Bài viết của một học viên từ tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 29 – 11 – 2012] Nhìn lại quãng đường tu luyện của mình trong năm nay, và thấy mình đã đề cao từng chút một với sự bảo hộ của Sư phụ, tâm của tôi tràn đầy sự biết ơn vô tận đến Sư phụ từ bi và vĩ đại. Thể ngộ sâu sắc nhất mà tôi có được trong khoảng thời gian một năm này đó là, mỗi mâu thuẫn, mỗi bất hạnh, và mỗi khó chịu đều trở thành động lực giúp tôi thăng tiến trong tu luyện, miễn là tôi không được quên mình là một người tu luyện.

Giải phóng tâm khỏi sự trói buộc của điện thoại di động

Tôi phụ trách một số nhiệm vụ ở nơi làm việc, vì vậy ông chủ đã trang bị cho tôi một chiếc điện thoại di động và trả tiền điện thoại hàng tháng. Tôi được yêu cầu phải luôn để điện thoại ở chế độ liên lạc được và đến sở làm mỗi khi cần thiết.

Tôi là một nhân viên tận tụy ngay cả khi chưa bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Sau khi bắt đầu tu luyện, tôi đã tuân theo các nguyên lý của Đại Pháp và thậm chí còn làm việc tận tụy hơn. Mặc dù bị đối xử không công bằng khi cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 1999, tôi vẫn luôn hoàn thành tốt trách nhiệm công việc của mình. Cho dù tôi đang ăn hay đang ngủ, chỉ cần điện thoại đổ chuông và công ty cần tôi, tôi sẽ lập tức đến đó.

Tâm tôi dường như bị trói buộc bởi chiếc điện thoại di động. Biết là nó có thể đổ chuông bất kỳ lúc nào, vì vậy tôi không dám rời nó nửa bước. Tôi luôn đem nó theo, thậm chí cả khi tôi đi học Pháp nhóm ở nhà của một học viên khác. Sau đó các học viên khác nhắc nhở tôi rằng làm vậy có thể tạo ra các vấn đề không an toàn cho các học viên; tôi cũng hiểu điều đó nên đành miễn cưỡng để điện thoại di động ở nhà. Tuy nhiên, tôi nhanh chóng bắt đầu cảm thấy lo lắng về nó. Tôi cảm thấy khó chịu khi học nhóm và không thể chú tâm học Pháp. Điều đầu tiên tôi làm khi mở sách là lật qua cuốn sách để xem chúng tôi sẽ phải đọc bao nhiêu trang vào ngày hôm đó. Sau đó, tôi sẽ đọc Pháp với hy vọng sớm kết thúc. Sau khi học Pháp xong, tôi không muốn chia sẻ kinh nghiệm với các học viên khác. Tôi cảm thấy nóng ruột và chỉ muốn chạy nhanh về nhà.

Về đến nhà, tôi chạy vội đến chiếc điện thoại di động để kiểm tra xem có cuộc gọi nhỡ không, đôi khi tôi còn không kịp tháo giày ở cửa. Nếu có cuộc gọi nhỡ, đặc biệt là khi có vài cuộc gọi nhỡ, tôi cảm thấy cực kỳ bứt rứt. Nếu một trong số các cuộc gọi nhỡ là từ ông chủ của tôi, bàn tay tôi sẽ gần như bắt đầu run lên. Khi đó, tôi sẽ lập tức gọi lại cho ông và giải thích hàng loạt lý do mà tôi đã chuẩn bị sẵn.

Tâm tôi đã bị trói buộc bởi chiếc điện thoại di động trong suốt vài năm cho đến khi các học viên khác có thể giúp tôi nhận ra rằng, là một đệ tử Đại Pháp, tôi nên đặt Đại Pháp lên hàng đầu. Tôi bắt đầu nhận ra rằng vấn đề của tôi với chiếc điện thoại xuất phát từ các chấp trước của tôi vào danh và lợi ích cá nhân. Tôi thậm chí còn quan tâm đến tiền làm thêm ngoài giờ và những đánh giá từ ông chủ của mình.

