Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 20-10-2024] Năm nay tôi 44 tuổi, tôi bắt đầu tu luyện từ nhỏ, đến nay đã 30 năm, may mắn sớm được kết thánh duyên cùng Đại Pháp. Tôi muốn đem một vài thể ngộ trong quá trình tu luyện gần đây báo cáo với Sư tôn, đồng thời giao lưu với các đồng tu để cùng nhau nỗ lực.

1. Tu bỏ cái tình trong người thường, quy chính nhất tư nhất niệm

Là một đệ tử chân tu, tôi có những thể hội sâu sắc đối với cảm giác thấu tận tâm can khi trừ bỏ chấp trước, đặc biệt khi tu bỏ cái tình đối với con trai.

Tôi ly hôn đã nhiều năm, con trai là trung tâm cuộc sống của tôi, tình cảm của tôi đối với con rất nặng. Con trai tôi từ nhỏ đã là người lương thiện và hiểu chuyện, học giỏi và ngoan ngoãn, luôn được thầy cô bạn bè khen ngợi. Điều này cũng thỏa mãn tâm hư vinh và truy cầu về một phương diện nào đó trong cuộc sống của tôi.

Nhưng khi lên cấp 3, con trai tôi đột nhiên trở nên nổi loạn, lạnh lùng, cáu kỉnh, thậm chí còn bắt đầu quan hệ yêu đương. Tôi biết nên trừ bỏ chấp trước mạnh mẽ đối với con cái, nhưng vẫn không thể buông bỏ được. Khoảng thời gian đó không biết đã trải qua bao nhiêu lần xung đột tâm tính, khi không giữ được tâm tính thì ma tính khởi lên. Sau đó tôi đã có thể khắc chế hành vi trên bề mặt một cách khổ sở, nhưng nội tâm vẫn liên tục giằng xé. Tôi biết bản thân nhất định phải vượt qua quan này; bất kể như thế nào, tôi vẫn tin tưởng cuối cùng mình sẽ vượt qua. Vì vậy tôi đã học Pháp nhiều hơn, phát chính niệm cường độ cao. Về sau khi con trai có những hành vi đụng chạm đến quan niệm của tôi, bề ngoài tôi vẫn có thể nhẫn nhịn không tức giận, nhưng trong lòng vẫn còn oán hận.

Một lần, tâm oán hận mãnh liệt cùng rất nhiều ý niệm bất chính tràn ngập trong tâm trí tôi, phát chính niệm cũng không thể đẩy lui; tôi cảm thấy bản thân đang bị tầng tầng lớp lớp ác ma bao vây, toàn thân như bị nuốt chửng vào trong, chỉ còn lại một hơi thở yếu ớt đang mặc niệm khẩu quyết chính Pháp. Nhưng tôi không thỏa hiệp, trong tâm nghĩ: “Sư phụ ơi, chấp trước mãnh liệt này không phải chân ngã của con, dù thống khổ đến đâu con cũng phải trừ bỏ nó.” Dần dần, tôi cảm thấy chấp trước này đang nhạt dần, tan biến đi từng chút một. Thuận theo việc hằng ngày không ngừng dùng Pháp đối chiếu, tôi nắm bắt từng tư từng niệm, không ngừng tu sửa bản thân. Sư phụ nhìn thấy sự kiên định và chân thành của tôi, đã giúp tôi loại bỏ từng tầng từng lớp tâm chấp trước cứng như đá hoa cương này. Cuối cùng tôi đã buông bỏ được cái tình đối với con trai, không còn đan xen giữa yêu và hận, từ đó có được một tâm thái vô cùng an yên.

