Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 18-03-2025]

Tôi từng có ba lần trải nghiệm qua thiên môn trong mộng cảnh:

Lần thứ nhất: Là hơn 10 năm trước, tôi chạy qua thiên môn một cách dễ dàng. Nhìn các đồng tu chậm rãi đi, tôi sốt ruột gọi: Đồng tu ơi mau lên.

Lần thứ hai: Cách đây sáu, bảy năm, tôi đi đến bên bờ thiên giới, nhìn thấy thiên quốc thần thánh đắm mình trong ánh Phật quang. Tôi đang chuẩn bị nhấc chân bước vào thì bỗng trong đầu nghĩ đến một thứ ở nơi người thường. Trong tâm tôi hối hận: Sao còn nghĩ đến những thứ của người thường vậy chứ, không được, mình phải quay về tu cho kiền tịnh rồi mới trở lại. Tôi bèn quay người nhảy xuống.

Lần thứ ba: Là vài tháng trước, mọi người xếp hàng qua thiên môn. Mấy đồng tu phía trước qua được rồi, đến lượt tôi thì bị chặn lại, nói rằng mã vạch của tôi đã cũ, tôi nói hộ chiếu của tôi còn mới mà. Họ trả lời rằng cần phải quét lại hộ chiếu mới của tôi thì mới tạo ra được mã vạch mới, mới có thể qua được.

Sau khi tỉnh lại, tôi nhận ra tính nghiêm trọng của vấn đề: “quét lại” là điểm hóa cho tôi, tiêu chuẩn của tôi không đủ cao, cần phải xem xét lại toàn bộ quá trình tu luyện của tôi từ đầu đến cuối. Dưới đây là thể hội của tôi sau khi truy xét kỹ lại tu luyện của mình.

1. Về ngày kết thúc

Trong người thường, rất nhiều việc đều có thời hạn, hạn cuối, ví dụ: hạn nộp thuế thu nhập là ngày 15 tháng 4; nộp đơn vào đại học cũng có hạn chót. Chúng ta đều không bỏ lỡ, bởi bỏ lỡ hậu quả sẽ nghiêm trọng như bị phạt tiền, không được vào đại học, v.v. Chúng ta đều lưu ý nỗ lực hoàn thành. Lấy ví dụ khác: hàng năm nộp thuế thu nhập, tôi đều nộp xong vào tháng Hai, đầu tháng Ba, tránh để tháng Tư nhỡ có việc khác xen vào rồi lại bận tối mắt, không dám xem nhẹ.

Cuộc sống của chúng ta bị chi phối bởi đủ loại thời hạn, lớn có nhỏ có, nhỏ là đến các hóa đơn hàng tháng. Bận rộn không lúc nào ngơi. Vậy thì, tu luyện có ngày kết thúc không?

Sư phụ không nói ngày cụ thể, nhưng rất nhiều lần Ngài nói “cuối cùng của cuối cùng rồi” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Washington DC năm 2009, Giảng Pháp các nơi IX)

Mỗi lần nghe hoặc đọc đến đây, tôi bừng tỉnh một chút, nhưng hễ bận là tôi lại quên, lại trở về trạng thái cũ.

Sư phụ cũng từng giảng:

“Lịch sử sẽ kết thúc vào ngày nào, vô luận thế nào cũng sẽ không hoãn lại, chỉ có thể là xuất hiện biến hoá trong các việc cụ thể hoặc trong quá trình, những việc không làm được tốt sẽ ảnh hưởng tới sự việc sau, thời gian tổng thì sẽ không trì hoãn đâu, đó không phải là Sư phụ từ bi hay không từ bi. Kỳ thực tới cuối cùng thì hết thảy những gì được cứu độ, được trùng tổ nếu không phải là [điều] tôi cần hoặc không đạt tiêu chuẩn, thì có làm xong cũng như không, cũng phải bị huỷ. Không thể kéo dài qua thời gian đó, đối với những sinh mệnh không thể được cứu độ, đó cũng là chỉ có thể như thế mà thôi.” (Giảng Pháp vào ngày Kỷ niệm 20 năm truyền Pháp, Giảng Pháp các nơi XI)

Vì không có ngày cụ thể, nên sẽ không giống như việc công ty ra mắt sản phẩm, thời gian nào phải hoàn thành việc gì, mỗi bước đều được lên kế hoạch, nhất định phải đạt được thì mới có thể ra mắt đúng hạn.