Khi tiếp tục đề cao về vấn đề này, tôi nhận ra rằng là một đệ tử Đại Pháp, không có điều gì là ngẫu nhiên. Khi một học viên có chính niệm, mọi thứ sẽ diễn ra suôn sẻ. Can nhiễu chỉ xảy ra khi một học viên không thể từ bỏ các chấp trước của mình. Giờ đây, cứu độ vô lượng chúng sinh mới là điều quan trọng nhất trong vũ trụ này. Làm sao mà tôi có thể cho phép cựu thế lực sử dụng công việc của tôi để can nhiễu tôi?

Sư phụ giảng:

“Tà ác không dám phản đối việc giảng rõ chân tướng và cứu độ chúng sinh, điểm then chốt là ở chỗ tâm thái khi làm công tác không có sơ hở cho chúng dùi vào.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Boston năm 2002)

Dần dần, tâm tôi ngày càng trở nên thuần tịnh, và không còn bị ảnh hưởng bởi chiếc điện thoại. Bây giờ khi tôi cần học Pháp hoặc làm những việc khác với các đồng tu, tôi sẽ tắt điện thoại và tháo pin ra, hoặc đơn giản là để nó ở nhà. Tôi chỉ đơn giản làm những gì tôi cần phải làm với tâm thái nhẹ nhàng.

Từ bỏ chấp trước vào tranh luận đúng sai

Trong nhiều năm, tôi và vợ không thể thống nhất về việc chọn quần áo phù hợp với cô ấy. Đôi khi ý kiến của chúng tôi khác biệt rất lớn. Chúng tôi thường thảo luận, tranh cãi và bất hòa với nhau.

Tôi nghĩ rằng thẩm mỹ của vợ tôi không tốt và cô ấy không biết chọn trang phục phù hợp với mình, còn tôi có gu thẩm mỹ rất tốt và biết kiểu quần áo nào thì hợp với những người nào. Vợ tôi không đồng ý và thường tranh cãi với tôi. Điều đó làm tôi khó chịu.

Khi tôi nói với vợ: “Đừng nhờ anh giúp em mua sắm quần áo nữa vì em không nghe lời anh!” cô ấy sẽ tỏ ra rất tôn trọng ý kiến của tôi để kéo tôi đi cùng. Tuy nhiên, khi tôi chân thành gợi ý, cô ấy lại đáp rằng: “Em không thích” hoặc “Em nghĩ nó không hợp với em.” Tôi thật sự muốn tự vả vào mặt mình vì không rút ra được bài học và liên tục rơi vào tình huống này.

Tháng 07 năm nay, học viên H và một nữ học viên khác đã đến nhà tôi chơi. Chúng tôi bắt đầu nói chuyện về việc mua sắm quần áo, và điều này lập tức làm tôi quan tâm. Tôi hào hứng nói về những kiểu quần áo và màu sắc, và hai học viên đó dường như rất thích các ý kiến của tôi.

Tôi phát hiện rằng vợ tôi đang chăm chú lắng nghe, vì vậy tôi chuyển chủ đề và nói: “Các chị đã bao giờ thấy vợ tôi mặc quần áo phù hợp với cô ấy chưa, còn nhớ kiểu quần áo mà mọi người đã từng thấy chứ?” Cả hai học viên đều đồng ý với quan điểm của tôi, nhưng vợ tôi có vẻ khó chịu. Tuy nhiên, tôi không để ý đến cô ấy mà vẫn tiếp tục nói. Tôi nghĩ rằng tôi phải nhân cơ hội này để giải tỏa cơn giận dữ tích tụ trong lòng mình nhiều năm qua. Lúc đó, hai học viên kia nhận ra có điều gì đó không ổn đang diễn ra, vì vậy họ tìm lý do và xin phép ra về.

Khi hai học viên đó rời đi, tôi tiếp tục nói về chủ đề này với vợ để chứng minh “sự đúng đắn” trong quan điểm của mình từ nhiều góc độ. Tôi dồn dập hỏi cô ấy cho đến khi cô ấy thừa nhận rằng cô ấy cần phải cải thiện phong cách của mình và thể hiện rằng cô ấy sẽ nghe theo ý kiến của tôi trong việc lựa chọn quần áo trong tương lai.

Khoảng một tuần sau, vợ tôi lại rủ tôi đi mua sắm. Khi tôi đang tìm kiếm các bộ quần áo “phù hợp” cho vợ, tôi chỉ vào một nhân viên của khu mua sắm đang đứng gần đó và nói với vợ: “Kiểu váy này hợp với em đó.” Cô ấy nhìn một lúc và nói mà không suy nghĩ: “Em không thích màu đó.” Tôi cảm thấy giận dữ và nói: “Nếu em vẫn nhấn mạnh vào cái thích và không thích của em, vậy thì nhờ anh đi cùng để làm gì?”

