Bài viết của Tần Sơn

[MINH HUỆ 11-11-2016]

“Trinh Quán chính yếu” và “Khang Hy chính yếu” đã ghi lại hai thời kỳ hoàng kim rực rỡ trong lịch sử Trung Quốc – thời kỳ “Trinh Quán chi trị” và “Khang Hy thịnh thế”, ghi chép lại những lời nói và hành động của Hoàng đế Đường Thái Tông và Hoàng đế Khang Hy, những người đã tạo dựng nên những thời kỳ thịnh vượng này, cũng như tương tác của họ với các đại thần.

1. “Trinh Quán chính yếu”

“Trinh Quán chính yếu” là một tác phẩm lịch sử với tính chất chính luận, được biên soạn bởi nhà sử học thời Đường, Ngô Căng. Tác phẩm chủ yếu ghi chép lại lời nói, gồm 10 quyển với 40 bài, phân loại và biên tập các cuộc đối thoại về vấn đề chính trị giữa Đường Thái Tông và các đại thần trong thời kỳ Trinh Quán như Ngụy Trưng, Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối… cũng như một số lời khuyên, thỉnh cầu và báo cáo của các đại thần. Ngoài ra, còn ghi chép về một số biện pháp lớn về chính trị và kinh tế. So với các tác phẩm lịch sử khác như “Cựu Đường thư”, “Tân Đường thư”, “Tư trị thông giám” ghi chép về thời kỳ Trinh Quán, thì “Trinh Quán chính yếu” cung cấp thông tin chi tiết hơn.

Ngô Căng (670–749), người Tuấn Nghi, Biện Châu (nay là Khai Phong, Hà Nam), sinh vào năm Tổng Chương thứ ba đời Đường Cao Tông, và qua đời vào năm Thiên Bảo thứ tám đời Đường Huyền Tông. Lịch sử ghi nhận rằng Ngô Căng “chăm chỉ học tập, am hiểu sâu rộng về kinh sử”. Là một quan sử, ông không chỉ viết sử chân thực, mà còn dám thẳng thắn trình bày vấn đề chính trị mà không quan tâm đến sự an nguy của bản thân. Ngô Căng khi mới vào Sử quán đã từng phẫn nộ trước hành động “lời nói dối tô vẽ, không viết chính trực” của Vũ Tam Tư và những người khác. Ông cho rằng “viết sử của quốc gia phải ghi chép rõ ràng về điều tốt và xấu”. Ông tự viết sử của triều đại mình để bảo tồn sự thật lịch sử. Khi giải thích cho Huyền Tông về đặc điểm của bản sử do mình viết, ông nói rằng “tuy văn phong không tinh xảo, nhưng mọi sự kiện đều dựa trên sự thật”. Điểm nổi bật trong phong cách sử học của Ngô Căng là “viết thẳng thắn”. Trong thời gian làm quan sử, ông đã dành thời gian rảnh để viết “Trinh Quán chính yếu”, mong muốn để lại cho hậu thế một sử sách đáng tin cậy.

Trong cả “Lời tựa Trinh Quán chính yếu” và “Dâng biểu Trinh Quán chính yếu”, Ngô Căng đều giải thích về bối cảnh viết cuốn sách này. Trong lời tựa, ông giới thiệu rằng: Thị trung An Dương công, Trung thư lệnh Hà Đông công, là lương tướng của Đại Đường từ khi thành lập quốc gia, “luôn khắc chế bản thân, gắng sức tinh tấn, nhớ lại quá khứ”, rất ngưỡng mộ thời kỳ Trinh Quán, cảm thấy rằng “chính trị giáo hóa thời Đường Thái Tông để lại dấu vết đáng để quan sát, từ xưa đến nay chưa từng có”. Do đó, ông đã chỉ đạo Ngô Căng biên soạn cuốn sách này.

