Bài viết của Vạn Cổ Duyên, đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 28-10-2023]

Năm 1977, khi kỳ thi tuyển sinh đại học được khôi phục, tôi từ nông thôn lên tỉnh thành thi. Sau khi tốt nghiệp, tôi được bổ nhiệm vào vị trí khiến người ta phải ghen tị tại một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất Trung Quốc. Tôi và một chị đồng nghiệp lớn tuổi cùng công tác ở một viện nghiên cứu, sau này qua sự giới thiệu của chị, tôi đã kết hôn với em trai chị ấy.

1. Thế sự đổi thay, lòng người tráo trở

Thế nhưng sau khi sinh con gái, tôi thấy không sao chịu đựng nổi cuộc hôn nhân của mình. Con gái sinh ra được gần một tháng, tôi bị băng huyết hậu sản, thân thể suy nhược đến cực điểm. Trong nhà chỉ có bố chồng đã ngoài 70 tuổi bị nặng tai và mẹ chồng nằm liệt giường. Căn nhà nhỏ trên tường đóng từng mảng từng mảng băng dày, tôi nằm trên chiếc giường sắt vừa đói vừa rét, trông ngóng chồng về nấu cho một chén cháo nóng hoặc ẵm con. Nào ngờ chồng vừa về đến nhà, đã bị chị gái (chị đồng nghiệp lớn tuổi) bắt phải học ngoại ngữ thứ hai (tiếng Nhật).

Sau hai lần làm thủ thuật phá thai, tôi mắc bệnh phụ khoa nghiêm trọng, thường xuyên bị băng huyết, chảy dịch, khí huyết suy nhược, chóng mặt, thấp khớp (mỗi năm cứ sang xuân là tôi đau nhức khắp người đến mức không đi làm được), thận suy nặng khiến đầu tôi cứ ung lên, ngực, lưng đau đến mức không dám thở mạnh, lúc phát bệnh viêm đại tràng thì đau đến mức lăn lộn trên giường…

Lúc này, “người chồng” yêu dấu của tôi cứ ra vào nhà là ngân nga một khúc tình ca, cứ như không có chuyện gì xảy ra vậy. Tôi bị xẹp màng nhĩ nên tai cứ ong ong cả ngày, mãi không khỏi nên thính lực bị suy giảm, muốn chữa trị bằng phẫu thuật thì chẳng khác nào hủy hoại dung nhan, nên tôi thà chết chứ không thể làm thủ thuật đó.

Vì cả đêm ngủ không yên, nên dần dần tôi rơi vào tình trạng mất ngủ. Trong thời gian này, có người khuyên tôi đi Đạo Thiên Chúa, nhưng chẳng những không có tác dụng mà còn chiêu mời phụ thể, khiến bệnh tình của tôi càng trầm trọng hơn, khổ không kể xiết.

Sau đó, chúng tôi được phân một căn hộ nhỏ không có toilet trên tầng hai, chị chồng tôi vội đưa bố mẹ chồng đến nhà tôi, mà không buồn hỏi tôi một tiếng. Hai chị em nhà họ đã bàn tính xong xuôi đâu đấy rồi. Hai ông bà cụ ngoài 80, một người bị liệt, trong nhà đầy mùi đại tiểu tiện, một người thì tai điếc không nghe thấy gì. Tôi phải đi làm, đưa đón con, đi chợ, giặt giũ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, việc gì cũng đến tay. Còn chồng tôi vẫn thích gì làm nấy. Hễ tôi tranh cãi với anh ấy là anh ấy đi công tác, cứ dây dưa như vậy.

2. Tôi muốn “sống” sao cho chồng phải trắng mắt ra

Khi đó, tôi nghĩ mãi mà không thông tại sao trước khi kết hôn, anh ấy theo đuổi tôi như thế, vậy mà kết hôn xong lại đối xử với tôi như vậy? Sau này, liên tục xảy ra mấy sự việc khiến tôi minh bạch, thì ra là do tôi sinh con gái. Thật hoang đường và nực cười, phải không? Nhưng đó đúng là sự thật.

