Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc
[MINH HUỆ 15-03-2025] Một cư dân 56 tuổi ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam đã bị tra tấn không ngừng trong thời gian thụ án năm năm ba tháng tù giam chỉ vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công — một môn tu luyện tinh thần đang bị chính quyền cộng sản Trung Quốc đàn áp từ năm 1999.
Ông Lý Chí Cường
Ông Lý Chí Cường bị bắt tại nhà lúc khoảng 10 giờ 30 tối ngày 27 tháng 10 năm 2020 khi đang cùng một số học viên khác học các bài giảng về Pháp Luân Công. Để buộc ông từ bỏ Pháp Luân Công, công an đã trói ông vào một chiếc ghế kim loại và cấm ông ngủ hơn một tháng, trong khi giam ông tại một cơ sở bí mật dưới danh nghĩa “giám sát cư trú”. Thêm nữa, lượng thức ăn ông được cung cấp mỗi ngày tại nơi đó còn ít hơn một bữa ăn ở trại tạm giam địa phương. Huyết áp của ông liên tục tăng cao. Có lúc huyết áp của ông lên đến 260 mmHg, trong khi mức bình thường là 120 mmHg trở xuống. Khi gia đình đến thăm sau này, họ vô cùng choáng váng khi thấy ông già đi rất nhiều chỉ trong thời gian ngắn.
Tòa án thành phố Lưu Dương đã kết án ông Lý năm năm ba tháng tù vào ngày 21 tháng 12 năm 2021. Trước khi Tòa án Trung cấp thành phố Trường Sa ra phán quyết về đơn kháng cáo của ông, nhà chức trách đã chuyển ông tới Nhà tù Vương Lĩnh — cơ sở chính ở tỉnh Hồ Nam, nơi giam giữ các nam học viên Pháp Luân Công — để thụ án.
Tại Nhà tù Võng Lĩnh, ông Lý thường xuyên bị cấm ngủ và bị bỏ đói. Đôi khi cai ngục bắt ông ngồi xổm một chân trong nhiều giờ, đứng ép đầu vào tường, và chống đẩy. Họ cũng dội nước lạnh lên quần áo và chăn của ông, hoặc dội nước nóng lên người ông.
Cai ngục sắp xếp các tù nhân giám sát chặt chẽ ông Lý. Ông bị cấm nói chuyện với người khác và phải xin phép trước khi uống nước hay đi vệ sinh, không phải lúc nào cũng được chấp thuận. Trong khi các tù nhân khác được phép chi 300 đến 700 nhân dân tệ mỗi tháng để mua nhu yếu phẩm hay thức ăn thêm, ông Lý chỉ được chi 50 nhân dân tệ.
Ngoài việc bị ngược đãi về thể xác và bị hạn chế sinh hoạt, ông Lý còn bị tù nhân lăng mạ và làm nhục. Ông bị ép xem các tài liệu tuyên truyền bôi nhọ Pháp Luân Công hàng ngày và phải viết báo cáo tư tưởng về nội dung đó.
Nhà tù Võng Lĩnh
Sau khi Lư Tiên Ngọc nhận chức giám thị Nhà tù Võng Lĩnh vào tháng 10 năm 2017, ông ta thành lập một “khu chuyển hóa” (phân khu số 10) chuyên đàn áp các học viên Pháp Luân Công để buộc họ từ bỏ đức tin. Ở đây sử dụng nhiều hình thức tra tấn khác nhau, bao gồm đứng lâu, cấm ngủ và ngược đãi thể xác, trong đó có tra tấn “tách chân”. Một số cai ngục tự hào tuyên bố: “Chúng tôi rất có kinh nghiệm trong việc ‘chuyển hóa’ các học viên Pháp Luân Công.”
Tầng hai của tòa nhà chính thuộc phân khu số 10 có các phòng giam khoảng 12 mét vuông, mỗi phòng có bốn giường tầng dành cho tám người. Mỗi học viên bị ba tù nhân giám sát 24 giờ mỗi ngày trong một phòng giam. Mọi hành động và lời nói của học viên đều bị theo dõi. Tù nhân dùng bất kỳ lý do nào để đánh đập, sỉ nhục và hành hạ học viên. Họ còn ép buộc học viên phải “thú tội” với các tội danh gán ghép.