Lúc đó, con gái tôi cũng đi cùng với chúng tôi, nói: “Cái váy đó không hợp với dáng mẹ.” Tôi thấy như máu trong người đang sôi lên. Tôi không thể nói được lời nào. Lúc đó, tôi đột nhiên nhận ra rằng mình có điều gì đó không đúng và đã đến lúc từ bỏ chấp trước của mình. Tôi không nói lời nào cho đến khi chúng tôi về đến nhà. Tôi tự hỏi bản thân: “Mình phải có điểm gì đó không đúng. Vấn đề của mình ở đâu?”

Tôi liên tục hướng nội trong những ngày sau đó và tìm thấy chấp trước sắc dục. Lý do mà tôi giỏi chọn quần áo là vì tôi luôn chú ý đến việc người ta ăn mặc như thế nào, đặc biệt là những phụ nữ trẻ đẹp, và đôi khi tôi vẫn động tâm khi quan sát họ. Nói chính xác hơn là tôi quan sát phụ nữ nhiều hơn là quần áo của họ, và tôi đã phát xuất chấp trước sắc dục được ẩn giấu này về phía vợ mình.

Khi tiếp tục hướng nội, tôi cũng tìm thấy các chấp trước tranh đấu và hiển thị. Có lẽ Sư phụ thấy được nỗ lực hướng nội và hy vọng từ bỏ các chấp trước chân thành của tôi, Ngài đã giúp tôi tìm ra các chấp trước căn bản vào tối ngày 18 tháng 12, năm 2012, khi tôi bắt đầu viết bài chia sẻ này để gửi Pháp hội Trung Quốc trên Minh Huệ lần thứ chín. Tối đó khi đang viết bài chia sẻ, tôi nghe thấy vợ và con gái đang thử giày. Hai người gọi tôi lại và nhờ tôi xem đôi giày mà dì của con gái tôi mua cho. Tôi thấy con gái tôi đang mang một đôi giày thể thao màu đỏ với dây màu trắng. Tôi lập tức hào hứng và khen: “Trông thật tuyệt, thật tuyệt!”

Tôi hỏi con gái: “Quay phải, để cha nhìn nào. Không, không, quay trái, bên trái.” Con gái tôi cứ quay về bên phải, và mặt của nó tỏ vẻ không vui và khó chịu. Tôi cũng bắt đầu thấy hơi khó chịu và tụt hứng. Tôi nói: “Con thử giày không phải để cho cha. Tại sao con lại không vui?” Con gái tôi giận dữ nói: “Con không thích đôi giày này và không cảm thấy thoải mái khi đi chúng, nhưng cha cứ kêu con quay phải quay trái.” Nói rồi, nó bỏ đi.

Tôi lại gần vợ để hỏi chuyện. Cô ấy nói: “Anh nên nhìn thấy vẻ mặt của anh khi anh nhìn đôi giày. Chúng tuyệt đến vậy sao? Anh thậm chí còn nói rằng chúng ta chưa bao giờ mua được đôi giày nào tuyệt như đôi này.” Rồi chúng tôi lại rơi vào cuộc tranh luận cũ, và tôi lại tranh luận với những lý lẽ cũ về gu thẩm mỹ. Khi vợ tôi gần như đã nhận đầu hàng, con gái tôi đột nhiên phóng vào phòng để bảo vệ mẹ. Nó thậm chí còn dám trách mắng tôi, mặc dù theo quan điểm của tôi những lý lẽ của nó hoàn toàn không có cơ sở. Khi tôi chỉ ra rằng nó đã sai, vợ tôi nhắc tôi nên chú ý đến tâm tính của mình. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn mất kiểm soát, và ma tính của tôi đã bộc phát. Tôi không thể nhịn dù chỉ một câu, và mỗi câu mà tôi nói đều làm tổn thương con gái mình. Con gái tôi cuối cùng đóng sầm cửa và hét lên: “Con sẽ không gọi cha là cha nữa!” Suốt đêm đó, tôi không thể chợp mắt. Tôi không còn giận dữ nữa, nhưng tôi vẫn không tài nào ngủ được. Tôi nhìn chằm chằm vào tường và cứ tự nói với bản thân rằng mình phải tìm ra chấp trước căn bản và loại bỏ nó. Khoảng một giờ sáng, tôi viết ra bốn chữ trong bóng tối: “Áp đặt người khác”. Lúc đó, tôi cảm thấy rõ ràng có một khối vật chất nặng được gỡ ra khỏi tâm của mình. Tôi nhận rõ rằng tôi đã quá chấp trước vào tranh luận đúng sai. Tôi đã rất nhọc tâm để chứng minh “sự đúng đắn” của mình và bắt buộc người khác chấp nhận quan điểm của mình. Tôi thậm chí còn dám dùng Đại Pháp để chứng thực bản thân, điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được!

