Bài viết của Tân Thành

[MINH HUỆ 27-07-2013] Tốt và xấu, chính và tà luôn đồng tồn tại trên thế gian. Hầu hết mọi người có thể phân biệt được hai thứ này. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, nơi truyền thông bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát, và dư luận bị ảnh hưởng bởi cơ quan ngôn luận của chế độ, sự phân biệt chính và tà thường xuyên bị nhầm lẫn. Điều này nổi bật trong các trường hợp khi ĐCSTQ vẫn quảng cáo chính nó là “vĩ – quang – chính” (vĩ đại, vinh quang và chính trực), trong khi những điều thật sự tốt đẹp bị phỉ báng và vu khống. Do đó, nhiều người bị lừa dối và có xu hướng bị nhầm lẫn giữa trắng và đen, tốt và xấu. Tuy nhiên, khi sự thật được phơi bày, con người có thể dễ dàng xác định tốt và xấu, chính hay tà.

Sau đây là tóm tắt các báo cáo từ trang web Minh Huệ Net vào ngày 19 tháng 07 năm 2013.

Điền Khánh Linh, 40 tuổi, là một bác sĩ thuộc Khoa Ung thư của Bệnh viện Trung Y Cáp Nhĩ Tân. Bà Điền có nghiệp vụ y khoa rất cao và có thể chẩn đoán chính xác chỉ bằng cách bắt mạch cho bệnh nhân. Bà đặt ra quy định cho bệnh nhân là tốn ít tiền nhưng có tác dụng kỳ diệu. Thông thường một liều thuốc thảo dược Trung Quốc do bà kê đơn có giá khoảng một đô la. Ở Trung Quốc ngày nay, người ta sợ bệnh tật không chỉ vì đau đớn thể xác mà còn bị tốn kém.

Các bệnh viện thường kê những loại thuốc không cần thiết vì lợi nhuận. Vì thế, rất hiếm bệnh nhân có được thuốc hiệu quả với chi phí thấp như vậy. Danh tiếng của bà Điền Khánh Linh đã được lan truyền và nhiều người đã đặc biệt tìm bà để điều trị. Tuy nhiên, vị bác sĩ tốt bụng và nổi tiếng này đã bị ĐCSTQ kết án lao động cưỡng bức phi pháp – chỉ vì bà tu luyện Pháp Luân Công. Khi bị giam ở Trại lao động cưỡng bức Tiền Tiến, tỉnh Hắc Long Giang, bà gần như bị tàn phế do tra tấn với một chân bị teo. Mặc dù vậy, lính canh đã lấy đi xe lăn và nạng của bà, khiến bà phải bò bằng khuỷu tay. Một đoạn dài 100 mét khiến bà phải bò mất ba đến bốn tiếng, thậm chí bà phải bò trong mưa. Một số người thấy cảm thương và đưa cho bà quần áo khô, nhưng các lính canh bắt bà phải mặc nguyên đồ ướt.

Ngày 09 tháng 07 năm 2013, Tòa án quận Vọng Hoa đã xét xử phi pháp một số học viên Pháp Luân Công. Luật sư bào chữa của các học viên đã biện hộ vô tội cho họ. Trong lời bào chữa, luật sư đã kể với tòa án câu chuyện về bị cáo Vương Ngọc Mai. Bà từng bị đâm ba nhát dao, và người đâm bà được lệnh phải trả bà xấp xỉ 25.000 đô la tiền bồi thường. Tuy nhiên, bà Vương chỉ nhận khoảng 3.900 đô la để trả viện phí và giảm gánh nặng tài chính cho gia đình của người tấn công. Luật sư hỏi quan tòa: “Ngài có tin rằng một người tốt như vậy phạm tội không?” Quan tòa đã ngắt lời luật sư và không cho phép ông tiếp tục.

