Bài viết của một đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc đại lục

[MINH HUỆ 28-07-2023] Tôi là một công nhân làm việc ở mỏ than. Bầu trời ở khu mỏ nhuốm màu xám xịt, không khí tràn ngập mùi của than đá và sắt thép. Đôi lúc ngước nhìn lên bầu trời đêm và những ngôi sao mờ ảo, tôi không tự chủ mà tự hỏi những câu hỏi muôn thuở như: Tôi là ai? Tôi từ đâu đến? Tôi sẽ đi tới nơi nào?

1. Miệt mài tìm kiếm, cuối cùng đắc được Đại Pháp

Nơi thế gian hồng trần xoay vần, tôi đã trải qua sự chán chường, trầm luân và thống khổ. Đó là sự giày vò thống khổ khi không thể tìm ra chân lý, phương hướng và một chốn để trở về. Chứng kiến người người mỏi mệt với cát dặm bụi trường và sống một cuộc sống hối hả bận rộn trên thế gian này, tôi luôn cảm thấy mình với thế giới có chút gì đó lạc điệu, luôn cảm thấy mình đang chờ đợi và kiếm tìm một điều gì đó. Tôi cảm nhận sâu sắc sự ngắn ngủi và cái khổ của đời người và sự cô độc của sinh mệnh. Mỗi khi nhìn thấy những từ như “cố hương”, “quê nhà”, “chốn trở về”, trong lòng tôi không khỏi xúc động và bất giác rơi lệ.

Cứ mãi tìm kiếm trong mông lung, tạm ngừng rồi lại tìm. Tôi đọc các sách về văn học, triết học, nghệ thuật, v.v. Sau đó, tôi tìm hiểu trong Phật gia, Đạo gia và Cơ Đốc giáo, mong muốn tìm ra ý nghĩa của nhân sinh. Nhưng quanh quẩn mãi mà cuối cùng vẫn không được như ý nguyện.

Năm 1998, tôi tốt nghiệp đại học và bắt đầu đi làm với công việc là một công nhân khai khoáng. Một lần, tôi tình cờ nhìn thấy cuốn sách “Tinh Tấn Yếu Chỉ” ở trên kệ của một hiệu sách nhỏ. Lúc đó, tôi cảm giác đây không phải cuốn sách bình thường. Sau khi trở về và đọc hết cuốn sách, tôi mới biết trên gian này có Pháp Luân Công.

Vài ngày sau, tôi tìm được cuốn sách “Chuyển Pháp Luân”. Khi nhìn thấy ba chữ Chân Thiện Nhẫn, tâm tôi bỗng thông suốt, chính tại thời khắc ấy, tôi đã xác định và quyết tâm rồi. Tôi tự nhủ: “Cuối cùng đã tìm thấy rồi. Được rồi, mình sẽ trở thành một người như vậy và sẽ đi theo con đường này”.

Càng vui mừng hơn nữa là mẹ, chị gái và em gái tôi cũng lần lượt nhập Đạo đắc Pháp. Mẹ tôi đã ngoài 50 tuổi và một thân bệnh tật, nhưng sau khi học luyện được hơn một tháng ngắn ngủi, tất cả bệnh tật của bà đều biến mất và trở nên khỏe mạnh. Từ đó trở đi, gia đình bốn người chúng tôi hạnh phúc và vui sướng bước đi trên con đường tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

2. Đi tới Bắc Kinh lên tiếng cho Pháp Luân Đại Pháp và bị cầm tù oan sai

Khi chúng tôi vẫn còn đắm chìm trong niềm hạnh phúc và hân hoan khi vừa đắc Đại Pháp, ngờ đâu phong vân đột biến. Ngày 20 tháng 7 năm 1999, ác đảng Trung Cộng phát động cuộc bức hại điên cuồng nhắm vào Pháp Luân Đại Pháp. Ma nạn đột ngột ấp tới khiến chúng tôi bối rối, không biết làm thế nào cho phải. Ngoài cái tâm kiên định vào Đại Pháp thì nhất thời chúng tôi chưa biết phải làm gì.

Đến năm 2000, chúng tôi mới biết là nhiều đệ tử Đại Pháp đã đi đến Bắc Kinh để chứng thực Pháp. Tôi bàn bạc chuyện này với người nhà. Ban đầu, dự tính là chỉ có hai người là tôi và mẹ tôi đi Bắc Kinh. Lúc đó, con của chị gái tôi mới lên ba và em gái tôi thì vừa mới kết hôn. Hoàn cảnh gia đình không tiện để chúng tôi đi cùng nhau. Tuy nhiên, chị và em gái tôi lại vô cùng kiên định, quyết tâm đồng hành. Chúng tôi đều biết hành trình lần này là một chặng đường đầy hiểm ác, sẽ phải đối mặt với sinh tử; chuyến đi lần này mọi người sẽ bị phân ly, mỗi người một ngả.

Đêm đến, tôi nằm trên giường, nghĩ đến những người thân sắp sửa ly biệt, nghĩ đến ngôi nhà mà tôi sắp rời xa, nghĩ đến hàng nghìn hàng vạn đệ tử Đại Pháp không sợ cái chết mà đi tới Bắc Kinh duy hộ Pháp. Tâm tôi chất chứa nhiều cảm xúc lẫn lộn, bất giác nước mắt tôi cứ thế tuôn rơi trong đêm tối. Có một chút thương cảm, xen lẫn một chút lo âu và chua xót, nhưng nhiều hơn cả là sự kiên định của tôi đối với Pháp Luân Đại Pháp.