Tôi nhớ lại lời Sư phụ giảng:

“Không được cứ tranh luận mãi, không được nhấn mạnh vào là ai đúng ai sai. Có người vẫn luôn cứ nhấn mạnh rằng mình là đúng; chư vị đúng, chư vị không sai, vậy thì sao? Là đề cao trong Pháp chăng? Dùng nhân tâm để nhấn mạnh đúng-sai, bản thân đó đã là sai rồi; bởi vì chư vị dùng cái Lý của người thường để đo lường bản thân chư vị, chư vị dùng cái Lý của người thường để yêu cầu người khác.” (Giảng Pháp tại Manhattan)

Khi con gái tôi mất lý trí và la mắng tôi, nó thật sự giống như một cái gương phản chiếu việc tôi đã áp đặt ý kiến của mình lên người khác như thế nào. Tôi đột nhiên cảm thấy nhẹ lòng và không còn than phiền về vợ hay con gái nữa. Tôi thấy cơn giông tố mà mình vừa mới trải qua dường như chưa từng tồn tại.

Ngày hôm sau khi đang làm việc, tôi thấy lưỡi của mình đau âm ỉ. Tôi lập tức ngộ ra đó là do tâm tranh đấu mạnh mẽ của tôi và kết quả của những lời cay nghiệt mà tôi đã nói ra khi tranh cãi với con gái mình. Tôi thầm nói với Sư phụ trong tâm: “Sư phụ, con đã sai. Con sẽ sửa chữa bản thân.” Ngay lúc đó, cơn đau trên lưỡi của tôi đã biến mất hoàn toàn.

Đề cao trong quá trình viết bài

Một buổi tối tháng 06 năm 2012, học viên H đã đến chỗ tôi cùng với một người nhà của một học viên bị bắt giữ bất hợp pháp. H hy vọng rằng tôi có thể viết một bài về việc học viên đó bị đàn áp. Sau một vài câu hỏi và trả lời, tôi thấy vụ việc này rất điển hình và xúc động. Ngoài ra, những bức hình liên quan đến vụ việc cũng đã có sẵn. Tôi lập tức nhận ra đây là một tư liệu rất tốt, vì vậy tôi có thể có một bài viết xúc động! Cảm thấy hứng khởi, tôi nhanh chóng viết bài và chèn hình ảnh trong tối hôm đó. Tuy nhiên, tôi đã tự kiềm chế bản thân và không lập tức gửi nó, vì H đã nhấn mạnh rằng hãy để cô ấy đọc nó trước. Tôi đã lưu bài viết đó vào trong hộp thư mà chúng tôi chia sẻ.

Ngày hôm sau khi gặp H, tôi hỏi cô ấy: “Thế nào? Chị đã đọc chưa? Có vấn đề gì không?” Cô ấy đáp: “Có một vài vấn đề.” Cô ấy ngưng một chút rồi tiếp tục: “Các học viên khác và tôi đã đọc bài mà anh viết, và chúng tôi cảm thấy nó quá tẻ nhạt. Chúng tôi nghĩ rằng học viên J có thể viết bài đó tốt hơn. Anh nghĩ sao?” Nghe vậy, tim tôi cảm thấy đau thắt.

Tôi định mở miệng để nói vài điều, nhưng sau đó nhận ra rằng đã đến lúc buông bỏ và đề cao. Vì vậy, tôi bảo H đưa mình chiếc USB của cô ấy và sao chép tất cả các tư liệu liên quan đến bài viết vào USB cho cô. Tôi cố gắng hết sức để giữ bình tĩnh. H muốn giải thích thêm, nhưng tôi xua tay và cười: “Đừng lo. Thật ra tâm tôi hơi khó chịu, nhưng tôi biết đã đến lúc phải đề cao. Hãy lấy tư liệu này và đưa cho bất cứ ai có thể viết bài tốt hơn làm.” H gật đầu và khen ngợi: “Anh đề cao nhanh thật đấy!”

