Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp trẻ tuổi ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 15-04-2024] Trước đây, tôi rất cẩn thận khi giao tiếp với mọi người, làm gì cũng nhìn trước ngó sau vì sợ làm mất lòng ai đó hoặc khiến ai đó không vui, vì vậy cuộc sống rất khổ sở và mệt mỏi, hơn nữa thường xuyên rơi vào trạng thái tự trách bản thân.

Sau khi con gái lớn của tôi chào đời vào năm 2016, tôi bị trầm cảm sau sinh. Thời gian đó, tôi giống như một con nhím, ai đến gần đều bị tôi dùng lời nói công kích làm tổn thương. Tôi ngày càng lún sâu vào trầm cảm không thể vực dậy nổi, cảm thấy cô đơn và bất lực. Đúng lúc đó, tôi đã may mắn bước vào tu luyện Đại Pháp, cuộc đời đã hoàn toàn thay đổi. Không những tính cách trở nên nhẹ nhàng, mà làm việc gì cũng đường đường chính chính, thản nhiên đối mặt với mọi thăng trầm trong cuộc sống.

Dưới sự dẫn dắt của Đại Pháp, tôi đã vượt qua được nỗi thống khổ to lớn do đồng nghiệp gây ra và cải biến môi trường làm việc của mình theo hướng tốt hơn. Tôi thực sự quan tâm đến hạnh phúc của học sinh, giúp đỡ họ trong cuộc sống cá nhân và chia sẻ với họ sự tốt đẹp của Đại Pháp.

Đối mặt với sự tật đố

Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ từ một trường đại học danh tiếng ở Trung Quốc, tôi đã nhận một vị trí giảng dạy tại một trường trung học cơ sở hạng trung. Số lượng học sinh ở đây không nhiều, hơn nữa chất lượng đầu vào của học sinh cũng không cao. Khi đó danh tiếng của trường khá thấp. Tôi là giáo viên toàn thời gian đầu tiên có bằng Tiến sĩ mà trường tuyển dụng, với hy vọng mang lại những chuyển biến tốt hơn cho trường. Việc tôi tới đây làm việc đã tạo ra sự xôn xao không nhỏ, còn được đài truyền hình địa phương đưa tin. Tuy nhiên, tôi không thích trở thành tâm điểm chú ý và cảm thấy không thoải mái với sự nổi tiếng của mình. Hơn nữa, nó đã thu hút sự chú ý không cần thiết và thậm chí là sự đố kỵ từ các đồng nghiệp và một số quản lý trong trường.

Ở trường, tôi dạy môn sinh học, ngoài ra còn đảm nhận vai trò là kỹ thuật viên phòng thí nghiệm. Trách nhiệm chính của tôi là chuẩn bị vật tư và thiết bị cho các phòng thí nghiệm sinh học dành cho các lớp trong trường.

Khi đó trưởng bộ môn Sinh học của tôi là cô giáo Vương (bí danh). Mặc dù còn rất trẻ, cô giáo Vương đã có thâm niên giảng dạy tại trường hơn 10 năm. Cô ấy rất nỗ lực và cầu tiến. Nhưng từ ngày tôi đến, cô ấy đã mang đến cho tôi nhiều khổ nạn. Đầu tiên, cô ấy đã thêm các tiết học trong phòng thí nghiệm vào chương trình giảng dạy của các lớp. Học sinh lên lớp được yêu cầu phải làm lại các chương trình thí nghiệm. Điều này tạo thêm nhiều việc cho tôi. Cô ấy rất nghiêm khắc trong việc chuẩn bị phòng thí nghiệm, đến mức rất cầu kỳ. Để chuẩn bị các phòng thí nghiệm này và đạt tiêu chuẩn của cô ấy, tôi phải đến sớm về muộn mỗi ngày, thậm chí đôi khi còn phải làm việc vào cuối tuần.

