Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại Hà Bắc
[MINH HUỆ 22-01-2013] Năm 1999, Giang Trạch Dân, lúc đó là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công. Từ đó đến nay, trên các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đều xuất hiện những tuyên truyền bịa đặt nhằm phỉ báng và bôi nhọ Pháp Luân Công. Tôi đã bị đưa vào trại lao động cưỡng bức vì tu luyện Pháp Luân Công và không chịu từ bỏ đức tin của mình, các cai ngục đã nhiều lần tra tấn tôi bằng dùi cui điện và nhiều dụng cụ khác khiến cơ thể tôi bị tàn phế. Phòng 610 và các lãnh đạo ở nơi công tác của tôi liên tục tìm cách ép buộc tôi phải từ bỏ đức tin của mình nhưng tôi chưa bao giờ dao động niềm tin của mình vào Sư phụ và Đại Pháp. Tôi luôn vững tin vào Sư phụ và Đại Pháp.
Tôi đắc Pháp vào tháng 01 năm 1999, tính đến nay tu luyện Đại Pháp đã hơn 10 năm. Nhờ có niềm tin vào Sư phụ và Đại Pháp nên tôi mới vượt qua sóng gió tới bây giờ. Tôi đã vượt qua được nhiều khảo nghiệm và sự gian khổ dưới sự bảo hộ của Sư phụ từ bi. Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm cũng như thể ngộ của tôi trong tu luyện với các đồng tu. Xin hãy từ bi chỉ ra những gì không phù hợp.
Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ tháng 01 năm 1999 khi đang mắc bệnh viêm đại tràng. Tôi đã chữa trị bằng nhiều cách nhưng không hiệu quả. Dù có bệnh, nhưng tôi không có sư lựa chọn nào khác và vẫn phải làm việc để nuôi sống gia đình. Sau một cuộc cải cách y tế, đơn vị công tác chỉ trả cho chúng tôi 50 tệ mỗi tháng. Với hai đứa con đang đi học, gia đình tôi sẽ không thể tồn tại nếu tôi không kiếm ra tiền. Thu nhập của chồng tôi cũng không cao vì cơ quan của anh không có nhiều lợi nhuận. Áp lực tài chính và căn bệnh khiến cuộc sống của tôi thật khổ sở.
Sau khi tôi thử dùng cả Tây y và Trung y, cũng như các bài thuốc dân gian khác, một người bạn đồng nghiệp đã giới thiệu Pháp Luân Công cho tôi. Với hy vọng sẽ có thể chữa khỏi bệnh, tôi xin nghỉ phép và đi tìm mua cuốn Chuyển Pháp Luân ở nhà sách. Tôi đã thật sự kinh ngạc khi đọc cuốn sách. Tôi nhận ra đây là cuốn sách có thể thật sự dạy con người trở về bản tính trong sạch của mình, và dạy con người cách tu luyện. Tôi đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công kể từ đó.
Vì mắc bệnh viêm đại tràng, nên nhìn tôi như chỉ có da bọc xương. Tôi thường xuyên bị tiêu chảy và thậm chí không thể đứng thẳng người. Tất cả các đồng nghiệp trong cơ quan đều biết tôi mắc phải căn bệnh này. Nhưng sau khi tu luyện Pháp Luân Công một vài ngày, tôi đã hoàn toàn bình phục. Tôi trở nên đầy sức sống. Các bạn đồng nghiệp của tôi rất ngạc nhiên khi thấy tôi trở lại công việc một cách hoàn toàn khoẻ mạnh. “Chị đã chữa trị căn bệnh như thế nào?” Tôi đã kể với họ tất cả là nhờ Pháp Luân Công và chỉ cho họ biết về Pháp Luân Công. Điều này đã gây một ấn tượng sâu sắc ở cơ quan nơi tôi làm việc. Nhiều bạn đồng nghiệp đã mượn cuốn Chuyển Pháp Luân của tôi để đọc, nhiều người cũng bắt đầu tu luyện.
