Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Hàn Quốc
[MINH HUỆ 13-11-2024] Hội Giao lưu Tâm đắc Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (Pháp hội) Hàn Quốc đã được tổ chức vào ngày 10 tháng 11 năm 2024 tại Trung tâm Phát triển Nguồn nhân lực KT ở Daejeon. 10 học viên từ khắp Hàn Quốc đã chia sẻ những lợi ích về thể chất và tinh thần mà họ có được sau khi tu luyện, và cách họ áp dụng nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, hướng nội tìm ở bản thân, thực tu tâm tính và dụng tâm cứu người trong cuộc sống hàng ngày, tại nơi làm việc và trong các hạng mục Đại Pháp.
Những người tham dự cho biết những bài chia sẻ đã tiếp thêm động lực cho họ, khiến họ suy ngẫm về con đường của mình và phấn đấu để hoàn thiện hơn.
Các học viên chia sẻ về trải nghiệm của mình tại Pháp hội.
Đề cao tâm tính tại nơi làm việc
Cô Kim, người theo mẹ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, đã kể về cách cô xử lý nhiều tình huống khác nhau tại nơi làm việc với tư cách là một học viên. Mặc dù cô đã nỗ lực sản xuất video dựa trên đủ loại yêu cầu, nhưng khách hàng vẫn thường không hài lòng. Từ những hợp đồng nhỏ đến các dự án lớn, cô đều phải đối mặt với sự chỉ trích và chế giễu, khiến cô sợ bị mất mặt. Thông qua việc học các bài giảng của Đại Pháp, cô nhận ra rằng là một học viên, cô nên tập trung vào những mặt tích cực của mọi người. Thay vì bị dẫn động bởi những cảm xúc tiêu cực, cô nên cố gắng làm tốt và tốt hơn nữa.
Dần dần, cô Kim nhận ra tầm quan trọng của sự chân thành khi giao tiếp với người khác. Ngoài sự tử tế và tâm trí bình tĩnh, cô cũng cần đưa ra quyết định nhanh chóng. Cô cũng học cách nhắc nhở người khác khi cần thay vì lo lắng về việc làm phiền họ.
Cô Kim cho biết cô bắt đầu tu luyện cùng mẹ. Mặc dù cô biết mục tiêu của mình là phản bổn quy chân thông qua tu luyện, nhưng cô không thực sự cảm nhận được điều này. Cô trở nên hoang mang và chán nản. Đúng lúc đó, cô có một kỳ nghỉ hè quý giá kéo dài một tháng. Nhờ không ngừng học Pháp và luyện công, cô nhận ra rằng việc nâng cao tâm tính là quan trọng nhất, và cô cảm thấy việc tu luyện hoàn toàn khác với những gì cô từng nghĩ trước đây. Cô vô cùng biết ơn Sư phụ Lý, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, đã không bỏ rơi cô mà còn ban cho cô cơ hội này mặc dù cô đã phạm sai lầm. Cô hy vọng sẽ tu luyện tốt hơn bằng cách đề cao trong tu luyện và gia cường chính niệm.
Giới thiệu Đại Pháp tại các trường đại học trong 20 năm
Bà Choi đến từ Gimhae ở Gyeongnam vừa nghỉ hưu sau hơn 30 năm giảng dạy. Bà đã làm việc ở nhiều trường học và đôi khi là phó hiệu trưởng hoặc hiệu trưởng. Bất kể ở đâu, bà luôn giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp cho giáo viên và học sinh. Bằng cách áp dụng nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, bà có thể giải quyết xung đột với học sinh, giáo viên cũng như hiệu trưởng.
Hầu hết học sinh đều yêu mến Pháp Luân Đại Pháp và các em rất vui khi học các bài công pháp. Ngay khi âm nhạc nổi lên, các em đã tập mà không cần nhắc nhở. Khi học sinh không nghe, bà Choi tự nhắc nhở mình là một học viên và bà có thể đối xử với các em bằng sự kiên nhẫn và lòng tốt. Nhờ những nỗ lực của bà, nhiều học sinh từng vô lễ và giáo viên từng lạnh lùng đã cởi mở và có thái độ tích cực.