Khi tôi mang thai, tôi nghĩ cô giáo Vương sẽ giảm tải khối lượng công việc cho tôi. Nhưng thay vì cắt giảm, cô ấy còn thêm một số tiết học phòng thí nghiệm khác. Cho đến ngay trước khi nghỉ sinh, tôi vẫn phải rửa khay và thùng bằng tay, cắt tim lợn và chuẩn bị hóa chất cho các phòng thí nghiệm. Có một lần, mặc dù bụng bầu khá to, tôi vẫn phải đứng và làm việc cả ngày không nghỉ. Tôi đã bị đau nhói ở tử cung và không thể đứng thẳng. Ngay cả khi đó, cô Vương vẫn không có ý định giảm tải khối lượng công việc cho tôi.

Khi đó cô ấy và tôi giảng dạy cùng một khối lớp. Khi tôi nhờ cô ấy giúp đỡ về một bài học hoặc chương trình giảng dạy, cô ấy nói với tôi rằng cô ấy không biết gì về môn học đó. Đôi khi cô ấy đảo mắt và nói một cách khinh miệt: “Chẳng phải chị là tiến sĩ sao?” Cô ấy chuẩn bị các bài kiểm tra cho tất cả các lớp trong lớp của chúng tôi, loại tôi ra khỏi quy trình này nhưng lại tiết lộ cho học sinh của cô ấy. Mỗi lần, học sinh của cô ấy đều đạt điểm cao hơn nhiều so với học sinh của tôi. Tôi đã bị ban quản lý nhà trường khiển trách nhiều lần vì điều này.

Một lần, vì một số hiểu lầm, cô giáo Vương đã mắng tôi như một đứa trẻ trước mặt các giáo viên khác trong khoa. Tôi bật khóc và không nói được lời nào. Sau đó, dường như tất cả mọi người, bao gồm cả hiệu phó, phòng nhân sự và thậm chí cả một số nhân viên bình thường, đều mắng tôi mà không hề giữ khoảng cách. Họ đưa ra những nhận xét mỉa mai, xúc phạm và thậm chí đe dọa tôi. Tôi đã bị bỏ qua nhiều lần tăng lương và thăng chức. Chưa bao giờ tôi cảm thấy áp lực và thất vọng như thế này.

Thiện tâm cải biến quan điểm của đồng nghiệp và lãnh đạo

Một đồng nghiệp thân thiết đã nói với tôi: “Chị thật quá mềm yếu. Chị sợ gì chứ? Chị có bằng tiến sĩ. Hiệu trưởng rất kỳ vọng và đang trông cậy vào chị. Hãy đứng lên phản đối.” Một đồng nghiệp khác nói với tôi: “Chị luôn để cô ấy làm theo ý mình. Nếu là tôi, tôi đã phát ngán và cãi nhau với cô ấy từ lâu rồi.” Cuộc thảo luận và sự ủng hộ đầy cảm thông của họ khiến tôi cảm thấy khá hơn một chút—ít nhất họ biết được nỗi thống khổ mà tôi đang trải qua.

Tuy nhiên, tôi là một người tu luyện, tôi phải tự đặt ra cho mình những tiêu chuẩn cao hơn. Ngày xưa, khi đồ đệ học nghề của một bậc thầy, họ phải trải qua nhiều năm khổ công lao động trước khi được dạy bất kỳ kỹ năng thực sự nào. Làm kỹ thuật viên phòng thí nghiệm và chịu đựng mọi công việc khó khăn cũng giống như một người đồ đệ học nghề. Khi tôi làm công việc chuẩn bị cho các phòng thí nghiệm, cô giáo Vương đã cung cấp các yêu cầu và quy trình, giống như các bậc thầy giảng dạy và truyền đạt các kỹ năng và kinh nghiệm của họ. Nếu những người bình thường ngày xưa có thể chịu đựng được những khó khăn như vậy, thì với tư cách là một người tu luyện, tôi còn phải làm được tốt hơn nữa. Dần dần, sự oán hận của tôi đối với cô ấy đã biến mất.