Tôi ngay lập tức bắt đầu hành xử theo các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn của Pháp Luân Công. Đầu tiên, tôi xé bỏ tất cả những hóa đơn y khoa với tổng giá trị hơn 3000 tệ. Gói chăm sóc y tế mới đơn vị công tác yêu cầu mọi người phải tự trả chi phí chữa bệnh của bản thân, nên tôi đã yêu cầu bệnh viện viết hóa đơn dưới tên mẹ tôi, và kê khai tất cả những chi phí này dưới tên mẹ tôi, vì gói chăm sóc y tế của bà thanh toán toàn bộ các chi phí này. Tôi biết điều này không đúng với các nguyên lý của Pháp Luân Công, nên tôi đã huỷ tất cả các hóa đơn đó. Còn nữa, tôi từng nhặt được một chiếc vòng cổ bằng vàng ở nơi làm việc do khách du lịch đánh rơi làm, và giữ làm của riêng. Sau khi tu luyện Đại Pháp, tôi kể lại việc đó cho đồng tu ở nơi làm việc và quyết định đem nó đưa cho người quản lý.
Tôi làm ở văn phòng bán vé và giao dịch rất nhiều tiền mặt mỗi ngày. Nhiều khách du lịch sử dụng tiền giả để mua vé. Khi tôi phát hiện ra, tôi tiêu huỷ những tờ tiền đó và tự dùng tiền túi của mình để bù lại số tiền mất. Khi một đồng nghiệp của tôi phát hiện ra điều đó đã nói rằng: ”Nếu chị cảm thấy sử dụng những tờ tiền đó là không thích hợp vì chị tu luyện Pháp Luân Công, vậy sao chị không đưa chúng cho tôi? Tôi sẽ dùng nó. Tại sao chị phải bù cho những tờ tiền giả đó?” Tôi đã giải thích với các bạn đồng nghiệp rằng, là một học viên Pháp Luân Công tôi không thể làm điều đó được. Mối quan hệ giữa tôi và các đồng nghiệp rất tốt. Tôi không lựa chọn những công việc dễ dàng. Ngoài việc làm tốt công việc của mình ở phòng bán vé, tôi đã tình nguyện đảm nhận việc giữ vệ sinh nơi làm việc kể cả sảnh ngồi chờ và khu vực bãi đỗ xe.
Tôi đã rất hạnh phúc khi tu luyện Pháp Luân Công. Điều đó đã cứu sống cuộc đời tôi và khiến đổi tôi trở thành một người tốt hơn. Tôi quyết định mình sẽ thể hiện vẻ đẹp của Đại Pháp thông qua hành động. Trên thực tế, điều tôi đã làm tại cơ quan đã đặt nền móng vững chắc cho việc tôi giảng chân tướng sau này.
Khi Giang Trạch Dân bắt đầu tiến hành cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 07 năm 1999, lãnh đạo ở cơ quan của tôi đã yêu cầu những ai tu luyện Pháp Luân Công phải viết giấy cam kết từ bỏ tu luyện và giao nộp các sách Pháp Luân Công. Nếu từ chối, chúng tôi sẽ bị đình chỉ công tác và không được trả lương. Chúng tôi bị yêu cầu phải tham dự nhiều cuộc họp mỗi ngày. Các bạn đồng nghiệp của tôi nói: ”Giống hệt như trở lại thời Cách mạng Văn hoá.”
Tôi tin tưởng rằng Sư phụ của tôi là chân chính nhất, và Pháp Luân Công là môn tu luyện tốt nhất. Tháng 10 năm 1999, tôi quyết định đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện tới Văn phòng Kháng cáo Trung ương để đòi lại công bằng cho Pháp Luân Công. Nhưng tôi đã bị bắt và bị chuyển về trại tạm giam ở địa phương như những học viên Pháp Luân Công khác. Tôi bị giam giữ trong 30 ngày. Sau đó, một lần nữa tôi đã một mình đi đến Bắc Kinh vào mùa hè năm 2000 và bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn. Khi lãnh đạo ở cơ quan tôi phát hiện ra tôi trên đường tới Bắc Kinh, họ đã đuổi theo bằng xe hơi, tới trung tâm giam giữ tại Bắc Kinh và đưa tôi lên xe của họ, trực tiếp đưa tôi về trại tạm giam ở địa phương nơi tôi sinh sống. Tôi đã bị kết án lao động cưỡng bức một cách phi pháp vài ngày sau đó.
