Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Đức
[MINH HUỆ 26-07-2024]
(Tiếp theo Phần 2)
Ngày 20 tháng 7 năm 2024 là ngày ghi dấu tròn 25 năm nỗ lực của các học viên Pháp Luân Công nhằm chấm dứt cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). 22 chính trị gia Đức, bao gồm các Nghị sỹ của Nghị viện Châu Âu, quốc hội liên bang, quốc hội tiểu bang, cùng các ủy viên hội đồng thành phố đã gửi thư, trả lời các cuộc phỏng vấn hoặc phát biểu tại cuộc mít-tinh của các học viên để bày tỏ sự ủng hộ trước nỗ lực phơi bày cuộc bức hại ở Trung Quốc.
22 chính trị gia Đức bày tỏ sự ủng hộ đối với những nỗ lực của các học viên nhằm phơi bày cuộc bức hại của ĐCSTQ.
Hàng trên cùng, từ trái sang phải: Ông Frank Schwabe, Nghị sỹ Quốc hội (MP) của Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD); Tiến sỹ Stefan Berger, Nghị viên Châu Âu (MEP); Nghị sỹ Quốc hội Astrid Damerow; Nghị sỹ Quốc hội Anne König; Nghị sỹ Quốc hội Elisabeth Winkelmeier-Becker; và Nghị sỹ Quốc hội Jürgen Braun.
Hàng thứ hai, từ trái sang phải: Nghị sỹ Quốc hội Günter Krings; Nghị sỹ Quốc hội Nadine Ruf; Nghị sỹ Quốc hội Sabine Weiss; Nghị sỹ Quốc hội Michael Meister; Nghị sỹ Quốc hội Jonas Geissler; Ông René Domke, Chủ tịch Quốc hội bang Mecklenburg-Vorpommern của Đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP)
Hàng thứ ba, từ trái sang phải: Ông Stefan Engstfeld (Đảng Xanh), Nghị sỹ bang North Rhine-Westphalia; Ông Oliver Stirböck, Nghị viên bang Hesse; Tiến sỹ Marcus Optendrenk, Nghị viên bang North Rhine-Westphalia; Bà Vanessa Odermatt, Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), Nghị sỹ bang North Rhine-Westphalia; Ông Frank Börner, Nghị sỹ bang North Rhine-Westphalia
Hàng thứ tư, từ trái sang phải: Ông Dirk Bamberger, Nghị sỹ bang Hesse; Ông Ronald Gläser, Nghị sỹ bang Berlin; Tiến sỹ Bastian Bergerhoff, Ủy viên Hội đồng Thành phố Frankfurt; Nghị sỹ Quốc hội Luise Amtsberg; Ông Karl-Josef Laumann, Nghị sỹ bang North Rhine-Westphalia
Mọi người đều có quyền thực hành tín ngưỡng của mình
Bà Elisabeth Winkelmeier-Becker Nghị sỹ của CDU, Chủ tịch Ủy ban Pháp lý
Trong thư gửi các học viên Pháp Luân Công, nghị sỹ Elisabeth Winkelmeier-Becker của CDU viết: “Ngày 20 tháng 7 là một ngày đáng buồn nhưng cũng đầy ý nghĩa. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bức hại các học viên Pháp Luân Công trong suốt 25 năm qua. Thời khắc này kêu gọi tất cả chúng ta suy ngẫm về những hậu quả sâu xa của sự thiếu khoan dung và áp bức, đồng thời ủng hộ việc tôn trọng nhân quyền.
“Theo nhiều nguồn báo cáo, kể từ năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cố gắng tiêu diệt Pháp Luân Công một cách có hệ thống. Hàng triệu người dân vô tội đã bị bức hại công khai, bị cầm tù và tra tấn chỉ vì hành xử theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Trong đó, hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng đặc biệt ghê rợn. Điều này cho thấy đầy đủ rằng chính quyền Trung Quốc đang bức hại người dân chỉ vì họ thực hành pháp môn tu luyện toàn diện này một cách ôn hòa. Những hành vi kinh hoàng này vi phạm nhân quyền và quyền tự do, sự toàn vẹn về thể chất và sức khỏe của mọi người; hơn nữa, những hành động này chà đạp lên phẩm giá bất khả xâm phạm của con người.”
“Trong những năm gần đây, cộng đồng quốc tế ngày càng quan ngại về những tội ác như vậy. Nghị viện Châu Âu đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công. Quốc hội Hoa Kỳ cũng đưa ra lời lên án mạnh mẽ nhất về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng và bức hại các học viên Pháp Luân Công của [ĐCSTQ]. Lập trường kiên quyết này gửi đi một tín hiệu rõ ràng tới thế giới: Những tội ác như vậy sẽ không bao giờ được dung thứ.”
