Bài viết của đệ tử Đại Pháp Đại Lục

[MINH HUỆ 07-11-2024]

Con xin kính chào Sư phụ từ bi!
Kính chào các đồng tu!

Tôi là giáo viên tiểu học, năm nay 41 tuổi. Nhân dịp Pháp hội Đại lục trên Minh Huệ Net, tôi đã viết lại câu chuyện gần đây của mình về việc tu bỏ tâm oán hận, để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Sư tôn và niềm hạnh phúc không gì sánh được khi được làm đệ tử Đại Pháp.

1. Kinh ngạc: Lần đầu bị phụ huynh khiếu nại

Đợt giữa tháng 6 năm nay là thời điểm học sinh chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng. Sau một buổi sáng bận rộn, đúng lúc tôi đang chuẩn bị nghỉ ngơi một chút thì đột nhiên nhận được cuộc gọi từ chủ nhiệm bộ môn. Ông ấy nhất quyết gặp mặt nói chuyện với tôi. Tôi có cảm giác mơ hồ rằng có chuyện không hay. Vì kỳ thi cuối kỳ đang đến gần, môn thi thì nhiều, bài tập ôn tập nặng, nên mâu thuẫn giữa phụ huynh và giáo viên đặc biệt nổi cộm, vô số trường hợp phụ huynh liên tục gọi đến đường dây nóng của thị trưởng và hiệu trưởng để phản ánh về giáo viên. Tôi nghĩ: Phải chăng là phụ huynh khiếu nại?

Tôi đến địa điểm mà chủ nhiệm bộ môn đã hẹn. Trời u ám, gió xào xạc, mưa lất phất. Đúng như tâm trạng của tôi, có phần ngột ngạt, cảm giác như đang vác cả ngọn núi lớn trên lưng, cất bước thôi cũng gian nan, tôi đã đi bộ rất rất lâu dù đường đến văn phòng chủ nhiệm bộ môn không xa. Nhưng tôi nghĩ mình là đệ tử Đại Pháp, hết thảy đều không phải ngẫu nhiên, dù gặp chuyện gì cũng phải thản nhiên đối mặt. Để giải tỏa tâm trạng của mình, tôi thầm niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo” trong tâm.

Cuối cùng cũng đến chỗ văn phòng chủ nhiệm. Chủ nhiệm vừa nhìn thấy tôi, vẻ mặt đã nghiêm lại, ông nói rằng vừa nhận được điện thoại phản hồi từ hiệu trưởng và rằng tôi bị phụ huynh khiếu nại. Sau đó, chủ nhiệm liệt kê nội dung phản ánh của phụ huynh, tổng cộng có sáu điểm chính. Tôi lắng nghe với mớ cảm xúc hỗn độn. Nội dung phản ánh về cơ bản là cha mẹ nghe lời nói một chiều từ con cái và ít giao tiếp với tôi nên mới sinh ra hiểu lầm. Trong lòng tôi có chút oán thán: Để sửa bài tập cho học trò, thậm chí bữa trưa tôi cũng không ăn, không có công lao thì cũng lao lực chứ? Sao tôi còn phải nghe những lời lẽ vô cớ sinh sự này? Tâm trạng tôi mâu thuẫn rất lớn, vẻ mặt nghiêm túc, thỉnh thoảng còn phản bác lại.

Chủ nhiệm thấy tâm trạng tôi bất ổn bèn an ủi tôi: “Đây là điều mà lãnh đạo nhà trường yêu cầu tôi phản hồi với chị. Chị đừng căng thẳng, có chỗ sai thì sửa, không sai thì cố gắng hơn.” Tôi cũng dần bình tĩnh lại, với những phàn nàn của phụ huynh, tôi kiên quyết phủ nhận những việc tôi không làm; còn về vấn đề tồn tại ở bản thân, tôi cũng đồng ý và xin lỗi.

