủ chứng nhận là “Khuyết tật cấp độ hai”.

Bà Mưu kết hôn ở tuổi 36 và sinh đôi vào năm 1985. Con trai lớn của bà bị liệt não một phần, dẫn đến khiếm khuyết phối hợp ở nửa thân bên phải. Bà phải đút cho con ăn đến khi nó hơn 10 tuổi. Ngoài ra, nó còn bị chậm phát triển. Đứa con trai nhỏ của bà thì bị bệnh tiểu đường.

Mẹ của bà Mưu giúp bà chăm sóc cặp sinh đôi. Tuy nhiên, bà bị liệt sau một tai nạn nổ khí tự nhiên. Gia đình bà phải chịu quá nhiều căng thẳng và cuối cùng chồng của bà Mưu đã ly dị bà khi cặp sinh đôi được năm tuổi.

Cuộc sống của bà cực kỳ khó khăn. Bà Mưu sống được là nhờ sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè.

Phép màu xảy ra trong 40 ngày

Vào ngày 07 tháng 10 năm 1998, Mưu Vĩnh Hà nhận được một cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Công. Bà đọc cuốn sách và thử luyện các bài công pháp Pháp Luân Công. Trong vòng một tháng, các bệnh tật của bà đã biến mất! Bà rất vui mừng. Cặp sinh đôi cũng khỏi bệnh sau khi tu luyện.

Nhìn thấy những thay đổi tích cực ở các con của mình, bà Mưu đến thăm mẹ mình để chia sẻ tin vui về môn tu luyện. Bà hy vọng đưa mẹ về nhà cùng với bà để bà cũng có thể tu luyện Pháp Luân Công. Nhưng các chị em của bà đã không đồng ý cho bà đưa mẹ đi, đặc biệt là khi bà đang bị sốt lúc đó. Tuy nhiên, vì kiên định tin vào những lợi ích của Pháp Luân Công, bà Mưu đã gọi một xe taxi và đưa mẹ của bà về nhà.

Sau 40 ngày, các chị em gái đến thăm bà Mưu. Họ nghĩ rằng mạng sống của mẹ họ sẽ gặp nguy hiểm. Khi đến nơi, họ đã bị sốc: Họ thấy một người đàn bà cao tuổi trông rất thân quen, nhưng tràn đầy năng lượng. Họ hỏi: “Mẹ đây à?”

Bà Mưu mời họ vào trong. Các chị em lại ngạc nhiên và hỏi: “Cô nói chuyện giống với chị của chúng tôi, nhưng cô trông không giống chị ấy.” Những thay đổi kinh ngạc ở bà Mưu và mẹ của bà đã thuyết phục họ. Họ ngay lập tức xem video bài giảng của Pháp Luân Công cùng bà Mưu và mẹ của họ.

Sau đó đứa con trai lớn của bà Mưu đã được nhận vào Đại học Hạ môn và kiếm được một công việc tốt sau khi tốt nghiệp.

Tra tấn bằng thuốc ở bệnh viện tâm thần

Sau khi cuộc bức hại lên Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 07 năm 1999, bà Mưu đã bị đưa đến một bệnh viện tâm thần khi bà đang nói chuyện với những người quản lý của mình về lợi ích của Pháp Luân Công. Ở đó, bà bị bức thực và bị tiêm những loại thuốc không rõ nguồn gốc.

Lo ngại có thể bị mất trí nhớ bởi những loại thuốc này, bà Mưu thường chạy đến cửa sổ và hét lên: “Tôi là một học viên Pháp Luân Công! Tôi không bị bệnh tâm thần! Xin hãy giúp tôi chuyển thông điệp này đến những chị em của tôi để giải cứu tôi ra khỏi đây!”

Tái hiện cảnh tra tấn: Tra tấn bằng thuốc

Mỗi lần như vậy, các bác sĩ sẽ kéo bà ra khỏi cửa sổ, kéo bà vào phòng, trói tay và chân của bà vào một chiếc giường và tiêm những loại thuốc không rõ nguồn gốc vào cơ thể bà. Họ cũng vạch miệng bà ra và đổ thuốc vào cổ họng của bà.

Trong vòng chưa đầy 10 phút bị cưỡng bức dùng thuốc, bà Mưu đã mờ mắt và cảm thấy đau nhói ở ngực và lưng. Khi bà đứng lên, tay chân bà mềm nhũn. Bà thường trượt chân và ngã xuống sàn đến nỗi đầu gối bà không ngừng chảy máu. Mắt bà không thể tập trung.  Đầu óc của bà bị chậm lại, và bà không thể suy nghĩ rõ ràng.

Cuối cùng gia đình cũng biết được nơi ở của bà Mưu sau ba tuần và giải cứu bà khỏi bệnh viện tâm thần. Tuy nhiên, sau đó bà không thể về nhà vì bị đe dọa bị bắt lại. Những người hàng xóm đã gửi tin nhắn cho bà: “Đừng quay lại. Cảnh sát đang theo dõi bên ngoài tòa nhà. Họ đang kiếm bà khắp nơi.” Bà Mưu buộc phải rời khỏi nhà để tránh bị bức hại thêm.

Ngay sau khi rời khỏi bệnh viện tâm thần, bà Mưu bị sốt trong tám ngày và đau đầu dữ dội không ngừng. Môi của bà tím đen. Cơ thể bà có những vết lở loét mưng mủ. Xương chày của bà cho thấy hậu quả của những vết loét mưng mủ. Bà bị cơn đau hành hạ trong nhiều ngày.

Tuy nhiên, bà Mưu vẫn luyện các bài công pháp Pháp Luân Công và học Pháp. Bà đã hoàn toàn bình phục sau sáu tháng.

