Bài viết của Anh Tử, phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 28-07-2024] Tính đến khoảng cuối tháng 7 năm 2024, có hơn 130 nhà lập pháp từ 15 quốc gia đã kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công 25 năm qua.
Tính đến ngày 20 tháng 7 năm 2024, cuộc đàn áp và bức hại phi pháp của ĐCSTQ nhắm vào Pháp Luân Công đã diễn ra 25 năm. Tổ chức phi lợi nhuận “Những người bạn của Pháp Luân Công” đã ban hành một tuyên bố chung công khai lên án cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với môn tu luyện này và kêu gọi chấm dứt các hành động tàn bạo. Đến hôm nay, đã có hơn 130 nhà lập pháp từ 15 quốc gia đã ký vào tuyên bố chung xuyên quốc gia này. Ông Alan Adler, Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Những người bạn của Pháp Luân Công, cho biết sáng kiến này chỉ là bước khởi đầu và sẽ còn tiếp tục.
Các học viên tổ chức đại lễ diễu hành ở Khu phố Tàu của Manhattan ở New York ngày 10 tháng 7 năm 2024 để đánh dấu 25 năm cuộc bức hại.
Tuyên bố chung lên án ĐCSTQ về tội ác chống lại loài người
Trong tuyên bố chung, các nghị sỹ “lên án mạnh mẽ các vi phạm nhân quyền suốt 25 năm qua mà nạn nhân là các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc.” Họ kêu gọi chính quyềnTrung Quốc “lập tức chấm dứt” cuộc bức hại và “trả tự do vô điều kiện cho tất cả các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ và các tù nhân lương tâm khác.”
“Chúng tôi hiểu rằng Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) là một môn tu luyện thiền định dựa trên nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn. Ngày 20 tháng 7 năm 2024 đánh dấu 25 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động chiến dịch đàn áp có hệ thống và tàn bạo hòng “xóa sổ” Pháp Luân Công.
“Kể từ tháng 7 năm 1999, hàng triệu học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc đã bị bắt giữ và bỏ tù tùy tiện mà không qua xét xử, trong đó nhiều người đã bị tra tấn, thậm chí bị giết. Ít nhất, hàng nghìn người đã chết do bị tra tấn và các hình thức ngược đãi khác trong thời gian bị cảnh sát giam giữ.”
Những hành vi tàn bạo này đã được ghi chép đầy đủ trong báo cáo của các tổ chức nhân quyền, các cơ quan chính phủ và Liên Hợp Quốc. Báo cáo Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2007 nêu rõ, “[Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Tra tấn] Manfred Nowak đã báo cáo rằng các học viên Pháp Luân Công chiếm 66% số nạn nhân được cho là bị tra tấn trong thời gian bị chính quyền giam giữ.”
Năm 2016, Quốc hội Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua nghị quyết H.Res. 343 để bày tỏ quan ngại về các báo cáo liên tục và đáng tin cậy về nạn thu hoạch nội tạng có hệ thống, được nhà nước hậu thuẫn nhắm vào số lượng lớn các học viên Pháp Luân Công.
Năm 2019, một Tòa án độc lập tại Vương quốc Anh do Ngài Geoffrey Nice KC làm chủ tọa đã kết luận rằng, “nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã diễn ra trong nhiều năm trên khắp Trung Quốc với quy mô lớn, và các học viên Pháp Luân Công là một nguồn cung cấp nội tạng – và có lẽ là nguồn chính.” Tòa án cũng xác định rằng tội ác [mà chính quyền Trung Quốc] phạm phải với các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc là tội ác chống lại loài người.
Tháng 1 năm 2024, Nghị viện Châu Âu đã thông qua nghị quyết 2024/2504 (RSP), trong đó “Yêu cầu mạnh mẽ CHND Trung Hoa lập tức chấm dứt cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công và các nhóm thiểu số khác…; Kêu gọi CHND Trung Hoa chấm dứt giám sát và kiểm soát trong nước và xuyên quốc gia cũng như bức hại quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng.”
