Bài viết của Anh Tử, phóng viên Minh Huệ tại Ottawa

[MINH HUỆ 22-07-2024] Mới đây, 46 Nghị sỹ Quốc hội (MP), Thượng Nghị sỹ và các nhà lập pháp cấp tỉnh bang ở Canada đã ký vào Tuyên bố chung. Họ lên án mạnh mẽ và kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chấm dứt cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công đã kéo dài 25 năm qua.

Các nghị sỹ liên đảng ở Canada đã ký Tuyên bố chung, bao gồm 40 Nghị sỹ đương nhiệm và 6 cựu Nghị sỹ. Các đồng chủ tịch của Hội những người bạn Nghị viện của Pháp Luân Công cũng đã gửi một video để ủng hộ các học viên Pháp Luân Công trong việc phản đối cuộc bức hại.

71dc9bdfd1220a2b713eb9d61f9e5413.jpg

46 Nghị sỹ liên bang, thượng nghị sỹ, và nhà lập pháp cấp tỉnh bang ở Canada đã ký Tuyên bố chung lên án cuộc bức 25 năm qua của ĐCSTQ.

Đồng Chủ tịch Hội Những người bạn Nghị viện của Pháp Luân Công: Mời tất cả các nghị sỹ ký Tuyên bố chung

Bà Judy Sgro, đồng chủ tịch Hội Những người bạn Nghị viện của Pháp Luân Công, đã gửi thư mời tất cả các Nghị sỹ liên bang ký vào bản tuyên bố. Trong thư, bà nêu rõ: Đây là cơ hội quan trọng cho chúng ta đoàn kết và thể hiện rõ lập trường của mình. Chúng ta phải ngay lập tức chấm dứt cuộc bức hại lâu dài đối với những học viên ôn hòa này.

Ông Garnett Genuis, một đồng chủ tịch khác của Hội Những người bạn Nghị viện của Pháp Luân Công và là nghị sỹ Đảng Bảo thủ, đã gửi một đoạn video lên án cuộc bức hại và ủng hộ nỗ lực phản bức hại suốt 25 năm qua của các học viên Pháp Luân Công.

Tuyên bố chung lên án mạnh mẽ hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc suốt 25 năm qua. Tuyên bố viết rằng Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp) là một môn tu luyện dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Từ ngày 20 tháng 7 năm 1999, ĐCSTQ đã phát động một cuộc diệt chủng tàn bạo và có hệ thống đối với Pháp Luân Công.

Tuyên bố có đoạn: “Từ tháng 7 năm 1999 đến nay, hàng triệu học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị bắt giữ và bỏ tù một cách tùy tiện mà không theo thủ tục tố tụng hợp pháp, nhiều người trong số đó đã bị tra tấn và thậm chí bị giết hại. Có ít nhất hàng nghìn người đã chết vì bị tra tấn và các hành vi ngược đãi khác trong thời gian bị giam giữ.”

Tuyên bố chung cho biết những hành động tàn bạo này đã được nhiều tổ chức nhân quyền, cơ quan chính phủ và Liên Hợp Quốc ghi lại. Trong báo cáo nhân quyền năm 2007 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có đề cập: “[Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tra tấn] ông Manfred Nowak đã báo cáo rằng các học viên Pháp Luân Công chiếm 66% tổng số nạn nhân bị cáo buộc tra tấn khi bị chính phủ giam giữ.”

Một báo cáo của tổ chức Freedom House (Ngôi nhà Tự do) năm 2017 cho thấy “các học viên Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc đã phải chịu sự giám sát rộng rãi, giam giữ tùy tiện, cầm tù và tra tấn, và họ có nguy cơ cao bị hành quyết một cách phi pháp”.

Trước đó, vào năm 2016, Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua Nghị quyết 343 (H. Nghị quyết 343) để bày tỏ quan ngại trước các báo cáo liên tục và đáng tin cậy về nạn thu hoạch nội tạng có hệ thống do nhà nước hậu thuẫn nhắm vào một số lượng lớn học viên Pháp Luân Công.