Một lần nọ, hai chúng tôi đang cãi vã thì chị dâu bắt gặp. Chị ấy nói với chồng tôi ngay trước mặt tôi: “Em phải chịu đựng cuộc sống thế này sao? Dứt khoát ly dị đi! Chị sẽ giới thiệu cho em một cô gái khác, không chừng sẽ sinh cho em đứa con trai bụ bẫm đấy.“

Tôi hiểu rồi, mục đích chiến tranh lạnh của chồng tôi là ép tôi đệ đơn ly hôn, anh ấy không những đạt được mục đích của mình, mà còn giữ được tiếng thơm. Tôi tuyệt vọng, tôi biết rất rõ rằng nếu cứ tiếp tục như vậy, tôi không chết thì cũng phát điên, sẽ không có ai đồng cảm với tôi.

Tôi điều chỉnh lại tâm thái và gửi con về nhà mẹ đẻ. Tôi đi công tác một chuyến để quan sát thế giới bên ngoài một chút, rồi cảm thấy tâm trạng tốt hơn rất nhiều.

Sau khi trở về, tôi cộng tác với các đàn anh trong nghề, tiến hành bổ khuyết cho một dự án nghiên cứu khoa học đang bỏ trống của quốc gia, luận văn tôi viết được đăng trên tạp chí quốc gia, gây tiếng vang rất lớn trong giới khoa học công nghệ. Nhiều nhà nghiên cứu khoa học cả đời còn chưa từng được đăng một luận văn nào trên tạp chí cấp tỉnh, cũng vì vậy mà tôi trở nên nổi tiếng, được phóng viên đài truyền hình phỏng vấn, được giới thiệu trên đài phát thanh và nổi tiếng trên báo chí. Tôi cũng được phá lệ thăng chức, phá lệ tăng lương, phá lệ phân nhà… Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở miền Nam cũng mời chào tôi với mức lương cao, nhiều người nhìn tôi bằng ánh mắt ghen tị.

Song, chút niềm vui nho nhỏ này còn xa lắm mới bù đắp được những tổn thương mà cuộc hôn nhân này gây ra cho tôi. Vào đầu những năm 1990, phong trào khiêu vũ trở thành cơn sốt. Đơn vị chúng tôi hầu như năm nào cũng tổ chức cuộc thi khiêu vũ, bởi nó gắn với chỉ số khen thưởng của đơn vị nên lãnh đạo các đơn vị đều rất coi trọng.

Tôi nghĩ, phải cho chồng thấy rằng, tôi không chỉ biết nghiên cứu khoa học mà còn biết khiêu vũ. Cho nên, đã không nhảy thì thôi, đã nhảy thì phải nhảy cho ra trò khiến người khác phải kinh ngạc. Quả nhiên, đơn vị của tôi đã giành chức quán quân, và cũng vì thế mà tôi trở nên nổi tiếng. Chẳng mấy chốc, tôi đã có “chút tiếng tăm” trong khu vực. Sau đó, không chỉ là có “chút tiếng tăm” ở địa phương. Mặc dù khiêu vũ là cơn sốt lớn vào thời điểm đó, nhưng có rất ít nhân viên khoa học kỹ thuật biết khiêu vũ, người nhảy được đến trình độ như tôi thậm chí còn ít hơn. Khi đi công tác ở Bắc Kinh, Thượng Hải và các thành phố lớn khác, tôi thấy khả năng khiêu vũ của mình quả là không tầm thường.

3. Chuyên gia bệnh viện tỉnh: Bệnh của đứa trẻ này vô phương cứu chữa

Đúng lúc tôi phơi phới đắc ý nhất thì con gái tôi bị sốt cao không hạ do ngộ độc thuốc, gây tổn thương cơ tim, vô phương cứu chữa. Từ đó, tôi gác lại những bước nhảy “phóng khoáng”, và lao vào con đường “tầm y vấn dược” (tìm thầy hỏi thuốc). Đông qua hạ tới, năm này qua năm khác, tôi đưa con gái đi khám bệnh.

