Phần 1 tại đây

[MINH HUỆ 12-11-2012] Địa phương của tôi có một học viên nữ rất nồng hậu và thân thiện với các học viên khác. Cô ấy luôn cố gắng để giúp đỡ các đồng tu, đặc biệt là một số nam đồng tu mới ra tù. Cô ấy muốn họ cảm nhận được sự ấm áp thân tình giữa các học viên và giúp họ theo kịp tiến trình Chính Pháp thông qua sự phối hợp chỉnh thể.

Những đồng tu nam này đã trải qua thời gian bị bức hại lâu dài. Họ cảm thấy rất khó khăn để vượt qua quan này. Một vài người đã buộc phải ly dị trong thời gian bị bức hại. Một vài người đang sống độc thân. Khi môi trường của họ được nới lỏng hơn sau một thời gian dài khốc liệt, những người tu luyện có thể trở nên lơ là nếu thiếu cảnh giác.

Khi đối diện với một nữ đồng tu chu đáo như vậy, cảm xúc của họ đã phát triển từ sự cảm kích và mến mộ đến cảm giác phụ thuộc và yêu thích. Họ chia sẻ với nhau mọi điều. Lúc đầu, mọi chủ đề mà họ nói đến đều xoay quanh các vấn đề về tu luyện. Cuối cùng, dục vọng đã phát sinh. Một vài người đã có những suy nghĩ không đúng đắn đối với nữ học viên đó cho dù cô ấy đã lập gia đình.

Trong số họ, có một người đã hàng ngày tìm kiếm số điện thoại của nữ học viên này sau khi anh ấy chuyển sang sinh sống ở một thành phố khác. Anh ấy vẫn muốn được cô tư vấn trong mọi vấn đề mà anh gặp phải, dù đó là việc lớn hay nhỏ. Sau đó, học viên này đã tỉnh ngộ. Anh ấy quyết định loại bỏ những tà niệm này. Đây là những câu chuyện có thực. Có lẽ người học viên nữ đó đã không cảm nhận được nó, hoặc có thể cảm nhận được ít nhiều. Nhưng một kết quả như vậy chẳng phải đã chệch khỏi ý định ban đầu của cô sao?

Giúp đỡ các đồng tu là một nghĩa cử tốt đẹp mang lại nhiều uy đức. Tuy nhiên, sự quan tâm quá mức hoặc tiếp xúc thường xuyên giữa các học viên khác giới tính có thể không phải là một việc tốt. Các chấp trước con người có thể sẽ bị phóng đại và bị tà ác lợi dụng. Thể ngộ của tôi là ngoài những giao tiếp và chia sẻ bắt buộc phải có cho việc phối hợp, chúng ta nên tránh nói về những vấn đề không liên quan. Mức độ giao tiếp và chia sẻ cũng cần phải được kiểm soát tốt.

Sự chú ý từ người khác giới là một khổ nạn lớn đối với những người tu luyện

Với rất nhiều người thường, có được sự mến mộ của nhiều người khác giới là một niềm vui lớn lao. Nó có thể thỏa mãn hư vinh và dục vọng của người đó. Tuy nhiên, đó lại là một khổ nạn lớn đối với những người tu luyện. Đơn giản bởi vì nó phản ánh rằng trường năng lượng của chúng ta không thể ước chế ma sắc.

Nếu một người tu luyện được nhiều người mến mộ, người đó nên cảnh giác và hướng nội. Một vài điều phối viên được các đồng tu khác công nhận vì những phó xuất, khả năng cũng như sự tận tâm của họ. Chấp trước của họ vào danh lợi có thể sẽ phát triển mà không tự biết, đặc biệt nếu họ đang ở giữa những lời tán dương ca tụng. Nếu xung quanh họ có nhiều người khác giới thì dục vọng của họ có thể lớn dần lên trong môi trường xu nịnh ấy. Chúng ta cần phải đặc biệt cảnh giác.

Chúng ta nên xem ham muốn với người khác giới của chúng ta như một hồi chuông thức tỉnh. Nó thực sự không đáng để chúng ta lưu luyến hay mong tưởng. Chúng ta nên thay đổi những quan niệm của mình nhưng không được trở nên cáu gắt với những người khác. Một khi chúng ta cảm nhận được nó, chúng ta nên lập tức phơi bày nó, và từ chối nó một cách nhẹ nhàng nhưng kiên quyết để người kia không ôm giữ bất kì hy vọng nào. Đó mới là thật sự từ bi với các đồng tu và có trách nhiệm với việc tu luyện của chính mình.