Buông bỏ cái tình đối với con trai không có nghĩa là buông xuôi bỏ mặc cháu, tôi cần dẫn dắt cháu đi trên con đường chân chính. Tôi cho cháu nghe những câu chuyện nhỏ về văn hóa truyền thống, cho cháu xem “Cửu Bình” (Chín bài bình luận về đảng cộng sản), “Mục đích cuối cùng của chủ nghĩa Cộng sản”, xem các video chân tướng và loạt phim “Vì bạn mà đến”. Cháu nghe rất say sưa, xem rất chăm chú, cháu còn có thể giảng chân tướng cho các bạn học. Cháu đã là một sinh mệnh được cứu độ.

Vài ngày trước có kết quả kiểm tra học tập định kỳ theo tháng ở trường. Là người luôn quan tâm đến thành tích của con trai, nhưng lần này tôi không nghĩ đến việc hỏi kết quả thi của cháu. Con trai vui vẻ thông báo với tôi kết quả thi lần này rất tốt. Tôi nói với cháu rằng thành tích không quan trọng, chỉ cần làm tốt những gì bản thân nên làm là được. Con trai ngạc nhiên nói: “Đây có phải là người mẹ từng làm lớn chuyện chỉ vì kết quả thi của con thiếu vài điểm không?” Ban đầu tôi còn tự nhắc bản thân đừng sinh tâm hoan hỉ, nhưng nghĩ lại, sinh tâm hoan hỉ gì chứ? Những gì trong xã hội người thường đều không liên quan đến tôi. Sứ mệnh của tôi chỉ có tu tốt bản thân, cứu độ chúng sinh.

Trong quá trình từng bước buông bỏ cái tình đối với con trai, tôi dần nhận ra bản thân đã không nghiêm túc đối đãi với một số thói quen xử sự không phù hợp với Pháp trong cuộc sống hằng ngày. Những thói quen này dẫn tôi luẩn quẩn trong cái vòng của người thường, trở thành người giống với người thường, thay vì tu luyện trong trạng thái phù hợp tối đa với xã hội người thường. Tại nơi làm việc, gặp những chủ đề mà đồng nghiệp tán gẫu, những trò đùa mà họ bày ra, tôi cũng tham gia không hề do dự. Nhưng mỗi khi trên đường tan làm về nhà, tôi đều cảm thấy rất khổ sở, rất hối hận, cảm thấy bản thân đang lẫn lộn trong người thường. Tôi tự nhìn lại bản thân, chính là không làm được thời thời khắc khắc coi bản thân là người tu luyện, không coi nơi làm việc là hoàn cảnh để tu luyện, cũng không nghiêm túc đối với tu luyện. Cũng bởi vì những chuyện ở nơi làm việc, những câu cười đùa giữa đồng nghiệp không đủ để khiến tôi khởi chấp trước, nên tôi mới phóng túng bản thân và bị cuốn vào. Kỳ thực đối với những sự việc này, chỉ cần tôi tu khẩu, chú ý hành vi một chút là có thể đứng ngoài, nhưng chính vì không đặt tâm nên sau đó mới phải đau khổ và hối hận.

Tìm kỹ trong những sự việc đó, tôi phát hiện ra rất nhiều tâm ẩn giấu: tâm hiển thị, tâm tranh đấu, tâm chấp trước vào tự ngã, tâm coi thường người khác, v.v. Tôi không thể mở rộng giảng rõ chân tướng cho đồng nghiệp tại nơi làm việc cũng liên quan đến những nhân tố bất chính này. Khi tôi đang tự nhìn lại bản thân, đúng lúc đọc được một đoạn giảng Pháp của Sư phụ:

“Tôi bảo chư vị này, [làm] đệ tử Đại Pháp là tuyệt đối không thể hàm hồ. Chư vị sắp phải qua một quan ải ấy, tức là chỉ chút nữa là vượt qua rồi, nhưng còn một chấp trước không bỏ, thì không đạt tiêu chuẩn, và không vượt qua được. Tu luyện tốt thì chẳng phải sẽ vượt qua ư? Cứ không vượt qua, họ cứ đình trệ ở đó. Nhưng mà thứ kia không hề lớn, cái chấp trước kia không hề lớn, rất nhỏ, mà chính là vì chư vị không ý thức được nó, nên chư vị không vượt qua được, cứ đình trệ ở đó. Điều đó chẳng phải nói rằng chư vị tu không tốt, chư vị không thật sự nghiêm túc nghĩ kỹ, ý thức được cái đó không phù hợp tu luyện! Chừng nào nó không phù hợp trạng thái của người tu luyện, không phù hợp với cái mà người tu luyện nên có, thì nó chính là vấn đề!” (Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco 2014)