Cuối cùng, chuyên gia bệnh viện tỉnh hỏi tôi: “Cô bao nhiêu tuổi rồi?” Tôi hỏi: “Ý bác sỹ là sao?” Bà ấy nói: “Tôi không gạt cô, cô đừng đến đây nữa. Bệnh của đứa nhỏ này không có thuốc trị, chỉ có thể trông chờ vào vận may của bản thân cháu thôi. Cô hãy cầm kết quả chẩn đoán mà tôi đưa cho cô, thì cô có thể xin được chỉ tiêu sinh con thứ hai mà không tốn đồng nào.”

Hồi đó, nếu muốn xin chỉ tiêu sinh con thứ hai mà không có 80.000-100.000 tệ thì không thể được, huống hồ tiền thôi cũng chưa đủ, mà còn phải có người quen biết nữa, trừ khi đứa con đầu lòng bị khuyết tật, mà tình trạng khuyết tật còn phân thành mấy cấp độ nữa. Tôi hiểu rõ tình trạng của con gái tôi nghiêm trọng đến mức nào, tôi tuyệt vọng và hoàn toàn suy sụp.

Lý trí mách bảo tôi rằng, không thể nói cho người khác biết chuyện này, kể cả chồng tôi. Trước tiên, chồng tôi ngay từ đầu đã không thích con gái, giờ con bệnh tình nặng như vậy, thì chẳng phải chồng tôi muốn viết đơn ly hôn càng dễ sao? Thứ hai, càng không được để người ngoài biết, nếu không, sau này con gái tôi sẽ gả đi thế nào đây?! Vì vậy, tôi chỉ có thể một mình ôm giữ trong lòng.

Nhìn khuôn mặt mũm mĩm trắng trẻo của con gái trở nên vàng vọt, hốc hác, thân thể ngày càng rộc rạc đi; sau đó lên lầu cũng chật vật; rồi ngay một tiết học 45 phút cũng khó mà trụ được, tim tôi đau như bị dao cắt.

Con gái tôi vốn vô cùng khỏe mạnh, cũng giỏi thể thao, văn hóa như tôi; mùa xuân dạo chơi, mùa thu ngắm trăng, mùa hè bơi lội, mùa đông trượt tuyết, cuộc sống rất vui vẻ. Vậy mà giờ đột nhiên lại thành ra thế này, ai cũng hỏi thăm đứa nhỏ này rốt cuộc bị làm sao? Tôi không thể nói với ai cả, chỉ có thể kìm nén trong lòng.

Nhưng sức chịu đựng của con người có hạn, tôi không sao ăn ngon, ngủ yên suốt một thời gian dài. Cuối cùng, chứng mất ngủ, trầm cảm, và mọi chứng bệnh đều quay trở lại. Với một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, con gái thì bệnh nặng vô phương cứu chữa, điều tôi suy nghĩ nhiều nhất lúc đó là mình làm sao có thể chết mà vẫn giữ được chút thể diện đây?

4. Pháp Luân Đại Pháp đã cứu tôi và con gái

Một ngày vào những năm đầu thập niên 90, tôi tình cờ gặp chị hàng xóm, tôi nói: “Sao lâu rồi không thấy chị nhỉ? Chị còn khiêu vũ nữa không?” Cô ấy nói: “Tôi không nhảy nữa. Tôi đến nhà con gái ở Bắc Kinh, ở đó tôi học Pháp Luân Công, tâm trạng lại tốt lên. Tôi không cần tiêm hay uống thuốc mà bệnh tật đều khỏi rồi.” Tôi nói: “Thật sao? Còn có chuyện tốt thế này sao? Đài truyền hình sao không đưa tin vậy? Cô ấy nói: “Công pháp này tốt. Nhưng không phải ai cũng có thể đắc. Phật độ người hữu duyên. Hôm nay, cô nghe thấy rồi, thì chính là duyên phận đã đến rồi. Hơn nữa, một người luyện công, cả nhà thụ ích.” Tôi vội hỏi: “Nếu tôi luyện thì con tôi cũng được thụ ích phải không? Cô ấy nói: “Nhất định là thụ ích rồi!”

