Bài viết của Minh Nguyệt

[MINH HUỆ 03-03-2025] “Tại sao những người kính sợ Chúa lại phải chịu đau khổ?” Ở phương Tây, câu chuyện về Gióp được truyền đọc rộng rãi, đa phần là về vấn đề này.

Sách Gióp là quyển sách đầu tiên của Sách Khôn ngoan trong Kinh Thánh Cựu Ước. Tất cả các giáo phái Do Thái và Cơ Đốc giáo đều chấp nhận sách này là kinh điển. Tác phẩm thơ này được thế giới đánh giá cao vì được coi là “con đường dẫn đến trí tuệ”.

Tên Gióp có nghĩa là “đối tượng bị ghét bỏ”. Kinh nghiệm sống đau khổ và kiên trì của Gióp đã để lại một lời giải thích hay cho cái tên này.

Vào thời Gióp sống, dân Y-sơ-ra-ên bị ô uế sâu sắc bởi việc thờ ma quỷ, nhưng Gióp vẫn cẩn thận duy trì sự thờ phượng trong sạch dành cho Đức Chúa Trời. Theo Sách Gióp 1:8, vào thời đó, “chẳng có ai trên trái đất trọn vẹn và ngay thẳng như Gióp.”

Theo Sách Gióp, Gióp là “một người trọn vẹn và ngay thẳng, một người kính sợ Chúa và tránh xa điều ác”. Ông sống một cuộc sống hạnh phúc và có bảy người con trai và ba người con gái. Gia đình ông giàu có, có nhiều gia súc và người hầu. Gióp cũng giàu có về mặt tinh thần. Ông tốt bụng và hào phóng, và mọi người đều kính trọng ông. Tuy nhiên, tất cả những điều đẹp đẽ này cuối cùng đã trở thành lý do khiến Gióp bị thách thức.

Một ngày nọ, khi Đức Chúa Trời Giê-hô-va ở trên Trời, Ngài đã nhắc đến người tôi tớ trung thành của Ngài là Gióp. Sa-tan, kẻ có mặt lúc đó, nhảy ra và cáo buộc Gióp chỉ phục vụ Chúa vì lợi ích vật chất. Sa-tan nói rằng nếu Chúa tước đi cuộc sống tốt đẹp của Gióp, chắc chắn Gióp sẽ từ bỏ lòng trung thành với Chúa.

Đức Giê-hô-va chấp nhận lời thách thức của Sa-tan và cho phép Sa-tan lấy đi mọi thứ mà Gióp có, nhưng Ngài không cho phép hắn làm hại Gióp về mặt thể xác.

Kết quả là Gióp, người hoàn toàn không biết điều này, đã bắt đầu phải chịu một loạt bất hạnh và đau khổ. Một lượng lớn tài sản của ông đã bị cướp phá. Cả mười người con của ông đều chết trong một cơn bão.

Qua tất cả những thử thách khắc nghiệt này, Gióp vẫn tin chắc rằng: “Ngợi khen danh Đức Giê-hô-va”. Sau đó, Sa-tan tuyên bố rằng, nếu hắn có thể làm hại Gióp về mặt thể xác, hắn có thể khiến Gióp quay lưng lại với Chúa.

Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan làm hại Gióp về mặt thể xác, nhưng không làm hại mạng sống của ông.

Vì thế, Sa-tan đã khiến cho Gióp mắc một căn bệnh rất khủng khiếp. Thịt và hơi thở của Gióp hôi thối đến nỗi vợ và bạn bè đều ghét ông và tránh xa ông. Hơn nữa, khi vợ Gióp thấy ông vẫn trung thành với Đức Chúa Trời cho đến thời điểm này, bà đã thúc giục ông: “Ông còn giữ lòng trọn vẹn của mình sao? Hãy nguyền rủa Đức Chúa Trời và chết đi!” Vì điều này, Gióp đã khiển trách vợ mình.