Bốn năm bị tra tấn trong tù

Bà Mưu bị bắt lại vào ngày 09 tháng 07 năm 2008 và bị giam giữ ở Trung tâm Giam giữ số 1 thành phố Đại Thanh.

Đêm bà bị bắt, cảnh sát đưa bà trở về nhà của bà. Họ còng tay bà vào ghế sofa ở phòng khách và lục soát nhà bà. Họ tìm thấy một chiếc két chứa tiền mặt, bà đã để 90.000 nhân dân tệ tiền thưởng nghỉ hưu sớm của mình trong đó.

Cảnh sát đưa két tiền đến một phòng khác để đếm và thông báo rằng có tổng cộng 47.000 nhân dân tệ. Bằng cách này, họ đã cướp của bà Mưu hơn 50.000 nhân dân tệ. Cảnh sát cũng tịch thu một máy tính xách tay trị giá hơn 5.000 nhân dân tệ và một điện thoại di động giá hơn 4.000 nhân dân tệ của bà.

Tái hiện cảnh tra tấn: Đặt thuốc lá đang cháy dở vào lỗ mũi

Trở lại trung tâm giam giữ, bà Mưu bị xích vào một chiếc ghế sắt, bị cấm ăn, ngủ hoặc dùng nhà vệ sinh trong hai ngày một đêm. Sau khi bịt miệng của bà bằng băng keo, cảnh sát đặt hai điếu thuốc là đang cháy dở vào lỗ mũi của bà.

Bà bị kết án bất hợp pháp bốn năm tù vào ngày 24 tháng 09 năm 2008. Sau một thời gian ngắn ở Nhà tù Nữ Cáp Nhĩ Tân, bà Mưu bị chuyển đến Nhà tù Nữ Hắc Long Giang, và chịu đựng ở đó cho đến khi được thả vào tháng 07 năm 2012.

Ở Nhà tù Nữ Hắc Long Giang, ba tù nhân theo dõi bà Mưu chặt chẽ. Bà thường bị ép phải ngồi trong một phạm vi có bán kính 50 cm với miệng bị bịt kín bằng băng keo. Bà bị ép phải giữ thẳng lưng. Ngay khi bà chuyển động, các tù nhân liền đấm đá bà. Mỗi ngày, bà Mưu đều bị đau dữ dội ở ngực, lưng và vùng chậu. Bà bị khó thở, chóng mặt và tê liệt tứ chi. Huyết áp của bà đã tăng lên hơn 240.

Các lính canh nhà tù không cho bà dùng phòng tắm. Một lần nọ, bà đã phải đứng lên vì không thể chịu thêm được nữa và bụng của bà rất đau đớn. Trước khi bà có thể ra khỏi phòng giam, một vài tù nhân đã đánh bà ngã xuống đất. Đầu gối của ai đó đã đánh vào ngực phải của bà. Bà ngất đi và gần như bất tỉnh. Sau đó, bà bị đau ở ngực trái trong vài tháng, nhưng các lính canh từ chối yêu cầu được chăm sóc y tế của bà.

Bà Mưu đã từng bị biệt giam. Trong mùa đông lạnh cóng ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, không có máy sưởi, bà không được cho bất cứ thứ gì ngoài một bộ đồng phục nhà tù mỏng và bị xích vào một chiếc giường bằng gỗ. Bà chỉ được cho hai muỗng cháo mỗi ngày. Bà đã ngất đi nhiều lần, nhưng vẫn bị giam giữ như thế này trong hai tuần.

Khi bà Mưu nói chuyện với các lính canh rằng họ đang cố tình giết bà, câu trả lời là: “Cái chết của bà sẽ được tính là một vụ tự tử.” Rồi họ chế giễu bà, nói rằng: “Chúng tôi sẽ đưa cho gia đình bà một hộp tro. Hộp tro sẽ có những mã vạch (biểu tượng của các tù nhân).”

Cuối cùng bà Mưu được thả vào tháng 07 năm 2012 sau bốn năm cực kỳ đau khổ ở Nhà tù Nữ Hắc Long Giang. Bà thường bị chóng mặt và tê liệt tứ chi. Lúc bà được thả, gia đình và hàng xóm của bà tự hỏi bà có thể sống được bao lâu nữa. Lại một lần nữa bà hồi phục trong vòng hai tháng bằng cách luyện các bài công pháp Pháp Luân Công và học Pháp hàng ngày.

Cả gia đình phải chịu đựng

Các con của bà Mưu đang học trung học trong thời gian mẹ của chúng bị tra tấn trong bệnh viện tâm thần. Chúng thường khóc lóc, sợ rằng mẹ có thể bị tra tấn đến chết bất kỳ lúc nào. Chúng nói với bạn bè và gia đình của chúng: “Mẹ đi mất rồi. Chúng tôi không còn nhà nữa…”

Sau khi bà Mưu được thả, thỉnh thoảng cặp sinh đôi lại vội về nhà chỉ để xác nhận rằng mẹ của chúng vẫn còn ở nhà. Chúng trải qua tuổi niên thiếu trong sợ hãi và lo lắng rằng chúng có thể mất mẹ bất kỳ lúc nào.

Thậm chí vào mùa hè năm 2008, khi đứa con trai lớn của bà trở về nhà từ Đại học Hạ Môn để chuẩn bị chúc mừng sinh nhật lần thứ 60 của mẹ, anh phát hiện ra nhà cửa bị bới tung và mẹ của anh đã biến mất.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/3/30/修大法终结愁苦-遭迫害九死一生-289339.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/3/31/146143.html

Đăng ngày 28-05-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share