Nhằm mục tiêu buộc học viên từ bỏ tín ngưỡng, chương trình “chuyển hóa” bao gồm tẩy não kết hợp với tra tấn thể xác. Học viên bị ép xem và nghe các chương trình tuyên truyền, đọc các bài viết bôi nhọ Pháp Luân Công, sau đó viết báo cáo tư tưởng. Khẩu hiệu phỉ báng Pháp Luân Công được dán khắp nơi. Gần đây, học viên bị buộc phải hô khẩu hiệu xúc phạm Pháp Luân Công trước mỗi bữa ăn, nếu không sẽ không được ăn. Họ cũng thường phải hát các bài ca ngợi Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Học viên không có bất kỳ tự do cá nhân nào. Họ phải xin phép cho mọi hành động. Nếu tù nhân không cho phép dùng nhà vệ sinh, họ buộc phải tiểu tiện tại chỗ. Họ thường bị cấm ngủ. Tự do tư tưởng cũng bị cấm. Học viên thường bị yêu cầu báo cáo tư tưởng, nếu vẫn nói rằng Pháp Luân Công là tốt, họ sẽ bị tra tấn không ngừng.
Để phản đối cuộc đàn áp, một số học viên đã tuyệt thực. Cai ngục chỉ chờ vài ngày rồi đưa học viên đến bệnh viện để tiêm thuốc độc. Ông Tần Mỹ Lâm tuyệt thực 23 ngày và bị tiêm thuốc nhiều lần.
“Tách chân” là một trong những hình thức tra tấn tàn bạo nhất. Hai chân người bị tra tấn bị kéo ra thành một đường thẳng. Việc này vô cùng đau đớn, dây chằng thường bị rách, đôi khi dẫn đến tàn phế vĩnh viễn. Cơn đau khiến học viên phải la hét vì quá đau đớn. Cai ngục còn gọi phương pháp này là “giết lợn.” Ông Hồ Văn Khuê, ngoài 30 tuổi, ở thành phố Thường Đức, sau khi bị tra tấn bằng cách này đã bị đi ngoài không tự chủ và cuối cùng bị rối loạn tâm thần.
“Tách chân” được coi là biện pháp ưu tiên vì không để lại dấu vết và khiến học viên sợ hãi về sau. Nhà tù còn “cải tiến” kỹ thuật này để phù hợp với từng người. Có người mới kéo nhẹ đã đau, trong khi người khác thì không cảm thấy đau ban đầu, nên cai ngục tiếp tục kéo thẳng chân rồi kéo ngược lên cho đến khi đau. Họ dừng lại ở điểm cực kỳ đau rồi từ từ gia tăng áp lực.
Ngoài việc là “phòng tra tấn,” Nhà tù Võng Lĩnh còn là một nhà máy ngầm. Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, tù nhân bị ép sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ cá nhân và áo phẫu thuật để xuất khẩu ra nước ngoài. Bao bì của một số mặt hàng này in toàn bộ bằng tiếng Anh. Nếu tù nhân không hoàn thành chỉ tiêu công việc mỗi ngày, họ sẽ bị chích dùi cui điện hoặc bị tra tấn tàn bạo về đêm. Cai ngục gọi hành vi này là “giáo dục ban đêm.”
Các học viên đã bị tra tấn đến chết tại Nhà tù Vương Lĩnh bao gồm: ông Lưu Triêu Dương, ông Vương Nhạc Lai, ông Phan Kiến Quân và bà Vương Quế Lâm.
Quá khứ bị bức hại của ông Lý
Ông Lý tốt nghiệp đại học và cao học ngành khoa học máy tính tại Đại học Quốc gia Công nghệ Quốc phòng ở tỉnh Hồ Nam. Sau đó, ông theo học chương trình tiến sĩ tại trường này, chuyên ngành trí tuệ nhân tạo và chuyên gia phân tích hệ thống.
Ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào cuối năm 1998. Chẳng bao lâu sau, ông đã bỏ thuốc lá và rượu. Các chứng đau vai đông cứng và bệnh dạ dày của ông cũng biến mất. Khi ông sắp tốt nghiệp chương trình tiến sĩ, vào tháng 7 năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Ông buộc phải bỏ học và kể từ đó liên tục bị bức hại vì kiên định đức tin.