Ngày 21 tháng 7 năm 2000, chúng tôi nghĩ cách để vượt qua tầng tầng giám sát và phong tỏa của công an địa phương (lúc đó cảnh sát giám sát nhà chúng tôi 24/24), một nhà bốn đệ tử Đại Pháp chúng tôi không do dự bước vào hành trình tiến kinh hộ Pháp.

Sáng hôm sau, chúng tôi đến Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, cảm giác mọi thứ vẫn yên ả như bình thường, quảng trường chật kín tốp ba tốp năm du khách. Nhưng những du khách này đều không phải là người bình thường, họ là học viên Đại Pháp hoặc cảnh sát mặc thường phục. Có bảy, tám đồng tu đi cùng chúng tôi đến đây, chúng tôi không suy nghĩ nhiều mà đi thẳng đến trung tâm Quảng trường Thiên An Môn. Mẹ tôi giương một tấm biểu ngữ có dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp”, còn những người khác ngồi xếp bằng và luyện công.

Chưa đầy ba phút, cảnh sát từ mọi hướng chạy tới, theo sát là một chiếc xe cảnh sát, họ kéo và đẩy chúng tôi lên xe. Nhiều học viên Đại Pháp đã bị nhốt phi pháp trong xe cảnh sát. Chúng tôi không chút sợ hãi và còn vui mừng khi gặp được các đồng tu. Thêm nhiều đồng tu lần lượt bị đẩy lên xe và chẳng mấy chốc chiếc xe cảnh sát đã chật cứng.

Sau đó, chúng tôi bị đưa đến Đồn Công an Quảng trường Thiên An Môn. Đồn công an có một khoảnh sân sau không lớn cũng không nhỏ. Vừa bước vào sân thì, ôi, trong sân đã chật cứng các đệ tử Đại Pháp đang đứng ở đó rồi. Có đồng tu đã đến đây từ 4 hoặc 5 giờ sáng. Các đệ tử Đại Pháp từ khắp trời nam biển bắc gặp nhau thì đều tựa như người thân và không chút cảm giác xa lạ nào. Chúng tôi vui vẻ nói về hoàn cảnh của bản thân. Khi đói, mọi người chia sẻ cho nhau đồ ăn mà mỗi người mang theo.

Có đồng tu đến từ những vùng xa xôi như Đông Bắc và Phúc Kiến; có đồng tu đạp xe vài ngày hoặc đi bộ hơn một tháng để tránh bị kiểm tra. Tâm thuần tịnh, kiên định và vô tư của họ khiến cho mọi người ai nấy đều kính phục và cảm động rơi lệ. Chúng tôi cùng nhau đọc “Hồng Ngâm”. Hàng chục, hàng trăm đệ tử Đại Pháp cùng đồng thanh tụng, thanh âm chấn động cả trời xanh.

Đến trưa, khoảng sân nhỏ đã chật cứng đến không thể thêm người vào được nữa. Lúc này một chiếc xe buýt lớn đi tới. Chúng tôi bị đưa lên xe buýt và đi đến một nơi mà tôi không rõ là ở đâu và cũng không rõ phương hướng. Lúc này, tôi và người thân lạc nhau. Cảnh sát vũ trang ở trên xe đều trang bị súng. Có đồng tu hỏi: “Có phải họ đem chúng ta đi xử bắn hay không?” Tâm tôi kiên định và bình thản. Sau đó tôi mới biết rằng chúng tôi bị phân tới các trại tạm tạm giam ở nhiều quận, huyện khác nhau ở Bắc Kinh, bởi trại tạm giam và phòng công an ở khu nội thành Bắc Kinh đã chật cứng các đệ tử Đại Pháp tới trung tâm Bắc Kinh thỉnh nguyện.

Vài ngày sau, cảnh sát địa phương tìm được tôi và người thân đang bị phân đến các quận, huyện khác nhau, và bốn người chúng tôi bị đưa trở về địa phương rồi bị giam giữ phi pháp trong một trại tạm giam. Người của đơn vị công tác và cảnh sát đã đến nói chuyện với chúng tôi và yêu cầu chúng tôi từ bỏ tu luyện Đại Pháp. Chúng tôi giảng chân tướng và chứng thực Đại Pháp với họ.

Tình hình lúc đó, chỉ cần chúng tôi cúi đầu nhận sai và nói lời mềm mỏng thì sẽ được thả. Nhưng chúng tôi đều rất kiên định. Cuối cùng, cả bốn người trong gia đình chúng tôi đều bị bức hại và thân hãm lao tù. Tôi bị kết án oan sai ba năm tù, mẹ tôi bị kết án phi pháp bốn năm tù, chị gái và em gái tôi bị kết án phi pháp hai năm trong trại lao động.