Trong trại lao động, tôi đã bị tra tấn tàn bạo cho tới khi tôi không thể đi lại đươc. Cai ngục ở đó đánh tôi bằng dùi điện, bắt tôi quỳ gối với hai tay bị vặn và đạp mạnh vào đùi của tôi. Sau đó họ tiếp tục dùng dùi điện sốc điện vào đầu, mặt và gáy tôi. Kết quả là mặt tôi đầy thương tích và bị phồng rộp. Mắt tôi bị sưng tới nỗi không thể nhìn thấy gì. Môi tôi cũng sưng to. Sau hơn một tháng tôi không thể nằm xuống vì các vết phồng rộp bị đè có thể vỡ ra. Da mặt tôi cũng bị tróc một lớp.
Kế đó, chân tôi bị đau và tôi đi lại rất khó khăn. Tôi cảm giác như có rất nhiều mũi kim đâm vào chân mình. Tôi đau đớn tới mức không thể ngủ được hàng đêm. Tôi ngâm chân mình trong một thùng nước lạnh giữa mùa đông để làm dịu cơn đau, nhờ vậy tôi mới có thể ngủ được một chút. Khi chân tôi ấm lên, tôi lại bị đánh thức bởi những cơn đau hành hạ. Tôi như sống trong địa ngục. Tôi đã khiếu nại trưởng trại giam và cảnh sát thuộc phòng 02 của Cục An ninh Công cộng, những người đã kết án tôi một cách phi pháp, và tôi yêu cầu được phóng thích. Một cai ngục đã nói rằng: ”Bà không chịu từ bỏ Pháp Luân Công thì dám nằm mơ được thả ra sao?” Họ đã không còn chút nhân tính nào. Sau khi bác bỏ đơn khiếu nại của tôi, họ tiếp tục ra sức ép bắt tôi phải viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Họ thậm chí còn nói dối rằng: ”Chị sẽ được thả nếu cam kết không đi tới Bắc Kinh nữa.”
Nhưng tôi vẫn giữ niềm tin trong tâm. Tôi đã quyết định sẽ tin tưởng vào Sư phụ và Đại Pháp. Tôi đã không viết bản cam kết.
Tháng 05 năm 2001, tôi bị nhốt trong một phòng giam với hơn một chục người. Tôi bắt đầu có triệu chứng của bệnh sốt rét. Chúng tôi không được phép ra khỏi phòng giam vì không chịu từ bỏ Pháp Luân Công. Có một cái thùng nhựa sau cánh cửa. Lúc đó tôi bắt đầu bị tiêu chảy. Nhưng tôi đã không thể tự đi lại. Ngay lúc đó tôi lại bị sốt cao và tiêu chảy liên miên. Kèm đó là những cơn đau kinh khủng đày đọa tôi. Một đồng tu khác đã tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công thấy tôi chịu đựng đau đớn đã hỏi rằng: “Chị có sợ chết không?” Tôi trả lời rằng: “Tôi không hề sợ chết.” Cô ấy van nài tôi hãy ăn chút gì đó. Lúc đó chúng tôi không có nước nóng. Nên cô ấy làm cho tôi một tô mì với nước hơi ấm và tôi cố gắng ăn một ít.
Khi mẹ tôi biết tình trạng của tôi, bà đã tới và ở lại nhà khách của trại lao động cưỡng bức khoảng 03 tuần. Mỗi ngày mẹ tôi đều yêu cầu trại giam thả tôi ra, nhưng tất nhiên họ sẽ không làm như vậy. Mẹ tôi thậm chí đã lên cơn đau tim. Mẹ tôi đã nói với những cai ngục ở đó rằng: ”Tôi phải thấy con gái tôi được thả ra cho dù phải hi sinh mạng sống này, tôi đã hơn 60 tuổi rồi. Tôi sẽ đánh đổi mạng sống mình cho con gái tôi.” Cuối cùng tôi đã được trả tự do sau 11 tháng giam giữ.
