Bài của Hiểu Khiết, một đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 22-11-2012] Sư phụ giảng trong Chuyển Pháp Luân:
“[Tôi] nói rõ cho chư vị một chân lý: toàn bộ quá trình tu luyện của người ta chính là quá trình liên tục tống khứ tâm chấp trước của con người.”
Theo thể ngộ của tôi, việc hướng nội là để nhận ra và bỏ đi các tư tưởng ích kỷ trong toàn bộ quá trình tu luyện của chúng ta. Suy cho cùng, tất cả chấp trước đều bắt nguồn từ sự ích kỷ của chúng ta. Ở đây, tôi sẽ chia sẻ với mọi người về việc tôi đã hướng nội trong tu luyện bản thân và cố gắng để “tu thành bậc Chính Giác vô tư vô ngã, tiên tha hậu ngã” (Phật tính vô lậu,Tinh Tấn Yếu Chỉ I) như thế nào.
Hướng nội để tu chỉnh bản thân
Nhờ không ngừng học thuộc các sách Đại Pháp kể từ những ngày đầu tu luyện, nên quá trình tu luyện của tôi tương đối ổn định. Hồi tưởng lại, thậm chí những chấp trước được xem là khó có thể từ bỏ tại thời điểm mới bắt đầu cuộc đàn áp thì nay dường như chẳng là gì cả. Học Pháp không ngừng cho phép tôi có những bước đi vững chắc trên con đường tu luyện của mình. Bất cứ khi nào tôi gặp phải các khổ nạn hoặc xung đột, Pháp của Sư phụ lại hiện ra trong tâm trí tôi và dẫn dắt tôi vượt qua các khảo nghiệm.
Cho dù là tu luyện cá nhân hay tu luyện trong thời kỳ Chính Pháp, hướng nội luôn là chìa khoá để giúp chúng ta đề cao tâm tính. Sư phụ đã từng giảng cho chúng ta trong “Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2008”:
“Bất kể chư vị nhận phải ma nạn lớn đến mấy, thống khổ lớn đến đâu, thì đều là việc tốt; vì chư vị tu luyện rồi mới xuất hiện [nó]. Trong ma nạn có thể thanh trừ nghiệp lực, trong ma nạn có thể trừ bỏ nhân tâm, trong ma nạn có thể khiến chư vị đề cao lên.”
Vì vậy phải có lý do cho những ma nạn của chúng ta. Miễn là chúng ta hướng nội để nhận ra gốc rễ vấn đề của mình, thì khi ấy chúng ta sẽ có thể phá vỡ các an bài của tà ác và nâng cao tầng thứ tu luyện của mình.
Dựa trên kinh nghiệm của bản thân, tôi cảm thấy rằng có ba nhân tố quan trọng để nâng cao tâm tính của chúng ta. Đầu tiên, chúng ta phải đối đãi vấn đề gặp phải bằng chính niệm. Thứ hai, chúng ta phải nhận ra và loại bỏ những chấp trước trong thời gian ngắn nhất có thể. Thứ ba, chúng ta phải đặt Đại Pháp là ưu tiên hàng đầu của chúng ta và chia sẻ thể ngộ cùng các đồng tu một cách kịp thời, không để lại bất kỳ sơ hở nào cho tà ác lợi dụng.
Một lần nọ, tôi đến nhà học viên A và cô ấy liên tục nói về những khuyết điểm của học viên B. Tôi không muốn lắng nghe những phàn nàn của cô ấy và đã phủ nhận: “Không, cô ấy không giống như thế tí nào hết!” Học viên A ngay lập tức kết tội hành động của tôi theo cách mà cô đã làm với học viên B. Cô ấy nói rằng: “Cả hai vị đều giống nhau và cả hai đều không thể chịu đựng được những góp ý xây dựng của người khác.” Tôi không thể chấp nhận lời buộc tội của cô ấy. Làm sao tôi có thể giống như học viên B cho được? Tôi đáp trả học viên A, cốt chỉ để chọc tức cô ấy. Khi cô ấy trở nên giận dữ, tôi đột nhiên bình tĩnh lại và nhắc nhở bản thân đừng nên tranh luận nữa.
Khi trở về nhà, tôi vẫn cảm thấy vô cùng thất vọng. Điều học viên A nói về tôi đã thật sự tổn thương lòng tự trọng của tôi. Tuy nhiên, tôi không thấy mình có bất cứ điều gì sai. Sau đó, tôi bắt đầu phát chính niệm để loại bỏ bất cứ điều gì đã ngăn tôi nhận ra những chấp trước của mình. Khi tôi nâng mình lên vượt thoát khỏi tầng thứ con người và nhìn lại toàn bộ sự việc từ quan điểm của một người thứ ba, tôi nhìn thấy chấp trước tự bảo vệ bản thân rất mạnh mẽ và không chấp nhận bất cứ lời chỉ trích nào của mình.