Kể từ đó, một gia đình hạnh phúc đã bị phá nát và ly tán, xa cách chân trời góc bể. Trong gia đình chỉ còn lại người cha già lầm lũi, một thân một mình sống chật vật qua ngày. Cha tôi rất ít khi đi ra ngoài, nấu đồ ăn một lần sẽ chia thành nhiều bữa. Ông xem TV cả ngày lẫn đêm để giết thời gian. Cũng có người nói rằng cha tôi không thể chịu nổi đả kích và bị bệnh tâm thần. Tình cảnh bi thảm của cha tôi thật không thể tưởng tượng nổi. Khi cha đi thăm chúng tôi, ông phải đi đến nhiều nơi: từ nhà tù nam tới nhà tù nữ, rồi lại đến trại lao động. Khi thấy cha tôi cát bụi dặm trường, thân xác uể oải rãi rời, tôi nghẹn ngào không nói lên lời.

Chúng tôi bị lăng mạ, sỉ nhục và trải qua bức hại của tà ác trong ngục tối. Sau này, chúng tôi lần lượt mãn hạn án tù oan sai và trở về nhà. Mặc dù bốn người chúng tôi đã trải qua gian khổ, nhưng chính tín đối với Sư phụ và Đại Pháp vẫn không hề dao động. Trong thời gian bị bức hại nghiêm trọng, mẹ tôi đã bị cảnh sát trói hai tay treo lên và tra tấn trong nhiều giờ đồng hồ ở trong nhà tù nữ. Bây giờ hễ nhắc đến chuyện đó, mẹ tôi đều điềm nhiêm nói: “Tôi không thốt ra dù chỉ một tiếng”.

Mọi thứ đã trở lại trạng thái yên bình trước kia và chúng tôi lại sống cuộc sống bình thường như xưa và đi theo tiến trình Chính Pháp của Sư phụ. Trong cuộc sống riêng của mình, chúng tôi chứng thực Đại Pháp và cứu độ chúng sinh. Chị gái tôi đã ly hôn, em gái tôi và chồng không muốn bị đơn vị làm việc sách nhiễu nên cả hai xin nghỉ việc và chuyển tới tỉnh khác. Tôi kết hôn vào năm 2005, vợ tôi là người hiền hậu thiện lương và là người tốt hiếm có trong người thường.

3. Truyền bá chân tướng, lại bị bức hại

Khi nghe thấy đồng tu nói rằng các điểm sản xuất tài liệu mọc lên như hoa nở, chúng tôi quyết định không chờ đợi hay dựa dẫm mà sẽ tự cấp tự túc. Tôi và chị gái cùng thiết lập điểm tài liệu tại nhà và tương đối nắm vững kỹ thuật của các bước sản xuất. Sau khi tan làm, chúng tôi tranh thủ thời gian sản xuất tài liệu chân tướng, đôi khi làm tới tận đêm khuya. Tuy vất vả nhưng cũng rất mãn nguyện. Nhìn thấy những tập sách chân tướng tinh mỹ, đĩa CD và những tờ gấp chân tướng không ngừng được tạo ra, chúng tôi vui sướng ngập tràn. Mẹ tôi cũng đến phụ giúp, đóng bìa, phân loại, đóng bao, đóng gói. Cả nhà vô cùng bận bịu.

Đầu năm 2006, tà ác ở địa phương đã bắt cóc các học viên Đại Pháp trên diện rộng, tôi và chị gái cũng bị bắt và bức hại, bị kết án phi pháp với mức án nặng nề. Chị tôi bị kết án oan sai bảy năm tù, còn tôi thì năm năm tù.

Ở trong nhà tù nữ, chị gái tôi không thỏa hiệp với tà ác và bị bức hại thê thảm. Chị ấy bị tù nhân đánh đập và bị cấm ngủ hay sử dụng nhà vệ sinh. Cảnh sát đã ra lệnh cho tù nhân luân phiên canh gác và tra tấn chị, mỗi khi chị tôi đờ đẫn và nhắm mắt lại, tù nhân sẽ xô đẩy và đánh đập chị ấy. Trong ngục tối, cảnh sát cưỡng chế các học viên Đại Pháp lao động khổ sai từ sáng đến tối, chị tôi đã phải trải qua thống khổ và tra tấn suốt 7 năm trời.

Sau khi bị đưa đến nhà tù, tôi đã cùng các đồng tu phản bức hại và chứng thực Pháp. Chúng tôi tận sức để theo kịp hình thế của Chính Pháp, phổ biến “Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản” (Cửu Bình) và thuyết phục các tù nhân tam thoái (thoái xuất khỏi các tổ chức Đảng, Đoàn, Đội của Trung Cộng). Tôi và các đồng tu tìm được cơ hội để trao đổi khi đang trên đường đi ra ngoài lao động. Chúng tôi khích lệ, hỗ trợ lẫn nhau để tạo lập nên môi trường học Pháp và luyện công chung. Chúng tôi nghĩ cách để có được máy MP3 và MP4, đồng thời mở được kênh liên lạc với thế giới bên ngoài và có thể kịp thời đưa vào trong này kinh văn mới của Sư phụ.

Buổi tối, sau khi cửa đóng lại thì đèn trong phòng giam cũng tắt. Tôi lấy ra chiếc đèn pin nhỏ tự chế, trùm kín chăn và chép lại kinh văn mới từ bản điện tử ở trong máy MP4. Sau đó tôi chép ra nhiều bản và truyền cho các đồng tu ở những khu khác nhau trong nhà tù. Trùm một hồi lâu, tôi vén chăn ra và ngồi phát chính niệm. Cũng vừa hay đến lúc nghỉ ngơi. Tôi thường chép Pháp đến 3 hoặc 4 giờ sáng. Khi không chép Pháp, tôi dùng máy MP4 để học Pháp. Mỗi ngày, tôi học đến 3 hoặc 4 giờ sáng mà không hề cảm thấy mệt mỏi. Tâm tôi tràn đầy chính niệm.