Là một giáo viên, bà Choi luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình và quan tâm đến học sinh. Sau khi bắt đầu tu luyện, bà luôn tìm kiếm cơ hội để giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp và vun đắp mối quan hệ tốt đẹp. Trong buổi lễ nghỉ hưu, bà đã nhận được một tấm huy chương trên đó có in những từ mà bà trân quý nhất, “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”. Khi người dẫn chương trình đọc to chín chữ này trước toàn thể các hiệu trưởng của Gimhae, không lời nào có thể diễn tả được lòng cảm ân của bà đối với Sư phụ.
Hiểu về mối quan hệ nhân duyên
Cô Jeong, một giáo viên mẫu giáo ở Gimhae, bắt đầu tu luyện vào tháng 6 năm 2021. Trước khi tu luyện, cô bị loạn thị nặng, hội chứng khô mắt và bệnh tăng nhãn áp. Cùng với tình trạng thiếu vitamin D, mệt mỏi mãn tính và vai đông cứng, cô luôn bị đau và phải dùng thuốc mỗi ngày. Do đau thắt lưng, cô không thể cúi xuống và phải dùng đai hỗ trợ. Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, thị lực của cô đã cải thiện đáng kể. Bệnh tăng nhãn áp đã biến mất, và cả tình trạng khô mắt lẫn loạn thị đều không còn là vấn đề nữa. Không cần đai hỗ trợ thắt lưng, cơ thể cô nhẹ nhàng và cô có thể bước liền hai bậc mỗi khi đi lên cầu thang.
Cô Jeong đã tham gia lớp học Pháp Luân Đại Pháp chín ngày và xem các video bài giảng của Sư phụ Lý. Cô tán đồng với mọi điều Sư phụ giảng. Khi nghe về nguyên lai của sinh mệnh và các chấp trước khác nhau được tạo ra bởi suy nghĩ của chúng ta, cô hiểu rằng mọi đau khổ đều do những món nợ nghiệp mà chúng ta đã tích lũy trong quá khứ gây ra. Là một bà mẹ đơn thân, cô đã tự mình nuôi hai đứa con, trong đó có cậu con trai bị thiểu năng trí tuệ. Giờ đây cô hiểu rằng có mối quan hệ nhân duyên đằng sau điều này và gánh nặng đè lên vai cô bấy lâu đã vơi đi nhiều.
Buông bỏ tâm oán hận
Cô Lee sống ở Bucheon và bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1996. Cô kết hôn với một người đàn ông có sáu anh chị em. Sống trong một gia đình có 11 thành viên, cô vừa coi sóc việc trồng trọt, chăn nuôi, vừa điều hành một doanh nghiệp nhỏ. Công việc nặng nhọc khiến cô kiệt sức, cô mắc đủ loại bệnh tật và thường xuyên ngất xỉu. Đã vậy, mẹ chồng cô còn thường xuyên khuyên chồng cô ly hôn cô. Vì tuyệt vọng, cô đã nhiều lần cố gắng kết thúc cuộc đời mình nhưng không thành công.
Trong lúc vẫy vùng trong tuyệt vọng, cô Lee may mắn có được một cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách gồm những bài giảng chính của Pháp Luân Đại Pháp. Nhờ đọc kỹ cuốn sách, cô Lee không chỉ khỏi bệnh mà còn buông bỏ được tâm oán giận đối với mẹ chồng, và cô có thể hiểu được những khó khăn mà gia đình phải đối mặt. Những bài giảng sâu sắc trong cuốn sách đã làm tan biến những cảm xúc tiêu cực của cô, và cô có thể đối xử với mọi người bằng lòng từ bi và vị tha.
Sau khi đến Hàn Quốc, cô Lee đã tham gia Đoàn nhạc Tian Guo. Vì không biết gì về nhạc cụ nên cô đã gặp khó khăn ngay từ bước tạo ra âm thanh. Đối với một người đã nửa đời làm việc ở nông trại như cô, việc học chơi nhạc cho một ban nhạc gần như là điều không thể. Nhưng cô đã không bỏ cuộc và chăm chỉ luyện tập nhiều giờ mỗi ngày, ngay cả khi môi cô rộp lên. Theo đó, cô dần tiến bộ và có thể chơi bản nhạc “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, cô rất vui vì cô có thể hoàn thành sứ mệnh của mình trong đoàn nhạc.