Do đó, chúng tôi kêu gọi chính phủ Trung Quốc tôn trọng các chuẩn mực và nghĩa vụ pháp lý quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn mà Trung Quốc đã ký kết, và lập tức chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công kéo dài 25 năm tại Trung Quốc, và trả tự do vô điều kiện cho tất cả các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ và các tù nhân lương tâm khác.
Ngày 26 tháng 6 năm 2024, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2023, trong đó có 58 lần nhắc đến Pháp Luân Công. Báo cáo trích dẫn thông tin từ Minh Huệ rằng 188 học viên đã tử vong vì bị bức hại vào năm 2023. Ngoại trưởng Anthony Blinken cho rằng cần phải nỗ lực hơn nữa để chấm dứt tình trạng tàn bạo ở Trung Quốc. Ông cũng cho biết: “Chúng tôi nỗ lực không ngừng để đảm bảo cho những người đang bị giam giữ vì thực hiện quyền tự do tôn giáo trên toàn cầu.”
Ngày 25 tháng 6 năm 2024, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Dự luật “Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công”. Trước đó, Hạ viện Hoa Kỳ đã năm lần thông qua các nghị quyết yêu cầu chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Thế giới lên án tội ác chống lại loài người của ĐCSTQ
Ông Alan Adler, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận, cho biết trong một tuyên bố rằng tổ chức này đang “tài trợ cho chiến dịch này để giúp khuếch đại tiếng nói của những người muốn chấm dứt cuộc bức hại bất công này.”
“Với những chữ ký này, chúng ta cho thấy rằng mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể tìm cách phạm tội trong bóng tối, nhưng sự thật đã bị đưa ra ánh sáng”, ông Adler cho biết. “Các thành viên xuất sắc của cộng đồng quốc tế đang hợp lực để lên án những tội ác chống lại loài người này, và cùng nhau chúng ta sẽ khôi phục lại tự do và công lý cho một nhóm tín đồ tâm linh bị xâm hại một cách oan uổng.”
Liên minh Liên Nghị viện về Trung Quốc ban hành một tuyên bố lên án cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ.
Ngày 20 tháng 7 năm 2024, Liên minh Liên Nghị viện về Trung Quốc (The Inter-Parliamentary Alliance on China) cũng đã ban hành một tuyên bố lên án cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Tuyên bố có đoạn: “Hôm nay đánh dấu 25 năm diễn ra cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công của chính phủ Trung Quốc – một phần tư thế kỷ thống khổ đằng đẵng và sâu sắc.”
“Hàng trăm nghìn học viên Pháp Luân Công đã bị cầm tù, trong khi vẫn chưa xác định được số người bị tra tấn dưới nhiều hình thức khắc nghiệt nhất, hơn nữa còn có các báo cáo đáng tin cậy rộng rãi về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng do nhà nước bảo trợ.”
“Chúng tôi cùng với nhiều nhóm và cá nhân lên án việc tước đoạt các quyền cơ bản theo Điều 18 đối với các học viên Pháp Luân Công, cũng như các nhóm thiểu số Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Phật tử Tây Tạng, và những người khác không được hưởng quyền tự do tư tưởng, lương tâm hoặc tôn giáo ở Trung Quốc đương đại.”
“Không một nhóm thiểu số nào, cho dù theo tín ngưỡng nào, có thể bị tước bỏ các quyền cơ bản. Chúng tôi kêu gọi chính phủ của chúng tôi yêu cầu Bắc Kinh lập tức chấm dứt bức hại các nhóm tôn giáo tín ngưỡng thiểu số và tôn trọng Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà Trung Quốc là một bên ký kết.”
Ông Matthew Miller, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đăng tuyên bố ủng hộ Pháp Luân Công trên X.
Cùng ngày, ông Matthew Miller, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đăng trên X: “Hôm nay, chúng tôi ghi dấu 25 năm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bức hại các học viên của phong trào tâm linh Pháp Luân Công. Chúng tôi kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và trả tự do cho tất cả những người đang bị giam giữ vì đức tin của họ.”