Giường của tôi kê ở cạnh cửa sổ. Một ngày nọ vào lúc nửa đêm, tôi đang tĩnh tĩnh học Pháp thì đột nhiên có hai chú chim nhỏ bay đến. Làm sao nửa đêm canh thâu lại xuất hiện chim nhỏ được nhỉ? Hai chú chim nhỏ vẫn hót líu lo, dường như chúng đang động viên tôi tinh tấn hơn.

Ở trong tù, tôi hòa thuận với các tù nhân khác, đối xử chân thành với họ, dụng tâm giảng chân tướng và khuyên họ tam thoái. Từ trong nội tâm họ đều khởi lên chính niệm và trở thành bạn tốt của tôi. Một số người thậm chí còn bắt đầu tu luyện Đại Pháp và trở thành đệ tử Đại Pháp kiên định. Khi cảnh sát gây sự hoặc bức hại tôi, họ đều nghĩ biện pháp để bảo vệ tôi, giúp đỡ tôi và cho tôi lời khuyên.

Tôi phát nguyện sẽ giúp tất cả những người trong khu nhà tù làm tam thoái, không để lạc mất một ai, kể cả những người đã từng bức hại tôi.

Khi tôi sắp được ra tù, một số đồng tu nghe tin đệ tử Đại Pháp chưa bị “chuyển hóa” sẽ không được phép về nhà, bị bắt cóc ngay tại cổng nhà tù và đưa thẳng đến trung tâm tẩy não. Nhiều đồng tu lo lắng cho tôi, nhưng tâm tôi lại vô cùng bình tĩnh, tôi nói với các đồng tu: “Hãy yên tâm! Họ nói gì cũng không tính“.

Tháng 3 năm 2011, tôi ghi nhớ danh sách hơn 100 người đã thoái ĐCSTQ trong toàn bộ khu vực nhà tù (vì khi ra tù sẽ bị khám người nên không thể mang theo bất cứ thứ gì, tôi đã học thuộc nội dung quan trọng và ghi nhớ trong đầu). Tôi thản đãng bước ra khỏi cổng lớn nhà tù. Người thân và bạn bè của tôi đã lái xe đợi ở bên ngoài rất lâu, tôi thuận lợi hoàn thành mọi thủ tục, lên xe và đường đường chính chính trở về nhà.

Dù tôi bị Trung Cộng bức hại trong nhiều năm như vậy, nhưng vợ tôi trước sau như một vẫn luôn đứng về phía tôi và sát cánh cùng tôi đối mặt với ma nạn. Trong mấy năm tôi vắng nhà, cô ấy một mình phòng không gối chiếc, vừa đảm đương việc nhà, vừa chăm sóc và bầu bạn với cha mẹ chồng già cả. Một người bạn đã nói với tôi: “Anh đi vắng nhiều năm như vậy, cô ấy thậm chí còn không mua điện thoại di động. Anh nói xem, trong xã hội ngày nay, có người nào mà không có điện thoại đâu nào”. Tôi không nói gì cả.

Vợ tôi không giỏi ăn nói, trình độ văn hóa không cao nhưng tâm địa thiện lương và là người thật thà. Tuy vợ tôi không chính thức tu luyện, nhưng cô ấy một mực ủng hộ việc tu luyện của tôi. Bao năm qua, cô ấy đã đồng hành cùng tôi trải qua bao nhiêu mưa gió, thoáng cái mà đã bước sang tuổi trung niên.

Năm 2014, khi tôi 40 tuổi, vợ tôi sinh hạ được một bé trai kháu khỉnh. Lúc đó chị gái tôi cũng được ra tù. Cả nhà hòa chung niềm vui. Người cha già có một đứa cháu nội thông minh và đáng yêu, vui sướng với nụ cười rạng rỡ trên mặt, bận rộn tới lui với niềm vui khôn tả.

4. Lại bị giam giữ, tuyệt thực để phản đối bức hại

Thời gian trôi nhanh, chớp mắt đã đến năm 2018. Đầu năm đó, theo chỉ thị của Bộ Công an, “Phòng 610” đã triển khai các hoạt động cụ thể nhằm bức hại tôi và em gái tôi. Chúng tôi bị bắt giữ và đưa đến trại tạm giam. Em gái tôi bị tạm giam phi pháp trong 15 ngày, còn tôi phải đối mặt với việc bị tuyên án phi pháp.

Ngay khi bị đưa vào trại tạm giam, tôi đã quyết định tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại. Trong khoảng một tuần, tôi không uống nước, trại tạm giam lo lắng và chuyển tôi đến phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện bên trong trại. Sau đó họ cưỡng chế nhét ống truyền thức ăn vào người tôi. Cảm giác khi đặt ống truyền thức ăn vô cùng khó chịu, chiếc ông xuyên từ mũi qua khoang miệng, cổ họng rồi xuống đến dạ dày. Tôi sụt cân nhanh chóng và thân thể suy nhược. Trại tạm giam lo lắng, cảnh sát, bác sỹ, giám đốc, người của phòng công an ngày nào cũng đến thuyết phục tôi ăn uống. Tôi nói rằng mình vô tội và tôi không phối hợp với hành vi bức hại của họ.