Cô giáo Vương bắt đầu để tôi tham gia vào quy trình làm đề kiểm tra. Lần đó, tôi đã chuẩn bị và in xong các đề kiểm tra. Ngày hôm sau, cô Vương gọi cho tôi từ sáng sớm và nói rằng cô ấy phát hiện ra lỗi đánh máy trong bài kiểm tra. Cô ấy yêu cầu tôi chỉnh sửa và in lại. Hôm đó là ngày thi, vì vậy tôi đã phải vội vàng hoàn thành mọi thứ.

Khi một đồng nghiệp biết được chuyện này, cô ấy lắc đầu: “Tại sao cô ấy lại làm như vậy? Đây chỉ là bài kiểm tra thử, không phải là bài thi cuối kỳ. Tại sao cô ấy lại bắt chị làm tất cả những điều đó chỉ vì một lỗi đánh máy? Cô ấy chỉ muốn làm khó bạn thôi.” Thật khó để tránh lỗi đánh máy và những lỗi nhỏ khi chuẩn bị bài kiểm tra. Thông thường, chúng tôi sẽ thông báo cho học sinh sau khi phát bài kiểm tra, để mỗi học sinh có thể tự sửa lỗi trong bài kiểm tra của mình trước khi bắt đầu. Tôi cũng không hiểu nhưng vẫn nói với đồng nghiệp của mình: “Cô giáo Vương làm việc này rất nghiêm túc. Cô ấy đã làm đúng. Tôi nên học hỏi từ cô ấy.” Đồng nghiệp của tôi đã rất ngạc nhiên khi nghe tôi nói như vậy.

Mỗi lần cô ấy muốn xem giáo án của tôi để tham khảo, tôi không bao giờ nghĩ ngợi gì và đưa ngay cho cô ấy. Nhưng khi tôi muốn xem giáo án của cô ấy, đôi khi cô ấy vẫn từ chối. Thật không dễ chịu khi bị từ chối trực tiếp như vậy, nhưng tôi tự nhủ rằng cô ấy có quyền từ chối. Có lần cô ấy cũng muốn được ghi tên trong bài báo học thuật của tôi. Mặc dù tôi cảm thấy điều này không đúng, giống như mình bị lợi dụng, vì cô ấy không đóng góp công sức, nhưng tôi vẫn ghi thêm tên của cô ấy. Mặc dù vậy, cô ấy vẫn mắng vào mặt tôi vì đã không đưa tên cô ấy vào danh sách đồng tác giả ngay từ đầu. Trong các nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn, việc thực hành “Nhẫn” quả là khó khăn nhất.

Cô ấy thường xuyên nói với hiệu phó về những vấn đề của tôi (kỳ thực đa số đều là hiểu lầm). Vì vậy, hiệu phó đã hình thành những quan niệm sai lầm về tôi và thường xuyên mắng tôi. Tôi muốn giải thích và kể cho ông ấy nghe về cách cô ấy đối xử tệ với tôi đã kìm lại. Thay vào đó, tôi nói: “Cô giáo Vương rất nghiêm túc với công việc của mình. Tôi sẽ học hỏi từ cô ấy. Tôi sẽ cố gắng chú ý hơn đến những điều ông đã đề cập.”

Có lần hiệu phó đã mắng tôi như một đứa trẻ trong một cuộc họp. Khi đó tôi đang ở trên sân khấu, trước mặt toàn thể nhân viên, mọi ánh mắt đổ dồn về phía mình, má tôi nóng bừng và mỗi giây trôi qua dài như một thế kỷ. Tuy nhiên, sau cuộc họp, tôi tự nhắc nhở mình không được oán giận bất kỳ ai và hãy quên chuyện đó đi.

Đồng nghiệp đã cải biến

Dường như có một bức tường ngăn cách trưởng bộ môn Vương, hiệu phó và tôi, dường như không thể phá vỡ được. Tôi đã chịu đựng mọi thử thách mà họ bắt tôi trải qua, không biết khi nào sẽ kết thúc. Tôi liên tục nhắc nhở bản thân phải quên đi cách người khác đối xử tệ với mình và nhớ đến cả những điều tích cực và tử tế dù là nhỏ nhất.