Đa tạ Sư tôn đã điểm hoá. Tôi viết ra điều này, chính là cần đột phá, phải tu bỏ từng niệm bất chính, quy chính từng vấn đề nhỏ trong cuộc sống.

2. Đề cao trong quá trình giảng chân tướng trực diện

Cứu độ chúng sinh là sứ mệnh thần thánh của đệ tử Đại Pháp trong thời kỳ Chính Pháp. Từ mùa Đông năm ngoái, tôi và đồng tu A đã khích lệ nhau bước ra ngoài giảng chân tướng trực diện. Trong quá trình này, chúng tôi thu hoạch được rất nhiều, cũng có nhiều chuyện cảm động. Dưới đây là một vài cảm ngộ của tôi.

Kiên trì bước ra phố giảng chân tướng

Lúc mới bắt đầu, trong tâm tôi không khỏi có chút lo lắng. Chúng tôi gặp rất nhiều người từ chối nhận tài liệu, đôi khi còn bị chế giễu hoặc thậm chí quở trách. Chúng tôi kiên trì bước ra phố với tâm thái “mỗi ngày dù chỉ cứu được một người cũng xứng đáng.” Nhiều lần trong tâm cảm thấy lo lắng khi bị từ chối, nhưng đột nhiên lại xuất hiện những chúng sinh tiếp nhận chân tướng và làm tam thoái. Chúng tôi biết Sư phụ đang động viên chúng tôi.

Có một lần tôi cùng đồng tu A đi trong sương mù dày đặc, đầu tóc ướt đẫm. Mọi người rất thờ ơ với chúng tôi, đừng nói đến việc làm tam thoái, ngay cả tài liệu cũng không phát được. Mặc dù trong lòng tôi vẫn nhắc nhở bản thân cần giữ vững chính niệm, nhưng thật khó tránh khỏi cảm giác thất vọng. Đến ngã tư, tôi đề nghị rẽ về phía Nam đi vào con đường nhỏ. Vừa rẽ không lâu thì gặp một ông cụ run rẩy bước tới, chúng tôi tiến đến đưa tài liệu và nói với ông rằng đây là chân tướng về Pháp Luân Công. Ông cụ xúc động nói: “Tôi đúng là muốn cái này.” Chúng tôi đi cùng ông cụ thêm một đoạn và giúp ông làm tam thoái. Chúng tôi đều vui mừng cho sinh mệnh được cứu này. Đồng tu A nói: “Sinh mệnh đáng được cứu độ thì sẽ được cứu độ, chúng ta không làm gì cả, chỉ là bước ra và mở miệng, tất cả đều là Sư phụ đang làm.” Hai chúng tôi rưng rưng nước mắt cảm tạ Sư phụ.

Còn nhiều lần khác khi giúp chúng sinh làm tam thoái, chúng tôi không cần nói nhiều, chỉ vừa hỏi: “Bạn làm tam thoái nhé?” thì đã nhận được câu trả lời dứt khoát: “Thoái.”

Có lần, tôi ngồi sau xe điện của đồng tu A; trong mấy chục giây chờ đèn đỏ, tôi xuống xe và phát tài liệu cho người đàn ông dừng xe bên cạnh. Sau khi giảng chân tướng một cách ngắn gọn, tôi khuyên ông ấy thoái xuất khỏi các tổ chức của tà đảng. Sư phụ đã đem những sinh mệnh đáng được cứu nhất tới con đường mà chúng tôi đi qua, khích lệ chúng tôi, cho chúng tôi niềm tin để tiếp tục tiến lên.