Sau khi H rời đi, tôi đọc lại bài viết của mình một lần nữa. Tôi cảm thấy xấu hổ. Các chấp trước chứng thực bản thân và danh lợi đã thật sự nổi lên trong đêm trước đó. Tôi thậm chí còn không viết phần giới thiệu. Cả bài viết giống như một bản báo cáo thông thường với giọng điệu tẻ nhạt.

Bài mà học viên J viết được đăng một vài ngày sau. Bài viết đó rất tốt. Tôi rất vui khi J đã viết bài tốt. Tôi cũng vui vì mình đã đề cao.

Buông bỏ tâm tật đố và không muốn nghe lệnh

Một trong những học viên bị bức hại năm nay từng khá thân với tôi và cũng sống gần nhà tôi, vì vậy tôi đã tham gia vào hạng mục giải cứu anh. Học viên L và H cũng trong đội giải cứu. L làm điều phối viên địa phương đã nhiều năm. Trạng thái tu luyện của cô ấy ổn định và cô ấy làm việc rất tận tụy. H rất có kinh nghiệm trong việc giải cứu các học viên và biết nhiều biện pháp thiết thực. Cô ấy đặc biệt xuất sắc khi làm việc với sở cảnh sát, viện kiểm sát và tòa án. Đội giải cứu cũng có các học viên phụ trách việc liên hệ với gia đình của học viên bị bức hại và phát chính niệm. Với những thành phần như vậy, đây được xem là một đội giải cứu rất mạnh. Tuy nhiên, những chấp trước mạnh mẽ của tôi đã gây tổn hại đến nỗ lực giải cứu của chúng tôi. Vào ngày mà đội giải cứu của chúng tôi mới được thành lập, có bảy đến tám học viên đã họp nhau lại để thảo luận về việc phân chia công việc và chiến lược giải cứu. Hai hoặc ba học viên bày tỏ rằng họ không có kinh nghiệm trong việc giải cứu và muốn làm theo sự sắp xếp của những người khác. Khi đó học viên L nói: “Tôi nghĩ rằng H và C (tôi) là những người phù hợp để liên hệ với luật sư…” Khi cô ấy còn chưa nói dứt câu, tôi đã ngắt lời: “Tôi nghĩ rằng đầu tiên hãy để mọi người nói về điều mà họ có thể làm!” Giọng điệu của tôi rất gay gắt và mang tính chỉ trích, vì tôi nghĩ rằng chúng tôi không cần một ông chủ. Sau đó, không ai muốn lên tiếng, vì vậy cuối cùng chúng tôi đã không đạt được bất kỳ kết quả nào.

Khoảng mười ngày sau, năm đến sáu người chúng tôi tụ họp với nhau để thảo luận cách giải cứu học viên. Chúng tôi đưa ra hai chiến lược: Cách thứ nhất là thuê một luật sư và làm theo những thủ tục pháp lý, và cách thứ hai là dùng những kinh nghiệm cá nhân của các học viên để giải thích sự thật cho cộng đồng. Học viên H và tôi ủng hộ cách thứ nhất, trong khi hai học viên khác nhấn mạnh cách thứ hai. Chúng tôi đã tranh cãi kịch liệt và không bên nào chịu nhường bên nào. Cuối cùng, hai bên quyết định sẽ tiến hành theo cách riêng của mình với lý do là hai cách đó không mâu thuẫn nhau. Từ đó, hai học viên có ý kiến khác chúng tôi đã không bao giờ có mặt để thảo luận về việc giải cứu nữa.

Lần tiếp theo khi đội giải cứu tập hợp, chỉ có bốn người có mặt. Học viên L hối hận nói: “Ngày càng có ít học viên tham gia giải cứu. Chúng ta sẽ tiến hành sao đây?” H cũng lo lắng như vậy. Tuy nhiên, tôi đột nhiên cảm thấy đầy kiêu hãnh và nói: “Tôi không thể quyết định cho người khác, nhưng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực giải cứu ngay cả khi chỉ còn lại mình tôi!” Không ai đưa ra nhận xét gì sau đó nữa.

