Bài viết của Khởi Huệ
[MINH HUỆ 06-06-2023] Người xưa nói “Ở cửa quan dễ tu thiện”, tức là người làm việc ở trong các cơ quan chính quyền, do nắm quyền lực công, nếu tâm có thiện niệm, vận dụng quyền lực thích hợp, lấy việc thiện hóa xã hội, tạo phúc nhân dân làm gốc, thì càng dễ hành thiện tích đức hơn bất kỳ một nghề nghiệp nào khác. Đồng thời, người nắm quyền lực phải đối diện với các loại vấn đề và cám dỗ, nếu có thể kiên trì rèn giũa phẩm đức, giữ thiện niệm, thì cũng do ngôn truyền thân giáo, vô tâm cắm liễu liễu mọc xanh, trở thành tấm gương hành thiện tích đức cho quần chúng xã hội.
Trong các vị trí công tác ở cửa quan, thì nhân viên chấp pháp lại có cơ hội tích phúc đức nhiều hơn. “Viêm thị thế phạm” có viết: “Người xưa nói rằng, cai quản ngục tù nhiều âm đức, con cháu sẽ có người hưng thịnh, đó là làm lợi cho người mà người không biết mà tự đắc phúc”. Tức là, nhân viên chấp pháp do có nhiều cơ hội để bảo vệ quyền lợi của người dân lương thiện, làm lợi cho người ta trong tình huống người ta không hay biết, nhờ đó tích đức, khiến cháu con hưng thịnh. Quách Cung thời Đông Hán chính là một trường hợp điển hình.
Hiểu rõ pháp luật nghị luận pháp luật, không dùng quyền lực thay cho pháp luật
“Hậu Hán thư” có ghi chép, Quách Cung thời Đông Hán kế thừa nghề nghiệp của cha, học tập và giảng dạy pháp luật. Sau này ông làm quan trong triều. Những năm Vĩnh Bình thời Minh Đế, Xa Đô úy Đậu Cố chinh phạt Hung Nô, Kỵ Đô úy Tần Bành làm phó tướng. Tần Bành dùng quân pháp xử tử tội phạm ở địa bàn ông ta đóng quân, Đậu Cố bèn hạch tội Tần Bành độc đoán chuyên quyền, và dâng tấu lên triều đình giết Tần Bành. Minh Đế và các công khanh trong triều đình nghị luận. Những người tham gia nghị luận đều nhất trí đồng ý với bản tấu của Đậu Cố, chỉ có Quách Cung là giữ ý kiến phản đối. Ông nói rằng: “Chiểu theo pháp luật, Tần Bành có quyền thi hành xử tử”. Minh Đế hỏi: “Đại quân xuất chinh, thống nhất do Đốc soái chỉ huy, Tần Bành không có quyền xử tử, sao có thể chuyên quyền giết người được?”. Quách Cung trả lời rằng: “Thống nhất do Đốc soái chỉ huy, đó là về mặt quân sự, hơn nữa địa phương Tần Bành đóng quân không cùng địa phương với Đốc soái, quân pháp quy định, chiểu theo nhu cầu tình hình thực tế, phó tướng có thể linh hoạt xử lý, không cần phải mỗi một việc đều xin chỉ thị từ chủ soái. Do đó, không nên trị tội Tần Bành”. Cuối cùng, Minh Đế tiếp nhận ý kiến của Quách Cung. Quách Cung hiểu rõ pháp luật, nghị luận pháp luật, trách việc người có quyền lực dùng quyền lực thay pháp luật, và đã bảo vệ được tính mạng của Tần Bành.
Thiên Đạo chính trực, không định tội theo nghi ngờ
“Hậu Hán thư” còn có ghi chép một câu chuyện Quách Cung tuân theo pháp luật cứu người. Khi đó xảy ra một vụ án mạng, có 2 anh em cùng nhau giết người, nhưng ai là chủ phạm thì nhất thời khó mà phân định được. Minh Đế cho rằng, người anh không dạy bảo tốt em trai, nên phải chịu trách nhiệm chính, vì vậy phê chuẩn xử tội người anh nghiêm khắc, và miễn tội chết cho người em. Sau đó, Trung thường thị Tôn Chương đọc chiếu thư, nói thành 2 người đều bị phán xử tử hình. Thượng thư biết chuyện đã hạch tội Tôn Chương tội danh “Giả tạo chiếu mệnh Hoàng đế, dâng tấu xin xử tử. Tôn Chương cho rằng mình nhất thời sai lầm, chứ không phải là cố ý. Minh Đế triệu kiến Quách Cung hỏi ý kiến. Quách Cung nói: “Chỉ nên xử phạt tiền Tôn Chương”. Minh Đế hỏi: “Tôn Chương giả mạo Hoàng mệnh, tại sao lại chỉ phạt tiền?”. Quách Cung trả lời rằng: “Pháp luật có phân biệt cố ý và sai lầm, Tôn Chương truyền đạt chiếu mệnh sai, chỉ là sai lầm, phạm tội sai lầm thì xử tội nhẹ”. Minh Đế nói: “Tôn Chương và phạm nhân là người cùng huyện, trẫm nghi ngờ ông ta cố ý làm như thế, không thể tha được”. Quách Cung trả lời rằng: “Thiên Đạo chính trực, quân tử không nên trong khi không có chứng cứ mà nghi ngờ người ta lừa dối, quân vương cần tuân theo Thiên Đạo, không nên định tội theo nghi ngờ”. Minh Đế đồng ý cách nhìn nhận của Quách Cung. Quách Cung đã tỏ rõ tinh thần pháp luật “nghi có tội thì xử không có tội”, đã cứu được tính mạng của Tôn Chương.