Như Sư phụ yêu cầu, tôi đã hướng nội để tự kiểm điểm bản thân mỗi khi xung đột xảy ra. Sâu thẳm bên trong, tôi vẫn nuôi dưỡng sự oán giận và cảm thấy bị đối xử bất công. Tôi đã nỗ lực hơn nữa để loại bỏ những chấp trước của mình. Bất kể người khác đối xử với tôi như thế nào, tôi cần phải đối xử tử tế với họ.

Một lần, tôi chuẩn bị phòng thí nghiệm cho cô giáo Vương, trong đó yêu cầu nhiều loại rau. Cô ấy đã đổi ngày làm phòng thí nghiệm mà không nói với tôi. Tất cả các loại rau tôi mua đều bị hỏng nên tôi đã mua lại. Cô ấy lại đổi giờ vào phút cuối và tôi lại phải mua rau và sắp xếp lại phòng thí nghiệm. Khi các lớp của cô ấy sử dụng phòng thí nghiệm, một số học sinh đã làm hỏng các nguyên liệu nên tôi phải mua lại. Tôi đã chuẩn bị phòng thí nghiệm nhiều lần nhưng không bao giờ phàn nàn. Cuối cùng, cô ấy nói với tôi rằng: “Quả là đã làm khó chị rồi, chị đã phải làm rất nhiều việc, nhưng chị đã làm rất tốt mà không phàn nàn gì cả.”

Khi một dự án trọng điểm xuất hiện, tôi đã để cô ấy dẫn đầu và bỏ rất nhiều công sức để giúp cô ấy hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động. Tôi không còn cảm thấy bị đối xử bất công nữa. Thấy tôi hy sinh quên mình cho dự án, cô ấy đã không còn đề phòng tôi nữa. Một ngày nọ, cô ấy chân thành xin lỗi tôi và nói rằng cô ấy hy vọng tôi sẽ tha thứ cho những gì cô ấy đã làm. Sau đó, khi tôi hỏi mượn giáo án của cô ấy, cô ấy vẫy tay và nói: “Không cần phải hỏi tôi nữa, chị có thể sử dụng bất cứ lúc nào.” Điều thực sự khiến tôi ngạc nhiên là có lần cô ấy thậm chí còn chuẩn bị phòng thí nghiệm cho tôi. Trong một buổi lễ ở trường, cô ấy đã ôm tôi thật chặt. Bây giờ, cô ấy rất thân thiện với tôi và thậm chí còn gọi tôi là “bảo bối”.

Thái độ của hiệu phó và một số đồng nghiệp khác đối với tôi cũng đã thay đổi. Một đồng nghiệp đã bình luận với những người khác về tôi và nói rằng tôi là người sáng suốt nhất trong toàn trường.

Tôi rất biết ơn cô giáo Vương, hiệu phó của tôi và những đồng nghiệp khác đã giúp tôi đề cao tâm tính của mình.

Dùng thiện tâm cải biến học sinh

Khi tôi mới tới làm việc, trong trường có rất nhiều học sinh kém. Một số học sinh vô lễ, một số không chịu học, một số hay chửi thề và chửi bậy, và một số học sinh luôn tỏ ra khó chịu và không giao tiếp với bất kỳ ai. Phần lớn giáo viên quản lý lớp học bằng cách quát mắng bọn trẻ. Tôi có giọng nói nhỏ và bản tính hiền lành—tôi không thể quát mắng ai cả, cho dù cố gắng đến mấy. Tôi đã thử nghiệm và tìm kiếm một cách để tương tác tốt hơn với học sinh của mình. Cuối cùng, tôi thấy rằng cách tốt nhất là giữ mình theo tiêu chuẩn của một người tu luyện Đại Pháp.

