Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
[MINH HUỆ 03-04-2024] Ngày 26 tháng 3 năm 2024, một cư dân 54 tuổi ở thành phố Giao Hà, tỉnh Cát Lâm, được tại ngoại sau hơn một tháng bị tạm giam vì đức tin vào Pháp Luân Công, pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.
Khoảng 6 giờ chiều ngày 5 tháng 2 năm 2024, 4 ngày trước Tết Cổ truyền, bà Tôn Ngọc Anh bị 3 cảnh sát (trong đó một người tên là Vạn Phúc Kiến) từ Đồn Công an đường Dân Chủ bắt tại nhà. Họ lục soát nhà bà, sau đó đưa bà đến đồn công an. Hai ngày sau, họ chuyển bà đến một Trại tạm giam địa phương, ban đầu nơi này từ chối tiếp nhận, nhưng sau đó đã nhượng bộ sau khi bị cảnh sát gây áp lực.
Ngày 29 tháng 2 năm 2024, bà Tôn bị chuyển đến trại tạm giam Thành phố Cát Lâm. Cảnh sát Vạn và La Ninh thẩm vấn bà ở đó vài ngày sau đó.
Ngày 22 tháng 3 năm 2024, một nhân viên của Viện Kiểm sát Thành phố Giao Hà thẩm vấn bà Tôn tại trại tạm giam. Bà từ chối nhận tội vì tu luyện Pháp Luân Công, nên ông ta đe dọa con trai bà có thể bị liên lụy, và anh có thể bị mất việc, nhưng bà vẫn kiên định với đức tin của mình.
Con trai của bà từ vùng khác về để ăn Tết Cổ truyền, và chứng kiến ông bà nội đau buồn trước vụ bắt giữ của mẹ mình. Bố anh không biết nấu ăn, nên họ hàng giúp nấu mâm cơm giao thừa.
Trong khi bà Tôn đang bị giam giữ, cảnh sát thẩm vấn những người làng, hy vọng thu thập được bằng chứng chống lại bà. Tuy nhiên, những gì họ nghe được là sự khen ngợi dành cho bà. Dân làng khai với cảnh sát rằng vì chồng và con trai của bà đều làm việc ở ngoài thị trấn, nên bà tự mình làm mọi công việc đồng áng và chăm sóc bố mẹ chồng rất chu đáo.
Cảnh sát cũng hỏi bố mẹ chồng của bà Tôn. Cặp vợ chồng già cho biết bà đối xử với họ còn tốt hơn cả con gái họ. Họ không thể ngừng khóc mỗi khi nghĩ đến việc có thể sẽ không bao giờ gặp lại bà nếu bà bị bỏ tù vì đức tin của mình, vì họ đã cao tuổi.
Chiều ngày 26 tháng 3 năm 2024, sau khi nhận được phản hồi của người dân địa phương, 2 cảnh sát, trong đó có Vạn, đã đón bà Tôn từ trại tạm giam và đưa bà về đồn công an của họ. Gia đình đã điền một số giấy tờ ở đó, và bà được tại ngoại vào đêm hôm đó.
Đây không phải là lần đầu tiên bà Tôn bị nhắm đến vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà cho biết môn tu luyện đã chữa khỏi chứng loãng xương thắt lưng, và biến bà thành một người tốt hơn.
Bức hại lần đầu (1999-2002)
Tháng 7 năm 2000, bà Tôn quyết định đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, nhưng bị Vương Xuân Phúc (phó bí thư thị trấn Tân Nông) và một số cảnh sát từ Đồn Công an Thị trấn Tân Nông chặn tại ga xe lửa địa phương. Họ đưa bà đến chính quyền thị trấn Tân Nông, và phạt bà 3.000 Nhân dân tệ. Sau khi giữ bà ở đó vài ngày, họ đưa bà đến trại tạm giam Thành phố Giao Hà, nơi bà bị giam thêm 15 ngày. Sau khi bà được thả, các cảnh sát Trịnh Ngọc Công và Ngô Quân từ Công an thị trấn Tân Nông thường lục soát nhà bà để tìm sách Pháp Luân Công, và sách nhiễu bà tại các sự kiện chính trị lớn hoặc các ngày kỷ niệm liên quan đến Pháp Luân Công.
