Bài viết của Ngô Kỳ Long

[MINH HUỆ 13 – 02 – 2013] Tôi tên là Ngô Kỳ Long, tôi đến từ Trung Quốc. Tôi là một học viên Pháp Luân Công. Tôi bị trục xuất từ Hàn Quốc và bị đưa trở lại Trung Quốc ngày 01 tháng 07 năm 2009. Sau đó tôi bị giam giữ trái phép, tẩy não, giám sát và bị sách nhiễu. Các nhân viên an ninh đã tiến hành việc bức hại này. Tôi cũng bị cưỡng ép hợp tác với họ để viết những bài báo cáo giả mạo. Tôi muốn nói rõ những sự thật xảy ra xung quanh tình huống của tôi sau khi tôi bị trục xuất từ Hàn Quốc về Trung Quốc.

Tôi biết đến Pháp Luân Công và bắt đầu tu luyện tại Hàn Quốc năm 2004. Từ ngày 14 tháng 03 năm 2007 đến ngày 01 tháng 07 năm 2009, tôi bị giữ ở Sở Giam giữ người nước ngoài Hoa Thành ở Hàn Quốc vì tình trạng không có giấy tờ. Trong thời gian đó, tôi đã nộp ba đơn xin tị nạn. Tất cả ba đơn này đều bị từ chối với lý do rằng tôi không gặp nguy hiểm nếu tôi trở lại Trung Quốc. Kết quả là tôi bị trục xuất về Trung Quốc vào ngày 01 tháng 07 năm 2009.

Các nhân viên an ninh nhanh chóng xác định được nơi ở của tôi. Họ cho tôi xem chứng minh thư của họ và nói với tôi: “Ban đầu, công an lên kế hoạch bắt anh, nhưng vì anh trở về từ nước ngoài, chúng tôi bỏ qua.” Thực tế đó là do áp lực từ cộng đồng quốc tế. Chính quyền phải dùng cách khác để tiến hành bức hại tôi. Các nhân viên này không ngừng đe doạ tôi, gọi điện cho tôi mỗi ngày, thường xuyên đến nơi tôi làm việc, sách nhiễu tôi và gia đình tôi ở nhà. Họ cũng theo dõi đường dây điện thoại liên lạc của gia đình tôi. Tôi cũng bị tẩy não.

Một ngày, họ giữ tôi trong một căn phòng khách sạn. Họ bắt tôi phải đọc một bài nói xấu Sư phụ Lý Hồng Chí. Tôi đẩy bài báo ra. Họ đặt nó trước mặt tôi nhằm bắt tôi đọc nó. Bốn nhân viên thay phiên thẩm vấn tôi, từng người từng người, để tôi không có lúc nào nghỉ ngơi. Sau một lúc, tôi không chịu nổi và đề nghị đi vệ sinh. Ngay cả lúc đó, họ phái một người giám sát tôi khi tôi đang sử dụng phòng vệ sinh và đã chụp ảnh tôi. Suốt hôm đó, gia đình tôi không ngừng gọi điện cho tôi. Tôi đã không chịu được sự tra tấn này và năn nỉ để tôi được về nhà. Vào cuối ngày, Trưởng Phòng 610 hét vào mặt tôi: “Ngô Kỳ Long, đừng có vờ vịt nữa. Không có lối thoát nào cho anh đâu!” (Sau này tôi biết được rằng tôi có trong danh sách đen của họ)

Sau khi trở về nhà, tôi lên cơn sốt và bắt đầu nghe thấy những thứ lạ. Tôi không thể ngủ được cả đêm. Ngày hôm sau, tôi cảm thấy một cái gì đó ấm ấm chảy ra khỏi tai tôi. Hóa ra đó là máu. Sau đó, trí nhớ của tôi dần dần giảm sút. Mọi người thỉnh thoảng phải nhắc lại vài lần một điều trước khi tôi có thể nhớ được. Trong căn phòng khách sạn đó, tôi đã ăn và uống những thứ họ đưa cho tôi trong khi họ đang cố tẩy não tôi. Tôi nghi ngờ rằng họ đã đặt thứ gì đó vào đồ ăn thức uống của tôi. Khi nhân viên an ninh đến gặp lại tôi, tôi nói với họ về triệu chứng tôi gặp phải. Họ trả lời: “Đó không phải do chúng tôi”. Họ cũng ra lệnh cho tôi viết ra chi tiết việc làm tôi đến với Pháp Luân Công như thế nào, tên của các học viên Pháp Luân Công khác mà tôi biết, và những ai là người chịu trách nhiệm chính và họ sống ở đâu. Họ cũng ra lệnh cho tôi gọi điện thoại cho các học viên Pháp Luân Công khác ở Hàn Quốc để báo tin rằng tôi “an toàn”. Họ cũng thường xuyên cưỡng ép tôi phải làm những gì họ muốn bằng cách hăm doạ làm hại đến gia đình tôi. Họ chụp ảnh vợ chồng tôi, và nói rằng sẽ chỉ trình lên chính phủ Hàn Quốc.