Vì không có ngày cụ thể, nên mỗi người chúng ta dựa vào nhận thức của bản thân để điều chỉnh bước đi nhanh chậm của mình. Chúng ta đều biết mình là người tu luyện, mỗi ngày đều đang làm ba việc. Nhưng vì làm người là khổ – cho dù có tiền hay không có tiền đi chăng nữa – người ta sẽ tự giác hay bất giác mà thương xót bản thân một chút, để bản thân thoải mái hơn một chút, tìm cho mình một cái cớ an ủi bản thân.

Hãy tưởng tượng con ếch bị luộc trong nước ấm: Ban đầu rất dễ chịu, từ từ tận hưởng, nhiệt độ dần dần tăng lên cũng không cảm thấy gì, bởi nó tăng lên rất chậm. Vì càng lúc càng tận hưởng cảm giác thoải mái đó, dường như đã thành quen không thể rời ra. Cuối cùng bị luộc chín, là hoàn toàn tiêu đời rồi.

Vì không biết Chính Pháp khi nào kết thúc nên cứ làm vậy thôi. Rất nhiều người đều nghĩ như thế. Nhiều năm trước, một học viên hỏi tôi: Bạn nói xem Chính Pháp khi nào kết thúc? Chắc không đến 20 năm nữa đâu nhỉ. Tôi nói tôi không biết. Cô ấy bèn tính toán tài sản của mình, đủ tiêu trong 20 năm, sau đó cô ấy liền nghỉ việc, công việc vất vả nên không muốn đi làm nữa. Qua mấy năm, cô ấy tìm tôi nói chuyện: Xem ra Chính Pháp hai, ba năm nữa cũng chưa kết thúc được đâu, rồi cô ấy lại bắt đầu cân nhắc vấn đề kiếm tiền.

Nhận thức của tôi là: Chính Pháp có thể kết thúc vào ngày mai, cũng có thể còn 30 năm nữa. Sư phụ không thể giảng ra. Trong tu luyện tiểu đạo, đệ tử làm không tốt, sư phụ dùng gậy đánh; còn chúng ta là tu luyện Đại Đạo, lại tu luyện trong người thường, hoàn toàn dựa vào bản thân nắm vững.

Tôi lý giải rằng vì các đệ tử Đại Pháp mãi chưa đạt tiêu chuẩn, nên Sư phụ không ngừng điều chỉnh. Ví như: “Phần lớn các đệ tử Đại Pháp sẽ theo Sư [phụ] Pháp Chính Nhân Gian.” (Hãy Tỉnh), tôi hiểu là vì đại bộ phận vẫn chưa tu đến, nên được cấp thêm cơ hội nữa.

Để đạt được tiêu chuẩn, để không lười biếng buông lơi, tôi đặt ra cho mình một số mục tiêu: Vào đầu mỗi năm, tôi sẽ tìm ra một đến hai chấp trước lớn, năm đó trọng điểm tu phương diện này, như vậy dường như tu được vững chắc hơn một chút. Phương pháp này đối với tôi vẫn có hiệu quả, nhưng liệu có phù hợp với yêu cầu của Pháp không?

Tôi đắc Pháp năm 1997 ở hải ngoại. Sau khi đắc Pháp không lâu, tôi thấy trên trang web của một học viên có viết: “Hãy coi mỗi ngày như ngày cuối cùng trên trái đất này.” Lúc đó tôi còn cười anh ấy: Nếu là ngày cuối cùng trên trái đất, tôi sẽ chẳng làm gì cả, vì làm cũng vô dụng. Bây giờ tôi không nghĩ như thế nữa, bởi mỗi phút mỗi giây còn lại đều rất quan trọng.

Tôi tự hỏi mình: Nếu Chính Pháp ngày mai kết thúc, những chấp trước, tạp niệm kia của tôi còn giữ lại làm gì? Tôi nghĩ những chấp trước, nhân tâm đó cần phải bị vứt bỏ nhanh nhất có thể.

Nếu Chính Pháp ngày mai kết thúc, mà cựu thế lực hôm nay vẫn đang vu khống Sư phụ, muốn hủy đi chúng sinh mà chúng ta đã vô vàn khổ cực cứu độ trong nhiều năm, tôi cần phải làm gì? Tôi sẽ dùng chính niệm mạnh nhất của mình, diệt hết mọi tà ác, không để cựu thế lực đạt được mục đích.