Mùa xuân năm 2001, Phòng 610 Thành phố Giao Hà tổ chức một khóa tẩy não tại Khách sạn Long Thăng ở địa phương. Bà Tôn bị lừa đến đó, và bị giam trong một khoảng thời gian không xác định.
Đêm ngày 28 tháng 11 năm 2001, Sở Công an Thành phố Giao Hà ra lệnh bắt giữ hàng loạt các học viên Pháp Luân Công địa phương. Bà Tôn bị cảnh sát Vân Hiến Ba và Trịnh từ Đồn Công an thị trấn Tân Nông bắt giữ tại nhà. Họ còng tay bà vào một trụ bóng rổ trong sân của đồn cảnh sát trong hơn 2 giờ đồng hồ, khi nhiệt độ là -30°C (-22oF). Sau khi đưa bà vào trong, họ còng tay bà vào nhà vệ sinh. Bà đã tháo được còng tay và trốn thoát khỏi đồn công an.
Sau đó, cảnh sát đột nhập vào nhà bà nhiều lần và bố trí người bên ngoài để cố bắt bà.
Tháng 8 năm 2002, Vương Khánh Hải, phó Chủ tịch thị trấn Tân Nông, và cảnh sát Trịnh đi hơn 450km đến thành phố Hồn Xuân (cũng thuộc tỉnh Cát Lâm) để cố gắng bắt bà Tôn, lúc đó đang làm những việc vặt ở đó. Tuy nhiên, họ không tìm thấy bà.
Sau khi trở về Giao Hà, Vương và Trịnh đã nhiều lần sách nhiễu bố mẹ chồng của bà Tôn, những người sống cùng gia đình bà. Mỗi lần cảnh sát xuất hiện, bố chồng bà đều khóc và mẹ chồng bà lại bị tái phát bệnh tim. Chồng bà Tôn căng thẳng đến mức tóc ông bạc trắng ở tuổi ngoài 30. Con trai của họ cũng bị tổn thương sâu sắc.
Hai lần giam giữ tại trung tâm tẩy não (2008 và 2011)
Lúc 4 giờ sáng một ngày cuối tháng 8 năm 2008, Chủ tịch Chu Thư Ngạn của thị trấn Tân Nông, Hàn Vĩnh Dân từ Phòng Quản lý Tổng hợp, và trưởng Đồn Công an Thị trấn Tân Nông đập cửa nhà bà Tôn.
Bà từ chối cho họ vào, và họ gọi thêm khoảng 20 người đến vây quanh nhà bà. Khoảng hơn 10 giờ sáng ngày hôm đó, cảnh sát Quách Ngọc Bách dùng rìu đập vỡ cửa sổ và đột nhập vào. Họ đưa bà Tôn đến trung tâm tẩy não địa phương.
Cảnh sát ép mẹ bà Tôn và hai chị gái đến trung tâm tẩy não, và đe dọa bắt họ lao động cưỡng bức nếu bà không từ bỏ Pháp Luân Công. Mẹ của bà Tôn bị bệnh tim tái phát, và chỉ sau đó cảnh sát mới thả người phụ nữ lớn tuổi và hai cô con gái khác của bà đi. Bà Tôn bị giam giữ 5 ngày.
Lúc 5 giờ 20 phút chiều ngày 1 tháng 8 năm 2011, bà Tôn bị các cảnh sát Vương Căn, Trương Lợi, và Từ Văn Minh từ Đồn Công an Thị trấn Tân Nông bắt tại nơi thuê nhà. Cảnh sát đã theo dõi con trai bà, lúc đó là học sinh cuối cấp trung học, về nhà vào ngày hôm đó. Ngay khi cậu vừa mở cửa, cảnh sát đã xông vào. Sau đó, bà Tôn được biết cảnh sát đã đến trường của con trai bà và nhờ giáo viên chủ nhiệm nhận diện cậu bé trước khi theo cậu về nhà. Bà Tôn bị giam tại trung tâm tẩy não địa phương trong 9 ngày.