Từ chọn người để cứu đến cứu tất cả mọi người

Khi mới bắt đầu giảng chân tướng trực diện, chúng tôi thường chọn giảng cho những người đàn ông trung và lớn tuổi có vẻ ngoài hòa nhã. Chúng tôi sợ nhất là giảng cho phụ nữ vì cảm thấy họ ngoan cố hơn. Do đó có một khoảng thời gian khi gặp những người phụ nữ, đặc biệt là người ăn mặc thời thượng, chúng tôi chỉ đi lướt qua. Nhưng tôi nhận ra như vậy không đúng, sao tôi có thể dùng quan niệm con người để phân biệt đối xử với chúng sinh? Tôi liền không ngừng tu bỏ tâm gây chướng ngại đến việc cứu người. Mấy ngày trước, khi phát chính niệm buổi sáng, tôi thành tâm nói với Sư phụ: Những người con gặp đều là người con nên đối mặt, con phải đi cứu họ. Hôm đó đồng tu A có việc bận nên không đến, tôi nghĩ: “Việc cứu người không thể trì hoãn một ngày nào, tôi sẽ tự đi.” Tôi liền tự lái xe đi ra ngoài, trong buổi sáng đã làm tam thoái được cho chín người.

Tôi có ấn tượng nhất với một cô gái ăn mặc thời thượng đang đứng bên đường chờ xe. Nhìn cách cô ấy trang điểm đậm, đeo khuyên tai lớn, trong lòng tôi có chút không muốn tiếp cận. Nhưng nhớ đến buổi sáng đã phát nguyện với sư phụ, tôi vẫn bước đến, vừa lấy tài liệu đưa cho cô ấy vừa nói đây là chân tướng về Pháp Luân Công. Cô ấy có vẻ phản cảm và nói: “Bây giờ mà các chị vẫn làm cái này à?” Tôi không dao động, chỉ bình tĩnh giảng giải chân tướng. Dần dần thái độ của cô ấy dịu xuống, còn đưa ra các câu hỏi, tôi nhẫn nại giải đáp cho cô ấy. Đang lúc giảng về tam thoái thì xe đến, cô ấy vội vã chạy lên xe. Tôi nắm lấy cơ hội cuối cùng hỏi: “Tôi đặt cho chị hoá danh XX để thoái nhé?” Cô ấy mới bước một chân lên xe, quay đầu lại nói với tôi: “Thoái.” Tôi thực sự vui mừng cho sinh mệnh được cứu này.

Cứu người cần có tâm nhẫn nại, phải nỗ lực hết sức mình. Mỗi ngày sau khi giảng chân tướng trở về nhà, tôi đều tổng kết lại những điểm được và mất trong quá trình đó, chủ yếu thông qua phản ứng của chúng sinh để tìm ra những thiếu sót của bản thân. Tôi nhận thấy nhiều trường hợp khuyên tam thoái không thành công đều liên quan đến việc bản thân vẫn còn thiếu tâm từ bi và nhẫn nại dành cho chúng sinh. Thiếu kiên nhẫn khiến tôi không thể giảng giải rõ về chân tướng, ảnh hưởng đến việc cứu độ chúng sinh. Về sau trong khi giảng chân tướng, đối với những người “cứng đầu”, tôi không ngại khó khăn mà nhẫn nại từng chút để đả khai những mê hoặc của họ, để họ có thể lựa chọn một tương lai tốt đẹp. Vài ngày trước, tôi gặp một người đàn ông thu gom phế liệu, khi tôi đưa tài liệu chân tướng, ông ấy không nhận, hơn nữa còn có thái độ rất khó chịu. Tôi liền bắt đầu từ việc “làm người tốt” để nói về vẻ đẹp của Đại Pháp, vẻ đẹp của Chân-Thiện-Nhẫn. Thái độ của ông đã dần dần trở nên mềm mỏng hơn. Trong quá trình này, vài tờ trong tập giấy mà ông thu gom bị gió thổi bay, tôi liền cùng ông đi nhặt lại. Cuối cùng, ông đã thoái xuất khỏi tổ chức của tà đảng.