Cùng thời điểm đó, vào tháng 7, hơn 20 nhà lập pháp Hoa Kỳ đã gửi thư hoặc video để bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc kháng nghị ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công nhằm phản đối cuộc bức hại tàn bạo của ĐCSTQ. Họ cho rằng Hoa Kỳ phải lãnh trách nhiệm truy cứu trách nhiệm của ĐCSTQ về những tội ác này.
Ủy viên Cấp cao Raja Krishnamoorthi (bên trái) và Hạ nghị sỹ Đảng Dân chủ Haley Stevens của Ủy ban Hạ viện Chuyên trách về Cạnh tranh Chiến lược giữa Hoa Kỳ và Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngày 20 tháng 7, Ủy viên cấp cao Raja Krishnamoorthi (Đảng Dân chủ đại diện bang Illinoi) và Hạ nghị sỹ Haley Stevens (Đảng Dân chủ đại diện bang Michigan) của Ủy ban Hạ viện Chuyên trách về Cạnh tranh Chiến lược giữa Hoa Kỳ và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành tuyên bố sau đây nhân dịp kỷ niệm 25 năm cuộc bức hại Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
“Cuối tuần này đánh dấu một phần tư thế kỷ kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu cuộc bức hại những người tập Pháp Luân Công. Trong khi phải đối mặt với việc bị giam cầm, tra tấn và giết hại chỉ vì thực hành đức tin của mình, các học viên Pháp Luân Công đã gặp phải sự bức hại này của ĐCSTQ thông qua sự phản kháng ôn hòa”, Thành viên cấp cao Krishnamoorthi và Dân biểu Stevens cho biết. “Là người Mỹ, cam kết của chúng tôi đối với quyền tự do tôn giáo và nhân quyền tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) và trên toàn thế giới là không lay chuyển. Chúng ta phải tiếp tục lên án một cách rõ ràng cách ĐCSTQ đối xử với các học viên Pháp Luân Công trong khi sát cánh cùng cộng đồng của họ và tất cả những người khác đang phải đối mặt với sự bức hại tôn giáo tại PRC.”
Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Todd Young đã gửi một video để bày tỏ sự ủng hộ của mình. Ông nói trong video của mình: “Tôi tin chắc rằng quốc gia chúng ta có nghĩa vụ đạo đức là phải duy trì và bảo vệ các quyền cơ bản của con người, cả trong nước và quốc tế. Những điều này bao gồm việc buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về những hành vi lạm dụng và tàn bạo của họ, đảm bảo những hành động này không tiếp tục không được kiểm soát và khuyến khích các quốc gia trên toàn thế giới theo đuổi tự do và công lý.”
French Hill, thành viên Hạ viện Arkansas, phát biểu trong video của mình: “Đã đến lúc người dân và các quốc gia yêu chuộng tự do cùng chí hướng tại Hoa Kỳ giải quyết vấn đề khủng khiếp này thông qua luật pháp và chấm dứt không chỉ hành vi vô nhân đạo này mà còn lên tiếng phản đối sự hung hăng ngày càng gia tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Thư ủng hộ của Thượng nghị sỹ Ted Cruz
Thượng nghị sỹ Ted Cruz đã viết trong thư ủng hộ của mình: “Chúng ta có trách nhiệm đứng lên bảo vệ những người đang đau khổ ở Trung Quốc và lên tiếng. Nhiệm vụ của Hoa Kỳ, với tư cách là quốc gia lãnh đạo thế giới tự do, là bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do thực hành tôn giáo mà không bị cản trở. Chúng ta phải lên án cuộc bức hại của ĐCSTQ và buộc họ phải chịu trách nhiệm. Tôi kiên quyết lên án cách đối xử của Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công và tôi tự hào được sát cánh cùng các bạn.”
Vào ngày 20 tháng 7, 8 nghị sỹ Đan Mạch, nghị sỹ dự khuyết và cựu nghị sỹ đã ký vào “Tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công kéo dài 25 năm tại Trung Quốc” do FOFG khởi xướng.