Sau khi chủ nhiệm nêu xong toàn bộ nội dung phản ánh, tôi thở một hơi thật sâu và nói: “Thưa chủ nhiệm, đây là lần đầu tiên tôi bị khiếu nại trong 18 năm công tác, tôi đã làm mất uy tín của khoa chúng ta rồi. Tôi xin lỗi.” Chủ nhiệm cũng an ủi tôi và hỏi: “Bình thường có phụ huynh nào có dấu hiệu gây chuyện thế này không? Tôi nói: “Có.” Bởi vì cách đây không lâu, một số phụ huynh trong lớp tôi đã thành lập một nhóm gồm 5 phụ huynh khác và muốn khiếu nại tôi lên Sở Giáo dục và yêu cầu đổi giáo viên với lý do tôi dạy không tốt bằng giáo viên cũ. Bởi vì phụ huynh phản ánh sự việc không thông qua tôi mà thông qua giáo viên chủ nhiệm, tôi là người cuối cùng biết chuyện này. Lúc đó, tôi bình tĩnh nói với giáo viên chủ nhiệm: “Tâm tình của phụ huynh thì có thể lý giải được, nhưng cách làm không thích đáng. Nếu có vấn đề gì hãy trao đổi trực tiếp với tôi, tôi sẵn sàng giúp đỡ học sinh và phụ huynh.”

Nhưng rồi các phụ huynh vẫn không trao đổi với tôi, và tôi cũng đang kìm nén cơn tức giận: “Các vị không thèm trao đổi với tôi thì tôi cũng tuyệt không màng đến các vị.” Sau đó thì xảy ra tình huống đề cập ở đầu bài viết.

Chủ nhiệm nói: “Cổ nhân chẳng phải nói đại trượng phu co được thì duỗi được sao? Chị chắc chắn sẽ xử lý được tốt việc này.” Vì không muốn chiếm dụng quá nhiều thời gian của chủ nhiệm nên tôi nói: “Anh yên tâm, tôi có thể xử lý được.” Tôi lặng lẽ bước ra khỏi tòa nhà giáo vụ. Mưa càng lúc càng nặng hạt, cảm giác như sự tôn nghiêm của mình bị chà đạp choán lấy tôi. Tôi lặng lẽ đứng trên bậc thềm, nhìn bầu trời, ngẫm nghĩ mình nên làm gì đây?

Vì danh dự của đoàn thể và để không gây thêm phiền phức cho lãnh đạo, tôi đã nhấc máy và nhanh chóng gửi tin nhắn cho phụ huynh đứng đầu vụ việc lần này. Đầu tiên, tôi khen ngợi sự tiến bộ các con trong buổi ôn tập cuối kỳ, ngỏ ý tôi sẵn sàng giúp đỡ học trò và phụ huynh, hơn nữa kiến nghị phụ huynh hãy liên hệ với tôi kịp thời nếu có thắc mắc. Ngay sau đó, vị phụ huynh này cũng phản hồi lại với tôi, thể hiện sự tiếp nhận kiến nghị của giáo viên và cảm ơn.

Buổi chiều khi vào lớp, tôi nói với Tiểu M, con của vị phụ huynh gây chuyện: “Hôm nay cô đã liên lạc với mẹ con và khen con đó. Khi về hãy lắng nghe giọng nói trong điện thoại của mẹ con để nghe xem cô giáo đã khen con thế nào, tiếp tục cố gắng nhé!” Tiểu M vui vẻ đồng ý.

Cứ như vậy, sóng gió từ việc khiếu nại đã được hóa giải. Nhưng sự oán hận sinh ra sau đó đã gây ra rất nhiều can nhiễu cho tôi, tôi cũng đang tự ngẫm lại, thoát khỏi tâm tình sai lạc, trong quá trình cải thiện chỗ thiếu sót của mình mà từng bước tiến lên phía trước một cách gian nan.