Sách nhiễu vào năm 2017
Khoảng 1 giờ chiều ngày 17 tháng 5 năm 2017, 3 cảnh sát từ Đồn Công an Thị trấn Tân Nông sách nhiễu bà Tôn tại nhà. Họ thẩm vấn bà về đơn kiện hình sự của bà đối với Giang Trạch Dân, cựu độc tài Trung Quốc, kẻ đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Bà từ chối trả lời câu hỏi của họ. Họ rời đi, nhưng quay lại sau 30 phút. Họ bí mật ghi âm và ghi hình bà. Sau khi phát hiện ra, bà xé giấy tờ mà họ đưa cho bà. Sau đó họ rời đi.
Sách nhiễu 2 lần trong 2 tháng vào năm 2021
Ngày 22 tháng 3 năm 2021, theo chỉ thị của Cao Đồng từ Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thị trấn Tân Nông, bí thư thôn Nam Hoàng Địa đã sách nhiễu bà Tôn tại nhà. Ông ta yêu cầu bà viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, và đe dọa sẽ làm liên lụy con trai bà nếu bà không tuân thủ. Tuy nhiên bà vẫn kiên định với đức tin của mình.
Chiều ngày 17 tháng 5 năm 2021, Cao cùng phó bí thư Đường và một người phụ nữ họ Từ xuất hiện tại nhà bà Tôn. Vì bà đang làm việc ngoài đồng, nên họ gọi chủ tịch ủy ban phụ nữ địa phương đến đưa họ ra đồng. Họ không thể tìm thấy bà ở đó, thay vào đó họ đe dọa chồng và bố chồng bà. Cao phàn nàn rằng ông ta đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ các học viên Pháp Luân Công bên ngoài Trung Quốc, lên án ông ta vì đã bức hại bà Tôn vào ngày 22 tháng 3 năm 2021.
Bị nhắm đến trong một vụ bắt giữ tập thể vào năm 2023
Ngày 27 tháng 10 năm 2023, 5 cảnh sát từ Đồn Công an đường Dân Chủ đột nhập vào nhà bà Tôn. Bà không ở nhà, nên họ bắt bố chồng bà phải gọi cho chồng bà. Cảnh sát nói với chồng bà rằng họ cần bà về nhà để xác minh một số chuyện.
Chồng bà cho biết không thể cho phép bà về nhà để bị bắt. Sau đó, cảnh sát yêu cầu được nói chuyện trực tiếp với bà Tôn. Bà từ chối. Khoảng 10 phút sau, cảnh sát ép bố chồng bà đưa họ ra đồng để tìm bà. Sau khi không tìm thấy bà, cảnh sát quay lại nhà bà và tịch thu tất cả sách Pháp Luân Công và một máy tính xách tay cũng như một ổ đĩa chứa ảnh và video đám cưới của con trai bà.
Khoảng 5 giờ chiều hôm đó, cảnh sát quay lại để xem bà Tôn đã về chưa. Chồng bà lúc này đang ở nhà và từ chối tiết lộ tung tích của bà. Cảnh sát rời đi. Sau đó bà Tôn được biết rằng hơn 30 học viên Pháp Luân Công ở địa phương (người già nhất ngoài 70 tuổi) đã bị bắt vào ngày hôm đó. Hầu như tất cả họ đều bị thẩm vấn bằng cách tra tấn. Một số người bị nhốt trong lồng, nơi họ không thể đứng hay ngồi xổm. Họ cũng bị cấm sử dụng nhà vệ sinh.
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/3/31/474752.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/4/3/216441.html
Đăng ngày 29-04-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.