Vì tôi kiên trì tuyệt thực nên bị đặt ống truyền thức ăn trong hơn 4 tháng. Lúc bị đặt ống truyền thì cảm giác một ngày dài tựa một năm, đau đớn giày vò từng giây từng phút. Nhưng tôi rất lạc quan và tinh thần rất tốt. Lúc đầu, cảnh sát, bác sỹ và y tá trong trại tạm giam không lý giải được. Họ lăng mạ và sỉ nhục tôi, nói rằng tôi cố ý gây phiền toái cho họ, vậy nên tôi đã giảng chân tướng cho họ. Dù ông truyền chọc vào dạ dày, nói chuyện rất bất tiện, thậm chí còn đau đớn khi nói lớn tiếng một chút, nhưng tôi vẫn vừa mỉm cười vừa nói không ngớt.

Để rút ngắn khoảng cách và xóa bỏ thái độ thù địch của họ đối với các đệ tử Đại Pháp, tôi thường trò chuyện với họ về cuộc sống hàng ngày, kể chuyện xưa và những câu chuyện cười cho họ nghe. Đôi khi những ngôn từ phong phú và hài hước của tôi khiến họ bật cười ha hả. Dần dần, thái độ của họ thay đổi, từ mặt mày cau có, mắng mỏ sỉ nhục, đến tỏ ra cảm thông và đến cuối cùng là mỉm cười và khâm phục tôi. Cảnh sát, bác sỹ, y tá ở đây đối với tôi như bạn bè, họ đều nói rằng họ chưa bao giờ thấy một người có ý chí kiên cường như vậy.

trại tạm giam có nhiều khu và giam khoảng hơn một nghìn người. Bệnh viện trong trại tạm giam nơi tôi ở nằm ở khu số 5. Các phạm nhân trong trại tạm giam đều nghe nói có một học viên Pháp Luân Công ở khu số 5 kiên quyết tuyệt thực trong vài tháng. Họ tò mò và kính phục. Nhiều người muốn gặp tôi để xem xem tôi là người thế nào.

Phòng chăm sóc đặc biệt nơi tôi ở là nơi các phạm nhân trong bệnh viện tiêm thuốc và truyền dịch. Hàng ngày, phạm nhân từ các khu vực giam giữ khác nhau đến để truyền dịch và khám bệnh. Bằng cách này, tôi có thể gặp các phạm nhân ở nhiều khu giam giữ khác nhau và tôi nắm bắt cơ hội để giảng chân tướng cho họ và khuyên họ tam thoái.

Tôi nằm trên giường và bị cắm ống truyền thức ăn, trông rất yếu ớt và suy nhược. Nhưng khi lên tiếng giảng nói, tư duy của tôi rất mạch lạc và đối đáp trôi chảy. Họ đều là những người lạc lối trong thế giới hỗn loạn của thời mạt pháp. Tôi nói với họ những đạo lý nhân sinh, truyền cảm hứng cho họ suy ngẫm về cuộc sống và giúp họ minh bạch được ý nghĩa thực sự của đời người. Họ rất vui khi cùng tôi giao lưu và tâm sự. Khi quay về khu của mình, họ nói rằng có một thầy tâm linh ở khu số 5.

Cứ thế, người đến người đi, tôi nằm trên giường không cần ra ngoài nhưng lại gặp được rất nhiều người, thậm chí có người còn trở thành bạn tốt. Tôi hài hước nói: “Phòng chăm sóc đặc biệt của tôi đã trở thành khách sạn Long Môn rồi (một bộ phim nổi tiếng vào thập niên 70).” Cảnh sát nghe vậy phá lên cười.

Ở khu số 2 có một người đàn ông là võ sư Hình Ý Quyền, ông ấy lỡ tay đánh chết người và bị giam ở đây chờ xét xử. Vì những thăng trầm của cuộc sống, trong lòng cảm thấy phiền muộn, ôm một bầu tâm sự và không có nơi nào để giãi bày. Nghe nói tôi là người thấu hiểu lòng người, thông tình đạt lý, ông ấy bèn viết vào mấy tờ giấy và nhờ một vị tiểu huynh đệ giấu vào đế giày của cậu ấy rồi chuyển giao cho tôi. Tôi cũng kiên nhẫn phúc đáp và chân thành đối đãi với ông ấy.

Cứ cánh nhạn truyền thư như vậy, dần dà chúng tôi trở thành những người bạn chí cốt. Cùng với vị tiểu huynh đệ nọ, ba chúng tôi tương đầu ý hợp, tựa như bạn cũ thâm giao. Một ngày, chúng tôi trích máu ăn thề, ấn tay điểm chỉ và kết nghĩa anh em. Chúng tôi thậm chí chưa bao giờ gặp mặt, chỉ trao đổi qua thư từ và cuối cùng lại kết nghĩa kim lan. Mọi người đều cảm thán rằng đây quả là duyên phận lạ thường! Chuyện này cũng đã trở thành một giai thoại truyền kỳ ở trong trại tạm giam.