2. Tự ngẫm: Nhân tâm tự cao tự đại là nguyên nhân sinh ra mâu thuẫn

Tôi bắt đầu suy ngẫm về quãng thời gian xảy ra mâu thuẫn với vị phụ huynh đứng đầu vụ việc này:

Đầu học kỳ II năm học này, tôi dạy một phần kiến ​​thức tương đối khó vào hôm thứ Ba, được 2/3 buổi học, học sinh Tiểu M mới vào lớp, nghĩa là đến muộn. Sau giờ học, tôi gọi con ra hỏi han và được biết con đến muộn vì ở nhà xảy ra chuyện. Tôi đã giảng một lượt cho con những kiến thức trọng điểm của tiết học này, rồi hỏi con còn chỗ nào không hiểu không? Con nói: “Không ạ.” Nhưng khi làm bài, con vẫn sai rất nhiều ở những câu liên quan đến phần kiến ​​thức mới. Tôi lại gọi con ra để giải thích cho con từng bước trọng tâm cần nắm vững để giải bài và quan sát con sửa xong những câu sai.

Trưa hôm sau, tôi bỗng nhận được tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm, nhờ tôi dành thời gian giúp Tiểu M bổ túc riêng vào buổi chiều, vì mẹ con đến gặp giáo viên chủ nhiệm và nói rằng Tiểu M chưa nghe giảng và chưa được học phần kiến ​​thức mới do vắng mặt trên lớp. Nghe vậy, cơn giận của tôi bốc lên. Trước hết, tôi đã giúp Tiểu M bổ sung bài học sau khi con đi học muộn. Rồi sau giờ học, tôi lại giảng giải kiến ​​thức cho con theo từng đề mục. Đó là tôi dành thời gian nghỉ để giúp con họ bổ túc kiến thức. Tại sao cha mẹ con không biết ơn, mà còn liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để phản ánh về tôi bằng giọng điệu này. Chị ấy không có cách nào để liên lạc với tôi sao? Ngoài ra, tôi không có lớp buổi chiều, chẳng lẽ con họ không học lớp khác được sao? Phụ huynh có tư cách gì để yêu cầu tôi dạy kèm riêng cho con họ?

Tôi bực bội với cách xử sự và thái độ của phụ huynh, tôi cũng nhanh chóng gửi tin nhắn lại cho phụ huynh, giải thích rõ về những gì tôi đã làm, hy vọng phụ huynh có vấn đề gì thì kịp thời trao đổi với tôi, chứ đừng truyền tin qua giáo viên chủ nhiệm. Phụ huynh cũng gửi lại tin nhắn cho tôi, nói rằng con họ sau khi về nhà không biết giải bài. Họ đưa ra vài kiến nghị cho tôi, không biết ơn, ngữ khí đầy bất mãn.

Tôi quẳng điện thoại xuống, cơn phẫn nộ dâng trào vì thấy không được tôn trọng. Nhưng tôi biết mình là người tu luyện, trong tâm niệm: “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”, rồi tâm trạng của tôi dần dần bình tĩnh lại. Tôi nghĩ, nếu chỉ bổ túc riêng cho Tiểu M thì có thể sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của con, như thể là cả lớp chỉ có mình con không biết làm. Tôi thấy một học sinh khác trong lớp là Tiểu T làm bài tập cũng sai khá nhiều. Vì vậy, tôi gọi Tiểu M và Tiểu T lại, tươi cười nói với các con: “Các con là anh em tốt, nhưng bài tập lần này nguyên nhân các con làm sai về cơ bản là giống nhau. Các con xem xem chỗ nào chưa biết làm thì cô sẽ giảng lại cho.” Trong quá trình ấy, tôi không ngừng trao đổi với hai con, tôi biết các con vẫn chưa hiểu rõ lắm về kiến ​​thức mới – cách trình bày phép chia theo chiều dọc, tôi dùng cùng một đề bài làm ví dụ để giúp các con từng bước nắm được cách làm. Tôi cũng giảng thêm mấy đề bài nữa, những chỗ các con chưa hiểu thì tôi dừng lại để giải thích cho chúng. Sau một buổi học, cả hai con đã chữa xong bài sai và khá tự tin rời văn phòng.

Trước khi hai con rời đi, tôi còn căn dặn các con nếu làm bài có chỗ nào chưa hiểu rõ thì bất cứ lúc nào cũng có thể hỏi cô, và hãy chủ động kể cho bố mẹ nghe về thu hoạch ngày hôm nay của các con. Bọn trẻ vui vẻ đồng ý.

