Bài viết của tiểu đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tại Úc
[MINH HUỆ 01-11-2024] Con xin kính chào Sư tôn!
Kính chào các đồng tu!
Tên con là Vito, năm nay con 9 tuổi. Con sinh ra tại Melbourne. Con theo cha mẹ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ khi còn nhỏ. Con biết mình cần phải trở thành một người con ngoan tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Hôm nay, con xin chia sẻ một vài câu chuyện trong quá trình tu luyện của con.
Con có một anh trai, lớn hơn con rất nhiều tuổi, và đã đi làm rồi. Tiếng Anh của con không tốt lắm, còn anh ấy nói tiếng Anh rất giỏi. Con từng hy vọng anh có thể giúp con, nhưng anh ấy lại không giúp. Mẹ bảo con phải tự nỗ lực, và con cũng cố gắng rất nhiều. Các bạn cùng trường nói con là “tối dạ”, nhưng con biết mình không “tối dạ“, bởi vì con là học viên Pháp Luân Đại Pháp. Con biết khi con quyết tâm thì có thể học tốt. Năm nay, môn Toán và môn Viết của con đã có nhiều tiến bộ, tốt hơn so với năm ngoái. Con biết đó là nhờ Sư phụ giúp đỡ con.
Năm ngoái khi xem Shen Yun, con nhìn thấy những nghệ sỹ biểu diễn trong dàn nhạc, con nghĩ họ thật giỏi. Con rất muốn mình có thể được như những nghệ sỹ ấy. Sau đó, con nói với mẹ là con muốn học kèn oboe. Mẹ hỏi con có thực sự muốn học, và có thể kiên trì dù khó khăn đến mấy không? Con khẳng định có thể làm được. Con cam kết với mẹ nhiều lần, nên vào tháng 3 năm nay mẹ đã mua cho con một chiếc kèn oboe! Sau đó, con bắt đầu học nhạc cụ thứ hai là kèn oboe. Sau mỗi buổi học, giáo viên đều giao khá nhiều bài tập về nhà. Trong quá trình luyện tập có một số chỗ rất khó, con không làm được. Lúc đó, con cảm thấy chán nản và không muốn luyện nữa. Mẹ bảo con: “Con đã lựa chọn rồi, nên phải kiên trì, chẳng phải Sư phụ đã giảng rồi sao?”
Lúc này, con nhớ đến điều Sư phụ giảng:
“Thời tôi tu luyện trong quá khứ, có rất nhiều cao nhân đã giảng cho tôi câu này, họ nói: “Nan Nhẫn năng Nhẫn, nan hành năng hành”. (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)
Con nghĩ nếu con chiểu theo lời dạy của Sư phụ, thì con sẽ có thể chơi oboe tốt. Nếu con muốn trở thành nghệ sỹ chơi kèn oboe cho Shen Yun, con phải nỗ lực thật nhiều, không ngại gian khổ! Con đã học được nửa năm, và không ngừng luyện tập mỗi ngày. Khi con muốn đi chơi, con tự nhủ bản thân đừng lãng phí thời gian và hãy tiếp tục luyện tập. Bây giờ, con càng ngày càng thích kèn oboe, và con sẽ kiên trì.
Chịu đựng sự chỉ trích
Con là con út trong nhà, đôi lúc mọi người mắng con, khiến con cảm thấy như thể mọi thứ đều là lỗi của mình. Con hướng nội tìm, phát hiện con đã làm nhiều việc không đúng.
Có lúc bị mẹ phê bình, con nổi nóng với mẹ, nên mẹ làm lơ với con. Con biết mình không nên nổi giận với mẹ, con đã không làm được hiếu kính.
Anh trai đôi lúc cũng rất nóng tính với con. Khi con làm gì không hợp ý anh, anh ấy đều to tiếng, khiến con rất sợ. Ví dụ, nếu con vừa ăn vừa chơi, hoặc ăn uống không sạch sẽ, anh ấy lớn tiếng mắng con: “Em có thể ăn đàng hoàng hơn được không?” Có lúc con thấy mình chẳng làm gì sai, mà anh ấy vẫn la mắng. Lúc đó, mẹ cũng nhắc anh phải nói nhẹ nhàng, thì anh lại nói mẹ nuông chiều con quá, làm con càng cảm thấy buồn tủi.