Vậy giờ tôi còn chờ đợi điều gì đây?

2. Tiêu chuẩn tu luyện

“Kỳ thực tới cuối cùng thì hết thảy những gì được cứu độ, được trùng tổ nếu không phải là [điều] tôi cần hoặc không đạt tiêu chuẩn, thì có làm xong cũng như không, cũng phải bị huỷ.” (Giảng Pháp vào ngày Kỷ niệm 20 năm truyền Pháp, Giảng Pháp tại các nơi XI)

Tôi hiểu rằng, chúng ta là sinh mệnh đến từ cựu vũ trụ, muốn tiến nhập vào tân vũ trụ thì phải đạt đến 100% thuần tịnh, vì tân vũ trụ là thuần tịnh 100%.

Khi còn là học sinh, có câu nói rằng nếu đặt mục tiêu 100 điểm, thì có thể đạt 90 điểm, còn đặt mục tiêu 60-70 điểm, có thể chỉ được 50 điểm, hoặc thấp hơn, vậy là trượt rồi.

Nếu tiêu chuẩn của chúng ta đặt thành tiêu chuẩn của “Chính Thần trong tân vũ trụ”, mỗi khi gặp một việc gì, trước tiên hãy nghĩ: Nếu là một Chính Thần trong tân vũ trụ, thì vị Thần ấy sẽ làm thế nào. Đôi khi tôi tự hỏi mình như vậy, và rất nhanh sẽ biết được cần làm thế nào.

Nhưng nếu chúng ta không đặt tiêu chuẩn, mà như thể được chăng hay chớ, hoặc dựa vào suy nghĩ của bản thân, tàm tạm là được rồi, chúng ta rất có thể sẽ không đủ tiêu chuẩn ở sự việc đó. Không ngừng tích lũy những thứ không đủ tiêu chuẩn này, sẽ khiến cuối cùng trở thành bán thành phẩm hoặc thứ phẩm – không thể hồi thiên, vô lượng chúng sinh trong thế giới của chúng ta sẽ bị hủy diệt.

1) Ví như nói về chính niệm: Chúng ta phải có chính niệm như thế nào mới coi là đạt tiêu chuẩn. Tôi phát hiện bản thân thường ngày không luôn bảo trì chính niệm mạnh mẽ, nhưng khi tôi cần phụ trách một hạng mục, có trách nhiệm ở đó, chính niệm sẽ mạnh hơn một chút. Ví dụ lần rồi làm bảo vệ nội bộ cho Shen Yun, có sự việc ĐCSTQ đe dọa đánh bom nhà hát. Lúc đó chính niệm của tôi khá mạnh, cảm thấy cho dù cả đội chỉ có mình tôi, tôi cũng có thể hoàn thành.

Nhưng, tại sao mối đe dọa đánh bom của ĐCSTQ lại xảy ra thường xuyên mà không bị trừ tận gốc? Sự việc xảy ra rồi, phát chính niệm là rất trọng yếu, nhưng liệu có phải rất bị động không? Sự bị động là từ đâu mà có?

Hơn 20 năm trước, tôi mơ thấy một nhóm nhỏ chúng tôi đến một thành cổ, thành cổ ấy có tên là Cựu Kim Sơn (San Francisco). Trên mặt đất và trên không trung đâu đâu cũng là lạn quỷ. Trong tâm tôi sợ hãi. Đồng tu đi cùng chúng tôi chính niệm rất mạnh: “Đừng sợ, chúng ta phải giữ vững thành trì này.” Chúng tôi bắt đầu phát chính niệm, lạn quỷ lập tức tập hợp thành đội, tiến về phía chúng tôi. Tôi liền nhắm mắt lại, giữ vững chính niệm, cuối cùng lạn quỷ lũ lượt chạy trốn. Lúc ấy tôi mới chỉ là một học viên mới, và chính niệm của đồng tu đã rất khích lệ tôi.