Hàng đầu từ trái sang: Jan E. Jørgensen, đại biểu quốc hội của Đảng Tự do Đan Mạch (Đảng cầm quyền trước đây); Søren Espersen, đại biểu quốc hội của Đảng Dân chủ Đan Mạch, cựu Phó Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Ủy ban Tôn giáo Quốc hội; Kenneth Fredslund Petersen, đại biểu quốc hội của Đảng Dân chủ Đan Mạch; Hans Kristian Skibby, đại biểu quốc hội của Đảng Dân chủ Đan Mạch và Chủ tịch Ủy ban Môi trường và Thực phẩm của Quốc hội
Hàng thứ hai từ trái sang: Per Larsen, đại biểu quốc hội của Đảng Bảo thủ Đan Mạch; Runa Friis Hansen, đại biểu quốc hội thay thế của Liên minh Đỏ-Xanh; Morten Messerschmidt, đại biểu quốc hội của Đảng Nhân dân Đan Mạch, chủ tịch Đảng Nhân dân, cựu đại biểu quốc hội của Nghị viện Châu Âu, đồng chủ tịch Đan Mạch của IPAC (Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc); Kenneth Kristensen Berth, cựu đại biểu quốc hội của Đảng Nhân dân Đan Mạch, tổng thư ký của Đảng Nhân dân
Chân-Thiện-Nhẫn sẽ chiến thắng
Đại biểu quốc hội Canada Michael Cooper đã phát biểu tại cuộc mít-tinh ở Edmonton vào ngày 20 tháng 7 năm nay: “Chúng ta không thể lơ là cảnh giác hoặc im lặng trước sự bức hại. Chúng ta phải lên tiếng, vạch trần những hành động tàn bạo này, các học viên Pháp Luân Công đã trở thành mục tiêu bức hại vì bảo vệ Chân-Thiện-Nhẫn, nhưng những nguyên tắc như vậy hoàn toàn trái ngược với chính quyền toàn trị Bắc Kinh độc ác.
“Hôm nay, ngày 20 tháng 7 là một ngày đen tối nhưng vẫn còn hy vọng vì đây là cuộc chiến giữa thiện và ác. Chúng ta đối mặt với chế độ chính trị cộng sản độc ác và Pháp Luân Đại Pháp đại diện cho lòng tốt. Tôi tin rằng, Chân-Thiện-Nhẫn cuối cùng sẽ chiến thắng.” Ông đã đăng một bức ảnh về sự tham dự của mình tại cuộc mít-tinh ở Edmonton trên X và viết: “Bất chấp sự tàn bạo của ĐCSTQ, Pháp Luân Công đã thể hiện sự kiên cường đáng kinh ngạc. Canada phải cùng các đồng minh để buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về tội ác diệt chủng của mình.”
Nghị sỹ Quốc hội Canada Michael Cooper đã tham dự một cuộc mít-tinh do các học viên tổ chức tại Edmonton.
Nghị sỹ Quốc hội Canada Garnett Genius đã cảm ơn các học viên Pháp Luân Công tại Canada vì sự lãnh đạo và khả năng phục hồi mà họ đã thể hiện. Ông cho biết, “Theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, các học viên Pháp Luân Công đã lãnh đạo nhiều liên minh để thúc đẩy nhân quyền trên toàn cầu. Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó, công dân Trung Quốc vĩ đại có thể thực sự đạt được tự do, Canada sẽ mãi mãi ủng hộ họ, ủng hộ tự do.”
Miriam Lexmann, Nghị sỹ EU, đăng bài trên mạng xã hội lên án cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ.
Miriam Lexmann, Nghị sỹ Nghị viện Châu Âu (MEP), đã đăng bài trên mạng xã hội, lên án mạnh mẽ hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ và yêu cầu Đảng này ngay lập tức thả tất cả các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ bất hợp pháp.
