Bài viết của Hà Tĩnh

[MINH HUỆ 04-05-2024] Trong “Luận ngữ: Nhan Uyên, XII” Khổng Tử nói: “Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác, tiểu nhân phản thị”, nghĩa là: người quân tử giúp người khác thành tựu những điều tốt đẹp, không bao giờ khiến họ làm điều xấu ác; còn kẻ tiểu nhân thì hoàn toàn ngược lại.

“Thành nhân chi mỹ” không chỉ là biểu hiện của một cảnh giới của tu dưỡng cá nhân, cũng là phản ánh một cảnh giới đạo đức cao thượng. Có thể làm được điểm này, cần phải là người có có tấm lòng khoan dung nhân hậụ và lấy thiện đãi người.

Hàng nghìn năm qua, những lý niệm như “dĩ hòa vi quý” (lấy sự hòa hợp, hài hòa làm quý), “dữ nhân vi thiện” (dùng thiện để đối đãi với người) và “nhân giả ái nhân” (yêu thương người khác như chính bản thân mình) đã thấm nhuần trong tư tưởng của các gia các học phái lớn nhỏ trong suốt lịch sử và đã trở thành tinh thần nhân văn và chuẩn mực đạo đức phổ quát được mọi người trong xã hội tiếp thu và công nhận rộng rãi.

Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, “nhân hữu lễ kính tất cát, gia hữu lễ kính năng xương, quốc hữu lễ kính tự cường” (ý là: người có lễ nghĩa, kính trọng sẽ gặp điều may; nhà có lễ nghĩa, kính trọng sẽ thịnh vượng, đất nước có lễ nghĩa sẽ giàu mạnh). Cổ nhân coi trọng thiên lý và lương tri, kính trời lễ đất, thiện đãi người khác và giữ hòa khí. Con người đối với mọi thứ đều có thể thể hiện sự không tranh giành mà sống trong thuận hòa.

Nếu như thấy người khác có được điều tốt mà không đố kỵ thì đó là tâm thái bình thường; nếu như thấy người khác có điều tốt mà có thể thành tâm khen ngợi, thì đó là biểu hiệu của người có tấm lòng bao dung độ lượng; nếu như thấy người khác gặp khó khăn và sự giúp đỡ của mình có thể giải quyết khó khăn cho người đó, có thể hy sinh lợi ích của mình và quên mình vì người khác, thì có thể nói là cảnh giới đạo đức cao thượng của “thành nhân chi mỹ”.

Bào Thúc Nha tiến cử hiền tài – một tấm gương của “thành nhân chi mỹ”

Thời Xuân Thu Chiến Quốc, khi Tề Hoàn Công chuẩn bị bái Bào Thúc Nha làm tướng quốc, nhưng Bào Thúc Nha đã khước từ không nhận mà tiến cử Quản Trọng.

Bào Thúc Nha nói: “Quản Trọng là rường cột của quốc gia, có nhiều điểm tôi không sánh bằng: lấy khoan dung nhân hậu để trấn an dân chúng, tôi không bằng ngài ấy; trị quốc mà không quên căn bản, tôi không bằng ngài ấy; làm người trung thực, thành tín, được bách tính tín nhiệm, tôi không bằng ngài ấy; chế định lễ nghi đủ để thiên hạ noi theo, điểm này tôi không bằng.“

Tề Hoàn Công nghe vậy bèn phong Quản Trọng làm tướng. Việc tiến cử hiền tài của Bào Thúc Nha là xuất phải từ sự hiểu biết và kính trọng và bội phục của ông đối với Quản Trọng, cũng như lòng trung thành của ông với nước Tề. Nước Tề nhờ có những hiền thần như Quản Trọng và những lương thần biết tiến cử người tài như Bào Thúc Nha, quả nhiên nước Tề trở nên thịnh trị. Sau này, người đời xưng tụng Bào Thúc Nha là “tri hiền trí dã, thôi hiền nhân dã, dẫn hiền nghĩa dã” (nghĩa là: biết người tài ấy là có trí tuệ, tiến cử hiền tài ấy là có lòng nhân ái, dìu dắt hiền tài ấy là có nghĩa khí). Đây chính là một tấm gương điển hình của “quân tử thành nhân chi mỹ”.

Trịnh Huyền trên đường gặp người, khiêm nhường vô tư

Thời Đông Hán, một học giả kinh học (nghiên cứu những tác phẩm kinh điển của Nho giáo) nổi tiếng Trịnh Huyền, tự Khang Thành, người đất Cao Mật, là người học sâu hiểu rộng, tinh thông kinh điển. Ông từng muốn viết chú giải cho bộ “Xuân Thu Tả truyện”, tuy nhiên công trình vẫn chưa thể hoàn tất.

Một ngày nọ, Trịnh Huyền ra ngoài và tình cờ gặp Phục Tử Thận, người ở Huỳnh Dương. Hai người chưa từng quen biết lại trọ cùng trong một lữ quán. Trịnh Huyền vô tình nghe được Phục Tử Thận ở bên ngoài xe đang trình bày về kiến giải của mình với người khác về “Xuân Thu Tả thị”. Nghe một hồi, Trịnh Huyền nhận thấy phần lớn những gì Phục Tử Thận nói lại trùng khớp với tư tưởng của mình.

