Bài viết của Lưu Chiêu Minh
[MINH HUỆ 21-02-2024] Trong sách lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chính quyền của nó luôn “vĩ đại, quang vinh, đúng đắn”. Dưới sự cai trị của nó, hầu như không có thảm họa hay cuộc khủng hoảng nào. Ngay cả khi thiên tai ập đến thì cũng mau chóng được “khắc phục” và mọi thứ sẽ ổn định trở lại. Dưới đây là một vài ví dụ.
ĐCSTQ không công bố số người chết trong Nạn đói lớn xảy ra từ năm 1959 đến năm 1962 và đổ cho thời tiết xấu – mặc dù dữ liệu khí tượng cho thấy thời tiết trong thời gian đó rất ổn định. Trong cuốn Bia mộ: Nạn Đói Lớn ở Trung Quốc, 1958-1962 của nhà báo Dương Kế Thằng (Yang Jisheng), phóng viên Tân Hoa Xã, ước tính số người chết ít nhất là 30 triệu người. Trong bài viết Nạn đói lớn của Mao xuất bản năm 2010, giáo sư kiêm nhà sử học Frank Dikötter đã tính toán sơ bộ số người chết ít nhất là 45 triệu người.
Ngày 8 tháng 8 năm 1975, hàng chục con đập gần Trú Mã Điếm ở tỉnh Hà Nam đã bị sập. Ước tính thảm kịch này đã cướp đi sinh mệnh của khoảng 230.000 người. Nguyên nhân căn bản được xác định là do chất lượng yếu kém của các con đập xây dựng trong thời kỳ Đại nhảy vọt. Năm 2005, mặc dù sự cố này được Discovery Channel xếp vào hàng đầu trong “10 thảm họa công nghệ lớn nhất thế giới”, vượt qua vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và thảm kịch khí đốt Bhopal, nhưng hầu hết người dân ở Trung Quốc vẫn không hay biết gì vì họ chưa từng được nghe bản tin nào nói đến sự kiện này.
Sau trận động đất ở Đường Sơn năm 1976, ban đầu, ĐCSTQ công bố số người chết là 655.000 nhưng sau đó lại “sửa” thành 240.000. Cuối năm đó, khi phát phiếu lĩnh quần áo, chỉ có 650.000 người đến nhận phiếu, trong khi dân số ở Đường Sơn trước trận động đất là khoảng 1,2 triệu người. Dựa trên thông tin này, Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) ước tính có khoảng 655.000 người đã chết.
30 ca tử vong trong một tháng
Tháng 1 năm 2024, Tạp chí Y tế Dự phòng Thượng Hải đã đăng một bài báo có tiêu đề “Điều tra về số ca tử vong vượt dự kiến do các bệnh mãn tính trong đợt bùng phát dịch Covid-19 tại một quận ở Thượng Hải”. Theo bài báo, sau khi ĐCSTQ dỡ bỏ lệnh phong tỏa tại một quận ở Thượng Hải vào tháng 12 năm 2022, số người chết vì Covid-19 ước tính là 7.651. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu xác nhận tổng số ca tử vong là 20.990. Nhưng tại cùng thời điểm đó trong cùng một quận, số người chết chính thức vì Covid-19 chỉ là 232, chỉ bằng khoảng 1/90 con số được nêu trong bài báo.
Đầu tháng 1 năm 2023, những hình ảnh thu được thông qua công ty vệ tinh Planet Labs của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) cho thấy rằng vào cuối tháng 12 năm 2022, nhiều hàng dài phương tiện xuất hiện trước các nhà tang lễ ở một số thành phố của Trung Quốc. Từ các dữ liệu hình ảnh do Google Earth Pro phát hành, luồng giao thông tại Nhà Tang lễ Quận Phiên Ngu (番禹) ở Thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông và Nhà Tang lễ Thẩm Dương ở tỉnh Liêu Ninh vào tháng 12 năm 2022 chưa bao giờ đông đúc đến thế trong vòng 5 đến 10 năm qua.
Theo bản tin của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, các lượt tìm kiếm từ khóa như “nhà tang lễ” và “lò hỏa táng” bắt đầu tăng trên Baidu (công cụ tìm kiếm internet hàng đầu ở Trung Quốc) vào giữa tháng 12 năm 2022 và giữ vị trí đỉnh khoảng hai tuần sau đó.
Một bài báo của Washington Post cũng đưa tin kèm theo các hình ảnh vệ tinh thu được từ nhiều nơi ở Trung Quốc về những hàng dài người chờ đợi bên ngoài các lò hỏa táng trên khắp đất nước để đưa người thân đã khuất của họ vào hỏa táng.