Tôi đã ở trong trại tạm giam với ống truyền thức ăn đặt trong người gần 5 tháng. Đoạn thời gian này, tôi đã bị xét xử vài lần. Gia đình, bạn bè và một số người xa lạ đều tham dự. Tôi bị đặt ống truyền thức ăn vào dày và bộ dạng tiều tụy. Dù vậy, tôi không để người thân và bạn bè nhìn thấy tôi nản lòng hay suy sụp. Tôi ngẩng cao đầu, khuôn mặt mỉm cười và tâm thái bình hòa. Tôi phối hợp với luật sư bào chữa vô tội cho tôi. Tiếng của ông ấy vang và đanh thép, tư duy mạch lạc, thẩm phán không phản bác được gì. Tôi đường đường chính chính đứng trước tòa, khẳng khái đưa ra lập luận và tố cáo kẻ thủ ác Giang Trạch Dân trước tòa.

Tôi đã bị kết án 3 năm tù. Trước khi rời khỏi trại tạm giam, các tù nhân lưu luyến chia tay tôi. Tôi liền sáng tác một bài thơ: “Biệt thời khán (Nhìn theo lúc tiễn biệt)” – Tôi cũng gửi lời cảm ơn đến các cảnh sát, nhân viên y tế, đồng thời từ biệt giám đốc và cảnh sát. Bài thơ viết:

“Phi thị nam nhi chí khí đoản,
Chỉ nhân mông nạn tại Trung Nguyên,
Nhân gian vô đạo điên hắc bạch,
Pháp Luân Đại Pháp mông kì oan.
Tự cổ anh hùng đa ma nạn,
Thân hãm linh ngữ chí di kiên,
Đãi đáo tha nhật âm mai tán,
Càn khôn lãng lãng phục thanh thiên”.

Dịch nghĩa:

Nam nhi nào phải đâu chí ngắn.
Chỉ bởi gặp nạn tại Trung Nguyên,
Nhân gian vô đạo, trắng đen lẫn lộn
Pháp Luân Đại Pháp chịu cảnh hàm oan.
Từ xưa anh hùng hay gặp hoạn nạn
Thân trong lao tù chí càng kiên định
Đợi đến ngày kia sương mù tản hết,
Càn khôn sáng tỏ, trời lại trong xanh.

5. Bị bắt vào động quỷ lần ba, bị bức hại thảm khốc

Tôi bị tà đảng kết án oan sai 3 năm tù và bị đưa vào nhà tù J. Lúc đó, tôi chỉ có 40 kg. Đây là lần thứ ba tôi bị đưa vào Nhà tù J, tôi không khỏi có chút chán nản và thất vọng. Ngờ đâu, cơn ác mộng chỉ vừa mới bắt đầu.

Khi tôi vừa đến cổng nhà tù, trưởng khu huấn luyện nhà tù đến đón tôi. Vừa thấy tôi, ông ta đã hùng hổ dữ tợn nói: “Tôi ghét nhất loại người như anh”. Rồi ông ta vô duyên vô cớ đánh tôi một trận rồi nói: “Trở về khu giam giữ sẽ lại chỉnh đốn anh tiếp!”

Khi tôi đến đội tập huấn, đích thân trưởng khu giam giữ chỉ đạo 5 đến 6 tù nhân tra tấn và đánh đập tôi tàn bạo trong nhiều giờ liền. Họ ép tôi “chuyển hóa” và viết “tam thư” ở trong phòng nghỉ ngơi (của văn phòng) của cảnh sát, nơi không có camera giám sát. Đột nhiên, 5 đến 6 tù nhân xông tới đánh tôi ngã xuống đất mà không có lý do. Tôi không thể đứng dậy nổi. Hai đến ba người trong số họ giữ chặt tay tôi trong khi hai người còn lại tiếp tục đánh. Họ giẫm lên mu bàn chân tôi và bảo đừng để tôi bị ngã.

Khi đã thấm mệt, họ nghỉ một lúc và một nhóm người khác tiếp tục đánh đập tôi. Sau khi tất cả họ đều thấm mệt, họ nói: “Chúng ta chơi oẳn tù tì, ai thua thì người đó đánh”. Bằng cách này, họ luân phiên đánh đập tôi, khiến người tôi đầy rẫy vết bầm tím. Mặt tôi tím đen và sưng to gấp đôi, ngực, lưng, eo và cánh tay chuyển thành màu xanh đen. Sau đó, khi tay đau và mỏi nhừ, họ dùng một tấm ván gỗ đánh rất mạnh vào người, chân và mông của tôi. Sau đó, họ dùng cạnh của tấm gỗ đập vào phần nhô lên trên xương mắt cá chân của tôi và nói: “Đánh ở đây là đau nhất”. Một tù nhân khác đề nghị: “Đổ nước lên tấm ván để đập vào đau hơn nữa“. Họ liên tục tra tấn tôi như vậy trong trong vài tiếng đồng hồ. Đánh cho tới khi họ mệt rã rời thì họ nghỉ giải lao để uống rượu và hút thuốc.

Lúc ấy, tôi cảm thấy phía mặt chính niệm của mình đã bị tà ác tách ra. Tôi nghĩ về đồng tu G ở địa phương chúng tôi, người đã bị đưa vào Nhà tù J và bị đánh đến chết chỉ trong vòng một tuần. Nếu như vậy, liệu có một ngày tôi có thể bị ác nhân đánh chết hay không? Một tia sợ hãi lướt qua trong đầu não của tôi.

