Bài viết của Tần Sơn

[MINH HUỆ 12-11-2016]

Tiếp theo Phần 1

2. “Khang Hy chính yếu”

Khang Hy Đại đế họ Ái Tân Giác La, tên là Huyền Diệp, là vị hoàng đế thứ 4 triều Thanh, và là vị hoàng đế thứ 2 sau khi nhà Thanh định đô ở Bắc Kinh, niên hiệu là Khang Hy, với ý nghĩa là ‘Vạn dân khang ninh, thiên hạ hy thịnh’ (Vạn dân yên vui, thiên hạ hưng thịnh). Khang Hy Đại đế đã đặt định nền móng cho sự hưng thịnh của triều Thanh, khai sáng ra cục diện Khang Càn thịnh thế, được người đời sau tôn xưng là “Thiên cổ nhất đế”, miếu hiệu Thánh Tổ, thụy hiệu Hợp Thiên Hoằng Vận Văn Vũ Duệ Triết Cung Kiệm Khoan Dụ Hiếu Kinh Thành Tín Công Đức Đại Thành Nhân Hoàng Đế, thông thường gọi là Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế.

“Khang Hy chính yếu” chủ yếu ghi chép những lời giáo huấn, lời nói của Khang Hy Đại đế khi xử lý chính sự, và đối thoại của ông với các đại thần, trong đó bao gồm rất nhiều phương diện như đạo làm vua, bổ nhiệm hiền tài, khoan dung nhân đức, tiết kiệm, thành tín v.v.

Người biên soạn “Khang Hy chính yếu” là Chương Xâm (1861-1949), tên là Chính Diệu, tự Lập Quang, hiệu Nhất Sơn, là người trấn Hải Du huyện Tam Môn tỉnh Chiết Giang. Ông là một học giả, nhà giáo dục và nhà thư pháp nổi tiếng. Chương Xâm sinh ra trong gia đình học giả, 6 tuổi ông vào trường tư thục, 18 tuổi ông dự thi và đỗ tú tài, sau đó ông đến Tinh xá Hỗ Kinh ở Hàng Châu để nghiên cứu sâu, theo học danh sư nổi tiếng Giang Nam là Du Khúc Viên, được thầy Du đích thân truyền thụ. Ông nghiên cứu kinh sử, và học thuật số, thiên văn, địa lý, học vấn tiến bộ từng ngày. Ông từng đến các tỉnh Tứ Xuyên, Giang Tây, Hồ Nam mưu sự, khảo sát dân tình, phong tục, và mở rộng kiến thức. Năm Quang Tự thứ 30 (năm 1904), Chương Xâm đến kinh thành thi đỗ tiến sĩ, sau khi thi đình được ban chức Hàn lâm viện Kiểm thảo. Sau này qua nhiều lần bổ nhiệm, ông làm các chức Kinh sư Đại học đường Dịch học quán Đề điều, Giám đốc, Hàn lâm viện Quốc sử quán Hiệp tu, Toản tu, Công thần quán Tổng toản, Đức tông Thực lục quán Toản tu, Bưu truyền bộ Thừa tham thượng Hành tẩu. Ông còn kiêm Kinh sư Đại học đường Kinh khoa, Văn khoa Đề điều, Bưu truyền bộ, Giao thông bộ Truyền tập sở Giám đốc, Hiệu trưởng trường Sư phạm nữ Bắc Kinh.

Chương Xâm trên cơ sở “Xem xét nguyên nhân hưng suy của các triều đại, khảo sát nguyên nhân thay đổi của các triều đại”, cho rằng sự quản trị của Khang Hy đứng đầu “sự quản trị của trăm vua”. Trong “Đề thức” của “Khang Hy chính yếu”, Chương Xâm đã có những đánh giá cực cao dành cho Khang Hy Đại đế: “Thiết nghĩ sự quản trị của trăm vua, không ai vượt qua được Thánh Tổ triều ta. Thánh Tổ nhân như Nghiêu, kiệm như Vũ, văn như Thuấn, võ như Thang, hiếu học như Ân Tông, cung kính như Chu Khảo, mà sự quản trị của ngài như có vẻ học theo đời trước nhưng thực tế là sáng tạo ra, thực ra trông như an nhàn mà thực tế là nguy nan, vận dụng như Thần, khiến thiên hạ yên định, hưởng lộc nước lâu dài, kéo dài cho các đời sau”.