Tôi cũng gặp những người sống chết bám lấy tà đảng và những người không để ai nói một câu nào. Tôi đều sẽ nói với họ: “Ít nhất hãy ghi nhớ Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo.” Tôi thật lòng mong muốn đem đến một tia hy vọng cho những sinh mệnh đã bị mê mờ quá sâu này.

Tu luyện là nghiêm túc và thần thánh, tâm cứu người phải thuần tịnh

Kể từ khi tôi và đồng tu phối hợp giảng chân tướng tới nay, chúng tôi đã thu hoạch được rất nhiều, bản thân cũng được đề cao trong quá trình cứu người, nhưng cũng có những bài học do tâm thái bất chính gây ra.

Một lần, tôi lái xe đưa đồng tu đến vùng ngoại ô thành phố để giảng chân tướng. Trên đường đi, không biết tại sao tôi lại kể về những câu chuyện phiếm tại đơn vị công tác của mình. Chúng tôi cười ngả nghiêng suốt cả quãng đường. Khi đến nơi và bắt đầu giảng chân tướng, mọi người đều lạnh nhạt từ chối, không nghe không xem, thậm chí một người tự xưng là thư ký thị trưởng còn đe dọa sẽ tố cáo chúng tôi. Cuối cùng cả ngày chúng tôi không khuyên được ai làm tam thoái. Mặc dù tôi vẫn nói: “Không cứu được người cũng đừng nản, ra ngoài là tốt rồi,” nhưng trong tâm vẫn cảm thấy khó chịu. Đồng tu A nói: “Có phải do kể chuyện cười không, tôi cảm thấy trạng thái này không đúng, cứ nói là muốn cười.”

Về đến nhà, tôi ngẫm lại hành vi của bản thân, cảm thấy thật là thiếu nghiêm túc. Nói rộng ra chính là can nhiễu đến việc cứu độ chúng sinh, rất nghiêm trọng và đáng sợ. Tu luyện là vô cùng vĩ đại và nghiêm túc. Nếu như không thể nghiêm khắc yêu cầu bản thân, làm sao xứng đáng với danh hiệu đệ tử Đại Pháp trong thời kỳ Chính Pháp, làm sao xứng đáng là đệ tử của Sư tôn, làm sao đối diện với những chịu đựng lớn lao của Sư phụ, làm sao xứng với vô hạn kỳ vọng của vô lượng chúng sinh vào chúng ta? Sau bài học giáo huấn lần này, tôi đã triệt để tu bỏ đi tật xấu thích kể chuyện cười.

Vì việc giảng chân tướng tương đối thuận lợi, cựu thế lực không ngừng đưa vào đầu não tôi suy nghĩ “làm tốt lắm.” Tôi không thể lưu lại suy nghĩ sai lệch này dù chỉ một khắc, phải lập tức thanh trừ. Đôi khi phát sinh những suy nghĩ chán nản, tôi cũng cần triệt để loại bỏ. Ngoại trừ tâm cứu người, tôi không cần gì khác.

Tu luyện là nghiêm túc, nếu không thật sự hướng nội tìm, không từng chút từng chút thay đổi bản thân để đồng hóa với Pháp, thì không thể nói là chân tu. Cứu người là sứ mệnh thần thánh nhất của đệ tử Đại Pháp trong thời kỳ Chính Pháp, là mục đích căn bản của chúng ta khi đến thế gian. Thực tu và cứu người là không thể tách rời.

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/10/20/483697.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/12/12/222046.html

Đăng ngày 14-03-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share