Trịnh Huyền không do dự, chủ động tiến về phía xe và nói với Phục Tử Thận: “Ta sớm đã muốn viết chú giải cho ‘Tả truyện’, nhưng vẫn chưa xong. Những gì huynh vừa thảo luận, lại rất tương đồng với cách nghĩ của ta. Nay ta xin đem toàn bộ phần chú giải đã hoàn thành của mình tặng lại cho huynh.”

Nhờ đó, Phục Tử Thận liền hoàn thành “Phục thị chú” cho “Tả Truyện” nổi tiếng.

Trịnh Huyền và Phục Tử Thận đều là những học giả kinh học nổi tiếng đường thời. Hai người vốn không quen biết, chỉ tình cờ gặp mặt, vậy mà Trịnh Huyền chỉ nghe thấy một số quan điểm của Phục Tử Thận rất giống với tư tưởng của mình, liền âm thầm viên dung, ủng hộ và trợ giúp, lập tức quyết định đem bộ phần chú giải mà mình đã hoàn thành để tặng cho Phục Tử Thận một cách vô điều kiện. Nhờ đó, Phục Tử Thận đã có thể hoàn tất được công trình đồ sộ này và danh tiếng vang dội bốn phương. Trịnh Huyền không có chút tư tâm nào, ông lấy giúp người làm vui, đạt đến cảnh giới “quân tử thành nhân chi mỹ”.

Thấy thành tựu của người khác, vui như chính mình đạt được

Trong lịch sử đã có biết bao bài học giáo huấn về sự đố kỵ, ganh ghét người hiền tài mà gieo nhân nào gặt quả ấy. Sử sách cũng đã ghi chép lại những mỹ đức như khoan dung thiện đãi, bao dung độ lượng. Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã khai sáng thời kỳ “Trinh Quán chi trị”, viết nên một trang sử huy hoàng. Ông tổng kết rằng, nguyên nhân chủ yếu quyết định thành công của mình chính là ở chỗ biết dùng người:

Thứ nhất, không đố kỵ người tài: xem tài năng của người như tài năng của mình;
Thứ hai, dùng sở trường của người, tránh sở đoản của họ;
Thứ ba, kính trọng bậc hiền lương, khoan thứ cho người phạm sai lầm;
Thứ tư, khen ngợi người chính trực, không phế truất, trục xuất bất kỳ ai.

Tấm lòng bao dung và nhân ái của bậc Thánh vương minh quân chính là yếu tố quan trọng cấu thành Văn hóa Thần truyền.

Văn minh Trung Hoa hơn 2.000 năm đã diễn dịch một nền văn hóa đạo đức coi trong khiêm tốn, ôn hòa, lễ độ, nhẫn nhịn, và tiên tha hậu ngã. Phạm Trọng Yêm thời Bắc Tống đã nêu cao khí tiết “ưu trước thiên hạ chi ưu nhi ưu, lạc hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (nghĩa là: lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ), để lại khuôn vàng thước ngọc cho muôn đời sau.

Thời nhà Thanh, Hoàng đế Khang Hy trong “Đình Huấn Cách Ngôn” từng nói: “Con người khi đối nhân xử thế, nên phải giữ mình, luôn khoan dung. Thấy người khác có việc đắc ý, nên cảm thấy vui mừng; thấy người khác gặp chuyện không như ý, nên sinh lòng cảm thông. Điều này thực chất là có lợi cho chính bản thân mình. Nếu đố kỵ với thành công của người khác, hả hê trước sự thất bại của người khác, thì sao có thể cùng người làm nên đại sự? Nó có ích gì cho mình? Chỉ là tự làm hỏng tâm tính của mình mà thôi. Cổ ngữ có câu: “Thấy điều người được, coi như mình được. Thấy điều người mất, coi như mình mất.’ Giữ được tâm ý như thế, Trời ắt sẽ ban phước cho người đó.”

Ở đây, Hoàng đế Khang Hy đã răn dạy con cháu rằng: thấy người khác đạt được điều gì, thì hãy xem như là chính mình đạt được; thấy người khác chịu tổn thất, thì cũng nên xem như là chính mình chịu tổn thất. Người có tấm lòng như vậy, ắt sẽ dược trời xanh bảo hộ và ban phúc.

Người Trung Quốc có chú ý đến điều này không? Khi mà mỗi người Trung Quốc đều cho rằng làm người tốt sẽ bị thua thiệt, làm người tốt sẽ bị ức hiếp, làm người tốt là kẻ ngốc nghếch, từ đó mà buông bỏ bỏ việc làm người tốt, ngược lại, chuyển sang theo đuổi hình tượng mà người ta gọi là “cường giả”, “bá vương”, “cường quốc”, thì Trung Quốc chỉ còn có thể trở thành một xã hội mà “ai ai cũng xem người kế bên là kẻ địch” và “người người hãm hại nhau”, và còn bị cộng đồng quốc tế coi thường bởi mặt bằng đạo đức chung rất thấp.

Trong thời loạn thế, nếu mỗi người đều tự yêu cầu bản thân phải giữ tấm lòng thiện lương, giữ gìn phẩm hạnh và đạo đức, bất kể người khác có giữ gìn đạo đức hay không, thì Trung Quốc mới có thể ngày càng có thêm nhiều người trở thành những sinh mệnh được Thần chiếu cố.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/5/4/475918.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/7/1/218836.html

Đăng ngày 11-04-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share