Năm 2019, một tòa án độc lập ở Anh, do Ngài Geoffrey Nice KC chủ trì, đã kết luận rằng “nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã diễn ra trong nhiều năm qua trên khắp Trung Quốc với quy mô khá lớn và các học viên Pháp Luân Công là một trong số nạn nhân – và có lẽ là nguồn cung nội tạng chính.” Tòa án này cũng xác nhận rằng các tội ác chống lại loài người đã được tiến hành nhắm vào các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Trong một thông cáo báo chí năm 2021, 12 chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc cùng tuyên bố rằng họ “cực kỳ quan ngại” trước những cáo buộc thu hoạch nội tạng nhắm vào các học viên Pháp Luân Công và những nhóm thiểu số khác ở Trung Quốc.

Vào tháng 1 năm 2024, Nghị viện Châu Âu đã thông qua Nghị quyết 2024/2504 (RSP), trong đó “mạnh mẽ hối thúc Trung Quốc lập tức chấm dứt cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công và các nhóm thiểu số khác, trong đó có người Duy Ngô Nhĩ và Phật tử Tây Tạng”, đồng thời “kêu gọi Trung Quốc chấm dứt việc giám sát, kiểm soát, và bức hại tự do tôn giáo ở trong nước cũng như xuyên quốc gia.”

Do đó, các Nghị sỹ kêu gọi ĐCSTQ tôn trọng các chuẩn mực quốc tế và nghĩa vụ pháp lý, bao gồm cả Công ước Chống Tra tấn của Liên Hợp Quốc mà Trung Quốc đã ký và lập tức chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công đã kéo dài 25 năm ở Trung Quốc, cũng như trả tự do vô điều kiện cho tất cả các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ phi pháp và các tù nhân lương tâm khác.

Đồng Chủ tịch Hội Những người bạn Nghị viện của Pháp Luân Công: Mong chờ ngày người dân Trung Quốc thực sự được tự do

Nghị sỹ Garnett Genuis, đồng chủ tịch Hội Những người bạn Nghị viện của Pháp Luân Công, cho biết: “Pháp Luân Công hay Pháp Luân Đại Pháp là môn tu luyện thiền định phát huy những đức tính cao quý Chân-Thiện-Nhẫn. ĐCSTQ đã tìm cách tiêu diệt Pháp Luân Đại Pháp thông qua những thủ đoạn tàn bạo đã được ghi chép rõ ràng, bao gồm cả việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống.”

“Từ khi được bầu vào năm 2015 đến nay, tôi rất vinh hạnh được hợp tác với cộng đồng Pháp Luân Công. Chúng tôi đã thông qua dự luật cấm người Canada đồng lõa với nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Chúng tôi đã đấu tranh để Canada có những biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn trước sự can thiệp của nước ngoài.”

“Và tôi đã gửi hàng trăm kiến ​​nghị lên Hạ viện để thu hút sự lưu ý đến cuộc bức hại Pháp Luân Công. Chúng tôi cũng đã nỗ lực thành lập một liên minh quy tụ các học viên Pháp Luân Công, Phật tử Tây Tạng, người Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ, người theo đạo Cơ đốc, người Đài Loan, các thành viên của phong trào dân chủ anh hùng Trung Quốc, cũng như các nạn nhân của sự gây hấn và can thiệp của ĐCSTQ ở nước ngoài. Ở mọi lúc, mọi nơi, Canada phải luôn tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ công lý, nhân quyền, dân chủ và tự do.

“Tôi mong chờ đến ngày mà tất cả những người dân vĩ đại của Trung Quốc thực sự được tự do. Canada sẽ luôn sát cánh cùng họ và ủng hộ tự do.”

Liên minh toàn cầu kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại

Bà Grace Wollensak, người phát ngôn của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi rất biết ơn những chính trị gia đã ký để lên tiếng cho những người không có tiếng nói và đem đến hy vọng cho những người vẫn đang chịu đau khổ ở Trung Quốc.”

Bà nói tiếp: “Tuyên bố chung nói rõ với ĐCSTQ rằng các quốc gia tự do không dung thứ cho hành vi man rợ này của họ”.

Gần đây, các Nghị sỹ ở nhiều nước trên khắp thế giới đã theo dõi và ký Tuyên bố chung này. Bà Wollensak cho biết: “Chúng tôi chỉ mới bắt đầu chiến dịch toàn cầu này. Chúng tôi sẽ tiếp tục thu thập chữ ký và hy vọng sẽ có thêm nhiều Nghị sỹ, quan chức dân cử và những người khác tham gia lời kêu gọi tầm quốc tế này để chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công.”

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/7/22/479969.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/7/26/219223.html

Đăng ngày 28-07-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share