Cai quản ngục tù khoan dung, công bằng, nhân nghĩa, tạo phúc ấm cho cháu con
Năm Chương Hòa thứ nhất, đại xá thiên hạ, đối với những phạm nhân tử tù đang giam trong ngục từ ngày Bính Tý tháng 4 về trước đều giảm 1 bậc, và không bị hình phạt đánh roi, đi đày đến Kim thành để trấn thủ biên cương, nhưng lệnh đại xá không đề cập đến những tội phạm đang trốn chạy. Quách Cung dâng tấu lên Hoàng đế rằng: “Hoàng thượng ban ân, giảm hình phạt cho tử tội, để họ đi trấn thủ biên cương, nguyên nhân là coi trọng sinh mạng con người. Hiện nay, tổng số người phạm tử tội trốn chạy không dưới vạn người, từ khi đại xá thiên hạ đến nay, những tội phạm bị bắt về quy án rất nhiều, nhưng chiếu thư xá tội không đề cập đến những người này, họ đều bị phán xử tội nặng. Ngày nay, những người bị xử tội tử hình đều đã được cuộc đời mới, chỉ những tội phạm bị bắt sau đó là vẫn chưa nhận được ân trạch của Hoàng thượng. Thần cho rằng, đối với những người phạm tử tội trước khi có lệnh đại xá, mà sau khi ban lệnh đại xá mới bắt được về quy án, đều nên như vậy, không dùng hình phạt đánh roi, đưa đi đày ở Kim thành để trấn thủ biên cương, như thế vừa bảo toàn được nhân mạng, lại vừa có lợi cho phòng thủ biên cương”. Túc Tông đồng ý với ý kiến của Quách Cung, đã bảo toàn được tính mệnh cho rất nhiều người, cũng khiến họ bảo vệ biên cương cho quốc gia.
Quách Cung cai quản việc pháp luật và xét xử, coi trọng sự khoan dung, công bằng, hình phạt dựa trên nguyên tắc nhân từ khoan dung. Ông đã từng dâng tấu xin thay đổi 41 loại hình phạt nặng thành xử lý nhẹ, đều được Hoàng đế đồng ý. Sách “Vi chính thiện báo sự loại” có ghi chép rằng, Quách Cung làm quan đến chức Đình úy chính, ông đã tạo phúc ấm cho cháu con. Con cháu đời sau của ông có 1 người làm quan đến tước Công, 7 người đến chức Đình úy, 3 người được phong hầu, mười mấy người làm đến chức Thứ sử, Thị trung, còn những người làm đến chức Thị ngự sử, Chính giám bình thì rất nhiều.
Lời kết
“Ở cửa quan dễ tu thiện”, nhất là những người làm công an, kiểm sát, tòa án. Ví như, từ khi Trung Cộng bức hại hàng chục triệu học viên Pháp Luân Công đến nay, ngày càng nhiều những công chức xuất phát từ lương tri, thiện niệm, sau khi minh bạch chân tướng, trợ giúp chính nghĩa, giúp các học viên Pháp Luân Công vô tội tránh bị hại, họ cai quản ngục tù, tích âm đức, nhất định có dương báo.
Trái lại, nếu người trong cửa quan có ác niệm, lạm dụng quyền lực mưu lợi cá nhân, thì cũng sẽ dễ hành ác tạo nghiệp hơn những nghề nghiệp khác. Ví như, đến nay vẫn có những nhân viên công an, kiểm soát, tòa án do không hiểu rõ pháp lý, hoặc che lấp lương tri, theo kẻ cầm quyền chà đạp pháp luật, tạo ra các án oan án sai, bức hại các học viên Pháp Luân Công lương thiện, chính là đang ở cửa quan làm ác tạo nghiệp.
Lịch sử luôn tuân theo Thiên Đạo, vẫn luôn lặp lại, những người ở cửa quan, nhất là những nhân viên chấp pháp, cần phải quán chiếu khởi tâm động niệm của bản thân, tâm có thiện niệm thì phúc ắt sẽ theo đó mà đến.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/6/6/461659.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/7/28/210520.html
Đăng ngày 03-04-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.