Một lần, khi đang làm một hạng mục chứng thực Pháp trong cùng một căn phòng với một đồng tu trẻ khác giới, dục vọng của tôi đã nổi lên rất mạnh mẽ. Sau khi không bài trừ được những ý niệm xấu đó, tôi đã cởi mở chia sẻ cùng với đồng tu ấy. Tôi đã nói rằng chúng tôi không nên có những ý niệm không chính về nhau. Đồng tu kia không nói gì, nhưng mặt cô đã đỏ lên vì xấu hổ. Lúc đó, dục vọng kia cũng biến mất. Đồng tu đó và tôi đã bình tĩnh lại và không bị ảnh hưởng nữa

Khi những tình huống tương tự như vậy xảy ra, nếu chúng ta phơi bày những ý niệm bất hảo cũng như không che đậy chúng thì việc thanh trừ chúng sẽ khá nhanh chóng. Chúng ta không nên sợ rằng sẽ làm tổn thương “tình cảm” của ai đó. Thực tế là nếu chúng ta nhìn nhận vấn đề này không trên phương diện của những cảm xúc đó, chúng ta sẽ có thể cân nhắc tới nó một cách từ bi. Các đồng tu có thể đối đãi với tất cả những tình huống này một cách đúng đắn. Nếu ai đó thực sự bị tổn thương hay thấy thất vọng, chúng ta cũng không nên quá quan trọng hóa việc đó. Chúng đều là người tu luyện. Đôi lúc, chúng ta không lý giải được nhau nhưng tất cả chúng ta đều sẽ thanh tỉnh sau khi chúng ta bình tĩnh lại.

Qua nhiều năm, chúng tôi thấy rằng những học viên phạm sai lầm trong các mối quan hệ khác giới hay những người ôm giữ dục vọng trong lúc phối hợp đã rất tùy tiện và thiếu tôn trọng khi đối xử với nhau. Điều này cho thấy các đồng tu đó đã quá chìm đắm trong “tình”. Giữa họ không hề có từ bi. Họ đã bị mê hoặc bởi tình. Khi điều này xảy ra, chúng ta nên cảnh giác, hướng nội và chính niệm giúp đỡ các đồng tu.

Lòng chung thủy không chỉ trong cách hành xử

Nhân duyên giữa hai người là do Thần an bài. Thần Phật ban cho những người chung thủy với chồng/vợ của mình sự giàu sang hay nghèo khó. Một người tốt có thể chung thủy với chồng/vợ mình. Đệ tử Đại Pháp thậm chí còn phải làm tốt hơn vậy, không chỉ trong cách cư xử của chúng ta, mà còn trong cả ý niệm.

Một người vợ đi du lịch đến một thành phố và có cảm tình với một nam học viên khác. Chồng của cô ấy, cũng là một học viên, đã được báo mộng: Vợ anh đang phản bội anh đấy. Quả đúng như câu tục ngữ của Trung Quốc: “Nhân tâm sinh nhất niệm, Thiên địa tận giai tri” (nghĩa là khi tâm con người sinh ra một niệm, thì cả trời và đất đều biết.)

Khi chúng ta giữ các quan niệm truyền thống và tiêu chuẩn đạo đức cao thì việc ức chế và tiêu diệt những ý niệm bất hảo sẽ trở nên khá dễ dàng.

Đối xử với đồng tu và chúng sinh bằng từ bi

Sư phụ đã giảng:

“Hãy dùng lý trí để chứng thực Pháp, dùng trí huệ để giảng rõ chân tướng, dùng từ bi để hồng Pháp và cứu độ thế nhân; đó chính là đang kiến lập uy đức của các Giác Giả”. (Lý tính, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)

Khi chúng ta đối đãi với những đồng tu khác hay với chúng sinh, chúng ta nên dùng từ bi chứ không nên dùng tình. Tình là thứ không ổn định, không đáng tin, có nhiều hạn chế và không thuần tịnh. Từ cảnh giới của các tầng thứ cao, tình là vật chất dơ bẩn trong tam giới. Tình là ngọn lửa có thể thiêu cháy con người và là thứ mê dược khiến người ta mất đi lý trí.

Nếu chúng ta đối xử với các đồng tu bằng tình và sắc dục thì chúng ta đang thêm những vật chất xấu lên họ và nó sẽ khiến họ khó có thể bảo trì lý trí thanh tỉnh. Ở trong tình, một người khó có thể đạt được trạng thái tu luyện và hướng nội. Các học viên quyết định phối hợp khi họ “tâm đầu ý hợp” với nhau. Sự phối hợp sẽ đổ bể khi tình cảm giữa họ bị tổn thương. Thậm chí nếu họ miễn cưỡng phải làm việc cùng nhau thì sẽ xuất hiện nhiều lời oán giận, chỉ trách.