“Vào ngày tưởng niệm 20 tháng 7 này, chúng tôi đoàn kết với các học viên Pháp Luân Công. Cùng nhau, chúng ta sẽ gây áp lực lên chính phủ [ĐCSTQ] Trung Quốc để chấm dứt những hành vi tàn bạo và đảm bảo công lý cho các nạn nhân. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng mọi người đều có quyền sống trong hòa bình và thực hành tín ngưỡng của mình mà không sợ bị trả thù hay bạo lực!”
Tội ác phản nhân loại của ĐCSTQ cần được thông tin rộng rãi
Bà Sabine Weiss, Nghị sỹ của CDU, Thành viên Ủy ban Kinh tế và Tiền tệ kiêm thành viên Ban Quản trị của Quỹ Heinrich Hertz (CDU)
Bà Sabine Weiss, Nghị sỹ của CDU, đã viết cho các học viên: “Tôi chân thành cảm ơn các bạn [Pháp Luân Công] vì những nỗ lực không ngừng nghỉ để đấu tranh cho nhân quyền và lên tiếng thay cho tất cả những người [mà tiếng nói của họ] không được lắng nghe.”
“Cuộc bức hại tàn bạo [ĐCSTQ] đối với Pháp Luân Công của Trung Quốc đã kéo dài suốt một phần tư thế kỷ. Những sự thật và số liệu không chỉ gây sốc mà còn đáng ghê rợn. Cho đến nay, ít nhất 5.000 người đã phải trả giá bằng mạng sống của họ vì tội ác này của ĐCSTQ.”
“Tình hình nhân quyền của Trung Quốc rất tồi tệ và ngày một xấu đi. Do vậy, điều quan trọng là phải xử lý và trừng phạt những vi phạm nhân quyền này một cách quyết liệt hơn trước đây. Năm ngoái, Nghị viện Châu Âu đã có bước đi quan trọng đầu tiên là công khai lên án nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã được thực hiện ở Trung Quốc trong nhiều năm.”
“Ngoài ra, mới đây Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua dự thảo Đạo luật bảo vệ Pháp Luân Công. Đây là bước đầu tiên nhưng hết sức quan trọng trong việc chống lại cuộc bức hại Pháp Luân Công của Trung Quốc, đặc biệt là nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Dự luật yêu cầu các biện pháp trừng phạt như từ chối cấp thị thực và tịch thu tài sản đối với những người gây ra hoặc dính líu đến hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công.”
“Việc đưa những tội ác chống lại loài người ra ánh sáng là điều đúng đắn và quan trọng.”
“Tất cả chúng ta phải tiếp tục đứng lên bảo vệ những người không thể tự đứng lên và bảo vệ những người bị tẩy chay, bị áp bức và bị bức hại vì niềm tin, tín ngưỡng hoặc bản sắc [dân tộc] của họ.”
Dũng khí vững như bàn thạch của Pháp Luân Công
Ông Stefan Engstfeld, Nghị sỹ Quốc hội bang (MSP) North Rhine-Westphalia
Ông Stefan Engstfeld, MSP của bang North Rhine-Westphalia, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề Quốc tế và châu Âu, đồng thời là người phát ngôn của Hiệp hội Khu vực Düsseldorf, đã gửi thư bày tỏ sự ủng hộ đối với Pháp Luân Công.
Ông viết: “Tôi muốn bày tỏ tình đoàn kết và sự hỗ trợ chân thành của mình tới tất cả những người phải chịu sự đối xử bất công và vô nhân đạo như vậy. Chúng ta không chỉ cần ghi nhớ những sự việc khủng khiếp diễn ra ở Trung Quốc vào tháng 7 năm 1999, mà còn phải nhớ đến dũng khí và sự bền bỉ vững như bàn thạch của những người kiên định giữ vững đức tin của mình bất chấp những rủi ro và thách thức to lớn.”
“Pháp Luân Công dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, vốn đại diện cho các giá trị phổ quát và là nền tảng của một xã hội hòa bình và công bằng. Tuy nhiên, suốt 25 năm qua, chúng ta đã chứng kiến một chiến dịch bôi nhọ tàn bạo đối với Pháp Luân Công. Chiến dịch này bao gồm giám sát có hệ thống, giam giữ tùy tiện, đàn áp tàn bạo và điều kiện [làm việc] vô nhân đạo trong các trại lao động. Những thủ đoạn này không chỉ vi phạm nhân quyền mà còn chà đạp lên các nguyên tắc về nhân phẩm và tự do của con người.”