Hành xử theo các nguyên tắc đạo đức
Anh Kang đến từ Tongyeong ở Gyeongnam chia sẻ về nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn có ý nghĩa như thế nào đối với anh. Là một lính cứu hỏa, anh liên tục phải chịu áp lực. Anh đã tìm đến rượu để giải tỏa căng thẳng và mắc nhiều căn bệnh khác nhau.
Ngay sau khi bắt đầu tập Pháp Luân Đại Pháp, anh Kang đã bỏ rượu và lấy lại sức khỏe. Anh có thể chăm sóc tốt cho gia đình và tính nóng nảy của anh biến mất. Điều này đã mang lại sự bình yên và hòa thuận cho gia đình anh. Ở nơi làm việc, anh luôn tôn trọng mọi người. Ngay cả trong những trường hợp khẩn cấp, anh vẫn có thể đặt người khác lên trước bản thân mình.
Sau đó, anh Kang tham gia một nền tảng truyền thông xã hội không có bạo lực, tình dục, tội phạm hay ma túy. Anh cũng bắt đầu một kênh cá nhân và chia sẻ các chủ đề liên quan đến nghề lính cứu hỏa của mình. Đồng thời, anh kể những câu chuyện về Pháp Luân Đại Pháp tại các điểm tham quan du lịch ở Đảo Jeju, Công viên Sammu và Seongsan Ilchulbong. “Bất kể là ở đâu, tôi luôn hành xử theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn”, anh cho biết thêm.
Không còn ích kỷ nữa
Cô Park bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp với mẹ từ khi còn nhỏ. Cô nhận ra Sư phụ đã an bài nhiều cơ hội để cô loại bỏ tính ích kỷ thông qua những khổ nạn. Bằng cách loại bỏ quan niệm con người, cô đã có nhận thức mới về nhiều điều. Chẳng hạn, cô nhận ra mọi mâu thuẫn mà cô gặp phải đều liên quan đến tính ích kỷ của cô.
Trước đây, cô Park rất oán giận những người đối xử tệ với cô hoặc coi thường cô. Để tự bảo vệ bản thân, cô không muốn giúp đỡ họ trong các dự án ở nơi làm việc hoặc cô làm việc một cách chậm chạp. Sau khi tu luyện, cô nhận ra rằng nếu trừ bỏ yếu tố ích kỷ và cái tôi, cô sẽ trở nên thoải mái, dễ chịu khi giao tiếp với người khác. Và trong các công việc dự án, cô cũng có thể thực hiện một cách bình tĩnh và trở nên chủ động.
Đưa ra lựa chọn đúng đắn
Được mẹ khuyến khích, cô Lee bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 2009. Mặc dù đã đọc Chuyển Pháp Luân, nhưng cô chỉ cảm thấy cuốn sách dạy mọi người làm người tốt. Khi cô tham gia các sự kiện để nói với mọi người về Đại Pháp, cô chỉ cảm thấy mình đang làm một việc tốt.
Mọi thứ đã thay đổi khi cô chọn con đường sự nghiệp của mình. Cô nhận được học bổng sau đại học, nhưng cô biết phương tiện truyền thông đang thiếu nhân lực và cô có thể làm việc toàn thời gian ở đó. Đối mặt với tình huống khó xử này, cô mở sách Chuyển Pháp Luân và thấy phần về nguyên lý mất và được. Cô biết các học viên không có mục đích như người thường, vì vậy cô đã quyết định tham gia vào phương tiện truyền thông.
Trong công việc, cô Lee dần hiểu ra rằng làm việc chăm chỉ không có nghĩa là tu luyện bản thân một cách vững chắc. Cô cần nâng cao tâm tính và chú ý học Pháp cũng như luyện công. Bằng không, công việc chỉ là công việc và hiệu quả giảng chân tướng bị hạn chế. Hơn nữa, cô Lee còn gặp một số trở ngại trong công việc. Thông qua chúng, cô ngộ ra rằng cô phải phóng hạ tự ngã, dung nhập chỉnh thể, đồng tâm hiệp lực cùng mọi người mới có thể làm tốt mọi việc.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/11/13/484987.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/11/14/221644.html
Đăng ngày 14-11-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.