Đầu thời kỳ Trinh Quán, Đường Thái Tông muốn hiểu rõ được điểm mạnh và yếu của các đời hoàng đế trước đó, ông đã ra lệnh cho Ngụy Trưng, Ngu Thế Nam và các đại thần khác biên soạn “Quần thư trị yếu”. Người biên soạn đã chọn lọc tư liệu từ các tác phẩm kinh sử tử tập của các thời đại trước, tổng kết được điểm mạnh và yếu của các hoàng đế từ thời cổ đại đến thời nhà Tấn.

Chính Đường Thái Tông cũng tự mình viết những tác phẩm như thế. Ông hoàn thành 12 chương “Đế phạm”, và vào năm Trinh Quán thứ 22 (năm 648) chính thức trao cho Hoàng thái tử Lý Trị, nhấn mạnh rằng đây là di huấn: “Đạo sửa mình cai quản chính sự đều có trong đó, khi trẫm không còn, thì không còn gì để nói nữa.” Hành động của Đường Thái Tông chắc chắn đã truyền cảm hứng cho người sau. Có nhiều tên chương giống nhau hoặc tương tự giữa “Đế phạm” và “Trinh Quán chính yếu”. Khi so sánh hai cuốn sách (“Đế phạm” phía trước “Trinh Quán chính yếu” phía sau), ta thấy như sau:

“Quân thể” – “Quân đạo”, “Chính thể”;

“Kiện thân” – “Phong kiến”;

“Cầu hiền” – “Nhiệm hiền”;

“Thẩm quan” – “Trạch quan”;

“Nạp gián” – “Nạp gián”;

“Khứ sàm” – “Đỗ sàm tà”;

“Giới doanh” – “Khiêm nhượng”;

“Sùng kiệm” – “Kiệm ước”;

“Thưởng phạt” – “Hình pháp”;

“Vụ nông” – “Vụ nông”;

“Duyệt vũ” – “Chinh phạt”;

“Sùng văn” – “Sùng Nho học”, “Văn sử”.

Rõ ràng, 12 chương của “Đế phạm” đều được Ngô Căng tham chiếu hấp thụ.

“Trinh Quán chính yếu” gồm 10 quyển, được chia thành 40 bài, mỗi bài có tên phản ánh nội dung cơ bản của bài đó, nội dung tương tự của một số bài được gộp lại thành một quyển, mỗi quyển phản ánh một loại vấn đề. Do nội dung của cuốn sách được sắp xếp theo chủ đề riêng biệt, nên rất thuận tiện cho việc tra cứu và sử dụng.

Nội dung của cuốn sách này rất phong phú, bao gồm các cuộc đối thoại giữa Đường Thái Tông và các đại thần (giống như sách ghi chép lời nói); có bản gốc hoặc trích đoạn của các chiếu thư và tấu biểu (giống như tập hợp văn chương); có diễn biến của một số sự kiện lịch sử (giống như thể loại ghi chép đầu đuôi sự việc); có truyện ký của các nhân vật (giống như thể loại ghi chép truyện ký); nội dung trong cùng một phần thường được sắp xếp theo trình tự thời gian xảy ra (giống như thể loại biên niên sử). Mặc dù nội dung ghi chép phong phú, các vấn đề rất đa dạng, thể loại sử dụng cũng khá linh hoạt, nhưng mục đích chỉ có một, đó là tuyên truyền về nền chính trị nhân đức và thuật cai trị của Đường Thái Tông, tổng kết kinh nghiệm và bài học giúp quốc gia thịnh trị yên ổn lâu dài.

“Trinh Quán chính yếu” đối với triều Đường là một cuốn sách rất kịp thời, được sử dụng làm tài liệu học tập cho các hoàng tử. Đường Tuyên Tông Lý Thầm là một vị vua có một số thành tựu trong thời Vãn Đường, ông rất chú trọng nghiên cứu “Trinh Quán chính yếu”, rút ra kinh nghiệm trong việc cai trị. Đường Tuyên Tông từng “chép ‘Trinh Quán chính yếu’ lên bình phong, mỗi lần đọc đều nghiêm trang và cung kính”.