Do sự hùng vĩ của thời thịnh thế Khang Hy, và do sự khâm phục và kính ngưỡng đối với Khang Hy Đại đế, Chương Xâm nảy sinh ý tưởng mô phỏng theo “Trinh Quán chính yếu” của Ngô Căng đời Đường để soạn ra “Khang Hy chính yếu”. Để thực hiện nguyện vọng lớn lao này, Chương Xâm tận dụng điều kiện nhậm chức của mình, sưu tập lượng lớn tài liệu chính sử, thận trọng đánh giá ghi chép các văn tập liên quan. Đối với dã sử và các tài liệu không chính thức khác, ông giữ thái độ thận trọng nghiêm cẩn “không dám hỗn tạp”. Đồng thời, ông còn chủ động thảo luận ngày đêm với các quan đồng liêu ở Đồng giảng Tập quán. Sau khi trải qua nhiều năm nỗ lực, cuối cùng ông đã biên soạn ra cuốn “Khang Hy chính yếu” gồm 24 quyển, tổng 42 chương. Chương Xâm cho rằng, Khang Hy Đại đế “Thánh đế có học vấn rộng lớn, đức lớn bao la, quy mô sâu xa, thực sự là mở ra con đường quản trị có đạo vạn năm”.

Sách “Khang Hy chính yếu” dường như chiểu theo thể lệ của “Trinh Quán chính yếu” của Ngô Căng triều Đường, phân loại, lựa chọn các loại tư liệu về sự tích liên quan đến Khang Hy. So với “Trinh Quán chính yếu” thì nó thêm các chương “Tuân pháp tổ chế”, “Ưu lễ đại thần”, “Cần học”, Tuất huân cựu”, “Thượng liêm”, “Lý học”, “Dư địa”, “Lịch toán” v.v. Theo “Đề thức” của tác giả, “Khang Hy chính yếu” hoàn thành vào năm Tuyên Thống thứ 2 (năm 1910), và được khắc in phát hành cùng năm. Sau đây, tuyển chọn 4 đoạn để độc giả cùng thưởng thức.

Quyển 2 – Luận chính thể đệ 2: Năm Khang Hy thứ 5 (năm 1686), Thánh tổ Hoàng đế căn dặn các quan đại học sĩ rằng: “Ta cho rằng từ xưa đến nay, đế vương vỗ yên cai quản bách tính, chính trị trong sáng, giáo hóa thông suốt, thay vì trừng phạt dân bằng hình phạt khiến họ sợ pháp luật, tránh được việc phạm tội, thì tốt hơn là nên dùng đức giáo hóa, để khiến dân trong sạch, luôn hướng thiện, không nhẫn tâm làm điều ác. Sách “Thượng thư” có viết rằng: ‘Thiên hạ vạn bang điều hòa dung hợp, thì bách tính lên dân trở nên thiện lương và hòa mục’. Sách Thượng Thư cũng viết rằng: ‘Hoàng đế đối với bề tôi cần đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện, đối với dân chúng cần khoan hồng đại lượng’. Thời đại Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, trị sửa chiểu theo nguyện vọng của mọi người, giống như gió cổ động nhân dân bốn phương, kết quả đã nghiệm chứng điều này. Trẫm từng cung kính theo sự hưng thịnh thời thượng cổ, nỗ lực tiến hành giáo hóa, hy vọng dùng nó để cảm hóa cái thiện lương của mọi người, cùng họ bước tới con đường chính đạo”.

Quyển 11 – Luận khoan nhân đệ 14: Năm Khang Hy thứ 35 (năm 1696), Thánh tổ Hoàng đế căn dặn các nghị chính đại thần rằng: “Thiên hạ nên lấy nhân đức cảm hóa, không được chỉ dùng uy thế để khiến họ quy phục. Ngày nay trẫm đích thân chinh phạt Cát Nhĩ Đan, đều do tội lỗi Cát Nhĩ Đan mà chuốc lấy. Hơn nữa Cát Nhĩ Đan hung ác tàn bạo, thì trẫm dùng khoan dung nhân từ đối đãi với ông ta; Cát Nhĩ Đan gian trá quỷ quyệt, thì trẫm dùng thành tín đối đãi với ông ta. Trẫm đã từng thấy văn hiến trong kinh sử viết rằng, chỉ có người nhân đức thì mới không có kẻ địch. Giờ đây, Cát Nhĩ Đan đã vào đường cùng, sai sứ giả Cách Lỗi Cô Anh đến xin hòa, ý trẫm vẫn là vỗ về”.