Một cư dân mạng viết trên Weibo: “Sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào cuối năm 2022, các lò hỏa táng trên khắp đất nước rơi vào tình trạng chưa từng thấy: vận hành từ sáng đến tối, ngày nào cũng có hàng dài người xếp hàng. Người chết xếp la liệt trên mặt đất. Đúng là thảm họa. Thị trấn nào cũng có những tài xế được chỉ định chuyên chở thi thể đến lò hỏa táng. Các tài xế bận đến mức chỉ ngủ được ba tiếng mỗi ngày.”
Theo một bài bình luận của Radio France Internationale ngày 8 tháng 1 năm 2023, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đưa tin có 120.000 trường hợp nhiễm Covid-19 và 30 trường hợp tử vong sau một tháng dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Bài báo bình luận rằng “30 trường hợp tử vong trên toàn quốc khiến người ta nghi ngờ rằng ủy ban y tế đang cố tình chế nhạo Đảng Cộng sản và Tập Cận Bình… vì ngay cả khi chỉ tính số ca tử vong của các giảng viên và nhân viên đại học ở quận Hải Điến, Bắc Kinh, hay của các cán bộ kỳ cựu của Bộ Ngoại giao thôi, thì con số đã vượt xa 30 rồi!”
“Cúm A” mới
Kể từ cuối năm 2023, các bệnh viện ở Trung Quốc lại chứng kiến một làn sóng nhiễm bệnh hô hấp nữa. Theo Nhật báo Đô thị Ôn Châu, một tờ báo địa phương ở thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, đưa tin ngày 17 tháng 2 năm 2024, có khoảng 30.000 người đã được bốn bệnh viện địa phương điều trị trong tám ngày đầu của kỳ nghỉ Tết Cổ truyền. Những bệnh nhân này chủ yếu bị nhiễm trùng đường hô hấp. Các phòng cấp cứu cũng chật kín những người bị nhiễm trùng phổi.
Tại Bệnh viện Trực thuộc Đại học Y Ôn Châu Số 1, một trong những bệnh viện được đề cập trong bài báo của tờ Nhật báo Đô thị Ôn Châu, đã điều trị cho hơn 10.000 bệnh nhân vào dịp Tết Cổ truyền, trong đó khoảng 40% mắc các bệnh về đường hô hấp như nhiễm trùng phổi. Triệu Quang Cử (赵光举), Phó Giám đốc khoa cấp cứu của bệnh viện, cho biết phòng cấp cứu đã chật kín trong dịp Tết và “Vị trí nào có thể đặt thêm giường thì đều đã đặt rồi”. Hầu hết những bệnh nhân nguy kịch trong phòng cấp cứu đều mắc bệnh hô hấp nặng.
Tương tự, khoa cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân Ôn Châu tiếp nhận từ 600 đến 700 người lớn và hơn 200 trẻ em mỗi ngày, trong đó, các ca nhiễm trùng đường hô hấp là phổ biến nhất.
Trên trang TikTok có chủ đề về tình hình nhập viện ở Trung Quốc, một cư dân mạng ở tỉnh Hồ Nam cho biết: “Mẹ tôi cũng bị nhiễm trùng đường hô hấp, hiện đã dẫn đến cơn đau tim!” Một cư dân mạng ở tỉnh Tứ Xuyên cho biết: “Vợ chồng tôi về quê ở Trùng Khánh ăn cỗ mà rồi đều bị cảm cúm, kiểm tra thì là cúm vi-rút. Tôi nghĩ chắc chắn là vi-rút đột biến mới, nhưng hiện giờ cũng chưa có ai nói cả”. Một số cư dân mạng nhận định “Tình hình dịch bệnh ở Bắc Kinh và Thiên Tân rất nghiêm trọng, đa số là nhiễm trùng phổi.”
