Luật sư nhân quyền người Tây Ban Nha, ông Carlos Iglésias, phát biểu tại cuộc biểu tình ngày 20 tháng 07 năm 2013 ở Copenhagen với sự tham dự của các học viên Pháp Luân Công và các nhà hoạt động nhân quyền từ 27 quốc gia châu Âu.

[MINH HUỆ 10-11-2013] Trong một cuộc họp Hội đồng Nhân Quyền của Liên Hợp Quốc ở Geneva vào tháng 09 năm 2013, luật sư nhân quyền người Tây Ban Nha, ông Carlos Iglésias, đã nói về hệ thống đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc ở Trung Quốc và nhấn mạnh tội ác mổ cướp tạng sống, giết người theo yêu cầu ở nước này.

Ông Iglésias hiện đang đại diện cho các học viên Pháp Luân Công ở Tây Ban Nha trong vụ khởi kiện cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và các quan chức khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì các tội ác tra tấn, diệt chủng và chống lại nhân loại trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công kéo dài hơn 14 năm qua.

Gần đây, ông đã chia sẻ hiểu biết của mình liên quan đến vấn đề mổ cướp tạng và cung cấp thông tin cập nhật về các vụ kiện chống lại Giang Trạch Dân.

Luật mới ở các quốc gia khác có thể ngăn chặn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc

Ông Iglésias kêu gọi các quốc gia khác sửa đổi luật buôn bán nội tạng để truy tố và trừng phạt những kẻ buôn lậu tạng người, và cuối cùng, để đưa những thủ phạm đã thực hiện tội ác khủng khiếp chống lại nhân loại này ở Trung Quốc ra trước công lý.

Trong năm 2010, với sự hợp tác của Tổ chức Cấy ghép Quốc gia, Bộ Y tế và Chính sách Xã hội của Tây Ban Nha đã giới thiệu một luật mới. Luật này quy định hình phạt lên đến 12 năm tù giam cho những người khuyến khích, thúc đẩy, tạo điều kiện hoặc quảng cáo hoạt động mua bán tạng người bất hợp pháp.

Trên thực tế, luật này được ban hành chỉ sau khi các nhà lập pháp và các chuyên gia ghép tạng ở Tây Ban Nha biết được bản báo cáo của hai nhà nghiên cứu người Canada, ông David Kilgour, cựu nghị sỹ và công tố viên, và ông David Matas, một luật sư nhân quyền, về số lượng thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện tâm linh bị Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp.

Ông Iglésias cho biết: “Ông Kilgour và Matas đã gửi báo cáo của họ cho Tổ chức Cấy ghép Quốc gia, và đề nghị Bộ Y tế ban hành chỉ thị và khuyến cáo về việc du lịch đến Trung Quốc để cấy ghép tạng.” Đó là vào tháng 11 năm 2006.

Ông Iglésias tin rằng sự thay đổi trong luật hình sự của Tây Ban Nha sẽ có tác động trực tiếp giúp ngăn chặn cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Ông giải thích: “Vì luật này không chỉ trừng phạt những kẻ liên quan đến tội ác buôn bán tạng mà còn giúp ngăn ngừa tình trạng này xảy ra.”

Luật sư nhân quyền người Tây Ban Nha, ông Carlos Iglesias, phát biểu tại phiên họp thường lệ lần thứ 24 của Hội đồng Nhân quyền vào ngày 26 tháng 09.

Giết người theo yêu cầu

Các bệnh viện Trung Quốc hứa hẹn có thể cung cấp mô phù hợp trong vòng hai tuần và một nội tạng dự phòng trong vòng một tuần nếu ca ghép tạng lần đầu tiên bị hỏng. Ở các quốc gia khác, có thể phải mất vài năm để tìm được tạng thích hợp cho một bệnh nhân. Không thể có cách giải thích khác cho thời gian tìm kiếm nội tạng nhanh bất thường ở Trung Quốc, ngoài sự tồn tại của một ngân hàng nội tạng sống khổng lồ, nơi mà người ta bị giết theo yêu cầu. Thực tế trên khắp cả nước, hệ thống đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc với hàng trăm ngàn học viên bị giam giữ đã khiến cho hoạt động mổ cướp tạng quy mô lớn trở nên khả thi. Nội tạng của các học viên Pháp Luân Công thường được ưa thích vì chúng còn trẻ và khoẻ mạnh.

Vấn nạn mổ cướp nội tạng bất hợp pháp ở Trung Quốc đã được nêu ra trong ngành y tế. Trong một bài báo được công bố trên Tạp chí Y học của Croatia hồi tháng 02 năm 2013 có tiêu đề “Đạo đức cấy ghép dưới sự giám sát – trách nhiệm của các chuyên gia y tế”, bác sỹ Torsten Trey, Arthur Kaplan và bác sỹ Jacob Lavee đã viết: “Tội ác chống lại nhân loại này có vẻ thật khó tin bởi nó quá khó chịu. Người ta có thể bị cám dỗ để không tin vào điều đó, như để tránh đi sự sỉ nhục mà họ có thể cảm nhận. Tuy nhiên, khi ông Kilgour và Matas đã đến 17 bệnh viện trên khắp Trung Quốc vào năm 2006, các bác sỹ trong các bệnh viện của Trung Quốc đã thừa nhận rằng họ sử dụng nội tạng “khoẻ mạnh” từ các học viên Pháp Luân Công.