Vào ngày 1 tháng 4 năm 2000, ông bị bắt vì tham dự một buổi gặp mặt của các học viên Pháp Luân Công. Sau 41 ngày giam giữ, họ đưa ông đến Trại lao động cưỡng bức quân đội thành phố Quảng Châu để thụ án một năm rưỡi. Tại đây, lính canh và tù nhân thường xuyên đánh đập ông, bắt ông đứng dưới mưa hoặc dưới cái nắng gay gắt trong nhiều giờ. Ông được thả vào tháng 7 năm 2001.
Vào ngày 21 tháng 8 năm 2002, Đại học Quốc gia Công nghệ Quốc phòng gọi ông Lý tới trường với lý do khẩn cấp. Ngay khi ông đến nơi thì bị bắt giữ. Công an thay phiên nhau thẩm vấn ông, đánh đập, không cho ngủ và dùng chai nước đánh vào đầu ông. Ông đã tuyệt thực để phản đối sự bức hại. Khi sức khỏe của ông rơi vào tình trạng nguy kịch, cán bộ của trường đại học vẫn thờ ơ nói: “Chẳng sao cả.”
Năm tháng sau, vào ngày 19 tháng 1 năm 2003, ông Lý chính thức bị bắt vì lý do “tham gia một tổ chức tôn giáo bất hợp pháp nhằm phá hoại việc thực thi pháp luật.” Trường đại học chuyển hồ sơ của ông đến Viện kiểm sát quân sự thuộc Tổng cục chính trị Bắc Kinh, nơi sau đó đã truy tố ông và chuyển vụ án đến Tòa án quân sự thuộc Tổng cục chính trị Bắc Kinh. Sau hai phiên xét xử, vào ngày 11 tháng 9, ông bị kết án 5 năm tù. Ngày 23 tháng 9 năm 2003, ông bị chuyển từ Bắc Kinh về Nhà tù quân sự Sâm Châu ở Hồ Nam, sau đó bị đưa đến Nhà tù Tân Thị cũng ở Hồ Nam vào ngày 14 tháng 5 năm 2004. Ông được trả tự do vào tháng 9 năm 2007.
Ngày 17 tháng 4 năm 2010, ông Lý bị bắt khi đang phát tài liệu về Pháp Luân Công. Công an đã đánh đập và làm chân ông bị thương, quần của ông dính đầy máu.
Ngày 1 tháng 5 năm 2010, công an đưa ông đến Trại lao động cưỡng bức Tân Khai Phô để thụ án hai năm. Mặc dù trại lao động từ chối tiếp nhận do tình trạng sức khỏe yếu của ông, công an vẫn không thả mà đưa ông đến Trại tạm giữ huyện Vọng Thành. Ba ngày sau, ngày 4 tháng 5 năm 2010, ông bị đưa tới Trại tẩy não thành phố Trường Sa. Mười lăm ngày sau, vào ngày 20 tháng 5, cảnh sát lại đưa ông quay trở lại trại lao động và lần này trại đã tiếp nhận ông.
Khi ông Lý tiếp tục gặp các vấn đề về sức khỏe trong trại lao động, lính canh đã đưa ông đến bệnh viện vào ngày 29 tháng 9 năm 2010. Các bác sĩ phát hiện ông bị bệnh tim, cao huyết áp và khí phế thũng – một căn bệnh phổi nghiêm trọng. Không lâu sau đó, ông được trả tự do theo diện tạm tha để điều trị y tế.
Ông Lý bị bắt lần thứ tư vào ngày 19 tháng 8 năm 2011 khi ông và mẹ đang đi bộ trên đường. Ông bị đưa đến Trại tẩy não Lao Đạo Hà ngay trong đêm và bị giam giữ ở đó trong 40 ngày.
Báo cáo liên quan:
Cựu nghiên cứu sinh tại Đại học Công nghệ Quốc phòng lại bị kết án vì kiên định đức tin của mình
Cựu nghiên cứu sinh Đại học Công nghệ Quốc phòng bị bắt lần thứ 5 vì kiên định đức tin
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/3/15/491649.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/4/2/226075.html
Đăng ngày 12-05-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.