Một lúc sau, L nói với tôi: “Cha mẹ của học viên đó muốn nói với công chúng rằng con trai họ tập Pháp Luân Công là hợp pháp. Con trai họ không làm gì sai cả. Chúng ta cần một bài viết về điều đó. Bạn viết được không?” Tôi trả lời: “Không cần phải viết nữa. Lần trước khi luật sư đến, chẳng phải ông đã đưa cho gia đình đó một bài viết rồi sao? Bài đó đã đủ để giải thích sự thật rồi.” L đáp lại: “Cha mẹ học viên đó nói rằng nó không trực tiếp đề cập đến hoàn cảnh cụ thể của con trai họ, vì vậy họ không muốn dùng nó.” Tôi xua tay và nói: “Chị không cần lo lắng. Tôi sẽ nói chuyện với gia đình họ.”

H lưu ý: “Chúng ta đang làm theo gia đình và luật sư chứ không đóng vai trò chỉ đạo, vì vậy tôi nghĩ chúng ta nên làm rõ một lần nữa về cách tiếp cận chính để giải cứu đồng tu.” Tôi từng cộng tác với H trước đây và biết khả năng của cô ấy. Tôi cũng nhận ra rằng tôi không nên nhấn mạnh bản thân mình quá. Vì vậy, tôi nói: “H, tôi muốn làm theo cách của chị. Bây giờ hãy nói cho tôi biết chúng ta cần phải làm gì.” Tuy nhiên, mặc dù nói ra những lời đó, trong thâm tâm, tôi không thật sự đồng ý với cách của H. Cảnh sát địa phương đã quấy rối học viên L ngay sau đó. Cô ấy nhờ một học viên khác nhắn tôi rằng cô ấy cần điều chỉnh lại bản thân và tạm thời sẽ ngừng tham gia nỗ lực giải cứu. Tôi nghĩ: “Cô ấy không tham gia cũng không sao. Dù sao cô ấy cũng không làm được gì nhiều. Chúng ta cũng có thể tránh mâu thuẫn nếu không gặp nhau.” Mặc dù tôi dường như làm việc theo cách của H trong những ngày sau đó, H thường nhận xét rằng điều tôi làm không hợp với ý của cô. Tôi cảm thấy khó chịu mỗi khi điều này xảy ra. Một lần, tôi nói với cô ấy: “Chúng ta chỉ có thể phác thảo ý tưởng. Tuy nhiên, nhiều chi tiết sẽ xuất hiện khi thực hiện ý tưởng. Tôi không thể kiểm tra mọi thứ với chị, và chúng ta cũng không có thời gian cho việc đó.” H trả lời: “Vì anh là người thực hiện các việc cụ thể, tốt hơn là anh nên làm theo ý tưởng của mình.” Sau đó cô ấy không liên lạc với tôi trong một thời gian dài, và tôi cũng không muốn liên lạc với cô ấy. Trong khoảng thời gian đó, tôi cảm thấy rất nặng nề và khó chịu mỗi khi gặp cô ấy.

Tôi tiếp tục làm các việc, nhưng vì không có một ý tưởng có hệ thống nên hiệu quả cũng không tốt lắm. Tôi chỉ làm việc một cách hình thức. Tôi ngày càng cảm thấy có gì đó không đúng, chắc hẳn bản thân tôi có vấn đề và tôi phải hướng nội.

Sau đó, tôi tình cờ gặp H. Chúng tôi đã trầm tĩnh nói chuyện trong suốt hơn một giờ đồng hồ. Chúng tôi không bàn về những việc cụ thể chúng tôi cần phải làm cho hạng mục giải cứu. Thay vào đó, chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm từ góc độ của các Pháp lý và đề cao trong tu luyện.

Trong khi nói chuyện, tôi thấy rõ tâm tật đố của mình với H. Tôi đã ghen tỵ với khả năng của cô ấy và việc cách làm của cô ấy thường được các học viên khác công nhận. Tâm tật đố đã tạo ra ngăn cách giữa tôi và H trong tâm tôi. Ngoài ra, tôi đã gây tổn hại cho nỗ lực giải cứu đồng tu với chấp trước chứng thực bản thân mạnh mẽ của mình. Tôi đã không giữ chính niệm, và tâm tôi không thuần tịnh. Vì vậy, kết quả đã không tốt. Tôi chia sẻ thể ngộ này với H và bày tỏ rằng tôi muốn quyết tâm từ bỏ chấp trước của mình và phối hợp tốt với cô ấy.