Nếu chúng ta dùng tình để đối xử với người khác thì họ cũng có thể phát sinh tình. Tình cảm giữa những người khác giới chính là sắc và dục vọng. Những người bị chìm đắm trong tình thường không nhìn thấy bất kì điều gì không phù hợp. Khi chúng ta đối xử với các đồng tu bằng từ bi, thì trường giữa chúng ta sẽ thuần tịnh.

“Phật quang phổ chiếu, lễ nghĩa viên minh”. (Chuyển Pháp Luân)

Khi những vị Thần ngồi với nhau, họ làm sao có thể khởi thứ tâm sắc dục hay tình của người thường? Chúng ta không nên ôm giữ tình đối với người khác. Chúng ta hãy cùng tinh tấn thăng tiến và từ bi giúp đỡ nhau.

Người thường có cái tình ấy. Họ sẽ đối xử, bảo vệ hoặc thậm chí can nhiễu đến những người tu luyện bằng tình. Tuy nhiên, chúng ta không nên đối lại với họ bằng tình. Nếu chúng ta làm vậy thì tình cảm sẽ càng mạnh mẽ hơn. Có lúc nó bảo vệ chúng ta, nhưng lúc khác nó lại can nhiễu đến chúng ta. Nếu chúng ta dùng tình để cứu độ chúng sinh, họ có thể sẽ thấy bất ổn. Ngày hôm nay, họ biểu hiện như là hiểu chân tướng. Nhưng ngày mai, họ có thể lại mơ hồ không rõ hoặc thậm chí còn tham gia vào cuộc bức hại.

Khi chúng ta sử dụng tình thì thực chất là chúng ta đang ích kỉ và truy cầu. Cái tình ấy chỉ mang đến sự thất vọng. Khí không thể chế ước khí. Làm thế nào tình có thể chế ước tình đây? Chỉ có từ bi là trong sạch và thuần tịnh. Với trí huệ vị tha và năng lượng lớn mạnh, nó có thể chế ước cái tình ấy, thanh trừ những vật chất tà ác đang cản trở chúng sinh được cứu, và cứu độ chúng sinh hiệu quả hơn.

Làm thế nào để chúng ta có thể tu xuất tâm từ bi? Theo thể ngộ cá nhân của tôi đó là chúng ta phải hiểu rõ bản chất của sinh mệnh và chúng sinh. Họ đều là những Vương, những Chủ trên thiên thượng. Họ xuống thế gian này để được đắc cứu. Tình yêu, thù hận và các chủng tình cảm chỉ làm gia tăng bi kịch cho vở kịch này.

Có thể chúng ta nhìn thấy một người rất đỗi bình thường đang đứng trước mặt mình. Anh ấy hay cô ấy có thể chính là Vương hay Chủ của một vũ trụ to lớn. Nếu chúng ta đứng từ góc độ này mà nhìn các đồng tu và chúng sinh thì chúng ta có thể có trách nhiệm chân chính đối với cuộc đời và tương lai của họ. Từ bi sẽ khởi lên. Chúng ta không nên phân biệt đối xử với bất kì ai, cho dù đó là đồng tu hay người nhà của mình. Sự phân biệt đối xử đó cũng là tình. Từ bi nghĩa là chúng ta cân nhắc tới nguồn gốc nguyên sơ của các sinh mệnh.

Đồng thời, trong tu luyện chúng ta nên chú trọng tu Thiện. Sư phụ đã giảng trong Chuyển Pháp Luân:

“Trọng điểm của Phật gia rơi vào tu Thiện của Chân Thiện Nhẫn. Vì tu Thiện có thể tu xuất tâm đại từ bi; một khi xuất hiện tâm từ bi, thì [thấy] chúng sinh rất khổ, do vậy phát sinh nguyện vọng muốn phổ độ chúng sinh”.

Chúng ta nên kịp thời thanh lý các chủng tâm như tâm lo sợ, tâm tranh đấu, tâm oán hận của bản thân. Sau đó, chúng ta nên khơi dậy Phật tính của người thường. Người thường và người nhà của chúng ta sẽ không bị can nhiễu bởi tình nữa. Khi chúng ta trở nên lý trí và thanh tỉnh, làm sao họ có thể không giúp đỡ chúng ta và phối hợp với chúng ta? Trong trường từ bi to lớn ấy, chính niệm cũng sẽ rất mạnh mẽ. Ma sắc sẽ bị giải thể. Chúng sinh sẽ được cứu. Khổ nạn sẽ tiêu tan.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2012/11/12/近期对情的一些思考和认识(2)-265300.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2012/12/19/136712.html

Đăng ngày 8-1-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share