Sau khi sự việc tấn công Shen Yun và Sư phụ xảy ra, trong một bài chia sẻ trên Minh Huệ Net, một đồng tu đã đề cập: “Tôi là một đệ tử Đại Pháp, làm sao có thể cho phép sự việc như vậy xảy ra.” Anh ấy coi sự việc này hoàn toàn là trách nhiệm của bản thân mình. Còn tôi chỉ nghĩ, việc này không đúng, lúc phát chính niệm tôi cần thêm một niệm, chỉ vậy mà thôi. Sư phụ giảng:

“còn thật sự Phật là người bảo vệ của vũ trụ, họ sẽ chịu trách nhiệm cho hết thảy nhân tố chính trong vũ trụ.” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc)

Tôi đã thấy được khoảng cách của mình. Chúng ta có trách nhiệm này và lại có đủ năng lực, chính niệm của chúng ta có thể ngăn chặn tất cả những điều này. Chỉ là chúng ta không ý thức được thôi.

Lấy một ví dụ khác, trong hạng mục, có rất nhiều việc bản thân tôi chưa làm bao giờ, đôi khi có những vấn đề rất đau đầu, loay hoay mãi không ra. Một lần, làm đi làm lại cả đêm không có kết quả, hôm sau khi mở máy tính, tôi nghĩ: Mình vất vả như vậy ở đây để làm gì? Là để cứu người mà làm. Niệm này vừa xuất ra, lời giải cho vấn đề của ngày hôm trước lập tức xuất hiện.

Còn có một lần khác, một vấn đề khó tôi làm hai tuần vẫn chưa xong, sau đó tôi liền điều chỉnh tâm thái, phát chính niệm, ngay hôm ấy liền có kết quả. Lúc đó tôi nghĩ: Nếu mỗi giờ mỗi khắc tôi đều bảo trì chính niệm như vậy, thì hạng mục sẽ nhanh chóng hoàn thành. Vậy mà tôi đã không làm được.

2) Ví như nói về Thiện và từ bi: Chúng ta phải từ bi như thế nào mới coi là đạt tiêu chuẩn? Sư phụ giảng:

“Trong xã hội người thường, từ bi thể hiện ra thiện ý và yêu thương” (Kinh Tỉnh).

Cá nhân tôi có rất ít cơ hội giảng chân tướng trực diện, ngoài những đồng nghiệp quen biết ở công ty, bạn học, bạn bè, người nhà, vào lúc thích hợp thì tôi giảng một chút, tôi không biết rốt cuộc tâm từ bi của mình có bao nhiêu. Nhìn thấy đủ loại người trên thế gian, người nghèo, người giàu, người thông minh, người ngốc nghếch, rồi người tốt, người xấu, dường như rất xa vời với tôi. Mỗi ngày trong đầu tôi đều là việc của hạng mục.

Nếu gặp người hay việc không tốt, tôi cũng chỉ nghĩ: “Người này đã trở nên như vậy rồi.” Bởi thế tôi có chút lo lắng: Sao mình dường như tu đến mức quá lạnh lùng?

Một hôm, một niệm đầu đến từ sâu thẳm sinh mệnh của tôi, làm thân thể tôi chấn động: Người ta thật khổ quá, ai nợ tôi cái gì tôi đều không cần nữa, con người có thể vượt qua kiếp nạn đã rất không dễ dàng rồi! Lúc đó tôi nghĩ: Đó là một loại từ bi chăng. Nhưng khi tôi thấy các bài chia sẻ trên Minh Huệ Net của đồng tu Đại lục, gặp mỗi một người đều muốn cứu, không nghĩ đến hoàn cảnh nguy hiểm của bản thân. Tôi nghĩ đó mới là từ bi chân chính. Tôi đã thấy được khoảng cách của mình.

“Tâm không thiện niệm khởi” (Nhập Thánh Cảnh, Hồng Ngâm III). Tôi hiểu rằng chỉ khi tâm của chúng ta trống không, khi tâm chấp trước tu hết đi rồi, từ bi chân chính mới xuất ra. Là tôi tu chưa đủ.

3. Tâm an dật khiến người ta rời xa tiêu chuẩn

Từ nhỏ tôi đã không đặt tiêu chuẩn cao gì cho bản thân, không nhất định phải đạt đến mức nào đó. Chỉ là làm theo bản tính, làm theo sở thích. Làm việc gì, tàm tạm là được rồi, không nhất thiết phải giành hạng nhất. Có được thì có, mà không có được cũng không sao.