Khi Tổ chức Thế giới Điều tra về Cuộc đàn áp Pháp Luân Công gọi cho bác sỹ Trần Dung Phiến vào mùa Xuân năm 2012, ông ta cũng thừa nhận rằng toà án đã thu xếp để mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ.”

Luật tương tự đã có hiệu lực ở Israel

Một đạo luật tương tự như luật mới của Tây Ban Nha đã được thông qua ở Israel. Nó có hiệu quả ngăn ngặn sự tham gia của người dân Israel trong việc buôn bán nội tạng bất hợp pháp. Israel là quốc gia duy nhất được các công ty bảo hiểm hoặc quỹ bệnh hoàn trả 100% tiền bảo hiểm cho các bệnh nhân du lịch ghép tạng. Vì thế, một đạo luật mới, Đạo Luật ghép tạng năm 2008, đã được thông qua.

Đạo luật định nghĩa mua bán nội tạng như một tội hình sự, có thể bị phạt ba năm tù giam và phạt tiền rất nặng, bất kể hành vi phạm tội đó được thực hiện trong hay ngoài Israel.

Trong bài viết ý kiến của mình “Cứu sống sinh mệnh cục bộ” được công bố vào tháng 10 năm 2012, Tiến sỹ Jacob Lavee, Giám đốc Khoa ghép Tim tại Trung tâm Y tế Sheba, và cũng là Chủ tịch Uỷ ban Cấy ghép Tim và Phổi của Trung tâm Cấy ghép Quốc gia Israel, nói rằng Đạo luật Cấy ghép Tạng năm 2008 đã giúp chấm dứt hoàn toàn việc người dân Israel du lịch đến Trung Quốc để ghép tạng: “Việc cấm các công ty bảo hiểm và các quỹ bệnh bồi thường cho những người du lịch cấy ghép bất hợp pháp có hiệu lực ngay khi luật mới được ban hành, điều này đã ngừng hẳn việc những người Israel đi du lịch để cấy ghép nội tạng. Vì vậy, những bệnh nhân người Israel đã hoàn toàn ngưng hẳn việc du lịch đến Trung Quốc.”

“Buôn lậu nội tạng người là việc không thể dung thứ”

Ông Iglésias nói: “Tổ chức Cấy ghép Quốc gia của Tây Ban Nha đã tiến một bước rất vững chắc để truy tố những tội ác đang được thực hiện ở Trung Quốc này. Thông điệp của họ rất rõ ràng: Buôn lậu nội tạng người là việc không thể dung thứ.”

“Chúng tôi tin rằng bất kỳ sáng kiến nào của các tổ chức cấy ghép tại tất cả các quốc gia đều nên đi theo con đường đó, không cho phép những hành động tàn bạo diễn ra mà không bị trừng phạt. Các thủ phạm phải bị trừng phạt vì một lý do đơn giản… Tôi nghĩ rằng không một ai, không có người nào có thể phạm phải những tội ác khủng khiếp đến như thế này mà không bị trừng phạt.”

“Chúng ta không được quên rằng lịch sử sẽ phán xét chúng ta không chỉ đối với những gì chúng ta đã làm mà còn đối với những gì chúng ta cần phải làm mà không làm. Không thể im lặng trước các vấn đề về nhân quyền, trước các vấn đề vi phạm quyền con người. Bất kỳ sự im lặng nào trước các vấn đề về nhân quyền, bất kỳ sự im lặng nào trước một tội ác diệt chủng cũng đồng nghĩa với sự đồng lõa, và lịch sử sẽ phán xét tất cả những ai biết về những gì đang diễn ra ở Trung Quốc mà không bước ra để bảo vệ công lý.”

Ông Iglésias nói rằng khi Giang Trạch Dân phát lệnh “hủy hoại thân thể [của các học viên Pháp Luân Công]”, hàng nghìn học viên Pháp Luân Công vô tội đã bị nhốt trong các trại cưỡng bức lao động và những nơi giam giữ khác, và bị sử dụng như một ngân hàng tạng sống. ĐCSTQ đã giết những người vô tội này để lấy tạng của họ và bán chúng cho người phương Tây du lịch đến Trung Quốc, số tiền phải trả lên tới 150.000 đô la cho một nội tạng. ĐCSTQ đã vận hành một doanh nghiệp ma quái, tham nhũng và đẫm máu trên sự sống của những người dân vô tội.

Cố gắng hết sự để giúp Pháp Luân Công

Ông Iglésias nhớ lại lần đầu tiên ông nghe người ta nói với ông về cuộc đàn áp cách đây hơn 12 năm, nó thật sự khiến ông cảm thấy bị sốc. Sau khi ông gặp gỡ và nói chuyện với nhiều nạn nhân của thảm kịch này, ông đã không cầm được nước mắt. Khi biết được rằng rất nhiều người tốt và vô tội bị đàn áp, ông đã quyết định rằng ông sẽ cố gắng hết sức mình để đòi lại công lý cho họ.

(còn tiếp…)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/11/10/西班牙诉江律师呼吁各国立法制止活摘器官-282468.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/11/14/143176.html

Đăng ngày 24-11-2013; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share