Cứ mỗi mưu kế thất bại thì lại nghĩ ra mưu kế khác. Sa-tan đã lợi dụng ba người bạn của Gióp để gọi là “an ủi” Gióp. Ba người bạn đó tên là Ê-li-pha, Bil-đát và Xô-pha. Lúc đầu, họ bật khóc vì không thể nhận ra Gióp qua diện mạo của ông từ xa. Họ cũng rắc bụi lên đầu Gióp, rồi ngồi xuống đất với Gióp mà không nói một lời. Sau bảy ngày bảy đêm được “an ủi” không lời, cuối cùng Gióp cũng phá vỡ sự im lặng và tham gia vào một cuộc tranh luận dài với những người được cho là thông cảm và an ủi ông.

Trong vòng tranh luận đầu tiên, Gióp đã nguyền rủa ngày mình được sinh ra, và kêu khóc với Chúa tại sao ông vẫn được phép tiếp tục sống. Vì thế, Ê-li-pha đã cáo buộc Gióp là không trung thành với Đức Chúa Trời. Ê-li-pha tuyên bố rằng những người ngay thẳng chắc chắn sẽ không bị kết cục diệt vong. Ông cũng kể lại một dị tượng ​​mà ông đã thấy vào ban đêm: một giọng nói bảo ông rằng, Chúa không tin tưởng các tôi tớ của Ngài, đặc biệt là những người trên thế gian này, những người thấp hèn như bụi đất; Gióp phải chịu đau khổ vì Chúa muốn “sửa dạy” ông.

Gióp trả lời Ê-li-pha rằng, tiếng rên rỉ đau đớn của ông là điều tự nhiên đối với bất kỳ sinh vật nào khi bị đè nén bởi nỗi đau lớn lao, và chỉ có cái chết mới mang lại sự giải thoát. Ông cáo buộc những người bạn này âm mưu gây khó khăn cho ông.

Sau đó Bil-đát tham gia vào cuộc tranh luận. Ông ngụ ý rằng, con cái của Gióp có thể đã phạm tội với Chúa, và bản thân Gióp có thể không công chính, nếu không thì Chúa ắt đã ưu ái ông.

Gióp bày tỏ niềm tin vững chắc của mình rằng Đức Chúa Trời không phải là bất công, và rằng Đức Chúa Trời không phải chịu trách nhiệm với con người (theo cách con người hiểu), bởi vì “Ngài làm những việc lớn lao không thể tìm thấy, những điều kỳ diệu không thể đếm được”. Ông chỉ có thể cầu xin Đức Chúa Trời thương xót ông. Hơn nữa, cố gắng làm điều tốt có ích gì? Không có sự phán xét công bằng trên trái đất. Ông hỏi: Tại sao tôi phải trải qua nhiều thử thách như vậy? Và cầu xin Chúa nhớ rằng ông được tạo nên “từ đất sét”. Ông biết lòng thương xót của Chúa trong quá khứ, nhưng nói rằng, ngay cả khi ông đúng, tiếp tục tự biện hộ chỉ làm tăng thêm sự tức giận của Chúa, vì vậy ông thà chết!

Qua cuộc trò chuyện của Gióp với Ê-li-pha và Bil-đát, không khó để thấy rằng, ngay cả một người trung thành với Chúa như Gióp, khi đau khổ về thể xác và tinh thần đạt đến một mức độ nhất định, cũng hy vọng rằng những người xung quanh sẽ hiểu mình, và rằng Chúa sẽ hoàn toàn đứng về phía mình, giống như những suy nghĩ và cảm xúc của ông có thể hiểu và hy vọng!

Sau đó Xô-pha cũng tham gia vào cuộc tranh luận. Ông nói, chúng tôi không phải trẻ con, làm sao chúng tôi có thể tin vào những lời vô lý của anh? Mặc dù anh vẫn khăng khăng rằng mình vô tội, nhưng nếu Chúa phán, Ngài chắc chắn sẽ phơi bày tội lỗi của anh. Xô-pha hỏi Gióp: “Anh có thể hiểu thấu Đức Chúa Trời không?” Ông khuyên Gióp từ bỏ điều ác, như thế mới có thể lấy lại được phước lành của Đức Chúa Trời.