Sư phụ giảng:

“Tôi không chỉ là dạy chư vị Đại Pháp, tác phong của tôi cũng là để lưu lại cho chư vị, ngữ khí, thiện tâm trong công tác, thêm vào đó là đạo lý có thể cải biến nhân tâm, chứ mệnh lệnh vĩnh viễn không thể” (Thanh tỉnhTinh Tấn Yếu Chỉ)

Tôi đối xử với học trò của mình bằng thiện tâm và thực sự quan tâm đến chúng. Tôi không bao giờ sử dụng ngôn ngữ gây tổn thương hoặc giọng điệu gay gắt khi nói chuyện với học sinh. Tôi tôn trọng từng cá nhân học sinh và giúp chúng hiểu cách trở thành một người tốt. Học sinh của tôi đã từ từ thay đổi. Tại đây, tôi xin kể về trường hợp của học sinh Song.

Lần đầu tiên tôi gọi Song trả lời một câu hỏi trong lớp, em từ từ đứng dậy và không nói một lời. Sau khi tôi nghiêm khắc nhắc nhở em, em đã khóc. Tôi thấy ánh mắt của em tràn đầy sự oán hận. Sau giờ học, tôi đến gặp em và cố gắng truyền cảm hứng cho em quan tâm đến sinh học. Không ngờ, em ấy nói: “Cho dù có khả năng học tốt, em cũng sẽ không lãng phí thời gian học sinh học.” Tôi rất sốc khi thấy em tức giận như vậy. Tôi không biết em đã phải trải qua điều mà lại trở nên cay đắng như vậy.

Sau này tôi biết rằng Song học không giỏi, không có bạn bè và thường bị các bạn trêu vì câng nặng của mình. Ngoài môn học vẽ, em không giỏi bất cứ môn nào khác. Do tự ti nên em không nói chuyện với bất kỳ ai. Tôi muốn giúp Song xây dựng lòng tự tin và phát huy hết tiềm năng của mình.

Tôi bắt đầu đi tới chỗ em khi các học sinh làm bài tập trên lớp sau mỗi bài giảng: “Em có hiểu bài học hôm nay không? Hãy cho cô biết nếu em có bất kỳ câu hỏi nào về bài tập.” Em vẫn không nói nhiều, nhưng vẻ mặt em dần dịu lại.

Không ai muốn ghép đôi với Song trong giờ thực hành. Tôi liền hỏi một trong những học sinh giỏi nhất của mình rằng liệu em có muốn ngồi cạnh Song không. Em ấy đồng ý ngay. Khi thấy một học sinh giỏi toàn diện sẵn sàng ghép đôi với Song, thái độ của cả lớp đối với em ấy đã thay đổi.

Tôi tìm cơ hội để nói chuyện với Song và động viên em ấy, dần dần giành được lòng tin của em. Em đã viết cho tôi một lá thư và chia sẻ về nỗi lo lắng và khó khăn của mình. Em thấy mình không giỏi việc gì và không thấy hy vọng gì trong cuộc sống. Em cảm thấy cô đơn và thậm chí đã nghĩ đến việc kết thúc cuộc đời mình. Tôi đã trả lời ngay và nói với em rằng: “Cuộc sống là một hành trình dài và sẽ có những thăng trầm. Khi mọi thứ diễn ra tốt đẹp, đừng quá tự tin và khi mọi thứ trở nên khó khăn, đừng tuyệt vọng.” Tôi nói với em ấy rằng em là một nghệ sĩ tuyệt vời và có một tâm hồn lương thiện. “Song, tôi thích nụ cười của em. Nó ấm áp và chân thành, giống như làn gió mùa Xuân. Em có thể cười nhiều hơn không?”

Song bắt đầu đến trường với mái tóc rối bù được chải gọn gàng và buộc lại, để lộ khuôn mặt sạch sẽ. Em ấy vẫn không nói nhiều khi chúng tôi tình cờ gặp nhau ở trường, nhưng em đã mỉm cười với tôi. Nụ cười của em ấy thật đẹp và rạng rỡ. Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy em ấy giơ tay khi tôi đặt câu hỏi trong lớp. Tôi đã gọi em và khen ngợi em mặc dù câu trả lời của em không hoàn toàn đúng trọng tâm. Em ấy nói với tôi rằng đó là lần đầu tiên em ấy giơ tay trong lớp. Em rất lo lắng đến nỗi vẫn còn run rẩy sau khi ngồi xuống.