Sau khi được thả ra, Phòng 610 ở địa phương và lãnh đạo ở cơ quan tôi bắt đầu đến nhà quấy rối tôi, ngay cả khi tôi đã là người tàn phế. Ngay cả viên thư ký của Uỷ ban Chính trị và Pháp luật ở thành phố cũng để mắt tới tôi và gây áp lực bắt tôi phải từ bỏ Pháp Luân Công. Chồng tôi đã bị đe doạ đuổi việc và bị dụ rằng: ”Hãy li dị vợ của anh nếu cô ta không chịu từ bỏ Pháp Luân Công.” Anh ấy còn bị ra lệnh phải ở nhà canh chừng tôi trong suốt kỳ họp Quốc hội Trung Quốc. Anh ấy đã phải chịu đựng những áp lực tâm lý quá lớn mà anh ấy không đáng phải chịu. Anh căng thẳng tới mức một hôm anh không để ý dây cắm điện của nồi cơm đang cắm vào ổ. Anh đã vướng phải dây cắm điện và làm rơi nồi cơm xuống sàn nhà. Chính quyền luôn phái người tới nhà để canh chừng tôi. Tôi như đang nằm trên bờ vực của sự tuyệt vọng. Không một từ nào có thể diễn tả được cảm giác của sự đàn áp. Một ngày, tôi đưa tay lên đầu nắm chặt tóc của mình và hét lên: “Sư phụ! Con sẽ không từ bỏ Đại Pháp! Con sẽ không từ bỏ Đại Pháp! Con sẽ không từ bỏ Đại Pháp cho dù phải mất đi sinh mạng!” Sau đó tôi hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” Bỗng nhiên tôi cảm thấy có thêm niềm tin vững chắc vào Sư phụ và Đại Pháp.
Khi họ nhận ra áp lực tâm lý không thể khiến tôi từ bỏ, họ bắt đầu tấn công về mặt tài chính. Họ cắt tiền thưởng và lương của tôi. Vợ chồng tôi phải nuôi hai đứa trẻ. Chồng tôi chỉ được nhận hơn 300 tệ mỗi tháng. Cuộc sống trở nên khó khăn. Nhưng tôi vẫn giữ vững tâm tính của mình và không hề bỏ cuộc.
Đó là khoảng thời gian khó khăn, nhưng niềm tin của tôi không hề dao động dù cuộc sống khổ sở thế nào, tôi vẫn từ chối viết cam kết. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ Sư phụ hay Đại Pháp. Tôi chỉ tin tưởng vào Sư phụ. Tôi không bao giờ tin vào bất kỳ lời dối trá hay vu khống nào về Pháp Luân Công. Tôi tiếp tục giữ chính niệm với tất cả mọi việc trong cuộc sống của mình. Mặc dù đi lại khó khăn và đau đớn, tôi không bao giờ trở lại giường để nằm một khi đã thức dậy. Tôi ngồi trên miếng nệm lót và luôn giữ cho giường mình sạch sẽ. Khi chồng tôi đi làm và con cái đi học, tôi bước đi với một cây gậy để quét dọn và nấu nướng cho cả nhà.
Tôi rất ngưỡng mộ một vị học viên lớn tuổi. Bà đã mạo hiểm sự an toàn của bản thân và cố gắng gọi điện cho tôi trong lúc tôi đang bị theo dõi. Bà mang cho tôi kinh văn của Sư phụ, tuần báo Minh Huệ, và chia sẻ thể ngộ tu luyện với tôi. Bà đề nghị: “Sao em không nhờ mẹ mua một đôi nạng để em có thể giải thích với mọi người đôi chân em vì sao bị tàn tật.”