Gióp biết những lời nói và hành động ngay thẳng trong quá khứ của mình, ông cũng biết nỗi đau khổ và những tác động mà ông đã phải chịu đựng. Vì vậy, khi nghe những lời này, ông chế giễu ba người bạn của mình và nói, “Các anh thực sự là con người! Khi các anh chết, trí tuệ của các anh sẽ tiêu tan.” Ông tin rằng nếu bạn bè của ông nhìn vào mọi thứ do Chúa tạo ra, họ sẽ có thể học được một số bài học. Gióp nói rằng ba “người an ủi” này im lặng thì mới có trí tuệ hơn nữa. Ông tin vào sự chính trực của mình, và cầu xin Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của mình. Nghĩ đến sự kiện “con người bởi người nữ sinh ra, sống ít ngày và đầy dẫy sự khốn khổ”, Gióp đã cầu xin Chúa giấu ông ở một nơi nào đó để ông có thể chờ cơn thịnh nộ của Chúa qua đi. Lý do cho lập luận của ông là: “Nếu một người chết, liệu người đó có thể sống lại không?” Ông không thể sống lại, vậy nên tốt hơn hết là nên tránh cơn thịnh nộ của Chúa trước.

Trong vòng tranh luận thứ hai, Ê-li-pha chế giễu Gióp vì sự hẹp hòi của ông. Và một lần nữa, lòng trung thành của Gióp với Chúa bị coi thường. Ê-li-pha khẳng định rằng, cả người phàm lẫn các Thánh trên Trời đều không thể giành được lòng tin của Chúa. Ông cũng gián tiếp cáo buộc Gióp là người kiêu ngạo và đạo đức giả, và rằng sự giúp đỡ của ông đối với người khác chỉ là hối lộ.

Gióp nghĩ rằng bạn bè mình thật ngu ngốc. Ông bác bỏ điều đó và nói rằng, “Dùng lời lẽ suông để an ủi mọi người chỉ khiến họ buồn hơn”. Ông nói rằng “sự an ủi” của những người bạn này giống như gọi đêm là ngày vậy. Gióp hướng về Chúa và mong muốn Ngài tìm kiếm công lý cho ông, vì ông tin chắc rằng Chúa hoàn toàn biết rõ nỗi đau khổ của ông!

Cuộc tranh luận ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Bil-đát rất tức giận và hỏi Gióp: “Đất sẽ trở nên hoang vu vì cơn giận của ông sao?”. Ông cảnh báo Gióp rằng Gióp sẽ bị tự rơi vào lưới của mình, và trở tấm gương cảnh cáo cho những người khác, và rằng cuối cùng ông sẽ tuyệt tử tuyệt tôn, không người nỗi dõi.

Gióp đáp: “Các anh còn làm phiền lòng tôi đến bao giờ, và làm tôi đau lòng bằng lời lẽ các anh?” Ông tin chắc rằng sẽ có người đứng ra bênh vực mình.

Giống như Bil-đát, Xô-pha cảm thấy một số lời mà Gióp dùng trong cuộc tranh luận làm ông cảm thấy bị sỉ nhục, bị khiển trách và bị làm cho xấu hổ. Ông cũng nói rằng Gióp đáng phải chịu đau khổ. Xô-pha nói rằng kẻ ác sẽ bị Chúa trừng phạt. Vào thời điểm này của cuộc tranh luận, Gióp đã chuyển từ một người được thông cảm và thương hại thành một kẻ độc ác “chắc chắn có tội”.

Trước điều này, Gióp đã phản bác mạnh mẽ: Nếu kẻ ác không thể thoát khỏi sự trừng phạt của Chúa, tại sao một số người trong số họ vẫn sống lâu và giàu có? Tại sao họ có thể sống một cuộc sống xa hoa mà không gặp phải tai họa nào? Ông chỉ ra thực tế là, cả người giàu và người nghèo đều chết, và đôi khi kẻ ác chết “trong thanh thản và thoải mái” trong khi người công chính chết “trong đau khổ của tâm hồn cho đến chết”.

Câu chuyện đến đây, người tu luyện có thể thấy Gióp không phải là người xấu, nhưng trước những mâu thuẫn và lời buộc tội vô căn cứ, ông chỉ nhấn mạnh rằng mình đúng và từ chối suy nghĩ lại bản thân, nên không thể thấy mình sai ở đâu.