Sư phụ giảng:
“Trong tu luyện, dù chư vị gặp phải sự việc hay hay sự việc dở, đó đều là việc tốt cả, bởi vì chính là chư vị tu luyện rồi thì [chúng] mới xuất hiện” (Gửi Pháp hội Chicago, Tinh Tấn Yếu Chỉ 3)
Con biết mình cần tập trung ăn cho đàng hoàng. Anh trai con nói đúng, và mẹ cũng nói với con rằng anh trai đang giúp con đề cao tâm tính. Khi nghĩ như vậy, con buông bỏ được tâm phàn nàn. Con hiểu rằng mình là tiểu đệ tử, và Sư phụ giảng rằng chúng ta cần giữ vững tâm tính. Vì mọi việc đều là “hảo sự”, con nên chiểu theo lời dạy của Sư phụ làm một tiểu đệ tử tốt. Khi nghĩ được như thế, con không còn cảm thấy ủy khuất nữa. Con xin tạ ơn Sư phụ.
Đề cao tâm tính
Hàng ngày, con cùng mẹ học Pháp. Khi gặp những chữ mà con không biết, con đọc đi đọc lại đoạn đó cho đến khi hiểu hết tất cả các chữ. Thông qua việc học đi học lại Pháp, con từ từ ngộ được những điều Sư phụ giảng. Sau đó, nếu nhận ra điểm nào chưa tốt, con đều tu chỉnh bản thân theo lời dạy của Ngài.
Cuối tuần, mẹ thường dẫn con đi chơi bóng rổ. Một lần, con phát sinh mâu thuẫn với bạn trên sân bóng rổ. Bởi vì con chơi khá hăng say và chú ý quá mức đến việc ghi điểm, nên con vô tình va chạm với bạn ấy. Cậu ấy rất tức giận.
Bạn ấy học cùng trường với con, và ngày hôm sau bạn ấy nói với các bạn khác trong lớp rằng con đã đánh bạn ấy. Nghe thấy vậy, con cảm thấy khá khó chịu, vì vậy khi về nhà con liền kể cho mẹ. Mẹ nói con hướng nội xem bản thân làm gì chưa tốt hay không. Ngày hôm sau, lúc ở trường, con lại nghe thấy bạn cùng lớp nói rằng con đánh bạn, và con đã không thể chịu được. Con không chỉ kể với mẹ, mà còn gọi điện cho mẹ bạn đó để giải thích.
Tối hôm đó, con học Chuyển Pháp Luân cùng mẹ, đọc đến đoạn:
“Chỉ vì lợi ích cá nhân, ở chốn người thường mà tranh mà đấu, vậy chẳng phải tương phản với đặc tính của vũ trụ là gì?” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)
Con cảm thấy đoạn này giống như đang nói về mâu thuẫn của con và bạn. Mẹ cũng khuyên con nên hướng nội, con chợt nhận ra mình lúc nào cũng muốn chiến thắng và là người giỏi nhất. Theo đó, hôm sau đến trường, khi nghe thấy các bạn lại nói về việc con đánh bạn, con không bị động tâm nữa. Con đã buông bỏ được rồi.
Năm nay, gia đình con tham gia giảng chân tướng ở Canberra. Bố con lái xe đến đó, và có một vài cô chú đồng tu khác đi cùng xe với nhà con. Con cảm thấy rất vui vì được tham gia cùng mọi người. Khi đến Canberra, các đồng tu luyện công trên bãi cỏ trước toà nhà quốc hội, con không tham gia luyện cùng vì không mang theo áo mưa. Ngày hôm đó thời tiết xấu, mưa suốt cả ngày, con chỉ nhìn mẹ và mọi người luyện công. Rất nhiều đồng tu ướt sũng vì mưa nặng hạt, nhưng họ rất kiên định. Con nghĩ đây chắc chắn là can nhiễu của tà ác, nhưng mọi người đã nhẫn chịu gian khổ. Con cảm thấy Sư phụ đang coi sóc mọi người, nhưng con lại chưa làm được việc đó.