Tôi cứ tưởng sự việc vậy là xong, nào ngờ lại xảy ra việc vị phụ huynh này dẫn đầu năm phụ huynh khác chuẩn bị khiếu nại tôi, cuối cùng còn gọi điện cho trường phản ánh nữa. Tôi vừa giận vừa thấy nực cười. Cha mẹ ngày nào cũng đối nghịch với giáo viên của con, họ là đang giúp con cái hay làm hại chúng đây? Thật là vô tri! Tôi oán trời trách đất, nghĩ sao mình lại đụng phải một đám phụ huynh này vậy?

Ngẫm lại lời nói, việc làm của mình, tôi thấy cách giao tiếp của mình với phụ huynh và các con chưa được thuần thiện, mà là nhân tâm tự cao tự đại, khiến phụ huynh có cảm giác là tôi cậy thế và khó trao đổi. Trao đổi không hiệu quả sẽ dẫn đến hiểu lầm và mất lòng tin, xung đột và thậm chí là oán hận. Ở Trung Quốc Đại lục, nghề giáo viên được định nghĩa là nghề dịch vụ. Giáo viên cần hạ thấp tư cách, thái độ và phục vụ tốt hơn cho học sinh và phụ huynh.

3. Tu tâm: Không ngừng cải tiến phương pháp, thuận lợi hoàn thành công tác giảng dạy

Sau khi tan làm, tôi lặng lẽ nghe băng giảng Pháp ở Tế Nam của Sư phụ. Mỗi lời Sư phụ giảng đều đả nhập vào đầu tôi, có một câu Pháp cứ xuất hiện lặp đi lặp lại trong đầu não: “Đây là ma nạn, vượt quan ra sao?”

Tôi lại nghĩ đến Pháp của Sư phụ:

Nếu chư vị có thể Nhẫn được vững, nhưng trong tâm vẫn không dứt bỏ, thì như thế vẫn chưa được. Như mọi người đã biết, [khi đã] đạt đến tầng La Hán, [thì] gặp sự việc gì cũng không để trong tâm, hết thảy những sự việc nơi người thường đều hoàn toàn không để tâm, đều là vui vẻ thoải mái; chịu thiệt thòi lớn đến mấy, vẫn cứ vui vẻ thoải mái. [Nếu] thật sự có thể làm được vậy, thì chư vị đã đạt đến quả vị sơ cấp của La Hán.”(Chuyển Pháp Luân)

Tôi cũng cảm thán, lúc nào cũng cứ vui vẻ thoải mái, đó là cảnh giới tu luyện cao nhường nào chứ, thật không dễ chút nào. Tuy rằng không thể đạt đến cảnh giới cao như vậy nhưng tôi vẫn yêu cầu mình tuyệt đối không mang cái tình mà lên lớp. Do đó, tôi không ngừng điều chỉnh tâm trạng của mình, chỉ cần bước vào lớp học, tôi sẽ tràn đầy năng lượng trước học sinh, trên mặt cố gắng nở nụ cười và kiên nhẫn giải đáp mọi câu hỏi của học sinh. Mỗi lần điều chỉnh là một quá trình mở rộng dung lượng nội tâm.

Trong công việc, tôi không ngại vất vả, phiền toái, và điều chỉnh kế hoạch ôn tập của mình: Để tăng cường liên lạc giữa gia đình và nhà trường, giảm bớt sự lo lắng của học sinh và phụ huynh về việc ôn tập, tôi tận dụng thời gian nghỉ cuối tuần để làm thêm các video giải đáp thắc mắc và học sinh có thể tự nguyện tham gia; cẩn thận tìm kiếm tài liệu, tập hợp thông tin phù hợp với yêu cầu ôn tập cùng các câu hỏi tổng hợp thú vị cho học sinh có thể chủ động suy nghĩ về đề bài; khích lệ từng học sinh và viết các gợi ý ôn tập vào bài kiểm tra mô phỏng của học sinh để nâng cao hiệu quả ôn tập; Cuối học kỳ, phụ huynh của 80 học sinh trong lớp tôi đã gửi cho tôi cả trăm tin nhắn hỏi han, tôi đều phản hồi và giải đáp trong thời gian sớm nhất.