Trong thời gian này, tôi bị đánh đập nhiều lần cho đến khi rơi vào hôn mê, rồi bị đánh thức trở lại. Tôi bị đánh đến mất đi tri giác, người tôi nhũn ra như bún. Cuối cùng, tôi bị đánh đến mức hai mắt không nhìn thấy gì, hai tai không nghe thấy gì, trước mắt chỉ thấy một mảng tối đen, trí não mơ mơ hồ hồ, không còn biết gì nữa. Tôi bất tỉnh, nhưng họ vẫn không dừng tay, họ đánh để tôi tỉnh lại và khi tỉnh lại thì lại đánh đến khi tôi ngất đi. Họ đánh đập tôi tàn nhẫn không ngừng nghỉ suốt nhiều giờ đồng hồ. Mãi đến giờ ăn tối, họ mới đưa tôi quay trở lại phòng giam.

Một thời gian sau, nhà tù chia tôi và các đồng tu đến các đội khác nhau. Hoàn cảnh ở các đội tương đối thoải mái, có hai hoặc ba đồng tu trong mỗi đội. Hơn 20 năm qua, các đồng tu người đến người đi, từng nhóm từng nhóm đệ tử Đại Pháp phản bức hại, giảng chân tướng và khuyên mọi người ở đây thoái xuất khỏi ĐCSTQ, đã khai sáng ra một môi trường tương đối dễ chịu ở nơi này.

Tôi khôi phục lại học Pháp và luyện công bình thường. Trong nhà tù luân phiên trực ca đêm và tôi đặc biệt đảm nhận trực cả 2 tiếng đồng hồ. Tôi luyện công mỗi buổi tối không ngắt quãng. Để hồng dương Pháp Luân Đại Pháp được tốt hơn, các đồng tu đề xuất chào mừng “Ngày Pháp Luân Đại Pháp”. Ngày 13 tháng 5 hàng năm, chúng tôi lấy những thực phẩm đã mua từ trước như hạt dưa, đậu phộng, đồ uống, v.v. Và phân phát cho các phạm nhân trong nhà tù. Do đó, tất cả các tù nhân đều biết tới “Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới”. Họ đều không ngừng hoan nghênh: “Pháp Luân Công hảo, Pháp Luân Đại Pháp hảo!”

Tôi lại nghĩ cách để có được một chiếc điện thoại di động. Lúc này thuận tiện hơn rồi, tôi có thể dùng điện thoại di động để truy cập Internet và tải kinh văn mới của Sư phụ.

Năm 2019, một đoàn kiểm tra đến Nhà tù J. Tôi nghĩ cách để liên lạc với các đồng tu ở các khu khác. Chúng tôi đã viết xong đơn tố cáo và cùng nhau tố cáo trưởng khu huấn luyện nhà tù. Do chúng tôi không ngừng tố cáo, ông ta đã bị điều đi khỏi đội huấn luyện.

Chớp mắt đã đến cuối năm 2020. Cuối năm này, nhà tù đã nhận được những chỉ thị tà ác từ Ủy ban Chính trị và Pháp luật để thực thi chiến dịch bức hại “Xóa sổ” để bức hại các học viên Đại Pháp không “chuyển hóa”. Chịu trách nhiệm bức hại là phó giám đốc nhà tù. Tôi viết sẵn đơn và chuẩn bị tìm cơ hội để nói chuyện với ông ta để ngăn chặn bức hại.

Một ngày nọ, phó giám đốc nhà tù đến kiểm tra khu giam giữ chỗ tôi, tôi lịch sự ngăn ông ta lại, đưa tài liệu và nói rằng tôi muốn nói chuyện cùng ông ấy. Ông ấy phớt lờ tôi, chỉ cầm tờ đơn và rời đi. Ngày hôm sau, tại hội nghị công tác của cảnh sát nhà tù, vị phó giám đốc nhà tù giận dữ mắng giáo đạo viên khu giam giữ một trận, đại khái nói rằng bảo anh ta “chuyển hóa” người này người kia, nhưng thay vào đó anh ta lại “chuyển hóa” tôi.

Nhà tù đã nghĩ ra một số phương pháp và dùng một số thủ đoạn, nhưng thấy không thể “chuyển hóa” được tôi. Họ không biết ăn nói thế nào với phó giám đốc nhà tù nên đã tìm cớ nhốt tôi vào phòng biệt giam.

Phòng biệt giam được mệnh danh là “nhà tù trong nhà tù”. Điều kiện bên trong vô cùng tồi tệ. Việc ăn uống, đi vệ sinh đều thực hiện ở trong một không gian rất chật chội và không có giường để nằm. Ban đêm khi ngủ thì phải trải chăn dưới đất. Ở phòng biệt giam cơm ăn không đủ no, ăn đói mặc rét. Những tù nhân bị giam giữ ở đó một thời gian dài đều phát điên. Thời tiết dần dần chuyển lạnh và càng ngày càng lạnh. Ăn cơm xong, rửa bát trong chậu nước một lúc thì thấy đáy chậu đã đóng băng.