Các hoàng đế triều Nguyên đã nhiều lần nhắc đến cuốn sách “Chính yếu”, và yêu cầu Nho thần đương thời giảng giải nội dung sách. Triều Minh quy định, ngoài các ngày 3, 6, 9 hàng tháng hoàng đế thiết triều ra, buổi trưa mỗi ngày đều yêu cầu các thị thần giảng dạy “Chính yếu”. Minh Hiến Tông Chu Kiến Thâm đặc biệt chú ý đến việc xuất bản “Chính yếu”, tự mình làm lời tựa, thể hiện sự ngưỡng mộ. Các hoàng đế triều Thanh như Khang Hy, Càn Long đều rất quen thuộc với nội dung “Chính yếu” và rất ngưỡng mộ “Trinh Quán chi trị”. Hoàng đế Càn Long từng nói: “Trẫm thường đọc sách này, nghĩ về thời kỳ đó, chưa bao giờ không ngưỡng mộ mà tán thán lên: ‘Trinh Quán chi trị thật là rực rỡ!’”

“Trinh Quán chính yếu” cũng có ảnh hưởng lớn ở nước ngoài. Khoảng thế kỷ thứ chín, cuốn sách này đã được truyền đến Nhật Bản. Trong thời kỳ Kamakura, vào năm 1205, học giả Sugawara no Tamenaga được chỉ định làm giảng viên, giảng dạy “Chính yếu” cho Mạc phủ, có ảnh hưởng lớn đến chính trường Nhật Bản thời đó. Trong thời kỳ Edo, Mạc phủ Tokugawa ban hành 17 điều “Luật cấm cung và quốc gia” năm 1615, điều đầu tiên quy định Thiên tử phải đọc “Trinh Quán chính yếu”, để “hiểu rõ Đạo xưa”. Sau đó, “Chính yếu” được phổ biến rộng rãi ở Nhật Bản.

Đường Thái Tông đã tạo dựng thời kỳ thịnh vượng của Đại Đường, “Trinh Quán chính yếu” đã luận thuật toàn diện về lòng nhân ái, chính sách nhân từ, trị quốc bằng đức, coi dân là gốc, khởi đầu thiện và kết thúc cẩn thận, giới cấm xa hoa và tham lam, bổ nhiệm người tài đức, v.v., với nhiều câu ngạn ngữ và câu danh ngôn. Dưới đây chỉ là một vài đoạn được chọn lọc để chia sẻ với độc giả.

Cuốn Sáu – Luận Khiêm Nhường: Vào năm Trinh Quán thứ nhất, Đường Thái Tông nói với các đại thần thị tòng rằng: “Người ta nói rằng, vì là Thiên tử nên có thể tự cho mình là quý phái và cao quý, không sợ hãi điều gì, nhưng trẫm cho rằng, điều này hoàn toàn ngược lại. Thiên tử càng phải khiêm tốn và cẩn trọng, luôn phải có lòng kính sợ. Trước đây, vua Thuấn đã khuyên vua Vũ rằng: ‘Chỉ cần khanh không kiêu ngạo, thì không ai trên thế giới này sẽ tranh cãi với khanh về khả năng, chỉ cần khanh không tự phụ, thì không ai trên thế giới này sẽ tranh cãi với khanh về công lao.’ Kinh Dịch nói: ‘Phép tắc của quân tử là ghét sự tự mãn và coi trọng sự khiêm tốn.’ Khi đã trở thành Thiên tử, nếu chỉ cho rằng mình cao quý, không giữ thái độ khiêm tốn và cẩn trọng, thì nếu mình có lỗi lầm, ai sẽ dám xúc phạm đến uy nghiêm để đưa ra ý kiến? Trẫm thường nghĩ rằng, mỗi lời nói, mỗi việc làm của đế vương, đều phải sợ Trời cao, sợ quần thần. Trời tuy cao nhưng có thể nghe được lời bàn tán dưới đất, làm sao không sợ Trời? Công khanh bá quan ở dưới đều theo dõi trẫm, làm sao không khiến người ta sợ hãi? Do đó, ngay cả khi đế vương luôn giữ lòng khiêm tốn và kính úy, e rằng vẫn không thể đáp ứng được ý Trời và ý nguyện của bách tính”.