“Thật sốc khi cuộc bức hại đã vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc, điều này khiến chúng ta phải suy ngẫm sâu xa về việc các hoạt động này hiện đã mở rộng đến mức nào rồi.”
“Cuộc bức hại của chính phủ Trung Quốc đối với phong trào tâm linh ôn hòa này là vi phạm các quyền cơ bản của con người mà cộng đồng quốc tế chúng ta không thể chấp nhận. Quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo là những trụ cột vững chắc của nền dân chủ. Những quyền tự do này cho phép chúng ta bày tỏ và thực hành những suy nghĩ và niềm tin của mình mà không sợ bị trả thù.”
“Cuộc bức hại Pháp Luân Công là một biểu hiện rõ nét về những mối đe dọa đối với nền dân chủ và cho thấy điều gì có thể xảy ra nếu những quyền tự do này không được bảo vệ. Lịch sử đã cho chúng ta thấy con đường như vậy sẽ dẫn đến đâu và chúng ta phải làm mọi thứ có thể để tránh lặp lại điều tương tự và cần bảo vệ các quyền của mọi người, bảo vệ nền dân chủ cũng như các giá trị của nó bằng mọi giá.”
“Pháp Luân Công vẫn tiếp tục tồn tại, điều đó thể hiện sự kiên trì và tác động đáng kinh ngạc của sự phản kháng ôn hòa. Sự kiên định của các học viên Pháp Luân Công đã truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta và cho thấy rằng ngay cả những chế độ hùng mạnh nhất cũng không thể dập tắt được sức mạnh tinh thần và khát vọng tự do và công lý của con người.”
“Chúng ta hãy cùng chung tay vì một tương lai trong đó các quyền cơ bản của tất cả mọi người được tôn trọng và bảo vệ. Chúng ta phải luôn cảnh giác và tiếp tục lên tiếng chống lại sự bất công và áp bức ở bất cứ nơi nào mà nó xảy ra. Chỉ bằng cách đó chúng ta mới có thể gây dựng một thế giới nơi mọi người được hưởng tự do, công lý và nhân phẩm.”
Kêu gọi Chính phủ Liên bang hành động
Ông Karl-Josef Laumann, MSP của CDU bang North Rhine-Westphalia
Ông Karl-Josef Laumann, Nghị sỹ bang North Rhine-Westphalia và là Bộ trưởng Bộ Lao động, Y tế và Xã hội của bang North Rhine-Westphalia, đã gửi thư ủng hộ Pháp Luân Công:
“Có rất nhiều báo cáo cho biết các học viên Pháp Luân Công đã bị tra tấn đến chết trong tù và thậm chí bị đối xử kỳ thị có hệ thống trong cả cuộc sống riêng của họ. Nếu phong trào Pháp Luân Công xuất hiện trên các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát, họ sẽ luôn bị vu khống là một ‘Tổ chức tội phạm’. Có hẳn một cơ quan an ninh đặc biệt được thành lập để thực hiện cuộc bức hại [Pháp Luân Công], Phòng 610, chuyên phụ trách các vụ bắt giữ, giam giữ, tra tấn đến chết, thậm chí là thu hoạch nội tạng. Vậy mà cuộc bức hại này lại ít được báo chí phương Tây đưa tin.”
“Nghị viện Châu Âu đã nhiều lần thảo luận công khai về tình hình ở Trung Quốc, trong một nghị quyết được thông qua vào ngày 18 tháng 1 năm 2024, cơ quan này kêu gọi chính phủ Trung Quốc chấm dứt ngay cuộc bức hại Pháp Luân Công. Nghị quyết cũng đề cập đến các cuộc thảo luận về điều kiện y tế cho việc cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc, điều đã khiến tôi quan ngại sâu sắc. Theo nghị quyết này, chính phủ Đức nên nêu [vấn đề này] trong quan hệ với Trung Quốc.”
“Tôi kêu gọi chính phủ liên bang bắt tay vào giải quyết vấn đề này! Trong 75 năm qua, Luật Cơ bản [của Đức] đã là một hướng dẫn đáng tin cậy để giải quyết những vấn đề này, và tự do tôn giáo là một trong những nền tảng để xây dựng xã hội tự do của chúng ta. Những giá trị này cũng rất đáng được phát huy ở Trung Quốc, đặc biệt là khi nền kinh tế Trung Quốc và Đức có mối liên kết chặt chẽ và chính phủ hai bên đã duy trì đối thoại sâu trong nhiều năm.”
“Ngày 20 tháng 7 nhắc nhở chúng ta rằng tự do tín ngưỡng không phải là điều chúng ta có thể coi là đương nhiên. Vì truyền thống dân chủ nên chúng ta đã quen với điều đó. Coi trọng sự khoan dung chính là biểu hiện của một xã hội tự do.”
