Bài viết của Hạ Thuần Thanh, phóng viên báo Minh Huệ ở Melbourne, Úc

[MINH HUỆ 15-10-2013] “Khoảng 5 năm trước, một nhóm [bệnh nhân] đã cùng nhau lên đường tới Trung Quốc và quay trở về sau khi đã được cấy ghép thận. Người hiến thận là những tử tù sắp bị hành quyết có máu và các loại mô tương thích với các bệnh nhân.”

Đây là những gì mà bác sỹ chuyên khoa thận David Goodman ở Melbourne, Úc đã kể với phóng viên của Fairfax Media, một trong những công ty truyền thông lớn nhất ở Australia, trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Những gì bác sỹ Goodman nói đã gián tiếp chỉ ra rằng có một ngân hàng người hiến tạng còn sống, không tự nguyện, mà nội tạng của họ là phục vụ cho hoạt động thu hoạch. Con số này vượt xa số tội phạm hình sự bị kết án và đang đợi hành quyết ở Trung Quốc.

Ngày 5 tháng 10 năm 2013, Tờ The Age Tin tức Sydney buổi sáng, hai tờ báo của Melbourne, đã đăng một bài viết của Mandy Sayer.

Bài báo chỉ ra rằng: “Ngày nay có khoảng 1.600 người trong danh sách hiến tạng ở Úc, thế nhưng năm 2010 con số chỉ là 13,8 người hiến trên một triệu người.”

Theo bài báo, vấn đề này chủ yếu liên quan đến hoàn cảnh mang tính quốc gia của Úc. Úc là một đất nước đa văn hóa, các cộng đồng khác nhau có lối sống và niềm tin tôn giáo khác nhau. Bài báo đưa ra những ví dụ như: “Người Hồi giáo không thích hiến hoặc nhận tạng. Người Úc bản địa và một số cộng đồng người Do Thái cũng vậy.”

Bài báo nói rằng thời gian chờ đợi trung bình cho một ca ghép thận ở Úc là bốn năm. “Lý do tại sao danh sách bệnh nhân chờ ghép thận rất dài là vì việc lọc máu có thể giúp bệnh nhân cầm cự được vô thời hạn, trong khi những người bị chẩn đoán có vấn đề về tim, gan hoặc suy tuyến tụy không có bất kỳ phương cách nào giúp kéo dài sự sống và nhiều người sẽ chết trong lúc đợi tạng,” bác sỹ David Goodman của bệnh viện St. Vincent, Melbourne nói.

Các bệnh nhân đi du lịch tới Trung Quốc để ghép thận

Trong khi các bệnh nhân chờ đợi để được ghép tạng, có tin đồn rằng ở Trung Quốc, họ có thể nhanh chóng có được tạng phù hợp.

Phóng viên của Fairfax Media hỏi bác sỹ Goodman về du lịch ghép tạng, liệu ông “đã từng có bệnh nhân lọc máu nào biến mất, rồi lại xuất hiện chỉ sau hai tuần với một vết sẹo trên cơ thể chưa”.

“Rất nhiều lần rồi” bác sỹ Goodman nói: “Khoảng 5 năm trước, một nhóm [bệnh nhân] đã cùng nhau lên đường tới Trung Quốc và quay trở về sau khi đã được cấy ghép thận. Người hiến thận là những tử tù sắp bị hành quyết có máu và các loại mô tương thích với các bệnh nhân.”

Tiến sỹ Goodman nói thêm: “Tôi phản đối mạnh mẽ du lịch ghép tạng. Người hiến cảm thấy bị lạm dụng. Không có sự chăm sóc hậu phẫu ở Trung Quốc và các nước khác. Bệnh nhân chỉ có chế độ chăm sóc y tế năm ngày sau ca phẫu thuật, vì vậy họ quay lại Australia và bắt taxi từ sân bay đi thẳng tới phòng cấp cứu.”

Kevin Green, Chủ tịch Hiệp hội Cấy ghép Úc cũng là một bệnh nhân thận. Ông đã phải lọc máu và đợi trong 8 năm trước khi có được một quả thận vào năm 2009.

Khi phóng viên hỏi ông có bao giờ cân nhắc đến du lịch ghép tạng trong thời gian dài chờ đợi không, ông thừa nhận là có. “Sau 5 năm lọc máu, tôi đã nghĩ đến việc đó và bị thôi thúc muốn đến Trung Quốc.”

Nhưng sau đó ông đã đổi ý. “Trước hết, chi phí ban đầu là 25.000 USD. Sự lựa chọn đó chỉ dành cho những người giàu. Và thứ hai, nếu cơ thể bạn đào thải tạng đó, bạn sẽ không bao giờ còn được ở trong danh sách chờ cấy ghép của Úc nữa,” ông nói.

Truyền thông Úc tiết lộ về hoạt động “giết hại tù nhân theo yêu cầu” để lấy tạng của chế độ Trung Quốc

Các bệnh nhân Úc chưa bao giờ nhận ra rằng họ đang trở thành những khách hàng của hoạt động “giết hại tù nhân theo yêu cầu” để lấy tạng. Chế độ Trung Quốc hành quyết 2.000 đến 3.000 tù nhân mỗi năm. Con số họ công bố cho thấy vào năm 2005, có 20.000 ca ghép tạng; vào năm 2008, có 86.800 ca ghép thận, 14.643 ca ghép gan, những con số lớn hơn rất nhiều so với số lượng tử tù.

Vậy nguồn nội tạng khổng lồ này đến từ đâu?

Ngày 11 tháng 5 năm 2013, tờ Tin tức hàng tuần của Australia đã đăng một bài bình luận của Jeffry Babb. Tựa đề của bài báo là “Nhân quyền: Ăn cắp tạng ghê rợn ở Trung Quốc: Tội ác của họ, sự nhục nhã của chúng ta”.

Bài báo chỉ ra: “Không ai có thể rời khỏi cửa hàng thịt này mà còn sống; đó là lý do tại sao không ai nói về nó. Không ai biết có bao nhiêu người trong số các học viên Pháp Luân Công bị mổ cướp tạng trái ý muốn.”

Ông Babb nói: “Tại sao chúng ta biết được việc này đang xảy ra? Trước tiên, chúng ta có những báo cáo đáng tin cậy rằng nó đang diễn ra. Thứ hai, Trung Quốc đang cung cấp dịch vụ ghép tạng mà chỉ có thể vận hành nếu người hiến bị ‘giết hại theo đơn đặt hàng’.”

Mổ cướp nội tạng là vi phạm quyền cơ bản nhất của con người

Bà Maria Fiatarone Singh, Giáo sư y khoa chuyên ngành Khoa học Thể chất và Thể thao tại Đại học Sydney, và cũng là một người đóng góp bài viết cho cuốn Tạng Nhà nước: Lạm dụng ghép tạng ở Trung Quốc, nói: “Giết hại một ai đó để bán tạng của họ cho ngành công nghiệp cấy ghép… là vi phạm quyền cơ bản nhất của con người – quyền được sống.”

Nguồn: https://en.minghui.org/html/articles/2012/11/19/136367.html


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2013/10/15/澳最大英文媒体揭大批患者去中国换器官-281253.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2013/11/8/143085.html

Đăng ngày 19-11-2013: Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share