Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Canada

[MINH HUỆ 13-08-2024] Con xin kính chào Sư phụ tôn kính! Xin chào các đồng tu!

Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp cách đây hơn 20 năm. Tôi từng sống ở Bắc Kinh, và khi đó mẹ tôi mang về nhà cuốn sách bán chạy nhất thời bấy giờ là cuốn Chuyển Pháp Luân. Dẫu cho tôi có đạt được bao nhiêu thành tựu, hay có bất cứ tiến bộ nào, tất cả đều là do Đại Pháp ban cho. Lòng từ bi của Sư phụ vĩ đại đến mức khó có thể diễn tả bằng lời. Tôi muốn chia sẻ với các đồng tu một số kinh nghiệm tu luyện gần đây của tôi.

Tôi luôn tin rằng người tu luyện không có tâm oán hận vì chúng ta đều cố gắng trở nên từ bi và khoan dung, vậy sao chúng ta có thể cảm thấy oán hận kia chứ? Vài năm trước, một học viên khác nói với tôi rằng cô ấy đang cố gắng tu bỏ tâm oán hận. Tôi rất ngạc nhiên, vì tôi thấy cô ấy tốt bụng và khiêm nhường. Tôi không nghĩ cô ấy oán hận bất kỳ ai.

Tôi đã không để ý đến cảm giác oán hận của mình trong một thời gian dài. Tôi nghĩ có hai lý do. Thứ nhất, tôi cảm thấy Sư phụ không giảng cụ thể về chấp trước này, nên tôi đã không nhận ra mức độ nghiêm trọng của nó. Thứ hai, rất khó để phát hiện ra nó vì nguyên do gây ra tâm oán hận của một người có thể đã tồn tại trong nhiều năm.

Ký ức ám ảnh tôi

Tôi đã nhầm lẫn rằng một số ký ức tuổi thơ cũ chỉ là một số sự cố không may, tuy nhiên tôi đã nghĩ về chúng nhiều lần. Những hạt giống thối rữa đó đã bén rễ trong tim tôi, và nhiều năm sau, tôi đã “thu hoạch” rất nhiều điều tồi tệ. Giờ đây, cuối cùng tôi đã nhận ra chúng, tôi muốn dọn sạch chúng và loại bỏ chúng hoàn toàn.

Bố tôi phân biệt đối xử với tôi ngay từ khi tôi chào đời. Tôi thường bị đánh đập, la mắng, và lăng mạ, điều đó khiến tôi vô cùng tổn thương. Khi ông qua đời vào năm 1990, tôi cảm thấy bầu trời sụp đổ. Vào thời điểm đó, các gia đình vẫn còn rất truyền thống, và người cha đóng vai trò trụ cột trong nhà.

Tôi chưa bao giờ ghét bố mình, nhưng tôi thường tự hỏi tại sao ông lại đối xử với tôi tệ như vậy. Có phải vì ông bị bệnh và đau đớn không? Có phải vì tôi là con gái thứ hai và do chính sách “một con” nên ông không thể có con trai không? Có phải vì tôi không đẹp hoặc không ngoan?

Tôi trở nên mặc cảm tự ti. Tôi nhút nhát và rụt rè khi giao tiếp với người khác. Tôi thấy mình thật thừa thãi. Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ thay đổi khi tôi lớn lên, nhưng không phải vậy. Trên bề mặt, tôi luôn tự cho là mình đúng để che giấu sự lo âu trong lòng.

Nếu tôi không may mắn được biết về Pháp Luân Đại Pháp và tu luyện, thì tôi sẽ không thể chữa lành chấn thương tâm lý thời thơ ấu của mình trong kiếp này.