Đi lại với đôi nạng, tôi bắt đầu kể với mọi người biết ĐCSTQ đã tra tấn các học viên Pháp Luân Công như thế nào. Tôi bắt đầu ngay lập tức với hàng xóm của mình. Rất nhanh mọi người trong xóm tôi đều biết ai đã tra tấn tối bằng dùi cui điện. Tôi đã đi lại với một đôi nạng. Ngày đầu tôi đi một dặm, và hai dặm vào ngày thứ hai. Tôi đã kể với mọi người tôi gặp được và lan truyền sự thật về cuộc đàn áp một cách tốt nhất mà tôi có thể.
Lúc đó là mùa hè và rất nóng nực. Đôi nạng cọ sát vào vùng nách khiến áo tôi bị rách một lỗ. Sự ma sát và mồ hôi tiết ra khiến tôi chịu nhiều đau đớn. Nhiều người đã bảo tôi rằng: “Tội nghiệp chị quá, chị nên chú ý giữ gìn bản thân an toàn khi đi kể với mọi người câu chuyện của chị chứ.” Tôi không cảm thấy gian khổ khi biết được họ đã hiểu chân tướng về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Sư phụ đã từng giảng:
“Đại giác bất uý khổ
Ý chí kim cương chú
Sinh tử vô chấp trước
Thản đãng Chính Pháp lộ” (Chính niệm, chính hành – Hồng Ngâm II)
Ý chí của một đệ tử Đại Pháp tựa như kim cương. Liệu khó khăn và gian khổ nào có thể ngăn được chúng ta?
Một ngày nọ tôi đang trên đường trở về nhà và đi ngang một vườn hoa công cộng. Đang có nhiều người đứng ở đó. Một người hỏi tôi: “Là người tốt ư? Nếu họ là người tốt tại sao lại bị tống giam ở đó (trại lao động cưỡng bức)?” Nhưng tôi không hề động tâm, không cảm thấy oán giận gì. Một ngày khác, tôi tiến lại gần một cụ già lớn tuổi mà đã la lớn khi tôi đang giảng chân tướng cho nhiều người. Ông đã la lên rằng: “Cô vẫn còn nói ư? Dừng lại ngay!” Tôi không hề cảm thấy khó chịu mà nói chuyện một cách bình tĩnh: “Xin chú hãy bình tĩnh lại. Chúng ta không biết nhau. Sao chú phải tức giận như vậy? Họ đang hỏi thăm vì sao cháu phải đi lại bằng đôi nạng này. Nên cháu mới kể cho họ nghe câu chuyện của mình.” Sau này khi tôi gặp lại ông ấy một lần nữa, ông đã không còn giữ thái độ như trước kia nữa.
Một ngày nọ tôi đi tới rạp hát. Lúc đó đang là kỳ nghỉ hè nên có nhiều đứa trẻ tới đó. Một bé trai đã hỏi tôi: “Tại sao cô phải chống nạng?” Tôi đã giải thích với cậu bé rằng những cai ngục đã tra tấn tôi tàn phế. Mẹ của cậu bé chạy lại nói chuyện với tôi rằng: “Sao cô dám nói chuyện về Pháp Luân Công ở đây. Cô biết tôi là ai không? Tôi là một nhà báo. Tôi sẽ tố cáo cô với Phòng 610.” Tôi đáp lại: “Là cậu bé đã hỏi tôi vì sao tôi tàn phế. Đừng gọi cho Phòng 610.” Nhưng cô ấy không nghe lời tôi nói và ngay lập tức gọi cho Phòng 610 bằng di động. Đã quá trễ để tôi có thể chạy thoát khỏi đó nên tôi quyết định ngồi trên lề đường để phát chính niệm và cầu xin Sư phụ bảo hộ. Tôi đọc thầm khẩu quyết phát chính niệm.