Vậy là, tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Luyện được một thời gian, tâm trạng của tôi quả thực tốt lên rất nhiều, rõ nhất là chứng ù tai đã biến mất, không còn ong ong nữa, tuyến giáp cũng không sưng nữa (trước đây tôi lúc nào cũng phải nuốt cơn giận mà sinh chứng sưng tuyến giáp); sau này không còn sưng nữa. Tôi ăn ngon, ngủ yên.

Những cải biến trên thân đã mang lại cho tôi niềm hy vọng, tôi biết con gái tôi có thể được cứu rồi! Trong kỳ nghỉ hè, tôi đưa con gái đi nghe băng ghi âm giảng Pháp của Sư phụ. Con gái tôi không bỏ sót một buổi nào, thậm chí còn lắng nghe rất nghiêm túc.

Sau đó, tôi lại đưa con gái đến điểm luyện công thêm hai lần nữa. Con bé ngất xỉu trong lần bão luân đầu tiên. Tôi không sợ hãi, tôi biết là Sư phụ đang tịnh hóa thân thể cho con gái. Nửa tháng sau, tôi lại đưa con đến điểm luyện công. Khi bão luân, con bé lại nôn mửa. Về nhà, con đã ăn được, mặt từ vàng vọt chuyển sang hồng ửng, cân nặng tăng lên, lên lầu không còn thở gấp nữa. Trong lần khám sức khỏe cho con gái sau khi cháu tốt nghiệp tiểu học, bác sỹ nói: “Tim của cháu đập khỏe mạnh như trẻ sơ sinh vậy.”

Tôi quỳ trước Pháp tượng Sư phụ, nước mắt lăn dài trên mặt, khóc không thành tiếng. Sư phụ ơi! Con chưa gặp được Ngài, càng chưa từng đưa Ngài một đồng nào, vậy mà Ngài đã chữa khỏi bệnh cho con và con gái con. Sư phụ ơi! Ngài đã cứu mệnh hai mẹ con chúng con!

5. Chuyển Pháp Luân khai mở nút thắt trong tâm tôi

Cuốn bảo thư “Chuyển Pháp Luân” này đã đả khai mọi nút thắt trong tâm tôi. Con người đến từ đâu? Cuối cùng sẽ đi về đâu? Con người tại sao lại có bệnh? Tại sao lại có thống khổ? Đáp án đều có thể tìm thấy trong cuốn bảo thư “Chuyển Pháp Luân” này. Thuận theo nút thắt trong tâm tôi không ngừng được đả khai, bệnh của tôi cũng không trị mà tự khỏi cả.

Trước đây, tôi luôn nghĩ rằng, với điều kiện và năng lực của mình, cuộc sống này của tôi không dám nói là muốn gì được nấy, nhưng cũng là không phải bận tâm tới ăn mặc, sống sung túc, thoải mái. Nhưng tại sao lý tưởng và hiện thực lại khác nhau xa đến vậy? Hơn nữa, tôi càng phản kháng thì kết quả càng bi thảm hơn, sao lại như vậy chứ?

Sư phụ giảng:

“Trong Phật giáo giảng ‘nghiệp lực luân báo’: họ chiểu theo nghiệp lực của chư vị mà an bài cho chư vị; bản sự của chư vị có lớn đến mấy, [nhưng] chư vị không có đức, thì có thể cả đời chư vị chẳng có gì. Chư vị thấy rằng vị kia làm gì cũng không nên, [nhưng] đức của vị ấy lớn, [thì] vị ấy làm đại quan, phát đại tài. Người thường không nhìn thấy điểm này, họ cứ cho rằng bản thân họ cần phải làm chính những gì bản thân cần làm. Do vậy họ một đời tranh đấu ngược xuôi; cái tâm ấy bị tổn thương rất lớn, cảm thấy thật khổ, thật mệt, luôn bất bình trong tâm. Ăn không ngon, ngủ không yên, tâm ý nguội lạnh như tro tàn; khi về già, làm cho thân của mình thật tàn tạ, các thứ bệnh tật xuất hiện.” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhớ lần đầu đọc đến đoạn giảng Pháp này là lúc hơn 2 giờ đêm, mặc cho đêm khuya tịch lặng, tôi trùm chăn khóc lớn. Nghĩ tới cuộc đời mình, suốt ngày cái này không phục, cái kia không nhịn, tranh đấu ngược xuôi, sống vừa khổ vừa mệt, cuối cùng chẳng được gì, lại còn suýt mất mạng. Thì ra là do mình không có đức mà tạo thành! Vậy thì oán trách ai được đây?!