Những câu hỏi của tôi được giải đáp

Sư phụ giảng:

“Trong tu luyện, khi đối xử với các mâu thuẫn cụ thể, khi người khác đối xử với chư vị không tốt, có thể có tồn tại hai loại tình huống: một là chư vị tại đời trước có thể đã đối xử không tốt với người ta; trong tâm chư vị thấy bất bình: ‘Cớ chi đối xử với tôi như vậy?’ Nhưng tại sao trước đây chư vị đối xử với người ta như thế? Chư vị nói rằng chư vị đâu có biết được lúc ấy, rằng đời này đâu liên quan gì với chuyện của đời kia; [suy nghĩ] thế không được.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Tôi đã có một giấc mơ sống động sau khi bố tôi mất. Tôi chạy vào một tòa nhà có màu đỏ như máu. Một cánh cửa mở ra, và tôi thấy một người đàn ông lực lưỡng, hói đầu, người đầy máu, đang định đứng dậy. Tôi lao đến và giết ông ta bằng cách chém lìa đầu ông ta. Sau đó, tôi quay người bỏ chạy. Giấc mơ thật kinh hoàng, và tôi mơ hồ cảm thấy người mà tôi giết có liên quan gì đó đến bố tôi.

Không lâu sau khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi lại có một giấc mơ sống động khác. Tôi thấy bố tôi cầm gậy và đi lên núi. Trông ông không còn ốm yếu nữa mà nhìn như một vị thần tiên. Tôi hái một bó hoa mận lớn và đưa cho ông. Ông cầm lấy hoa và vui vẻ tiếp tục đi lên núi. Sau khi tỉnh dậy, tôi cảm thấy bố tôi có phúc phận và đã đến một nơi tuyệt đẹp.

Tôi nhận ra giấc mơ này điểm hóa cho tôi rằng việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đã giúp tôi giải quyết nghiệp lực từ những kiếp trước và mang lại cho tôi những điều tốt đẹp.

Đối mặt với ký ức tiêu cực

Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thay đổi được lối suy nghĩ cứng nhắc hình thành từ thời niên thiếu. Tôi vẫn chưa từ bỏ được tính cầu toàn của con người và thậm chí tôi còn chắp vá các quan điểm tâm lý để phân tích và giải thích những trải nghiệm thời thơ ấu của mình. Ý định của tôi là loại bỏ những gì tôi cảm thấy khiếm khuyết trong tính cách của mình.

Tôi đã không áp dụng các Pháp lý của Đại Pháp vào những trải nghiệm trong cuộc sống của mình trước khi tu luyện. Thay vào đó, tôi vẫn vướng vào những cảm xúc oán hận và buồn bã của con người. Những cảnh tượng bị đối xử bất công thời thơ ấu thường hiện về trong tâm trí tôi, và tôi không nhận ra rằng mình nên loại bỏ chúng.

Một ngày nọ, khi những cảnh tượng đó ùa về, tôi bỗng òa khóc. Thật đáng sợ! Có phải tôi đang khóc không? Tại sao tôi lại khóc về một điều gì đó đã xảy ra cách đây hàng chục năm rồi? Từ khi bắt đầu tu luyện, tôi hầu như không bao giờ rơi nước mắt vì những điều xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Tôi chỉ khóc khi học Pháp, đọc các bài viết trên Minh Huệ hoặc xem Shen Yun. Vậy, chuyện gì đã xảy ra? Tiếng khóc này khiến tôi cảnh giác. Đây không phải là tôi! Đây là tâm oán hận và bất bình, và tôi không muốn chúng!

Hướng nội về tâm oán hận

Do thiếu ngộ tính, nên tâm oán hận sâu sắc này đã làm tôi phiền não trong nhiều năm. Thay vì tu luyện bản thân và đề cao, tôi lại tích tụ những vật chất tiêu cực, và tâm tính của tôi trở nên tệ hơn.

Ví dụ, tôi dễ nổi giận, và tôi thấy đây là một biểu hiện của ma tính. Tôi hoàn toàn mất đi cảm giác từ bi, việc gì cũng không để tâm. Tôi hướng nội xem chính xác là vấn đề gì khiến tôi cảm thấy khó chịu và tại sao tôi lại khó chịu. Đằng sau những cảm giác bất an đó là đủ loại phàn nàn và hướng ngoại, thay vì hướng nội.