Một chiếc xe của đường dây nóng 110 (tương tự 113 của Việt Nam) chạy tới trong vài phút. Họ hỏi rằng ai là học viên Pháp Luân Công. Tôi không hề sợ hãi. Tôi đã nói với nhân viên 110 rằng tôi đã bị tra tấn và tàn tật đôi chân như thế nào. Họ hỏi lại rằng: “Câu chuyện này có thật không?” Tôi đáp: “Đúng từng chữ một.” Tôi thậm chí còn nói nơi tôi làm việc và tôi tên gì. “Chúng tối rất muốn mời chị kể cho lãnh đạo của chúng tôi về câu chuyện đó.” Họ còn nói: “Thật tội nghiệp, chị hãy lên xe để chúng tôi đưa chị về nhà.” Tôi đã đáp lại rằng: “Cám ơn anh rất nhiều, nhưng tôi muốn luyện tập đôi chân của mình và không muốn làm phiền anh.” Sau đó họ đi lại nói chuyện với người phụ nữ đã trình báo tôi. Cô ta quay sang nhìn tôi giận dữ: “Cô đã nói điều gì với với nhân viên 110? Họ đã quở trách tôi!” Tôi đáp lại rằng: “Tôi chỉ kể cho họ nghe về chuyện của tôi. Tôi đã nói cô đừng gọi cho cảnh sát, nhưng cô không nghe.” Lúc đó có nhiều người đang quan sát. Một cụ bà lớn tuổi nói trong nước mắt: “Để tôi giúp chị đứng dậy.” Nhiều người đã trách mắng người phụ nữ báo cảnh sát đó.
Tôi bắt đầu giảng chân tướng tại cơ quan và phơi bày việc chính quyền bức hại tôi về mặt kinh tế như thế nào. Tôi liên tục yêu cầu họ trả lại số tiền lương và tiền thưởng đã bị cắt trước đây. Đầu tiên họ từ chối tôi và đe doạ sẽ báo cảnh sát. Tôi nói với họ rằng tôi không làm điều gì sai trái, tôi có quyền đòi lại tiền lương của mình. Nhiều bạn đồng nghiệp rất xúc động. Họ thậm chí đề nghị: “Nếu họ không chịu trả lương cho chị, chị đừng bỏ đi mà cứ ở đây.” Tôi cũng nhân cơ hội này mà giảng chân tướng về Pháp Luân Công và vạch trần cuộc bức hại tàn ác cho các bạn đồng nghiệp biết.
Cứ chỗ nào có đông người tụ tập thì tôi đến. Vào mùa hè, tôi hô lớn bên ngoài phòng chờ của trạm xe buýt rằng: “Chắc chắn tôi sẽ lại tới đây! Chính các ông đã bắt tôi vào trại lao động cưỡng bức. Giang Trạch Dân đã không cho các học viên Pháp Luân Công được đại diện một cách công bằng trên tòa án. Sẽ không ai trả lại công bằng cho sự tàn tật của tôi. Tôi sẽ gặp các ông để đòi lại công bằng.” Tôi làm như vậy khi có nhiều người xung quanh. Khi họ thấy có nhiều người đang nghe, họ mời tôi vào văn phòng. Cuối cùng tôi cũng đã lấy lại được tiền thưởng, lương và trợ cấp mà tôi đáng được hưởng.
Tôi không bao giờ cảm thấy vất vả. Tôi luôn cảm thấy vui mừng khi chứng kiến một người nhận ra được chân tướng về Pháp Luân Công và cuộc bức hại.
Miễn là tôi tiếp tục học Pháp và luyện công, Sư phụ sẽ tiếp tục quản tôi. Cuối cùng tôi đã có thể đi lại mà không cần nạng. Tôi thậm chí còn có thể đi xe đạp. Tôi tiếp tục đi giảng sự thật cho mọi người biết. Có nhiều người hỏi tôi: “Bây giờ chị đi lại được chưa? Có phải chị không cần nạng nữa không?”
