Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 04-10-2024] Nhà tù nữ tỉnh Chiết Giang đã tham gia vào việc đàn áp các nữ học viên Pháp Luân Công kể từ khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999. Thông qua các phương thức tra tấn, bao gồm biệt giam, cấm ngủ và cưỡng bức dùng thuốc nhằm ép buộc các học viên từ bỏ niềm tin của họ. Hai học viên, bà Hồng Mễ Tố và bà Trương Minh Di, đã bị bức hại đến chết tại nhà tù này.
Khi các học viên mới bị đưa vào nhà tù, họ sẽ bị giam trong các phòng có rèm che dày, bị cấm ngủ và không được phép ra ngoài phòng hay đi tắm. Thêm nữa, các tù nhân khác được chỉ định canh giữ họ suốt ngày đêm. Ngoài việc chịu đựng các hình thức tra tấn thể chất, các học viên còn bị ép xem các tài liệu tuyên truyền nói xấu Pháp Luân Công và viết cam kết từ bỏ tín ngưỡng. Ngoài ra, họ còn phải uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, để gia tăng tỷ lệ “chuyển hóa”, nhà tù khuyến khích các tù nhân chịu án dài hạn tham gia bức hại học viên, với hứa hẹn sẽ được giảm án. Nhà tù này cũng phát hành một cuốn sách chứa các thông tin sai lệch để bôi nhọ Pháp Luân Công.
Các cai ngục tích cực tham gia bức hại bao gồm: Từ Kiến Linh, Trần Quân, Trương V ỹ Lệ, Du Nhất Trì, Vương Hân Nghiên, Uông Oánh Oánh, Trần Đại, Sử Mẫn, Tương Oánh, Tôn Hâm, Du Duyệt, Tôn Triết, Trịnh Hải Anh, Trương Dần, Trương Gia Văn, Chư Mai Hoa (đã nghỉ hưu), Trương Tố, và Từ Huy.
Dưới đây là một số trường hợp của các học viên đã bị bức hại trong nhà tù:
Một phụ nữ đã chết sau khi bị tra tấn tàn bạo ở Nhà tù nữ Chiết Giang
Bà Trương Minh Di, người thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, từng là kỹ thuật viên phân tích kiểm tra Nhà máy Hóa chất Cát Lâm. Bà từng mắc nhiều bệnh nhưng từ khi tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995, bà trở nên khỏe mạnh và cởi mở hơn. Năm 2004, do công ty sắp giải thể, bà bị sa thải và chuyển đến thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang để tìm việc.
Vì nói chuyện với người dân địa phương về cuộc bức hại Pháp Luân Công, bà Trương bị tố cáo và kết án hai năm tù. Tại Nhà tù nữ Chiết Giang, bà bị tra tấn và tiêm các loại thuốc lạ. Sức khỏe của bà suy kiệt do bị bức hại tàn bạo thời gian dài. Thêm nữa, bà thường xuyên bị sốt, gầy mòn và rất yếu. Để tránh chịu trách nhiệm về cái chết của bà, lãnh đạo nhà tù đã trả tự do sớm cho bà.
Sau khi về nhà, bà Trương liên tục bị sốt, trên người xuất hiện các vết bầm tím. Bác sỹ chẩn đoán bà bị chứng thiếu máu tan huyết, viêm gan B và C, và chụp chiếu cho thấy có bóng mờ trên tuyến tụy. Bà qua đời ngày 29 tháng 8 năm 2007, khi mới 34 tuổi.
Một phụ nữ ở Chiết Giang đã chết trong khi đang chịu án tù lần thứ ba
Bà Hồng Mễ Tố, một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Ôn Lĩnh, tỉnh Chiết Giang, qua đời ngày 15 tháng 8 năm 2018 khi đang thụ án ba năm chín tháng tại Nhà tù nữ Chiết Giang. Bà hưởng thọ 52 tuổi.