Tự do tín ngưỡng là nền tảng của mọi xã hội tự do
Ông Oliver Stirböck, MSP của bang Hesse
Ông Oliver Stirböck, MSP và lãnh đạo nhóm FDP tại Quốc hội bang Hesse, đã gửi thông điệp tới cuộc mít-tinh ở Frankfurt.
Nhà lập pháp bang viết: “Đối với chúng tôi, phẩm giá con người, đặc biệt là quyền tự do tín ngưỡng, thế giới quan và lương tâm, là nền tảng của mọi xã hội tự do, và [để có] thế giới tự do thì phải yêu cầu điều này ở Trung Quốc và trên toàn thế giới. Việc bán đứng nhân quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Đài Loan không thể trở thành cái giá phải trả cho sự hợp tác kinh tế.”
Thay mặt FDP, ông bày tỏ sự ủng hộ đối với những nỗ lực bền bỉ của Pháp Luân Công trong khi phản đối cuộc bức hại, đồng thời ông chúc các học viên Pháp Luân Công thành công, vững mạnh và thu hút được sự chú ý trong cuộc đấu tranh vì quyền tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng. Ông tuyên bố, “Là một đối tác cứng rắn, FDP sẽ sát cánh cùng tất cả những người đấu tranh cho tự do, pháp quyền và dân chủ.”
Nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ thật kinh hoàng
Tiến sỹ Marcus Optendrenk, MSP và là Bộ trưởng Bộ Tài chính bang North Rhine-Westphalia
Tiến sỹ Marcus Optendrenk, MSP, đã viết trong thư ủng hộ của mình: “75 năm trước, Luật Cơ bản của Đức có hiệu lực, đánh dấu sự ra đời của Cộng hòa Liên bang Đức. Bằng một tuyên bố rõ ràng ‘Không bao giờ xảy ra nữa’, nó đã đáp trả lại chương đen tối và thảm khốc nhất trong lịch sử của chúng ta.”
“Kể từ đó, chúng ta được sống trong hòa bình, tự do và thịnh vượng. Hòa bình và tự do là tương hỗ lẫn nhau. Không có hòa bình thì không có tự do, và không có tự do thì không có hòa bình. Chỉ khi chúng ta bảo vệ được dân chủ, dân chủ sẽ có tự do, có tự do thì mới vững mạnh.”
“Theo Điều 4 và Điều 5 của Luật Cơ bản, tự do bao gồm quyền tự do tôn giáo và tự do ngôn luận. Đây là những quyền cơ bản của con người và người dân trên toàn thế giới, trong đó có người dân Trung Quốc, phải được hưởng những quyền này.”
“25 năm trước, [ĐCSTQ] Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Giang Trạch Dân đã bắt đầu bức hại một cách có hệ thống các học viên Pháp Luân Công. Gần 100 triệu người đã và đang sống trong nguy cơ bị hệ thống ĐCSTQ cầm tù, tra tấn và cưỡng bức lao động.”
“Những nhà độc tài và kẻ chuyên quyền coi dân chủ và tự do là mối đe dọa lớn nhất đối với sự cai trị của họ. Đó là lý do tại sao họ có lập trường cứng rắn và không ngừng có những hành động tàn bạo chống lại dân chủ và tự do.”
“Tôi đặc biệt kinh hoàng trước nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng một cách có hệ thống. Để đảm bảo các bệnh viện có thể cung cấp nội tạng, giới lãnh đạo Trung Quốc chỉ có thể sử dụng nội tạng của các tù nhân, chẳng hạn như các học viên Pháp Luân Công, để cấy ghép. Theo báo cáo, có đến hàng chục nghìn người đã bị tước đoạt quyền lợi theo cách dã man này. Ách nô lệ của ĐCSTQ đã khiến hàng triệu học viên Pháp Luân Công phải chịu đau khổ. Do vậy, điều đặc biệt quan trọng là phải công khai lên tiếng [phản đối] và nỗ lực ngăn chặn tội ác tàn bạo này.”
“Vào tháng 1 năm 2024, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết kêu gọi chính phủ Trung Quốc chấm dứt ngay cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công, đồng thời thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các học viên. Tôi hoàn toàn ủng hộ nghị quyết này.”
“Tôi xin chúc tất cả những người ủng hộ Pháp Luân Công tràn đầy sức khỏe và niềm tin rằng cuối cùng họ sẽ có cuộc sống tự do trong tương lai.”
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/7/26/480144.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/7/31/219312.html
Đăng ngày 02-08-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.