Các đại thần dâng tấu rằng: “Hoàng thượng thực sự là có cái tâm hiếu sinh của trời đất, thực sự là từ xưa đến nay không có”.

Thánh tổ Hoàng đế nói: “Tướng soái thời cổ đại, cho dùng giỏi dụng binh, nhưng nhiều người đã tàn sát những kẻ địch đã đầu hàng. Có người bản thân không được chết yên lành, có người thì cháu con suy bại, đây đều là lời cảnh tỉnh rõ ràng về việc hiếu sát. Quân chủ cổ đại, có người dốc hết sức lực vào chinh chiến, thích công lao lớn, ý kiến của trẫm không cho rằng như thế là đúng. Trẫm chỉ hy vọng thiên hạ hòa thuận yên vui, bốn biển thanh bình, người người no đủ, nhân dân ai nấy sống yên ổn mà thôi. Sứ giả của Cát Nhĩ Đan là Cách Lỗi Cô Anh có thể để ông ta trở về”.

Quyển 18 – Luận lý học đệ 28: Thánh tổ Hoàng đế đích thân soạn “Tính lý đại toàn tự”, viết rằng: “Thánh vương thời thượng cổ, sở dĩ có thể kế thừa ngôi vị thiên tử, làm quân chủ và thầy của vạn dân thiên hạ, không chỉ có phương pháp quản trị quốc gia nghiêm minh, đầy đủ, mà còn có sự tinh thâm của tâm pháp, và đạo pháp. Sự giáo huấn của đạo chấp trung, bắt đầu từ Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, học vấn của đế vương, không điều gì là không từ đó mà sinh ra, phát triển ra. Đàm luận về nhân tâm, ngài nói: ‘Nhân tâm tự tư thì nguy hiểm, đạo tâm sâu sắc nhẹ sáng’. Đàm luận về nhân tính, ngài nói: ‘Thuận theo thiên tính tự nhiên của con người, tìm được biện pháp an định họ, thì đó chính là quân vương’. Chiểu theo đạo lý thiên tính tương đồng, lương trí cố hữu trong nhân tâm, đó chính là cội nguồn của các loại thiện niệm. Lấy điều này làm gốc để xây dựng nguyên tắc quản trị chí cao vô thượng, thì sẽ trở thành thiên đức vương đạo thuần chính, thì sẽ thành tựu nhất đạo đồng phong của việc quản trị. Muốn tu dưỡng thân tâm, đạt được thời thịnh trị lý tưởng, nếu rời xa đại đạo này thì làm sao có con đường để tiến bước được? Trẫm kế thừa điển chế hoàn mỹ mà Thái tổ, Thái tông tích lũy, kế thừa đại nghiệp lớn lao của Thế tổ Chương Hoàng Đế, ngày đêm cung kính e sợ, tạo ân huệ cho mọi người, mong đạt được sự thịnh trị thái bình. Mỗi khi nghĩ đến sự quản trị của Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, Hạ Vũ, Thương Thang, Chu Văn Vương, dùng đạo nghĩa làm gốc, mà đạo nghĩa của họ lại lấy tâm tính làm gốc. Nghiêm túc xem xét rõ cái lý của nhân tính, để phụ giúp giải thích lục kinh, phát huy đạo của thánh vương, thì không thời nào rõ ràng tường tận bằng các vị đại Nho đời Tống”.