Bố mẹ của Song được mời đến một cuộc họp phụ huynh đặc biệt vì điểm kém của em. Tôi biết rằng em có nhiều vấn đề ở nhà. Em rất oán hận mẹ, luôn nguyền rủa mẹ bị tai nạn xe. Bố em có vẻ thực sự quan tâm đến em ấy, nhưng Song không thừa nhận điều đó. Tôi đã từ từ giới thiệu những câu chuyện về lịch sử và văn hóa Trung Quốc để chỉ cho em cách tôn trọng và yêu thương cha mẹ mình.

Với thiện tâm mà tôi đã tu luyện trong Đại Pháp, tôi đã dần giúp Song thay đổi quan điểm sống. Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, em đã viết cho tôi một lá thư dài và nói với tôi rằng em rất trân trọng sự giúp đỡ của tôi. Em nói rằng tôi là người duy nhất hiểu em ấy. Như một món quà sinh nhật, em đã tặng tôi một bức vẽ chân dung với những chi tiết tuyệt vời. Tôi thậm chí còn vui hơn khi thấy em ấy đặt một bông hoa hướng dương đang nở rộ ở phía sau — trái tim lạnh lùng và đen tối của em ấy đã mở ra với ánh nắng mặt trời và hướng theo ánh sáng mặt trời như đóa hoa hướng dương.

Tôi đã giúp đỡ nhiều học sinh như em ấy kể từ khi trở thành giáo viên ở trường trung học cơ sở. Bây giờ, khi tôi bước xuống hành lang, nhiều học sinh đến ôm tôi hoặc tựa đầu vào vai tôi — các em đối xử với tôi như người thân trong gia đình. Ngay cả những học sinh chưa từng học lớp của tôi trước đây cũng đến vào giờ làm việc để ngồi trò chuyện một lúc. Nhờ có Đại Pháp, các nguyên lý của Đại Pháp đã cải biến tôi và cải biến các học sinh của tôi.

Ngôi trường đắm mình trong ánh Phật quang

Khi tôi mới vào làm, số lượng học sinh trong trường không nhiều. Khuôn viên trường rất vắng vẻ trong giờ ra chơi. Trường đã phát triển nhanh chóng trong vài năm qua và hiện tại khuôn viên trường luôn chật kín học sinh. Hầu hết các em đã học lớp của tôi.

Trong các bài giảng, tôi nói chuyện với học sinh về văn hóa và giá trị truyền thống, nền văn minh cổ xưa, tín ngưỡng tâm linh như Phật Pháp, khoa học hiện đại và sự lừa dối của thuyết tiến hóa. Tôi đã sử dụng những câu chuyện để chứng minh cho các em thấy rằng thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Tôi dạy học sinh cách trở thành người ngay thẳng và các nguyên lý của vũ trụ. Những học sinh trong lớp của tôi đã được tìm hiểu về Đại Pháp và cuộc bức hại phi pháp. Các em biết phải tôn trọng và tuân theo các quy luật của tự nhiên. Khi dẫn chương trình tại đài phát thanh của trường, tôi đã đưa vào những câu chuyện từ các chương trình phát thanh Minh Huệ về văn hóa Thần truyền. Mọi ngóc ngách của trường đều ngập tràn phước lành của Đại Pháp.

Nhìn lại, tôi cảm thấy như mình đã làm việc ở trường rất lâu rồi, như thể nó đã diễn ra ở kiếp trước. Tôi không thể tưởng tượng được mình sẽ đối mặt với tất cả những bi kịch này và kiệt sức đến mức nào nếu không có sự dẫn dắt của Đại Pháp. Nhờ có Đại Pháp và Sư phụ, tôi thực sự đã trở thành một người vị tha.

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/4/15/469533.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/6/27/218784.html

Đăng ngày 02-09-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share