Sau khi về nhà, tôi kể với vợ mình về buổi nói chuyện với H. Tôi thấy rằng sau khi tôi phát hiện được các chấp trước, các nhân tố xấu ngăn cách giữa tôi với H đã biến mất. Ngoài ra, tôi đột nhiên nghĩ ra một chiến lược giải cứu rõ ràng, và cách của tôi rất hợp với cách của H.

Khi tiếp tục hướng nội, tôi phát hiện rằng tôi đã chấp trước mạnh mẽ vào bản thân. Tuyên bố “Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực giải cứu ngay cả khi chỉ còn lại mình tôi!” đã phơi bày chấp trước vào bản thân của tôi. Tôi cũng ngộ ra rằng ngăn cách giữa tôi và học viên L được tạo ra bởi tính tự phụ và không muốn nghe lệnh của tôi. Tôi luôn cảm thấy khó chịu khi phải nghe lời người khác; tôi không thể buông bỏ tự ngã và phối hợp tốt với các học viên khác.

Trong thời gian đó, L đã gửi cho tôi một tin nhắn và nói tôi đến gặp cô ấy. Khi tôi đến nhà cô ấy, cô ấy đã nói thẳng với tôi: “Chúng ta hãy cởi mở nói chuyện, và giải quyết vấn đề của chúng ta.” Sau đó, cô ấy thuật lại những trải nghiệm khó chịu đã xảy ra giữa chúng tôi và hỏi về suy nghĩ của tôi lúc đó. Tôi chân thành nói với cô rằng đó là do vấn đề của tôi. Dĩ nhiên, L cũng hướng nội và chia sẻ thể ngộ của cô ấy. Thông qua chia sẻ này, khoảng giữa chúng tôi đã biến mất.

Sư phụ giảng:

“…’tướng do tâm sinh.’”(Giảng Pháp tại hội nghị Đại Kỷ Nguyên)

Môi trường xung quanh sẽ thay đổi theo tâm của chúng ta. Mọi thứ đã bắt đầu thay đổi khi tôi phát hiện ra và dần dần từ bỏ các chấp trước của mình và loại trừ khoảng cách giữa tôi và các đồng tu.

Khi chúng tôi tiến hành việc giải cứu, số học viên tham gia đã vượt xa số người tham gia ban đầu, và bây giờ chúng tôi đã có nhiều người đảm nhận các nhiệm vụ khác nhau. Chúng tôi có các học viên đảm nhận việc in các tờ dán giảng chân tướng, gửi thư giảng chân tướng, gửi tin nhắn và các tin nhắn đa phương tiện qua điện thoại di động, gọi điện thoại, phát chính niệm cự ly gần đến các cơ quan liên quan, và tìm kiếm địa chỉ của các quan chức liên quan đến cuộc đàn áp. Chúng tôi đã thật sự hình thành một chỉnh thể.

“Đừng nói nữa”

Một tin nhắn được truyền ra vào tháng 07 năm 2012 rằng tà ác sẽ quấy rối một cách có hệ thống và bắt giữ các học viên trên diện rộng vào một ngày nào đó. Nghe đồn rằng tin nhắn đó đến từ một quan chức đã hiểu sự thật về Pháp Luân Công. Tin tức này đã nhanh chóng lan truyền giữa các học viên.

Một ngày nọ sau khi học Pháp nhóm xong, một vài học viên đã nhắc đến tin đó và đề nghị mọi người chia sẻ ý kiến. Phần lớn bày tỏ rằng chúng ta nên có trách nhiệm với các học viên khác và chuyển tiếp tin nhắn đó khi chúng ta nhận được nó. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng việc lan truyền một tin như vậy, xét từ một góc độ nào đó, chính là thừa nhận bức hại. Khi chúng tôi tiếp tục thảo luận, học viên G đột nhiên lớn tiếng với tôi với giọng điệu nghiêm trọng: “C, đừng nói nữa!” Tôi vô cùng sửng sốt và tự hỏi tại sao G làm vậy. Trước đây, mọi người luôn chú ý lắng nghe ý kiến của tôi khi chúng tôi chia sẻ thể ngộ trong nhóm học Pháp. Tôi muốn tiếp tục nói, nhưng đã kiềm chế bản thân.