Mãi cho đến sau này tôi mới biết được rằng họ đã bịa đặt một câu chuyện dựa trên tấm hình này. Họ bịa đặt ra một câu chuyện rằng một người nào đó tôi biết qua internet là đồng nghiệp của tôi. “Người đồng nghiệp” này khẳng định rằng những báo cáo trên mạng về việc tôi bị trục xuất là hoàn toàn khác với sự thật. Anh ta khẳng định rằng anh ta đã đi cùng chuyến với tôi và vợ tôi tới các vùng ngoại ô và có các thông tin trực tiếp. Sau đó anh ta nói rằng anh ta đã chụp ảnh trong chuyến đi ra ngoại ô đó và hân hoan post lên mạng. Đó hoàn toàn là những lời nói dối. Một lời nói dối trắng trợn khác là của một bài post trên mạng nói rằng anh ta đã hỏi tôi: “Chính phủ Trung Quốc có bức hại anh cả hai lần khi anh trở về Trung Quốc không?” Sự thực là, sau khi tôi đến Hàn Quốc năm 2002, tôi không hề quay lại Trung Quốc cho đến khi tôi bị trục xuất năm 2009.

Có thể là họ nhận thức được áp lực từ phía cộng đồng quốc tế. Các nhân viên an ninh đã nắm giữ tất cả các thông tin về việc làm thế nào mà tôi bị giám sát bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc và bị tẩy não như thế nào. Cùng lúc đó, họ tung ra những báo cáo giả mạo để chứng minh rằng tôi sống rất thoải mái ở Trung Quốc mà không bị kìm kẹp. Nhân viên an ninh cũng ép tôi phải gặp các phóng viên đến từ Hàn Quốc vài lần. Lần đầu tiên họ nói rằng tôi phải gặp vài người từ Đài Truyền hình KBS. Sau đó, phóng viên Báo Đồng Bào Hàn Trung, một tờ báo mà tôi chưa bao giờ biết đến, sẽ tiến hành phỏng vấn tôi. Họ đe dọa tôi bằng sự an toàn của con tôi. Họ nói với tôi phải cẩn thận về những gì tôi nói, và “nghĩ cho con tôi”. Nói cách khác, tôi phải nói những gì họ muốn tôi nói. Họ cũng nói: “Không từ nào anh nói với phóng viên có thể lọt được ra ngoài qua những phóng viên đó đâu.” Vào ngày phỏng vấn, họ đưa tôi đến một địa điểm gần khách sạn và thả tôi xuống đó để tôi có thể tự đi đến khách sạn. Họ nói với tôi phải trông tự nhiên. Đây là bối cảnh của cuộc phỏng vấn với các phóng viên của tờ báo Báo Đồng Bào Hàn Trung. Ở đây tôi xin nói cho những người phóng viên về số điện thoại mà họ đã dùng để gọi cho tôi: “Các anh có thể nghĩ rằng người nào đó trong chính phủ Trung Quốc đã có thể có số điện thoại của tôi, và họ đưa nó cho các anh. Trong thực tế, lúc đó tôi không có điện thoại di động. Các nhân viên an ninh đã ra lệnh cho tôi mang điện thoại di động của vợ tôi bên mình mọi lúc để họ có thể liên lạc được với tôi cả ngày. Đó là cách mà họ có số của tôi.”

Từ các cuộc nói chuyện với bên an ninh, tôi biết được rằng họ có các thông tin đầy đủ về các học viên Pháp Luân Công ở hải ngoại. Nếu bạn tham gia vào bất cứ họat động nào, bạn đang đối mặt với nguy cơ bị bức hại. Tôi không thể nói và không dám nói điều gì trước đó bởi vì tôi liên tục bị giám sát và bị đe dọa, bị giam giữ và bị tẩy não. May mắn thay là tôi đã thoát khỏi Trung Quốc và hiện giờ có thể nói thẳng thắn những gì đã thực sự xảy ra.

Tôi kêu gọi chính phủ Hàn Quốc: “Vì lý do nhân đạo, xin hãy, bằng mọi cách, chấp thuận cho các học viên Pháp Luân Công tị nạn. Cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc vẫn chưa chấm dứt. Tôi hy vọng rằng không học viên nào sẽ bị trục xuất nữa.”


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2013/2/13/我被遣返后中共对我的迫害和造假宣传-269973.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2013/3/3/138354.html

Đăng ngày 23-05-2013; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share