Một lần khác tại Canberra, chúng con đến trạm tàu điện lúc 7 giờ sáng để treo biểu ngữ và luyện công. Con không muốn luyện, nhưng mẹ động viên con luyện bài công pháp thứ nhất, thứ ba, và thứ tư, con làm theo lời mẹ và cảm thấy rất thoải mái, dễ chịu.
Một buổi sáng khác, mẹ khuyến khích con luyện bài công pháp thứ hai, bài Pháp Luân Trang Pháp. Con hơi do dự, nhưng lúc đó chú con nói: “Đừng chạy lung tung, nếu không luyện công thì đi ra chỗ khác nhé!” Con nghĩ: “Mình không thể đi ra được, mình phải luyện công”. Thế là ngày hôm ấy, con kiên trì luyện công và cảm thấy rất tốt. Con nghĩ Sư phụ đã giúp con.
Ngày 28 tháng 9, cộng đồng người Việt mời nhóm tiểu đệ tử Đại Pháp tham gia biểu diễn, và con cảm thấy rất vui. Tuy nhiên, biểu diễn chưa được bao lâu thì nhạc đột nhiên tắt, và phải bắt đầu lại từ đầu. Mọi người tiếp tục diễn lại thì nhạc lại ngắt quãng giữa chừng. Một tiểu đệ tử người Việt không hiểu tiếng Trung, vì vậy khi con dặn bạn ấy ở lại sân khấu thì bạn ấy không nghe. Lúc đó, có bạn thì ở lại sân khấu, bạn thì rời khỏi sân khấu, con bắt đầu nổi cáu.
Sau tiết mục đó là màn trình diễn các bài công pháp. Một tiểu đệ tử đứng gần con không tập đúng, nên con đã “huých“ bạn ấy. Sau khi trình diễn xong, chúng con cùng với ba mẹ ngồi xuống chia sẻ. Một cô nói: “Chúng ta cần hướng nội để tìm ra chấp trước của mình”. Cô cũng hỏi chúng con “Chúng ta biểu diễn để làm gì?” Con giơ tay trả lời: “Là để cho nhiều người hơn biết đến Văn hoá Trung Hoa truyền thống và vẻ đẹp của Đại Pháp“.
Một cô khác nói có mấy đồng tu ôm giữ tâm oán hận, điều này không tốt vì chúng con là một chỉnh thể.
Khi về nhà, con hỏi mẹ: “Con có làm sai không khi dùng tay “huých” để nhắc bạn ấy?” Mẹ nói: “Con có thể nhẹ nhàng nhắc nhở bạn ấy, không nên dùng tay bởi vì lúc đó tiết mục đang được ghi hình“
Con hướng nội, và nhận ra mình không nên trách người khác, như thế là không tốt. Đồng thời, con cũng nhận ra mình có tâm oán hận, và cô đồng tu đã cố gắng để giúp con. Từ nay con sẽ thay đổi.
Một lần trong mơ, Sư phụ khen con làm tốt, và nên tiếp tục nỗ lực. Con biết chính là Sư phụ đã khích lệ con. Con nên kiên trì luyện công và phát chính niệm mỗi ngày. Trước đây con chưa làm tốt phương diện này, nhưng con sẽ cố gắng cải thiện ngay từ hôm nay.
Trên đây là thiển ngộ tại tầng thứ hữu hạn của con, nếu có chỗ nào không đúng, xin các đồng tu từ bi chỉ chính.
Con xin cảm tạ Sư phụ, xin cảm ơn các đồng tu.
(Bài trình bày tại Pháp hội Úc châu năm 2024)
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/11/1/484515.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/11/6/221523.html
Đăng ngày 12-11-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.