Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Bắc Kinh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 15-08-2024] Nhà tù nữ Bắc Kinh có tổng cộng 12 khu giam giữ, trong đó có ba khu dành riêng cho các học viên Pháp Luân Công, và một trong số đó là khu giam số ba. Quản giáo hiện tại là bà Lý Thiến, ngoài 40 tuổi, đã tham gia vào việc bức hại các học viên Pháp Luân Công trong nhiều năm qua.
Khu giam số ba có 11 phòng giam. Ban đầu, mỗi phòng giam có thể chứa từ sáu đến tám người, nhưng hiện nay mỗi phòng chứa từ chín đến mười hai người, vượt quá sức chứa ban đầu. Phòng giam nhỏ, và mỗi phòng có từ một đến hai học viên. Những người còn lại là các tù nhân được giao nhiệm vụ giám sát các học viên.
Giám sát chặt chẽ học viên Pháp Luân Công
Quản giáo quy định rằng các học viên không được phép nói chuyện với nhau, đi vệ sinh, rửa mặt hay giặt giũ cùng một lúc. Các học viên bị giám sát bởi những tù nhân bị kết án chung thân hoặc hơn mười năm tù.
Mỗi phòng giam có năm camera giám sát bao phủ mọi góc trong phòng, với các lính canh giám sát 24 giờ mỗi ngày. Ngoài ra, còn có một bộ phận giám sát đặc biệt gọi là “Trung tâm Chỉ huy.” Công nghệ độ phân giải cao được sử dụng để giám sát mọi khu giam giữ, phòng giam và xưởng làm việc. Nó không chỉ ghi lại hình ảnh mà còn có các thiết bị phát hiện âm thanh nhạy cảm. Ngay cả khi ai đó xì hơi trong phòng giam, thiết bị cũng có thể phát hiện ra người đó là ai. Hệ thống giám sát này được lắp đặt dưới một mạng lưới toàn diện do quản lý nhà tù thiết lập, cho phép họ kiểm tra ngẫu nhiên tình hình ở từng nhà tù.
Với hệ thống giám sát chặt chẽ, nếu bất kỳ học viên nào không tuân theo yêu cầu của lính canh và hành động của họ bị camera ghi lại hoặc bị ai đó trong phòng phát hiện, họ sẽ bị chỉ trích, la mắng, không được phép mua các nhu yếu phẩm hàng ngày, và bị tước quyền thăm hỏi hoặc liên lạc với gia đình. Điều này đã gây ra căng thẳng tâm lý và lo lắng rất lớn cho các học viên.
Nhà tù cũng phối hợp với cục tư pháp, Phòng 610, và ủy ban khu dân cư để gây áp lực lên các học viên. Trong khi bị giam, các học viên cũng bị đình chỉ lương hưu và một số người thậm chí còn bị yêu cầu trả lại số tiền lương hưu mà họ đã nhận trước đó.
Phương pháp tra tấn
Có ba giai đoạn trong cuộc bức hại. Trước hết, nhà tù sẽ sử dụng mọi cách để buộc các học viên từ bỏ đức tin của họ và viết các cam kết. Bước thứ hai là kiểm tra xem các học viên có thực sự thay đổi tư tưởng hay không, và tỷ lệ chuyển hóa liên quan trực tiếp đến tiền thưởng của các lính canh. Cuối cùng, ban quản lý nhà tù sẽ xác nhận liệu các học viên có thực sự chuyển hóa hay không. Chỉ sau khi học viên vượt qua cả ba giai đoạn này, họ mới được phép làm công việc lao động. Tuy nhiên, ngay cả khi làm việc, những gì họ kiếm được chỉ được sử dụng như điểm để giảm án.
Khu giam giữ số ba ra lệnh cho tất cả các học viên viết cam kết từ bỏ đức tin của họ. Các lính canh thường là những người trong độ tuổi 30 và có trình độ đại học. Các lính canh không trực tiếp ngược đãi các học viên mà xúi giục các tù nhân thực hiện việc đó. Một số tù nhân đã sử dụng các biện pháp bạo lực như cấm ngủ, thức ăn và nước uống của các học viên, hoặc không cho phép họ sử dụng nhà vệ sinh hoặc tắm rửa. Các tù nhân cũng nhổ nước bọt vào thức ăn của các học viên hoặc đổ các chất bẩn vào đó.
Nếu các học viên từ chối chuyển hóa, các lính canh cũng nhắm vào các tù nhân khác để kích động lòng căm thù đối với các học viên, chẳng hạn như cấm ngủ họ hoặc buộc họ phải đứng. Khi các tù nhân bắt đầu phỉ báng Pháp Luân Công, điều đó sẽ gây ra áp lực rất lớn cho các học viên.
Nếu các học viên vẫn từ chối chuyển hoá, các lính canh sẽ đặt hình ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công trong nhà vệ sinh, khiến một số học viên thà nhịn ăn nhịn uống để không phải sử dụng nhà vệ sinh. Một số học viên, như cô Cung Thụy Bình, đã bị mắc chứng tiểu không kiểm soát do hậu quả của việc này. Một số tù nhân cũng yêu cầu cô Cung phải đi cùng họ vào nhà vệ sinh năm đến sáu lần mỗi đêm, khiến cô không có đủ thời gian nghỉ ngơi. Hiện tại, người cô gầy gò yếu ớt.
Những học viên kiên định với đức tin của mình sẽ bị các tù nhân cấu véo hoặc đánh đập. Một số tù nhân đã đánh vào đầu các học viên bằng những vật cứng hoặc giẫm đạp lên chân họ.
Các học viên cũng bị cưỡng bức tẩy não. Họ bị ép phải nghe tuyên truyền tin tức và cả các bài kinh Phật, nhằm gây nhầm lẫn cho họ.
Phải làm gì để giảm bớt cuộc bức hại
Nhiều lính canh trong nhà tù còn khá trẻ và chưa có cơ hội hiểu rõ sự thật về Pháp Luân Công. Để giúp họ hiểu thêm về cuộc bức hại, tôi đề nghị tất cả các học viên gửi thư cho những người bị giam giữ trong nhà tù. Vì các lính canh là những người phân loại thư từ, họ sẽ quyết định liệu lá thư có được gửi đến tay các tù nhân hay không. Do đó, chúng ta có thể tận dụng cơ hội này để nói với họ về Pháp Luân Công bằng cách viết thư cho các học viên.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/15/480872.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/9/1/219774.html
Đăng ngày 09-09-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.