Tôi minh bạch rồi, kiếp trước tạo nghiệp lớn thì kiếp này đức ít. Đức ít thì khổ nạn nhiều. Vậy tại sao càng phản kháng lại càng bi thảm hơn? Thông qua học Pháp, tôi đã minh bạch rằng, con người gặp nạn là để hoàn trả nợ cũ, khi tranh đấu với người khác, nghiệp cũ không được hoàn trả, mà lại tiếp tục tạo nghiệp mới, cho nên bệnh tình ngày càng trầm trọng. Nếu tệ hơn nữa, thì bị tiêu hủy thôi. Bởi vậy, kể từ hôm đó, tôi không còn oán thán rằng ông trời bất công với tôi, cũng không tranh đấu với người ta nữa, tôi biết là đức của mình ít.

Trước đây, tôi không sao hiểu nổi cuộc hôn nhân của tôi rốt cuộc sao lại như vậy? Là do chồng tôi cao tay, hay do chỉ số IQ của tôi thấp mà đi đến chỗ ấy? Hay là do thiên ý đây? Chỉ riêng việc tôi hạ mình lấy anh ấy, thì cho dù không nâng niu tôi, anh ấy cũng không thể ngược đãi tôi vậy chứ? Tôi nghĩ hoài cũng không hiểu nổi, đây cũng là căn nguyên sinh bệnh của tôi.

Thông qua học Pháp, tôi đã minh bạch, trong tâm có cảm giác thông suốt, khoáng đạt, dễ chịu. Không phải anh ấy cao tay gì, cũng không phải chỉ số IQ của tôi thấp, mà là nhân duyên đã buộc chặt chúng tôi lại với nhau. Tôi minh bạch rằng tôi và chồng tôi không phải là thiện duyên, kiếp này anh ấy khiến tôi đau khổ triền miên, nghiệp lực luân báo, có lẽ trước đây tôi đã khiến anh ấy còn thê thảm hơn, nợ một trả một, công bằng thôi mà! Đời này, hai chị em họ có mối thiện duyên nên vô cùng hòa hợp.

Trước kia, thấy hai chị em họ hàn huyên với nhau mãi không hết là tôi tức giận nói mấy lời gay gắt: “Kết hôn rồi mà anh vẫn thân thiết với chị gái như vậy. Anh không phải là đồ biến thái sao? Các người về mà ở với nhau đi, cưới tôi làm gì?” Sau khi học Đại Pháp, tôi mới hiểu ra rằng đây là tâm tật đố, là cái tâm vô cùng bất hảo, là gốc rễ của cái ác, là nguyên nhân của sự bất thiện, và cũng là tâm mà người tu luyện ắt phải bỏ.

Minh bạch ra những đạo lý này, tôi không còn oán hận chồng và chị chồng, không còn tật đố với người khác nữa, quan hệ với mọi người tốt hơn rất nhiều, tôi cũng cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.

6. Thoát thai hoán cốt

Kể từ ngày đầu biết Pháp Luân Đại Pháp là gì, tôi đã phát thệ: “Con nhất định không cô phụ sự từ bi khổ độ của Sư phụ, nhất định kiên định tu luyện đến cùng!”

Sau khi đắc Pháp tu luyện, điều đầu tiên tôi làm là đưa mấy chục nghìn nhân dân tệ tiền riêng cho chồng tôi. Tôi nói: “Em tu luyện Chân-Thiện-Nhẫn rồi, cất giấu tiền riêng là không đúng (thời đó, lương bình thường là vài trăm nhân dân tệ, nên mấy chục nghìn tệ không phải là số tiền nhỏ).”