Trong vòng tranh luận thứ ba, Ê-li-pha một lần nữa tấn công dữ dội Gióp, chế giễu ông vì “tự cho mình là vô tội”. Ê-li-pha bắt đầu chụp các danh tiếng xấu về những việc làm tốt trước đây của Gióp. Ê-li-pha nói rằng Gióp là một người độc ác không chia sẻ thức ăn của mình với những người đói và ngược đãi trẻ mồ côi và góa phụ. Cuộc sống riêng tư của Gióp không tử tế như ông tuyên bố, điều này giải thích tại sao Gióp lại ở trong tình huống như vậy vào lúc này.

Bất kỳ ai biết Gióp đều biết rằng những việc làm gian ác mà Ê-li-pha chỉ ra không phải là tình trạng thực tế của Gióp. Nhưng lúc này Gióp có nhận ra rằng ông hoàn toàn không phải là “không có gì có thể chỉ trích” không? Không, vì những vấn đề cụ thể mà Ê-li-pha chỉ ra không phù hợp với hoàn cảnh thực tế của Gióp chút nào.

Sau đó, Gióp đã tự bảo vệ mình và bác bỏ những lời buộc tội vô lý của Ê-li-pha bằng sự thật. Ông tự tin tuyên bố rằng ông sẵn sàng trình bày vụ việc của mình trước Chúa, vì Chúa biết chắc rằng ông là người công chính. Bil-đát lập tức đáp trả, khẳng định rằng không ai trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời.

Phán quyết của Bil-đát thực sự rất sáng suốt, nhưng làm sao Gióp có thể nghe theo? Là người ngoài cuộc, chúng ta nên nhớ rằng vào thời điểm này Gióp đang bị mắc kẹt trong nỗi đau khủng khiếp và sự đau khổ không thể tránh khỏi do Sa-tan gây ra. Tất cả những gì ông nghe được là lời buộc tội của Bil-đát đối với ông, và ông không thể bình tĩnh lại và xem xét xem mình còn thiếu sạch sẽ ở đâu.

Xô-pha không tham gia vào vòng tranh luận thứ ba này. Ông ấy không có gì để nói.

Mặc dù vậy, trong lời phản bác cuối cùng của mình, Gióp vẫn mô tả trí huệ của Đức Chúa Trời, điều này cho thấy Đức Chúa Trời thiêng liêng như thế nào trong tâm trí ông. Ông nói rằng trí huệ của Chúa được thể hiện qua những điều mà con người có thể quan sát được, chẳng hạn như không gian vũ trụ, trái đất, mây, đại dương và gió, nhưng tất cả những điều này chỉ là một phần nhỏ trong những gì Đấng Toàn Năng làm, và chỉ phản ánh một phần sự vĩ đại của Đấng Toàn Năng. Con người biết mọi loại kho báu trên trái đất đến từ đâu, nhưng “trí tuệ đến từ đâu?” Con người đã tìm kiếm trí tuệ trong các loài sinh vật và cả trong đại dương bao la. Vàng và bạc không thể mua được trí tuệ. Chỉ có Chúa mới có đôi mắt nhìn thấy tận cùng của trời và đất, là Đấng quyết định sức nặng của gió, đo lường nước và điều khiển mưa bão.

Gióp chỉ ra rằng: “Kính sợ (Chúa) là sự khôn ngoan, và tránh xa điều ác là sự thông sáng.”

Ông tin chắc mình vô tội và tuyên bố: “Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ lòng trung thành cho đến khi chết!”

Sau đó, Gióp đau khổ nhớ lại cuộc đời mình. Ông khao khát lấy lại mối quan hệ gần gũi với Chúa mà ông đã từng được hưởng biết bao! Ông đã từng là người cứu giúp người nghèo, và là đôi mắt của người mù; mọi người đều trông cậy vào ông để được chỉ dạy; nhưng giờ đây ông đã bị tước bỏ mọi danh dự, thậm chí những thanh niên còn chế nhạo ông, và cha của họ thậm chí còn không xứng đáng đứng giữa những con chó canh giữ đàn cừu của ông; và bây giờ, trong cảnh khốn khổ của ông, họ khạc nhổ vào mặt ông và tấn công ông.

Gióp tự nhận mình là người tận tụy với Đức Chúa Trời và cầu xin Đức Giê-hô-va phán xét ông.

Gióp cũng yêu cầu những người buộc tội ông tìm hiểu những cáo buộc chống lại ông trong suốt cuộc đời ông.