Bà viết, “Không ai nên bị bức hại vì đức tin và tín ngưỡng của họ. ĐCSTQ phải chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công và phải chịu trách nhiệm về tội ác vô nhân đạo là cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Ông Đinh Nguyên Đức và tất cả các học viên phải được trả tự do.”
Một thành viên khác của EU Engin Eroglu đã đăng trên X: “Hôm nay đánh dấu kỷ niệm 25 năm ngày bắt đầu cuộc bức hại tàn bạo của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công. Chúng ta hãy tưởng nhớ tất cả những người ở Trung Quốc đã bị tước quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.”
Hai mươi hai quan chức và chức sắc người Đức đã bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với những nỗ lực của các học viên nhằm vạch trần cuộc bức hại của ĐCSTQ.
Hai mươi hai quan chức và chức sắc người Đức, bao gồm các thành viên của Nghị viện châu Âu, quốc hội liên bang và quốc hội tiểu bang, cùng với các ủy viên hội đồng thành phố, đã gửi thư, nhận phỏng vấn hoặc phát biểu tại cuộc mít-tinh của các học viên để bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với những nỗ lực của các học viên nhằm vạch trần cuộc bức hại.
Nadine Ruf, người phát ngôn của SPD tại Tiểu ban về Sự tham gia của công dân và là thành viên của Ủy ban Gia đình, Người cao tuổi, Phụ nữ và Thanh niên đã viết trong lá thư ủng hộ gửi đến các học viên: “Vào ngày kỷ niệm các học viên Pháp Luân Công phản đối cuộc bức hại vào ngày 20 tháng 7 năm 2024, tôi muốn thu hút sự chú ý đến cuộc bức hại Pháp Luân Công của Trung Quốc.
“Các giá trị cơ bản của Pháp Luân Công là Chân-Thiện-Nhẫn, đây là những giá trị phổ quát của nhân loại và nên được những người tin tưởng vững chắc vào nhân phẩm và tự do ủng hộ. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đối với các học viên Pháp Luân Công vì lòng dũng cảm của họ trong việc duy trì các giá trị của mình bất chấp nhiều năm bị giam cầm, tra tấn, bức hại và đe dọa tử vong.”
Tại một cuộc biểu tình ở Sydney vào ngày 18 tháng 7, Thượng nghị sỹ liên bang David Shoebridge cho biết đã đến lúc phải xem xét liệu chính phủ Úc đã làm đủ để tăng cường luật pháp của mình hay chưa, “để đảm bảo rằng không ai đến từ Trung Quốc hoặc bất kỳ chế độ nào khác và tham gia vào việc thu hoạch nội tạng phi đạo đức.”
David Limbrick, một thành viên của Quốc hội tiểu bang Victoria tại Úc, đã gọi lễ kỷ niệm 25 năm là “một ngày truyền cảm hứng” trong tuyên bố của mình.
“Đảng Tự do tin rằng cần phải làm nhiều hơn nữa, được các chính phủ trên khắp thế giới thực hiện để công nhận lịch sử áp bức này và bảo vệ quyền tự do và đức tin [của các học viên Pháp Luân Công]”, ông nói.
Thành viên Thượng viện Nhật Bản Hiroshi Yamada gọi cuộc bức hại của ĐCSTQ là “man rợ và vô nhân đạo” trong một tuyên bố. Ông nói rằng Tokyo nên “nộp đơn phản đối mạnh mẽ” với Bắc Kinh về cuộc bức hại này.
Hung Chien-yi, thành viên hội đồng thành phố Đài Bắc, đã kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng trong một cuộc mít-tinh ở Đài Bắc vào ngày 20 tháng 6, nói rằng “nhân quyền là giá trị phổ quát.”
Thành viên Viện Quý tộc Anh, Nữ Nam tước Cox cho biết trong một tuyên bố: “Không chính phủ nào được giết bất kỳ công dân nào của mình chỉ vì đức tin của họ. Điều này là không thể chấp nhận được trong thế giới ngày nay.”
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/7/28/480212.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/7/29/219272.html
Đăng ngày 30-07-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.