Quyển 17 – Luận kinh sử văn học đệ 29: Sách “Tứ thư giải nghĩa” khắc in xong, Thánh tổ Hoàng đế đích thân viết lời tựa rằng: “Trẫm suy nghĩ Trời sinh Thánh hiền, làm quân chủ và thầy của nhân dân, truyền thừa đạo thống thiên thu vạn đại, đó cũng chính là mấu chốt của việc quản trị. Từ sau thời Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, Hạ Vũ, Thương Thang, Chu Văn Vương, Chu Vũ Vương, thì có Khổng Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử. Mà ngoài “Dịch kinh”, “Thư kinh”, “Thi kinh”, “Lễ ký”, “Xuân thu” ra, còn có 4 bộ sách “Luận ngữ”, “Đại học”, “Trung dung”, “Mạnh Tử”. Điều này giống như ánh sáng mặt trăng mặt trời đi qua bầu trời, như non nước Ngũ nhạc Tứ độc chảy và đứng trên trái đất. Quan trọng biết bao. Có bốn bậc thầy Khổng Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử, mà sau này đạo của Văn Nhị Đế Tam Vương là Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn Vương mới được truyền thừa lại. Có sách của bốn bậc thầy mà sau này thể hệ lý luận của Ngũ kinh mới được hoàn chỉnh. Sách của bốn bậc thầy, đầu tiên là đắc được nghĩa tinh vi của Ngũ kinh, sau đó thêm phát triển luận thuật. Khổng Tử đã lấy sự Thánh minh chưa từng có từ khi sinh ra nhân loại, và sự thảo luận chính sự và học vấn của quân chủ, đại phu và đệ tử của ông thời Xuân Thu liệt quốc, toàn bộ thiên đức vương đạo cũng như mấu chốt tu kỷ trị nhân, đều đưa vào trong sách “Luận ngữ” này. “Đại học”, “Trung dung” đều là sự truyền thừa của tư tưởng Khổng Tử, mà Tăng Tử, Tử Tư đắc được sự chính thống của Khổng Tử. Minh đức, tân dân, chí ư chí thiện, đây là nguyên nhân khiến quốc gia, thiên hạ được trị sửa và yên định. Trời ban cho gọi là nhân tính, tuân theo nhân tính gọi là đạo, tu theo đạo gọi là giáo hóa, cho đến đạt được trung hòa. Đây chính là cội nguồn của sự sinh trưởng sáng tạo của trời đất vạn vật, là sự thông hành trong thiên hạ của cửu kinh ngũ đạt đạo. Đến Mạnh Tử, kế thừa đạo thống của các bậc Thánh xưa, khai sáng Nho học sau này, phá trừ dị đoan tà thuyết, để quy chính nhân tâm, khiến tôn chỉ nhân tính bản thiện, nhân chính nhân nghĩa có thể hiển hiện sáng khắp thiên hạ. Những lời dạy bảo ngôn luận của các bậc Thánh hiền này, đều là làm ra vì nhân dân thiên thu vạn đại. Đạo thống của Nho học là ở đây, sự quản trị thiên hạ cũng là ở đây”.

Thực lục quán Tổng tài, Quân cơ Đại thần, Thể nhân các Đại học sĩ Từ Thế Xương đã ca ngợi trong bài tựa của “Khang Hy chính yếu” rằng: “Xem xét Chương Xâm, học rộng nghĩ sâu, nắm rõ điển cố, nên phỏng theo thể thức của “Trinh Quán chính yếu” của Ngô Căng đời Đường, đã soạn “Khang Hy chính yếu” gồm 24 quyển, với 42 mục, lựa chọn ngôn ngữ tinh vi tường tận, khiến cho người đọc 200 năm sau như thấy được khí thế các đại thần Vương Thị Hy, Phùng Thị Phổ, Lý Thị Quang cùng trong điện đường vậy”. Đồng thời ông đánh giá cao thời thịnh thế Khang Hy là “Giá trị kéo dài qua năm tháng, sự hưng thịnh của đạo làm người, sự an lành tạo phúc cho người dân, thì từ thời Hán đến nay chưa từng có”. Một vị khác viết lời tựa cho “Khang Hy chính yếu” là Hiệp biện Đại học sĩ, Ngoại vụ bộ Thượng thư Cù Hồng Tập, ca ngợi Khang Hy Đại đế rằng: “Thánh tổ viết trong “Đình huấn” rằng: ‘Tâm pháp là cội nguồn của phép quản trị’. Đây chính là nối tiếp đạo trị quốc tâm truyền của Nghiêu Thuấn, mà còn hơn cả Nghiêu Thuấn”.

Lời kết

Ngô Căng và Chương Xâm với thái độ nghiêm cẩn của nhà sử học, đã lưu lại tín sử cho hậu thế, đọc hai bộ điển tịch cổ này, có thể thấy được trục chính, đó chính là tu tâm hướng thiện, nhân tâm nhân nghĩa, thuận theo lẽ Trời, trừ bỏ ác, hồng dương thiện.

Tài liệu tham khảo và xuất xứ:

“Trinh Quán chính yếu” của Ngô Căng đời Đường.

“Đế phạm” của Đường Thái Tông Lý Thế Dân đời Đường.

“Lãm ‘Trinh Quán chính yếu’” của Khang Hy Đại đế Ái Tân Giác La Huyền Diệp đời Thanh.

“Khang Hy chính yếu” của Chương Xâm đời Thanh.

(Hết)

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/11/12/《贞观政要》与《康熙政要》-下–337370.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/1/4/214167.html

Đăng ngày 28-02-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share