Lời biện hộ của Gióp khiến ba người bạn của ông hoàn toàn không nói nên lời.

Sau đó, Ê-li-hu lên tiếng. Ê-li-hu là họ hàng xa của Áp-ra-ham, và Gióp là hậu duệ trực tiếp của Áp-ra-ham. Ê-li-hu đã có mặt để lắng nghe cuộc tranh luận. Ông cho rằng người lớn tuổi sẽ có nhiều hiểu biết hơn nên trước đó ông chỉ lắng nghe và không nói gì. Tuy nhiên, không phải tuổi tác mà là thần tính khiến con người thực sự hiểu được mọi thứ. Khi Ê-li-hu nghe Gióp và ba người bạn của ông tranh luận đến mức này, ông đã nổi giận với Gióp. Ông thấy rằng “sự tự cho mình là công chính” của Gióp vượt quá “sự công chính của Đức Chúa Trời” của ông; đồng thời, Ê-li-hu thậm chí còn tức giận hơn với ba người bạn của Gióp, vì họ ngu ngốc và thiếu hiểu biết và đưa ra những khẳng định tùy tiện về Đức Chúa Trời.

Lời nói của Ê-li-hu rất chân thành và xuất phát từ trái tim. Đầu tiên, Ê-li-hu thừa nhận rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa của ông, và sau đó ông chỉ ra rằng Gióp đã không đặt mối quan hệ của mình với Đức Chúa Trời đúng chỗ. Đức Chúa Trời không cần phải trả lời mọi câu hỏi của Gióp, nhưng Gióp vẫn cố gắng tranh luận với Đức Chúa Trời.

Ê-li-hu thúc giục những người khôn ngoan lắng nghe ông: Gióp từng nói rằng sự chính trực là vô ích, Ê-li-hu liền chỉ ra lỗi lầm của Gióp: “Đức Chúa Trời chẳng bao giờ làm điều gian ác, Đấng Toàn Năng chẳng bao giờ làm điều gian ác. Ngài sẽ báo trả con người tùy theo việc họ làm, khiến mỗi người nhận báo ứng tùy theo hành động của họ.” Đức Chúa Trời hành động một cách vô tư, nhưng Gióp lại nhấn mạnh quá mức sự công chính của chính mình. Gióp đã nói năng hấp tấp mà không nhận ra vì ông “không có kiến ​​thức”, nhưng Đức Chúa Trời thấy Gióp đã thể hiện sự kiên nhẫn lâu dài.

Ê-li-hu nói về những công trình vĩ đại của Đức Chúa Trời và sự kiểm soát của Ngài đối với các thế lực của thiên nhiên. Ê-li-hu nhắc nhở Gióp hãy lắng nghe thật kỹ và suy nghĩ về những công trình kỳ diệu của Đức Chúa Trời, và hãy nhớ rằng vinh quang vĩ đại và sự uy nghiêm đáng sợ của Đức Chúa Trời vượt quá khả năng hiểu biết của con người. Đức Giê-hô-va quan tâm đến những người kính sợ Ngài, nhưng Ngài sẽ không nhìn đến những kẻ “tự cho mình là khôn ngoan mà không biết khiêm nhường”.

Vào lúc này, Gióp lại cầu xin Thượng Đế trả lời ông. Con người không xứng đáng để nhìn thấy hình ảnh thật của Thượng Đế, nên Đức Giê-hô-va đã giáng lâm dưới hình dạng một cơn lốc và uy nghiêm trả lời Gióp.

Thượng Đế đã hỏi Gióp một loạt câu hỏi khiến ông nhận ra con người nhỏ bé đến mức nào: “Khi Ta tạo dựng nên trái đất, ngươi ở đâu? Ai đã đặt viên đá nền tảng của trái đất? Khi các vì sao mai cùng nhau hát, và tất cả các con trai của Đức Chúa Trời reo mừng.” Tất cả những điều này đã xảy ra từ lâu trước khi Gióp chào đời!

Đức Giê-hô-va đặt ra một loạt câu hỏi liên tiếp. Ngài nói về biển cả, về lớp mây, về buổi sáng, về cánh cổng tử thần, về ánh sáng và bóng tối. “Vì ngươi đã sinh ra vào thời điểm đó và vì ngươi có nhiều ngày, nên ngươi có biết những điều này không?” Còn những thứ như bão, giông, sương giá, sương, mưa đá, các vì sao trên trời, sấm sét, mây và thậm chí là đủ loại chim chóc và thú vật thì sao?