Khi tôi đã có thể đi lại được, tôi xin đi làm người giúp việc. Đứa con lớn của tôi đi học đại học, đứa thứ hai thì vào trường cấp ba. Tôi làm công việc trông trẻ trong nửa ngày, nhưng phải hoàn tất khối lượng công việc của cả một ngày bao gồm quét dọn, giặt ủi và nấu nướng. Đó là công việc rất vất vả. Nhưng tôi vẫn luôn giữ tâm tính của mình. Tôi luôn nghĩ rằng mình vẫn đang tu luyện và cần phải hoàn thành đầy đủ trách nhiệm. Chủ nhà hoàn toàn tin tưởng tôi. Tôi đã giảng chân tướng cho toàn bộ gia đình nơi tôi giúp việc. Họ tặng quà cho tôi vì đã hoàn thành tốt công việc của mình nhưng tôi luôn từ chối. Tất cả gia đình mà tôi giúp việc đều biết chân tướng về Pháp Luân Công. Nhiều người đã đồng ý thoái khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới. Đến giờ tôi vẫn còn giữ liên lạc với những gia đình đó.
Khi tới tham dự đám cưới con của bạn đồng nghiệp, tôi đã giúp họ tiếp khách và giảng chân tướng khi thích hợp. Họ đã rất cảm kích vì sự giúp đỡ của tôi.
Cha tôi đã qua đời từ lâu. Quê của ông ở cách đây rất xa nên tôi đã không giữ liên lạc với họ hàng của ông. Tôi có một ước nguyện mình cần phải giảng rõ sự thật cho họ. Tôi cầu xin Sư phụ cho tôi cơ hội trở về quê. Khi đứa con thứ hai lên kế hoạch đi du học, nó phải tham dự một buổi phỏng vấn. Tôi gợi ý con gái nên tham dự buổi phỏng vấn ở gần quê ông ngoại. Trong lúc chúng tôi đợi tàu hoả, tôi thấy một nam thanh niên và tiếp cận anh ấy. Tôi được biết rằng anh ấy đi từ quê của tôi. Anh ấy đã giúp tôi mua vé trở về nhà. Tôi cám ơn và giảng chân tướng cho anh ấy. Anh ấy đã đồng ý thoái khỏi ĐCSTQ.
Chúng tôi đi xe lửa hết một ngày và mua vé xe buýt để đi tiếp về nhà. Chú tôi đón cả hai tại trạm xe và tôi nói rằng tôi chỉ có thể ghé chơi một ngày. Ngay lập tức chú tôi chở tôi đi thăm tất cả họ hàng trong thị trấn. Tôi đã giảng chân tướng cho họ hàng và thuyết phục họ thoái đảng. Dì của tôi đã hơn 80 tuổi nắm lấy tay tôi và nói rằng: “Dì không bị đãng trí đâu, dì nhớ hết từng lờn con nói.” Họ đã rất cảm động khi tôi đi một chặng đường rất dài để ghé thăm họ. Họ cũng giữ liên lạc với tôi từ đó.
Chúng tôi đón xe lửa trở về nhà vào ngày hôm sau. Sau một hành trình dài chúng tôi cuối cùng cũng trở về nhà. Con tôi đã được chấp nhận vào ngôi trường mà nó mong muốn.
Khi tôi đến trường đại học của con gái, tôi tự trả chi phí đi lại mà không hề dùng bất cứ quyền lợi nào có được từ cơ quan cũ tôi làm việc. Đồng nghiệp của tôi cảm thấy không vui khi tôi phải tự trả tiền đi lại. Tôi nói với họ rằng tôi đã về hưu nên sẽ không nhận quyền lợi nào nữa.
Tôi vẫn còn rất nhiều chấp trước cần từ bỏ, và không phải lúc nào tôi cũng hướng hội. Đặc biệt, tôi có nhiều mâu thuẫn với một đồng tu. Tôi luôn tập trung vào chấp trước của cô ấy và phê phán cô ấy. Tôi cảm thấy mình thật tệ. Tôi đã làm Sư phụ thất vọng. Tôi phải tu luyện tâm tính mình liên tục từ bây giờ trở đi, tuân theo Pháp mà Sư phụ dạy và luôn luôn hướng nội. Tôi cần phải làm tốt ba việc.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/1/22/心中只有一个字“信”-268071.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/1/30/137293.html
Đăng ngày 16-04-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.