Nếu vấn đề nghiêm trọng, thì thậm chí tôi còn đổ lỗi cho cả thế giới. Ví dụ, tại sao mùa đông năm nay tuyết rơi thường xuyên như vậy? Tại sao con đường này lại khó đi đến vậy? Khi nào thì tôi mới hoàn thành việc phát hết tài liệu Shen Yun mà tôi đang mang theo? Tôi cảm thấy người điều phối không sắp xếp tốt mọi việc; chồng tôi luôn gây khó khăn cho tôi, v.v. Điều này thật khác xa với tâm thái từ bi và bình hòa! Chẳng phải những ý niệm của tôi đầy phụ diện sao? Tôi sẽ đổ lỗi cho ai tiếp đây? Suy nghĩ như vậy thật nguy hiểm!

Sư phụ giảng:

“Có những người lúc mới tu luyện, tâm rất kiên định. Nhưng có những người thường hay hình thành các loại chấp trước, trong tu luyện cũng rất khó buông bỏ, thời gian lâu rồi, có những người đã buông lơi bản thân. Thêm vào đó là công tác bận rộn, hoàn cảnh gia đình không xử lý tốt, lại không có thời gian học Pháp luyện công. Mặc dù thỉnh thoảng tham gia một số hoạt động tập thể, nhưng cũng không tinh tấn được.” (“Tu luyện Đại Pháp là nghiêm túc”)

Đoạn Pháp này khiến tôi thấy được quỹ đạo tiêu trầm có thể xảy ra với một người tu luyện. Tôi thực sự cần phải cảnh giác với việc mình dần dần trở nên buông lơi.

Trân quý các cơ duyên của chúng ta

Tôi nhận ra rằng tôi nên thay tâm oán hận và bất bình bằng lòng biết ơn và trân quý những gì Sư phụ đã ban cho tôi. Là một sinh mệnh đến để đắc Pháp, tất cả những đau khổ mà tôi gánh chịu khi còn nhỏ đã mở đường để một ngày nào đó tôi có thể tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Sư phụ giảng:

“Các Đại Giác Giả nhìn [nhận] rằng, làm người không phải là mục đích, sinh mệnh người ta không phải vì để làm người, mà chính là để quay trở về. Con người chịu khổ bao nhiêu; [các Đại Giác Giả] cho rằng chịu khổ càng nhiều càng tốt, trả nợ nhanh hơn; họ thực sự nghĩ như thế.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Mỗi người có nghiệp lực khác nhau. Nếu tôi không phải chịu khổ từ nhỏ hoặc không tiêu trừ đủ nghiệp lực, thì có lẽ tôi đã không có cơ hội đắc được Đại Pháp. Vậy nên, xét theo tình huống ngược lại, tôi nên thực sự biết ơn những người đã làm tổn thương tôi và trân quý Đại Pháp.

Lời nhắc nhở

Sau nhiều lần đi đường vòng, cuối cùng tôi cũng tìm thấy tâm oán hận của mình. Tôi muốn nhắc nhở bản thân và các đồng tu rằng khi chúng ta liên tục nhớ đến điều gì đó, thì chúng ta phải cảnh giác, dừng lại, và không để nó dẫn dắt. Cho dù đó là vấn đề hiện tại hay quá khứ, thì nó có thể liên quan đến một chấp trước nào đó. Đây cũng là cơ hội để suy nghĩ xem những ý niệm này đến từ đâu.

Ví dụ, nếu chúng ta luôn nhớ lại điều gì đó khiến chúng ta tự hào, thì có thể đó là tâm tật đố hoặc tâm hiển thị. Nếu chúng ta liên tục nhớ lại một cảnh đẹp, thì có thể đó là tâm an dật hoặc tâm sắc dục. Nếu chúng ta luôn nghĩ về điều gì đó khiến chúng ta tức giận, thì có thể đó là tâm tranh đấu hoặc tâm tật đố. Đây là những ý niệm can nhiễu bị bao bọc bởi các chấp trước của chúng ta. Chúng ta không muốn chúng và phải loại bỏ chúng. Chúng ta nên giữ cho các ý niệm của mình ngay chính và tập trung vào việc tu luyện bản thân.

Đây là những thể ngộ tu luyện của tôi. Xin vui lòng chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp với Pháp.

(Bài chia sẻ đọc tại Pháp hội Canada năm 2024)

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/13/480787.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/8/17/219544.html

Đăng ngày 05-01-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share