Gióp khiêm nhường thừa nhận: “Con là một người hèn hạ! Con sẽ trả lời Ngài thế nào? Con sẽ lấy tay che miệng mình.” Đức Giê-hô-va ra lệnh cho Gióp phải đối mặt thẳng thắn với lời tranh luận. Gióp khiêm nhường thừa nhận rằng quan điểm của mình là sai, và ông đã nói năng thiếu hiểu biết. Bây giờ Gióp đã nhìn thấy Thượng Đế bằng con mắt hiểu biết, và ông đã ăn năn “trong tro bụi (để được chữa lành bệnh tật)” và hủy bỏ những lời nói ngu ngốc trước đây của mình.

Vào thời điểm này, Đức Giê-hô-va khiển trách Ê-li-pha và hai người bạn khác của Gióp vì đã nói lời hư vọng về Ngài. Ngài nói rằng, họ nói rằng họ phải dâng lễ vật và nhờ Gióp cầu nguyện cho họ. Sau đó, Đức Giê-hô-va phục hồi hoàn cảnh của Gióp và ban phước cho ông gấp đôi. Thế là, anh chị em và bạn bè cũ của Gióp đã trở lại với những món quà để làm hòa với ông. Thượng Đế đã ban cho ông gấp đôi số gia súc, cừu, lạc đà và lừa cái, và cho phép Gióp có thêm mười người con nữa. Sau đó, Gióp sống thêm 140 năm nữa, và nhìn thấy con cháu mình trong bốn thế hệ. Cuối cùng, ông “qua đời khi đã già và mãn nguyện”.

Khi Gióp sắp chết, Đức Chúa Trời thương xót ông và sai Thiên sứ đến, phán rằng: “Hãy kéo nó ra khỏi vực sâu; Ta đã chuộc mạng nó; làm cho thịt nó tươi mới hơn da thịt trẻ con; cho nó trở lại ngày còn trẻ.”

Qua câu chuyện về Gióp, chúng ta có thể thấy rằng Đức Chúa Trời thương xót con người, nhưng Ngài không bị ràng buộc bởi những cảm xúc và khái niệm của con người trong lòng thương xót của Ngài đối với con người. Lòng kính sợ Chúa của một người không có nghĩa là người đó có thể đạt được sự hoàn hảo trong mọi việc mà Chúa chấp thuận. Chừng nào con người còn là con người, con người sẽ phạm sai lầm và tạo nghiệp, và nghiệp chỉ có thể giảm bớt thông qua đau khổ. Hơn nữa, còn có những lý do bất ngờ đối với con người, chẳng hạn như sự thách thức của Sa-tan trong câu chuyện về Gióp và sự cho phép của Chúa, khiến những người tốt phải chịu đau khổ. Miễn là con người có thể duy trì lòng kính sợ và lòng trung thành với Chúa, bất kể quá trình như thế nào, cuối cùng họ sẽ nhận được những phước lành phù hợp với tính cách của mình.

Một số người tự gọi mình là người vô Thần. Vậy bạn có tin vào may mắn không? Bạn có tin vào việc ước nguyện không? Bạn có tin vào sự tồn tại của “Chúa” không? Thực ra, bạn không tin cũng không sao, nhưng bạn phải gánh chịu hậu quả của việc không tin. Các quy luật của vũ trụ tồn tại một cách khách quan và sẽ không biến mất chỉ vì ai đó không tin vào chúng.

Một số người nói rằng tôi chỉ quan tâm đến sự thoải mái và hạnh phúc hiện tại, và khi tôi chết thì đã quá muộn. Trên thực tế, khi con người thực sự hiểu rằng “một người chết, giống như ngọn đèn tắt“ là một điều ngụy biện, họ sẽ không từ bỏ thực tại sau khi thức dậy vì những gì họ thấy trong giấc mơ. Câu chuyện “Giấc mơ kê vàng” được biết đến rộng rãi vì nó nói lên sự thật về cuộc sống.

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/3/3/491275.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/3/6/225749.html

Đăng ngày 03-04-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share