Bà Hồng Mễ Tố
Lần bắt giữ gần nhất của bà Hồng xảy ra vào tháng 11 năm 2015 sau khi có người tố cáo với công an vì nói với người dân về cuộc bức hại ở trên phố. Ngày 24 tháng 5 năm 2016, Tòa án quận Lục Kiều, thành phố Thái Châu đã kết án bà ba năm chín tháng.
Cái chết của bà Hồng là kết cục bi thảm của nhiều năm bị bức hại chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà bị bắt tổng cộng tám lần và nhà cửa bị lục soát nhiều lần. Bà bị đưa đi lao động cưỡng bức hai năm vào cuối năm 2000 và bị kết án ba lần vào các năm 2005, 2011 và 2016, với tổng cộng mười năm ba tháng tù giam.
Một lao động gương mẫu bị kết án ba lần vì đức tin của bà
Bà Đường Bảo Chi, 72 tuổi, người thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang, từng là một lao động gương mẫu. Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, bà đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện vào tháng 11 năm 1999, nhưng bị bắt và kết án ba năm rưỡi.
Bà Đường bị bắt lại vào năm 2005 và kết án năm năm tù. Tại Nhà tù nữ Chiết Giang, bà đã tuyệt thực gần 700 ngày. Sau khi được thả, bà chuyển đến Thượng Hải sống cùng các con.
Ngày 5 tháng 5 năm 2017, bà Đường và con gái lại bị bắt sau khi có người tố cáo họ nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công trên phố. Cả hai mẹ con bà bị kết án hai năm rưỡi tù giam.
Một cụ bà 70 tuổi bị 3 năm tù vì tín ngưỡng của mình
Bà Ưng Quốc Phương, 70 tuổi, người thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, bị đưa vào Nhà tù nữ tỉnh Chiết Giang vào ngày 6 tháng 11 năm 2020 để thụ án ba năm vì tu luyện Pháp Luân Công.
Bà Ưng bị công an bắt ngày 18 tháng 4 năm 2019 trong lần bắt nhóm gồm hơn 20 học viên Pháp Luân Công. Tại trại tạm giam thành phố Ninh Ba, bà bị huyết áp cao và lượng đường trong máu tăng cao nguy hiểm. Gia đình bà đã yêu cầu cho bà tại ngoại để điều trị, nhưng công an từ chối và nói rằng sẽ không thả bà trước ngày Quốc khánh lần thứ 70 của chính quyền vào ngày 1 tháng 10, trừ khi bà sắp chết.
Bị kết án chín năm tù và chịu ngược đãi
Bà Chu Vỹ Phân, người huyện Kim Vân, tỉnh Chiết Giang, bị bắt ngày 10 tháng 7 năm 2009 và bị kết án chín năm tù vào tháng 4 năm 2010.
Khi bị giam trong Nhà tù nữ tỉnh Chiết Giang, bà Chu bị biệt giam và bị cấm nói chuyện với các tù nhân khác. Bà cũng bị các tù nhân giám sát chặt chẽ.
Một phụ nữ bị bức thực bằng thuốc thần kinh tại Nhà tù nữ tỉnh Chiết Giang
Bà Trương Tú Liên, ngoài 40 tuổi, bị kết án mười năm tù tại Nhà tù nữ tỉnh Chiết Giang. Vì từ chối không bỏ Pháp Luân Công, bà bị nhà tù coi là mắc bệnh tâm thần. Mỗi tháng, ba hoặc bốn tù nhân sẽ khống chế bà, ép tiêm thuốc an thần và thuốc tâm thần vào người bà. Gia đình bà không được phép thăm nom, và bà cũng không được phép mua bất kỳ đồ dùng cá nhân nào, kể cả đồ lót hay giày dép. Bà không được phép nói chuyện với ai và thường xuyên bị ép đứng trong thời gian dài. Bà Trương đã bị bức hại đến mức suy sụp thần kinh.
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/10/4/浙江省女子监狱迫害法轮功学员的恶行-483562.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/10/20/221302.html.
Đăng ngày 09-11-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.