Tôi nhận ra rằng việc ai đúng ai sai không thật sự quan trọng. Then chốt là sử dụng sự việc tưởng như ngẫu nhiên này để khảo nghiệm tâm tính và tìm ra chấp trước căn bản của tôi: tự ám ảnh. Trong khoảng khắc đó, có một cảnh hiện lên trong tâm trí tôi: một con tàu được cột chặt bởi rất nhiều dây thừng và bất thình lình tất cả các dây thừng này đều bị cắt đứt hết và nó sẵn sàng ra khơi. Tâm tôi có thể cảm nhận được ánh sáng huy hoàng vào chính khoảnh khắc đó.
Có một khảo nghiệm khác đã song hành cùng với tôi trong hầu hết quá trình tu luyện. Chồng tôi thường gây khó khăn cho tôi sau khi anh ấy say rượu. Anh ấy bắt đầu nguyền rủa tôi và lúc đầu tôi cố gắng chịu đựng cơn tức giận bùng lên của anh ấy. Nhưng cuối cùng, tôi không thể chịu đựng nổi nữa và bắt đầu cãi nhau với anh ấy. Ngày tiếp theo, do bị điều khiển bởi nghiệp tư tưởng, tôi đã đưa các con đến sống tạm tại nhà của một đồng tu. Không ngờ điều đã tạo thành ma nạn cho tôi. Trong thời gian tôi lưu trú tại nhà của đồng tu đó, cảnh sát địa phương đã phát động một vụ bắt giữ hàng loạt, và con trai của cô ấy đã khai ra tôi khi cảnh sát gây áp lực với cậu ấy. Tôi đã phải di chuyển từ nơi này đến nơi khác để tránh bị bắt. Sau đó, chị gái tôi bị xuất huyết não và được đưa đến bệnh viện để kiểm tra. Trong khi đó, chồng tôi liên tục nhục mạ tôi. Sau khi chia sẻ với các đồng tu, phát chính niệm và hướng nội, tôi đã có thể nhận ra rằng tôi vẫn còn tâm tranh đấu và chấp trước vào cuộc sống thoải mái của người thường. Tôi biết những điều này xuất phát từ tâm ích kỷ của mình. Tôi tăng cường học Pháp và đọc các bài chia sẻ của các đồng tu về việc loại bỏ tình cảm. Tôi cảm thấy mình đã tìm lại được niềm vui trong cuộc sống. Khi tôi trở về nhà một tuần sau đó, tất cả mọi thứ đã trở lại bình thường.
Lần vấp ngã này đã thức tỉnh tôi và giúp tôi nhận ra những tư tưởng bất tịnh mà tôi vẫn hằng nuôi dưỡng. Tôi đã cảm thấy bản thân mình quá tốt và ít quan tâm đến người khác. Tôi không muốn bản thân có bất kỳ rắc rối nào và ghét những lời chỉ trích của người khác. Tôi nhắm thẳng chính niệm của tôi vào những chấp trước này và sau đó có một cuộc nói chuyện bình tĩnh với chồng. Tôi yêu cầu anh chỉ ra những khuyết điểm của tôi và nhắc nhở anh đừng chửi rủa tôi khi anh say rượu nữa. Sau khi tôi nói điều này ra với anh, tôi vẫn còn có một chút thất vọng vì tôi cảm thấy điều đã xảy ra là do lỗi của anh ấy. Tôi còn phải thừa nhận rằng tôi đã sai. Tôi biết tôi đã không hoàn toàn bỏ đi các chấp trước của mình mà vẫn còn bị ám ảnh vào việc giữ thể diện. Mặc dù vậy, chồng tôi đã vô cùng xúc động và ngạc nhiên khi lần đầu tiên thấy tôi thừa nhận những sai lầm đó là do tôi gây nên. Anh hứa là sẽ thay đổi và trở nên tốt hơn cũng như không bao giờ gây bất cứ rắc rối nào cho tôi nữa. Mặt khác, tôi đã có thể loại bỏ sự thiếu từ bi của mình đối với những lời chỉ trích của người khác. Tôi đã có được một sự hiểu biết sâu sắc về câu “Tu nội mà an ngoại”. (Tinh Tấn Yếu Chỉ I)
Trong quá trình giải quyết mâu thuẫn với chồng, tôi đã dần dần loại bỏ thói quen đổ lỗi cho anh ấy suốt thời gian qua và loại bỏ tâm tranh đấu của chính mình. Tôi mở rộng lòng mình và cảm thấy từ bi hơn. Trong khi đó, tôi vẫn không quên hướng nội. Ví dụ, khi tôi thất bại trong việc nói sự thật về Pháp Luân Công cho một ai đó, tôi nhìn thấy tâm truy cầu lợi ích của mình. Lần khác, quyển sách điện tử của tôi tự nhiên không mở được nữa, và tôi nhận ra rằng mình vẫn còn tâm chấp trước vào lợi ích vật chất. Khi tôi nghe những nhận xét không công bằng trực tiếp nhắm vào mình, tôi biết rằng mình vẫn còn chấp vào danh. Tóm lại, tôi đã phát triển thói quen hướng nội để nhận ra và loại bỏ gốc rễ các vấn đề của mình bất cứ khi nào tôi cảm thấy không thoải mái và thất vọng. Khi điều này trở thành tự nhiên trong quá trình tu luyện của tôi, tôi có thể cảm thấy bản thân đang thăng tiến một cách nhanh chóng.