Mùa đông năm 2020 chắc hẳn là mùa đông lạnh lẽo nhất trong ký ức của tôi? Tuy tôi ở một mình cô độc trong phòng biệt giam tối tăm và lạnh lẽo nhưng tâm thái tôi vẫn bình tĩnh và lạc quan. Khi ở một mình, tôi lớn tiếng đọc to “Hồng Ngâm” và các kinh văn khác của Sư phụ. Khi tâm trạng hứng khởi, tôi xướng ca hát thật to. Dù đói rét nhưng tôi tự tìm niềm vui cho mình. Tôi còn sáng tác một bài thơ để nói rõ ý chí của mình. Bài thơ viết:

Bế thất u kí nan kiến thiên,
Hà phương độc tọa diệc an nhiên.
Cao vịnh đê ngâm giai tự tại,
Thùy phạ tịch mịch dữ cơ hàn.

Dịch nghĩa:

Nơi biệt giam kín bưng khó thấy sáng sáng.
Ngồi một mình cũng an nhiên, có sao đâu chứ?
Ngân nga khúc nhạc trầm bổng quả là tự tại.
Ai sợ cô đơn cùng đói rét đâu.

Đôi khi những tù nhân khác bị đưa vào phòng biệt giam, tôi sẽ tận dụng cơ hội để giảng chân tướng và làm tam thoái cho họ. Chúng tôi trở thành bạn bè cùng chung hoạn nạn và tôi còn dạy các bài công pháp cho một số người. Tôi bị giam giữ phi pháp ở phòng biệt giam 4 tháng.

Đầu năm 2021 tôi mãn hạn tù, mẹ, chị gái và vợ tôi đến đón tôi. Cảnh sát đồn công an địa phương cũng đến và yêu cầu tôi lên xe của họ. Mẹ, chị gái và vợ tôi cực lực phản đối và đưa tôi lên xe của gia đình. Sau đó, mẹ tôi nói với tôi rằng có người đã nói rằng muốn đưa tôi đến một lớp tẩy não và không để tôi về nhà. Tôi mỉm cười và thầm nghĩ: “Tà ác không động được vào tôi. Chúng nói gì thì cũng đều không tính”.

6. Ý chí kiên cường, đường ở dưới chân

Khi tôi trở về nhà, cha tôi đã già yếu lắm rồi. Con trai tôi đã lớn, thông minh, đáng yêu và chuẩn bị vào lớp một. Hồi con trai tôi còn học mẫu giáo, mỗi khi có ai hỏi nó (ba ở đâu), thằng bé luôn trả lời trôi chảy rằng: “Bố cháu đi du lịch xa rồi”. Đôi khi thằng bé còn hỏi bà nội: “Bố có đi công tác không ạ? Bố có đi làm không ạ?” Tôi nhìn khuôn mặt tươi cười khả ái của con trai, nhiều cảm xúc đan xen, tựa như đang nằm mơ vậy.

Vợ tôi luôn ở bên cạnh tôi và không bao giờ rời xa tôi. Cô ấy thật sự rất khó khăn khi phải một mình nuôi con trong nhiều năm như vậy. Vợ tôi nói: “Em thực sự khâm phục những người như các anh. Các anh có ý chí thật kiên cường, trăm lần vặn bẻ cũng không cong. Em nghĩ các anh ắt sẽ thành công”. Em gái tôi cũng đã 40 rồi. Nhớ về hơn 20 năm trước, chúng tôi vẫn còn là những người trẻ ở độ tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết.

Mẹ tôi dâng hương để tỏ lòng tôn kính với Sư tôn, chúng tôi quỳ lạy Sư phụ mà không sao cầm được nước mắt.

Trong những năm qua, gia đình tôi, các đồng tu và tôi đã vào sinh ra tử, sum họp thì ít mà chia ly thì nhiều. Chúng tôi chưa một ngày nào có được một cuộc sống yên ổn. Nhưng tôi luôn kiên định tin chắc một điểm, tin chắc rằng bất luận tà ác của cựu thế lực có can nhiễu và bức hại đến đâu thì tất cả đều là làm càn vô nghĩa mà thôi. Sư phụ có sự an bài của Sư phụ và mọi thứ Sư phụ cấp cho chúng ta đều là tốt nhất.

Sau khi về nhà, tôi cũng bị tổ chức tà ác Ủy ban Chính trị và Pháp luật địa phương sách nhiễu trong chiến dịch “Xóa sổ” nhắm vào đệ tử Đại Pháp. Tôi thản nhiên đối mặt với họ với tâm thái bình hòa. Sau khi nghe những trải nghiệm của tôi, họ đều cảm khái thở dài, có cảm thông lẫn bội phục. Họ cảm nhận được tâm từ bi của tôi muốn cứu họ và nói: “Tâm tính của anh quả là tốt”. Tôi nói: “Sau nhiều năm và trải qua những sự việc như vậy, tâm tôi không oán, cũng không hận”.

Tôi đã từng ngẩng cao đầu bước qua bóng tối và từng đơn độc một mình bước đi trên còn hẻm tối đen như mực. Càng tối tăm thì tôi càng kiên định tin vào ánh sáng hy vọng. Đôi lúc, tôi ngồi một mình trong xưởng làm việc đầy mùi than đá và sắt thép, và nghĩ: “Con người bất luận làm nghề gì, ở giai tầng nào, sống trong hoàn cảnh nào, cũng phải duy trì một phong thái cao quý, cao thượng và tâm hồn trong sáng.”

Tầng thứ nhận thức có hạn, nếu có chỗ nào chưa đúng, xin các đồng tu từ bi góp ý.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/7/28/434548.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/10/26/212631.html

Đăng ngày 04-04-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share