Tôi nhớ lời Sư phụ giảng:

“Phương thức tốt nhất chính là khi gặp sự việc nào đó thì đừng đẩy về phía trước, húc về phía trước, truy đuổi để giải quyết, mà là bỏ cái tâm đó đi, thoái lùi một bước, và giải quyết.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Thủ đô Mỹ quốc)

Sau đó, tôi thật sự đã không nói gì tiếp và chỉ im lặng lắng nghe người khác.

Một vài phút trôi qua, tôi đã dần trầm tĩnh. Tôi có thể hiểu và cân nhắc về ý kiến và suy nghĩ của những người khác. Tôi hoàn toàn quên về lời lăng mạ mà tôi vừa phải nghe. Rồi tôi đột nhiên nghe G nói: “Điều C nói hình như cũng có ý đúng.”

Phát chính niệm là để cứu người

Tháng 03 năm 2012, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tổ chức “Hai Đại hội”, cơ quan tôi đã gửi người đến để giám sát tôi. Họ đứng canh chừng trước tòa nhà chung cư nơi tôi sống. Đại Hữu (biệt danh), người phụ trách, từng là bạn tôi. Tôi đã giải thích sự thật về Pháp Luân Công cho anh ấy nhiều lần bằng cả cách gọi điện và nhắn tin. Tuy nhiên, anh ấy dường như không lay chuyển và vẫn gửi nhân viên đến giám sát tôi. Tôi cảm thấy hơi tức giận về điều này.

Điều đầu tiên tôi làm sau khi trở về nhà là phát chính niệm đến Đại Hữu và những người đang giám sát mình để trừng trị họ và ngăn họ làm việc xấu. Một vài ngày trôi qua, và có vẻ như chính niệm của tôi không khởi tác dụng.

Một hôm khi đang học Pháp, tôi đột nhiên ngộ ra rằng phát chính niệm là để tiêu diệt tà ác đằng sau những người đang bị tà ác điều khiển và để cứu họ. Tại sao tôi lại giận dữ với họ? Vì vậy, tôi đã sửa lại xuất phát điểm của mình và phát chính niệm để ngăn tà ác lợi dụng con người và khiến họ phạm tội chống lại Đại Pháp.

Đại Hữu đã đến gặp tôi vào một vài ngày sau đó. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau trong vài giờ đồng hồ. Anh ấy nói với tôi rằng anh ấy đã đọc Chuyển Pháp Luân và hiểu rằng nó dạy người ta làm việc tốt và làm người tốt. Anh ấy cũng tin vào Phật. Anh ấy bày tỏ rằng anh ấy thật sự phân vân khi gửi người đến giám sát tôi. Bí thư Đảng ở nơi làm việc của tôi đã lệnh cho anh ấy làm vậy, và anh ấy thậm chí đã cãi nhau với bí thư vì điều đó. Đại Hữu nói rằng anh ấy đã đọc nhiều sách và biết rằng ĐCSTQ đã làm nhiều việc tà ác và sẽ đi đến kết cục không tốt. Tôi nói với anh ấy rằng vì anh ấy đã thấy được rõ bản chất của ĐCSTQ, anh ấy nên thoái Đảng để phá vỡ sự ràng buộc với Đảng và tránh tai họa trong tương lai. Anh ấy đã đồng ý. Trước khi chúng tôi chia tay, anh ấy nói với tôi: “Chúng ta hãy sống tốt. Người tốt sẽ được phúc báo. Nếu những người đó [những người giám sát tôi] làm điều gì can nhiễu anh, hãy gọi cho tôi.” Vài ngày sau, tôi cũng đã có thể thuyết phục người lái xe được phân công giám sát tôi thoái Đảng.

Khi viết bài chia sẻ kinh nghiệm này vào đêm khuya, tôi có thể cảm nhận được sự từ bi vĩ đại không thể diễn đạt được bằng lời của Sư phụ. Tôi không bao giờ có thể báo đáp điều đó, ngoại trừ bằng cách tu luyện tinh tấn và cứu độ thêm nhiều chúng sinh. Con xin cảm ơn Sư phụ từ bi và vĩ đại!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2012/11/29/明慧法会–解脱那颗被手机拴着的心-265535.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2013/1/9/137024.html

Đăng ngày 1-2-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share