1) Thời đại học, có lần chúng tôi thi xong, một bạn học rất đau lòng, nói có một chỗ làm sai, tôi cứ an ủi cô ấy mãi, rằng không sao đâu, chỉ là một lỗi rất nhỏ thôi, sẽ không bị trừ bao nhiêu điểm đâu, kết quả, tôi được 87 điểm, còn cô ấy được 97 điểm.

2) Cũng lâu rồi, đôi khi tôi làm bảo vệ cho Shen Yun, tôi thường đi chung xe với người phụ trách bảo vệ. Một lần, một đồng tu hỏi tôi có thể đi chung xe với cô ấy không, tôi nói xe của người phụ trách vẫn còn chỗ, chúng tôi đi một xe thôi, cô ấy nói không muốn, vì người phụ trách luôn đi sớm nhất, về muộn nhất, đi theo anh ấy mệt lắm. Tôi ba phải, bên trái cũng được, bên phải cũng xong. Bảo vệ có nhiều việc, đi sớm về muộn có thể giúp thêm phần nào; đồng tu không muốn mệt như vậy thì cũng được, đi chung xe với cô ấy còn có thể ngủ thêm một lát, thế là tôi thuận nước đẩy thuyền đi chung xe với cô ấy, chọn bên thoải mái, quên mất “lấy khổ làm vui”. Qua sự việc này, tôi đã thấy được khoảng cách của mình.

3) Lúc mới đắc Pháp, một bạn học ở điểm luyện công trường chúng tôi nói, cô ấy ngày nào cũng dậy lúc hai giờ sáng để đả tọa trong hai tiếng, rất tĩnh, rất dễ chịu. Tôi rất ngưỡng mộ, nhưng hơn 20 năm đã trôi qua, tôi chưa bao giờ làm được. Tôi lại thấy được khoảng cách của mình.

4) Có người cho rằng: Làm người khổ như vậy thì nhất định phải tu thành; tu thành rồi sẽ không cần chịu khổ nữa. Bản thân tôi từng có một niệm đầu: Trở về thiên thượng, việc đầu tiên là ngủ một giấc thật đã. Tôi thấy bài chia sẻ trên Minh Huệ, đồng tu cho rằng: Đây cũng là một loại tâm an dật. Giác Giả chân chính là vị tha, trong tâm nghĩ đến chúng sinh. Không có ai nghĩ đến bản thân làm sao cho thoải mái hơn một chút, hoặc có phải chịu khổ hay không. Tôi đã thấy được khoảng cách của mình.

Hạng mục nào cũng nói không đủ nhân lực, đa số người đến chuyên môn lại không phù hợp. Kỳ thực, tôi nhận thức là đủ: Sư phụ ở nơi cao nhìn rất rõ ràng, Sư phụ an bài toàn bộ sự việc, nhất định là đủ Sư phụ mới an bài như thế. Chỉ cần các đệ tử đạt đến trạng thái, thì sẽ đủ nhân lực.

Kinh văn “Kinh Tỉnh” của Sư phụ đã công bố được chín tháng rồi, tôi tự hỏi mình: Tôi thực sự đã tỉnh ra chưa? Hay là tỉnh một lúc rồi lại quên? Tôi nghĩ chúng ta thực sự không thể hồ đồ được nữa, chúng ta không thể an dật được nữa.

Tổng kết nguyên nhân: Sở dĩ chúng ta chưa đạt tiêu chuẩn, là do chưa thực sự nhận thức được sự bác đại trân quý của Pháp, chưa thực sự nhận thức được chúng ta đang ở vào thời khắc then chốt như thế nào, và chưa thực sự nhận thức được trách nhiệm của chúng ta đối với sự tồn vong của chúng sinh.

Tôi nghĩ, chúng ta nhất định phải đường đường chính chính, lý trí giác ngộ mà bước trở về, chứ không thể bò lê bò càng, mơ mơ hồ hồ, theo số đông mà về thiên thượng được.

Bài chia sẻ lý tính giữa những người tu luyện thường chỉ phản ánh nhận thức của cá nhân trong trạng thái tu luyện tại thời điểm viết bài, thiện ý giao lưu trên tinh thần cùng nhau đề cao.

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/3/18/491737.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/3/25/225969.html

Đăng ngày 05-04-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share