Điều thứ hai là, từ khi cầm được cuốn bảo thư “Chuyển Pháp Luân”, tôi không bao giờ đến vũ trường nữa. Ngày nào cũng từ nhà đến đơn vị, rồi lại ra chợ, ba điểm thành một tuyến đường. Hễ có thời gian là tôi học Pháp, luyện công.

Trước khi tu luyện, tôi phụ trách việc xử lý chứng chỉ chuyên môn cho công nhân, kỹ sư cao cấp trong toàn xưởng. Đây là công việc béo bở, rất nhiều người mơ ước có được chức vụ này. Sau khi tu luyện, đầu tiên, lãnh đạo yêu cầu tôi giao công việc này cho đồng nghiệp cùng văn phòng. Cô ấy không biết làm, còn nhờ tôi dạy bảo, vậy mà tôi nghĩ không thông.

Nhờ học Pháp, tôi đã hiểu ra rằng người tu luyện không thể lựa chọn công việc, lãnh đạo bảo làm gì thì làm đó. Sau này, cùng quá trình không ngừng học Pháp thâm sâu, ngộ tính của tôi cũng đề cao lên. Mặc dù đây là công việc béo bở nhưng nó có yếu tố làm giả. Tôi ngộ ra rằng Sư phụ e tôi tạo nghiệp nên không để tôi làm việc đó nữa.

Trước khi tu luyện, tôi đi dạy vào buổi tối với giá 7 nhân dân tệ một tiết, mỗi buổi tối dạy ba tiết là kiếm được 21 tệ, một khoản thu nhập không nhỏ vào thời điểm đó. Sau khi tu luyện, mỗi tiết, tôi chỉ được trả 5 tệ hoặc 3 tệ một tiết. Đến khi xuống còn 1 tệ thì tôi không ngồi yên được nữa.

Các đồng nghiệp cùng cơ quan cũng giục tôi đi tìm lãnh đạo. Tôi vừa đẩy cửa ra, hiệu trưởng liền khiển trách: “Có chuyện gì?!” Lúc ấy, đầu óc tôi bỗng trống rỗng, hồi lâu cũng không nghĩ ra được gì. Tôi quay lại phòng hỏi đồng nghiệp: “Tôi định hỏi gì nhỉ?” Mọi người đồng thanh nói: “Xong rồi! Người này coi như xong rồi. Cái khí thế hùng hổ của cô đi đâu rồi?!”

Sau này, tôi hiểu ra: nhà mình không thiếu tiền, nên dành cơ hội kiếm tiền này cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn, còn tôi thì dùng thời gian này để học Pháp và luyện công nhiều hơn. Không tu luyện Đại Pháp, tôi tuyệt không thể nghĩ được như vậy, cũng không thể làm được như vậy, càng không có ai dám đối xử với tôi như vậy.

Một tối nọ, tôi giao lưu với các đồng tu đến rất khuya mới về nhà. Thế là chồng tôi tức giận, khóa trái cửa không cho tôi vào nhà. Giữa mùa đông ngoài hành lang rất lạnh, quá nửa đêm, con gái tôi len lén mở cửa cho tôi. Chồng tôi nằm giang rộng tay chân như hình chữ đại trên chiếc giường lớn, còn tôi thì nằm nghiêng mình bên mép giường.

Sáng sớm hôm sau, anh ấy nói: “Cô đừng có nói cô vẫn giỏi lắm, nửa đêm tôi mắng cô, cô thật sự không đáp trả một tiếng. Cô mà dám nói, tôi có thể đá cô xuống đất. Cô có tin không?” Tôi không nói gì, cười ha ha rồi đi làm bữa sáng.

Đầu tháng 4 năm 1999, địa phương chúng tôi tổ chức Pháp hội quy mô lớn lần đầu tiên. Trên sân khấu, tôi kể về tâm đắc thể hội tu luyện của mình. Tôi đã bật khóc mấy lần, nghẹn ngào nói không nên lời, các đồng tu dưới khán đài cũng khóc. Có ba cụ bà người thường đứng ở lối đi, nói: “Ai dà! Ai dà!” Đồng tu đứng cạnh họ hỏi: “Các bác ai dà gì vậy?” Họ nói: “Người đang phát biểu trên sân khấu là vợ của một lãnh đạo đơn vị chúng tôi, làm sao cô ấy giờ lại thế này?” Đồng tu nói: “Trước đây cô ấy như thế nào?” Bà lão nói: “Trước đây, ai mà dám đến gần cô ấy? Ai cô ấy cũng coi thường, ghê gớm lắm đó, mà thôi không nhắc đến nữa. Công này của các cô có thể khiến cô ấy thay đổi thành như thế này, thật đúng là lợi hại quá!