Các học viên hướng nội để viên dung với chỉnh thể
Loại bỏ tự ngã và đề cao chỉnh thể
Tôi thấy rằng, viên dung chỉnh thể là trách nhiệm của mỗi học viên, chứ không chỉ là của các điều phối viên. Khi ai đó phàn nàn về việc tại sao chỉnh thể của họ không phối hợp được tốt, thì khi ấy anh ta đã đang đặt bản thân mình như là một người ngoài cuộc. Trong nhóm giảng chân tướng của chúng tôi, mỗi học viên đều có các dự án cần phải thực hiện một cách độc lập và chúng tôi cũng có nhiều thứ cần phải phối hợp cùng nhau. Tôi cảm thấy rằng phối hợp cùng nhau là bước đầu tiên trong việc hoà mình vào chỉnh thể.
Năm ngoái có một học viên trong nhóm của chúng tôi gặp phải can nhiễu của tà ác và tôi đã lập tức thông báo cho các thành viên khác trong nhóm để phát chính niệm cho cô ấy. Tôi cũng thường xuyên chia sẻ suy nghĩ của tôi với học viên này. Khi tôi biết được rằng cảnh sát đã đến quấy rối cô ấy, tôi đã phát chính niệm ở cự ly gần. Tôi cũng đưa con trai cô ấy về nhà và động viên cậu nên ủng hộ mẹ mình. Tôi cũng liên tục thông báo cho các thành viên khác trong nhóm về những sự việc đang xảy ra với cô ấy, để tất cả mọi người có thể cập nhật được tình trạng của cô ấy. Tôi quyết định giúp cô ấy vượt qua can nhiễu này cho dù nó khó khăn cỡ nào. Suy cho cùng thì chúng tôi là một chỉnh thể. Trong suốt quá trình này, tôi thấy tâm ích kỷ của mình lại một lần nữa xuất hiện. Tôi đã làm hết sức để giúp cô ấy bởi vì cô là một thành viên trong nhóm của tôi, nhưng tôi đã ý thức được rằng tôi không có mong muốn mạnh mẽ như vậy để giúp các học viên từ nhóm khác. Tôi đã chỉnh lại tư tưởng chọn lựa của mình và quyết định giúp đỡ bất kỳ ai cần đến sự giúp đỡ của tôi cho dù họ có cùng nhóm với tôi hay không.
Chỉ khi tất cả mọi người đều đề cao thì mới có thể nâng chỉnh thể lên một tầng thứ cao hơn
Là một cá nhân tu luyện, bất cứ một chấp trước nào đó cũng có thể ngăn cản chư vị thăng tiến. Điều này cũng tương tự với một chỉnh thể. Bất cứ một học viên nào vướng phải khổ nạn cũng sẽ làm cho năng lượng của chỉnh thể yếu đi. Nếu chúng ta coi những vấn đề của người khác như của chính mình, chúng ta sẽ có thể làm giảm đi những xung đột, vì khi chúng ta tự đặt mình vào vị trí của người khác thì dĩ nhiên chúng ta sẽ thấy mình có trách nhiệm.
Sư phụ đã giảng trong “Giảng Pháp tại Manhattan [2006]”:
“Có người vẫn luôn cứ nhấn mạnh rằng mình là đúng; chư vị đúng, chư vị không sai, vậy thì sao? Là đề cao trong Pháp chăng? Dùng nhân tâm để nhấn mạnh đúng-sai, bản thân đó đã là sai rồi; bởi vì chư vị dùng cái Lý của người thường để đo lường bản thân chư vị, chư vị dùng cái Lý của người thường để yêu cầu người khác. Tại Thần mà nhìn một người tu luyện ở thế gian, [thì] đúng và sai của chư vị hoàn toàn không trọng yếu; mà tống khứ tâm chấp trước nhân tâm mới là trọng yếu. Trong tu luyện chư vị buông bỏ tâm chấp trước nhân tâm như thế nào mới là quan trọng.”