Tôi tĩnh tâm suy nghĩ về biểu hiện chung của từng học sinh và viết những bức thư biểu dương cho từng con. Trong tiết toán cuối cùng của học kỳ, tôi đích thân trao tặng cho các con thư khen ngợi và phần thưởng mà tôi mua bằng tiền túi, chụp lại những biểu hiện đặc sắc của học sinh và gửi đến cha mẹ các con, báo tin vui cho họ. Thái độ nghiêm túc của tôi đã làm cảm động các bậc cha mẹ, có hơn 50 phụ huynh đã chủ động gửi tin nhắn bày tỏ sự cảm ơn và kính trọng đối với tôi. Tuy tôi biết mình sẽ không còn dạy các con trong học kỳ tới nữa, nhưng tôi cũng viết ra những đề xuất về việc học toán trong tương lai trong bài đánh giá cuối kỳ của mỗi con. Tu Đại Pháp khiến tôi làm việc không vì danh vì lợi, nhưng phải xứng đáng với lương tâm mình.

Mọi việc từng bước tiến triển theo chiều hướng tốt hơn, nhưng việc này chưa qua việc khác đã tới. Trong buổi tổng kết giáo viên cuối khóa, trước mặt toàn thể các thầy cô trong tổ, tôi đã chân thành nêu lên những thiếu sót của mình trong công việc và bày tỏ sẽ khắc phục trong thời gian tới. Sau khi tất cả các giáo viên đọc xong bản tổng kết của mình, trưởng bộ môn biểu dương bốn người trong tổ chúng tôi, cả ba người đều nhận được thư khen, nhưng mọi người đều nghe nói chỉ có bài tổng kết của tôi là không nhận được thư biểu dương của phụ huynh. Đây không phải là đang nói bóng gió về tôi sao? Tôi thấy buồn bực như thể bị xát muối lên vết thương mới lành, đúng là đau xót.

Khi trở lại văn phòng, tôi cảm thấy các đồng nghiệp đều nhìn tôi bằng ánh mắt khác lạ. Tôi mất ngủ, cáu kỉnh, ủy khuất, căm phẫn, đủ loại cảm xúc phụ diện cuồn cuộn ập tới. Tôi lập tức trao đổi vấn đề này với đồng tu mẹ, mẹ tôi nói rằng, Pháp của Sư phụ chẳng phải đã dạy chúng ta:

“Tuy nhiên thường khi mâu thuẫn đến, [nếu] chẳng làm kích động đến tâm linh người ta, [thì] không đáng kể, không tác dụng, không đề cao được.” (Chuyển Pháp Luân)

Đúng vậy, đây chẳng phải là đang giúp tôi đề cao tâm tính sao? Những gì trưởng bộ môn nói là sự thực. Nhìn về phía trước và đi tốt con đường sau này. Trong những ngày cuối học kỳ này, tôi phối hợp với các đồng nghiệp trong tổ và đã thuận lợi hoàn thành toàn bộ công việc.

4. Tịnh hoá: Không còn oán hận, tràn đầy hy vọng với tương lai

Mặc dù tâm trạng của tôi đã dịu đi rất nhiều sau gần hai tháng nghỉ hè, nhưng khi thấy năm học mới sắp bắt đầu, những bất bình và oán hận trong lòng tôi thỉnh thoảng vẫn trỗi dậy và can nhiễu tôi, những suy nghĩ tiêu cực cứ liên tục xuất hiện. Những suy nghĩ tiêu cực này là do thiếu tự tin vào năng lực làm việc của mình và khó chịu với môi trường làm việc.

Đúng lúc này, các đồng tu trong thôn tôi tổ chức một hội giao lưu nhỏ, và tôi phụ trách việc thu thập bản thảo của các đồng tu. Trong quá trình nhận bản thảo, tôi nhìn thấy một nữ đồng tu cao tuổi đang đính kèm bản thảo viết tay của mình vào bản thảo đánh máy. Tôi ngờ ngợ: “Lẽ nào lại gửi cả hai bản?” Đồng tu nói rằng đó là một bản, tôi thấy băn khoăn: “Phải mất bao lâu đồng tu mới đọc xong đây?” Tôi muốn để đồng tu đọc nội dung bản đánh máy thôi, nhưng khi nhìn thấy bản chữ viết tay nắn nót của đồng tu, đã vậy đồng tu còn cao tuổi nữa, tôi lại ngại nói ra.