Một báo cáo khác là về bà Hàn Ngọc Hồng, một cư dân ở tỉnh Hà Bắc. Nhiều năm trước, ba người trong một gia đình ở quận Phòng Sơn, Bắc Kinh đã bị sát hại. Cha bà Hồng và một người bạn đã đến thăm gia đình này vào lúc đó. Sau đó họ đã bị bắt giữ vì tình nghi và bị thẩm vấn bằng tra tấn, cho đến khi vợ của nạn nhân tỉnh lại trong bệnh viện và xác nhận rằng họ vô tội. Tuy nhiên, lúc đó cha bà Hàn đã bị thương và không thể đi lại. Vài ngày sau, ông xuất hiện dấu hiệu rối loạn tâm thần và sẽ tấn công bất kỳ ai đến gần ông. Các bác sĩ nói rằng ông đã bị tâm thần phân liệt. Mẹ bà Hàn đã thỉnh nguyện chống lại sự bất công này trong 10 năm nhưng không thành công. Sau đó, một vài người tốt bụng đã đăng câu chuyện buồn của họ lên Internet. Để làm dịu dư luận, Bộ Công an đã đồng ý bồi thường cho gia đình họ 65.000 đô la.

Vào lúc đó, cả gia đình bà Hàn đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, và cha bà cũng hồi phục tinh thần và trở lại bình thường. Khi đại diện của Bộ Công an hỏi cha mẹ bà các yêu cầu của họ, cha bà đáp: “Bây giờ tôi đã khỏe mạnh nhờ tu luyện Pháp Luân Công. Tôi không muốn bất kỳ bồi thường nào từ chính phủ, tôi cũng không làm gì để kiện cáo ai cả. Hãy nói với những người liên quan đừng lo lắng nữa.”

65.000 đô la không phải là một con số nhỏ. Tuy nhiên, vì tu luyện Pháp Luân Công và luôn nghĩ đến người khác trước, nên họ đã lịch sự từ chối khoản bồi thường – dù họ vẫn nghèo. Sau khi ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công, họ đã trở thành mục tiêu của cuộc bức hại chỉ vì họ lên tiếng ủng hộ môn tu luyện. Công an đã tìm kiếm và lục soát nhà họ nhiều lần. Bà Hàn bị đưa đến hai trại lao động cưỡng bức và một trung tâm tẩy não để chịu bức hại. Sau khi kết hôn vào năm 2002, bên nhà chồng và chồng bà cũng bị lục soát nhà và quấy rối.

Tang Khuê Đông là một giáo viên trung học ở tỉnh Sơn Đông. Ông luôn giữ mình theo tiêu chuẩn Chân – Thiện – Nhẫn, và có trách nhiệm đối với nhà trường, phụ huynh và học sinh. Kết quả là học trò của ông đạt được thành tích xuất sắc, và ông rất được kính trọng. Khi phụ huynh tặng ông quà và tiền để cám ơn, ông đã để chúng vào bì thư và trả lại cho phụ huynh với một lời giải thích tại sao ông từ chối. Các phụ huynh rất cảm động và biết rằng ngày nay giáo viên như ông rất khó kiếm. Tuy nhiên, ông đã bị công an của ĐCSTQ bắt giữ phi pháp vì tu luyện Pháp Luân Công, và sau đó bị đưa đến một trung tâm tẩy não để nỗ lực “chuyển hóa.”

Cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công tàn bạo đến nỗi ĐCSTQ không công khai báo cáo những trường hợp này. Các học viên tin vào Chân – Thiện – Nhẫn và chứng minh đạo đức cao trong hành vi của họ. Người ta có thể hỏi: “ĐCSTQ muốn chuyển hóa họ thành gì vậy? Các giáo viên từ chối tiền và quà của gia đình học sinh. ĐCSTQ muốn họ làm ngược lại sao? Các bác sĩ kê toa giá thấp với hiệu quả trị bệnh tốt. ĐCSTQ muốn ‘chuyển hóa’ họ để họ kê toa giá cao vì lợi ích cá nhân sao?” Để đàn áp Pháp Luân Công, ĐCSTQ đã tung ra vô số lời dối trá. Tuy nhiên, sự thật vẫn là sự thật, và người dân có thể thấy bản chất thật của Chân – Thiện – Nhẫn thông qua lời nói và hành động của các học viên Pháp Luân Công.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/7/27/善恶正邪,请您来辨-277255.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/9/4/141819.html

Đăng ngày 29-11-2013; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share