7. Ân cứu độ của Sư phụ không sao kể xiết

Chồng tôi nói: “Tu luyện là lựa chọn đúng đắn nhất trong cuộc đời của em.” Anh ấy biết rất rõ nếu tôi không tu luyện Pháp Luân Công, gia đình này sớm đã tan vỡ rồi, và anh ấy cũng sẽ không có kết cục hay ho gì.

Vào những năm 1990, lương của tôi chỉ có vài trăm nhân dân tệ mỗi tháng, tôi nhớ lúc đó, anh ấy đã bỏ ra hơn 2.000 tệ mua chiếc DVD đời mới nhất để tôi chuyên mang đi hồng Pháp. Có lẽ nhờ chính niệm của anh ấy mà sau này anh đã tránh được một số vụ tai nạn xe cộ chết người, hơn nữa, anh cũng cảm nhận mình được Thần Phật bảo hộ.

Năm 2000, tỉnh có kế hoạch bầu phó thị trưởng tại nhà máy chúng tôi. Trình độ học vấn, giới tính, độ tuổi, chuyên môn, lại phải là người không theo đảng phái, những điều kiện này dường như được thiết kế riêng cho chồng tôi, ai cũng nghĩ ngoài anh ấy ra thì không có ai khác. Thế mà, vì tôi tu luyện Pháp Luân Công mà anh ấy không ứng cử.

Nhiều năm sau, anh nói lại với tôi chuyện này, tôi hỏi anh: “Anh có hối hận không?” Anh nói: “Không!” Tôi nói: “Tại sao?” Anh nói: “Không thể chỉ nhìn vào chức vụ đó. Ngộ nhỡ không giữ mình được vững, anh sa vào tiệc tùng ăn chơi trác táng, có lẽ đã chết từ lâu rồi. Bây giờ, anh có thiếu thứ gì đâu, sống ung dung tự tại, tốt biết bao!” Tôi nói: “Đó là Đại Pháp đã bảo hộ anh, anh phải cảm tạ Đại Pháp nhé!” Anh ấy cười.

Khi con gái tôi tốt nghiệp đại học cũng là thời buổi tìm việc khó khăn nhất, từng lô từng lô sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường mà không kiếm được việc làm. Vậy mà ngay sau khi tốt nghiệp, con gái tôi đã được nhận vào một trường công không tầm thường ở địa phương. Người bình thường không thể vào nổi, được thị trưởng đặc cách phê chuẩn cũng phải tốn 200.000 nhân dân tệ mới vào được. Một đứa trẻ xuất thân từ một gia đình bình thường, không mất một đồng nào mà được nhận vào, quả là chuyện không thể tưởng tượng nổi. Một người họ hàng nói: “Với thực lực của gia đình chị, căn bản là không thể nào làm được việc này. Tôi cứ nghĩ có phải có liên quan đến tín ngưỡng của chị không?”

Tôi vô cùng may mắn được đích thân Sư tôn cứu độ trong gia đoạn lịch sử đặc thù của thời mạt Pháp mạt kiếp này. Thật may mắn, vinh hạnh biết bao! Đệ tử dù có dùng hết những mỹ từ đẹp nhất trên thế gian cũng không cách nào cảm tạ được ơn từ bi cứu độ của Sư phụ!

Sau này, tôi không những phải tu tốt bản thân, mà còn phải truyền rộng sự mỹ hảo của Pháp Luân Đại Pháp đến nhiều người hơn nữa, khiến nhiều người hữu duyên hơn nữa đắc Pháp hồi thiên.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/10/28/464966.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/12/4/213196.html

Đăng ngày 28-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share