Trong lúc chia sẻ, tôi đặt bản thảo của vị đồng tu này lên đầu và nghĩ rằng nếu bà ấy đọc chậm, thì có thể bảo các đồng tu phía sau đọc nhanh hơn chút để tiết kiệm thời gian. Nhưng khi đồng tu cao tuổi này đọc bản thảo, bà đọc rất nghiêm túc. Trong bản viết tay kia, bà đã miêu tả tỉ mỉ và sống động một số chi tiết trong câu chuyện do bà viết, gồm cả hoạt động nội tâm của bản thân và biểu hiện của người khác. Đồng tu đọc cẩn thận và trôi chảy. Mỗi động tác của bà khi đọc bản thảo đều biểu đạt sự thành kính với Đại Pháp. Mỗi chữ bà ấy đọc đều mang đầy Chân-Thiện-Nhẫn. Các đồng tu và tôi ở đó đã nhiều lần cảm động rơi lệ trước thiện niệm thuần tịnh của bà.

Nghe bài chia sẻ tâm đắc tu luyện của đồng tu, tôi cứ nghĩ mãi: Câu chuyện mà đồng tu viết là sau khi nguồn nước sinh hoạt bị cắt, gia đình bà lại có nước trước tiên, bà mời gọi những người hàng xóm là người thường đến nhà mình ba lần để lấy nước miễn phí. Xem ra là điều rất bình thường, nhưng tại sao chuyện này lại khiến tôi cảm động đến vậy, mỗi lần nghĩ đến, mắt tôi lại đỏ hoe? Tôi nghĩ chính tâm thuần thiện, tâm từ bi mà đồng tu tu xuất ra trong Pháp đã khiến tôi cảm động. Nhìn lại suy nghĩ ban đầu của mình, tôi thấy xấu hổ vì tư tâm của mình. Là Sư phụ đã dùng sự việc này để điểm hoá cho tôi: Tôi nên học hỏi từ đồng tu rằng khi làm gì, tôi thực sự là vì muốn tốt cho người khác xuất phát từ đáy lòng mình, chứ không phải tính toán xem việc làm đó có mang lại lợi ích cho mình hay không.

Những ma nạn mà tôi trải qua chẳng phải đều bắt nguồn từ việc tôi đối xử có phần bất thiện với học sinh và phụ huynh, mà chiêu mời đến sao? Hơn nữa, trong trường hợp bị khiếu nại, lãnh đạo nhà trường và các giáo viên trong tổ không gây bất cứ áp lực gì cho tôi. Họ đều an ủi, động viên tôi. Tôi cũng nhận thức môi trường làm việc của mình từ một góc độ khác – công việc của chúng tôi áp lực rất lớn, nhưng mọi người đều có sự cảm thông và tốt bụng. Tôi cũng nên dùng thiện tâm lớn nhất của mình để đối đãi với mọi người và mọi việc xung quanh.

Thời khắc này, nội tâm tôi đã được tẩy tịnh, những cảm xúc phụ diện trong công việc không còn nữa, trong tâm có sự khoáng đạt, vui mừng khó tả. Khi viết bài, tôi nghĩ lại từng cảnh tượng của trải nghiệm này, không oán không hận nữa, mà chỉ muốn làm những việc cần làm một cách thiết thực, đáp lại những người mà tôi phục vụ – học sinh và phụ huynh, cũng như thế nhân bằng thiện tâm lớn nhất, triển hiện vẻ đẹp của các đệ tử Đại Pháp và truyền rộng phúc âm Đại Pháp.

Cảm tạ Sư phụ từ bi, cảm ơn các đồng tu đã giúp tôi bước ra khỏi ma nạn và oán hận!

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/11/7/484406.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/11/9/221567.html

Đăng ngày 26-11-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share