Cuốn Năm – Luận Nhân Nghĩa: Vào năm Trinh Quán thứ nhất, Thái Tông nói: “Trẫm thấy các đế vương thời cổ đại, những người dùng nhân nghĩa để trị quốc, đều có quốc vận lâu dài. Những người sử dụng luật lệ nghiêm khắc để thống lãnh nhân dân, mặc dù có thể giải quyết được những vấn đề trong thời điểm đó, nhưng quốc gia sẽ sớm bị diệt vong. Khi chúng ta đã thấy được phương pháp thành công của các đế vương trước đây, chúng ta có thể sử dụng chúng như một điển phạm để trị quốc. Bây giờ, chúng ta cần sử dụng sự thành tín và nhân nghĩa làm phương châm trị quốc, hy vọng điều này sẽ giúp loại bỏ những điều giả tạo của thời gần đây.”

Cuốn Sáu – Luận Thận Trọng trong Lời Nói: Vào năm Trinh Quán thứ hai, Đường Thái Tông nói với các đại thần thị tòng rằng: “Mỗi ngày trẫm ngồi triều xử lý chính sự, mỗi lời nói, đều phải suy nghĩ xem lời nói đó có ích lợi gì cho nhân dân, vì vậy trẫm không dám nói nhiều.”…

Vào năm Trinh Quán thứ 8, Đường Thái Tông nói với các đại thần thị tòng rằng: “Lời nói là chìa khóa thể hiện đức hạnh của quân tử, vì vậy, làm sao có thể nói lời vô tâm và bất cẩn? Người dân thường, một lời nói không tốt, sẽ bị người khác nhớ mãi và trở thành trò cười, làm hại danh dự, huống chi là vị vua của hàng vạn chiến xa? Vua không bao giờ nên nói ra những lời không phù hợp. Hậu quả của việc làm này rất lớn, làm sao vua có thể so sánh với người thường? Trẫm luôn nhắc nhở mình về điều này.”

Khang Hy Đại Đế đánh giá cao “Trinh Quán chính yếu” và thời kỳ Trinh Quán thịnh trị của Đường Thái Tông: “Sau ba thời cổ đại, ghi chép vẫn rực rỡ. Nhìn lại hơn ngàn năm, Trinh Quán thời thịnh trị. Tu đức dừng can qua, nhà tù đều trống rỗng. Hải ngoại dâng xe sách, dân chúng hát vui sướng. Chuyện xưa còn lưu dấu, truyền lại trong sử sách. ‘Chính yếu’ bốn mươi thiên, dùng một từ xuyên suốt. Nhân nghĩa hiệu quả rõ, nếu không sẽ gián đoạn”.

Ý nghĩa chung của đoạn này là: Dù trải qua lịch sử lâu dài, thời kỳ Trinh Quán vẫn tỏa sáng rực rỡ trong các sách sử. Nhìn lại hơn một ngàn năm lịch sử, Trinh Quán chi trị chính là thời kỳ thịnh trị xứng đáng nhất. Đường Thái Tông tu dưỡng đức hạnh, thống nhất bốn biển, chấm dứt loạn lạc, thế giới an bình và hòa thuận, nhà tù trống rỗng không còn tù nhân. Trong thời kỳ Trinh Quán, thiên hạ đại thống, khắp nơi yên bình và thịnh vượng, dân chúng vui mừng và hát ca. Những sự kiện của thời kỳ Trinh Quán vẫn còn tồn tại, được truyền lại qua các thế hệ trong các sử sách. “Trinh Quán chính yếu” gồm bốn mươi chương, rộng lớn và đầy đủ. Từ sử sách có thể thấy, việc quản lý thiên hạ bằng nhân nghĩa sẽ mang lại hiệu quả rõ ràng, nếu không theo đạo nhân nghĩa, mọi việc thường bị gián đoạn và không thể thành công.

(Còn tiếp)

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/11/11/337371.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/1/3/214150.html

Đăng ngày 27-02-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share