Một thành viên trong gia đình tôi cũng là một học viên và tôi luôn nhìn thấy mặt thiếu tinh tấn của cô ấy. Tôi không thể ngăn mình gây chuyện với cô ấy. Khi tôi đọc bài chia sẻ của các học viên về việc không nên chỉ trích và phàn nàn về người khác nhiều hơn, tôi bắt đầu chỉnh lại mình. Tôi thấy rằng tình cảm của người thường đã thế chỗ cho tâm từ thiện và từ bi của tôi. Vì thế, tôi phát chính niệm và loại bỏ những tư tưởng xấu của mình. Tôi đã giúp cô ấy truy cập Minh Huệ Net và khuyến khích cô ấy bước ra giảng chân tướng cho mọi người. Tôi cũng khuyến khích cô ấy tham gia nhóm học Pháp thường xuyên hơn. Cả hai chúng tôi đã được hưởng lợi ích từ nhóm học Pháp. Tôi phát hiện ra rằng, khi cô ấy đã đồng hóa với chỉnh thể và trạng thái tu luyện của cô ấy dần trở nên tốt hơn thì tâm xem thường cô ấy của tôi đã biến mất.
Vượt qua chính mình và viên dung với chỉnh thể
Tôi từng có một giấc mơ rất rõ ràng, trong đó có hai đội đang chơi bóng rổ. Đội của tôi nghĩ rằng đội kia rất mạnh và một thành viên trong đội cảm thấy không chắc chắn về cơ hội chiến thắng của chúng tôi. Tôi đã chia sẻ suy nghĩ của mình với anh ấy và sau đó anh ấy cảm thấy tự tin hơn nhiều. Anh ấy đã có thể vượt qua hàng rào phòng thủ của đối phương với sự hỗ trợ của tôi để ném được bóng vào rổ và ghi điểm. Cuối trận đấu, chúng tôi đã đánh bại đối thủ của chúng tôi với số điểm 101-100. Giấc mơ của tôi dừng lại ngay lúc đó và có ba chữ hiện lên trong tâm trí tôi: “vượt qua”, “phối hợp” và “chỉnh thể”.
Trong quá trình tu luyện, chúng ta cần phải liên tục vượt qua những quan niệm ích kỷ của chính mình. Chúng ta cần phải chia sẻ và phối hợp với nhau một cách vô điều kiện. Bằng cách này, chúng ta có thể đề cao chỉnh thể và đánh bại tà ác.
Tôi đã phải khó nhọc để vượt qua những trở ngại trong việc nói chuyện trực diện với mọi người về sự thật của Pháp Luân Công trong một thời gian dài. Sau khi học bài giảng gần đây nhất của Sư phụ, tôi nghĩ rằng các đệ tử Đại Pháp có năng lực rất lớn và tại sao tôi không thử nó một lần. Sau đó, tôi đi ra ngoài cùng với một số đồng tu và thấy rằng tôi có thể giảng chân tướng trực diện cho mọi người. Khi tôi phá vỡ được những quan niệm của chính mình, thì nó không còn khó như tôi tưởng nữa. Hiện nay, cho dù tôi đi bất cứ đâu hoặc gặp bất kỳ ai, ý nghĩ đầu tiên của tôi là cứu họ. Những nỗ lực giảng rõ sự thật đã mang lại cho tôi niềm vui vô hạn.
Sau buổi học Pháp nhóm ngày hôm qua, tôi đã có buổi trò chuyện rất dài với một đồng tu. Cô ấy không đủ tự tin để nói chuyện trực diện với người ta và vì thế không thể thuyết phục được bất kỳ ai thoái Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các tổ chức liên đới của nó là Đoàn Thanh niên Cộng sản và Đội Thiếu niên Tiền Phong (còn được gọi là “tam thoái”). Tôi đã chia sẻ với cô ấy cách mà tôi có thể thuyết phục được từng người một trong danh sách “tam thoái” của tôi thoái xuất ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.
Tu luyện thực sự là một quá trình vượt qua chính mình. Sư phụ giảng:
“Học Pháp đắc Pháp
Tỉ học tỉ tu
Sự sự đối chiếu
Tố đáo thị tu.” (Thực tu, Hồng Ngâm I)
Tôi đã ngộ ra rằng chúng ta cần phải làm theo chỉ đạo của Sư phụ trong bài thơ trên để hoàn thành quá trình thực tu của chúng ta. Hướng nội để cải thiện bản thân. Làm tốt ba việc và thực hiện thệ ước tiền sử của chúng ta.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2012/11/22/向内找–修出无私无我的境界-265019.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2012/12/3/136512.html
Đăng ngày 26-03-2013. Bản dịch có thể được chỉnh sửa cho đúng với nguyên bản.