Nhiều trang mạng xã hội ở Trung Quốc gần đây đã đăng ngày càng nhiều vụ “đột nhiên ngã xuống”, hầu hết là những người trẻ tuổi. Có một đoạn video ghi lại cảnh một hành khách đột nhiên ngất xỉu khi đang lên chuyến tàu T25 tại Ga Nam Thượng Hải vào ngày 15 tháng 1 năm 2024. Trong video, người ta nhìn thấy một người nằm trên sân ga, gần một chiếc tàu hỏa, một nhân viên đang làm hô hấp nhân tạo cho anh ta. Có cư dân mạng nói: “Đột nhiên lìa đời. Kiểu ngã quỵ này đã trở thành cảnh tượng vô cùng quen thuộc rồi. Thật đáng sợ!“
Không ít cư dân mạng Weibo cho biết: “Năm nay, tôi đã thấy nhiều người đột tử quá, có thể là vấn đề di chứng sau khi nhiễm Covid-19”. Một người khác kể: “Ngày đầu năm mới, hàng xóm của tôi đã đưa tang rồi. Là cậu thanh niên 30 tuổi bị đột tử. Người đầu bạc tiễn người đầu xanh. Năm 2024 này, tôi chỉ có một nguyện vọng—sống sót qua năm này trước nguy cơ của dịch bệnh mới!”
Nhiều ca nhiễm mới ở Thượng Hải vào tháng 1 năm 2024.
Mặc dù mọi người đưa tin tràn ngập trên mạng xã hội về quá nhiều trường hợp, nhưng dữ liệu chính thức do ĐCSTQ công bố lại kể một câu chuyện khác.
Theo dữ liệu từ WHO, số bệnh nhân nhập viện tháng 12 năm 2023 đã tăng 42% so với một tháng trước đó, và số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt tăng 62%. Tuy nhiên, trong bản cập nhật do CDC Trung Quốc công bố ngày 10 tháng 1 năm 2024, chỉ có thêm 88 bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt và chỉ có 11 trường hợp tử vong trên toàn bộ 31 tỉnh, khu tự trị, và thành phố trực thuộc của Trung Quốc.
Cư dân mạng “Hai Kuo Ping Yu Yue” đã tiết lộ trên trang mạng xã hội X rằng: “Mọi người tới bệnh viện khám bệnh, ngay dòng đầu của sổ khám bệnh đã yêu cầu người bệnh ghi: ‘Người bệnh chưa phát hiện triệu chứng viêm phổi mới do Covid-19’; bị ho khan mà đến phiếu chụp CT phổi cũng không phát, chính quyền không cho phép ghi kết quả chẩn đoán là nhiễm Covid-19.” Người này cho biết, để xin giấy chứng tử của Cục Dân chính, người dân phải điền theo mẫu văn bản dán trên cửa kính, trong đó ghi: “Tôi cam đoan người quá cố không chết vì Covid-19. Nếu sai sự thật, tôi sẽ chịu trách nhiệm về hậu quả.”
Trong bài đăng của một người dùng TikTok, một phụ nữ 51 tuổi ở tỉnh Giang Tô bị cúm trong 10 ngày, dẫn đến suy hô hấp và mất chức năng phổi. Dựa trên phim X-quang của bà, bác sỹ kết luận rằng “Cả hai phổi của bà đều đã trắng, một bên là do nhiễm vi-rút Cúm A, một bên là bị bội nhiễm”. Khi một cư dân mạng ở tỉnh Hồ Nam hỏi: “Vẫn còn vi-rút Corona sao?”, nhiều cư dân mạng trả lời: “Lúc nào chẳng còn! Chẳng qua nó vừa đổi tên thôi—gọi là ‘Cúm A!’”
Xe hỏa táng thú cưng di động
Cùng với số bị nhiễm trùng đường hô hấp ngày càng tăng vào tháng 1 năm 2024, mọi người bắt đầu nhận ra dịch vụ hỏa táng thú cưng di động cũng đang được quảng cáo ở Trung Quốc. Xe dài 5,3 mét, rộng 2 mét, cao 2,47 mét, và nặng 3,51 tấn. Nó quảng cáo rằng quá trình thiêu không có khói, không khí thải, không mùi.
Theo “Sách trắng ngành thú cưng Trung Quốc năm 2020”, trong thị trường tiêu dùng thú cưng ở thành thị (chủ yếu là chó và mèo), mức tiêu dùng cho dịch vụ mai táng thú cưng chỉ chiếm 3,6%. Một số cư dân mạng bình luận trong một bài đăng trên Weibo: “Thú cưng nhà ai chết mà phải hỏa thiêu, toàn là đưa ra bãi rác, chôn hay thiêu luôn ở bãi rác chứ. Trò thiêu thú cưng này khẳng định là không có thị trường.”
Mặc dù các quảng cáo khẳng định rằng phương tiện này cung cấp dịch vụ hỏa táng cho thú cưng, nhưng công suất hỏa táng mỗi lần lại lên đến 120kg-150kg, điều này khiến nhiều người thắc mắc liệu có nhiều thú cưng đến thế cần được hỏa táng không. Cũng trong bài đăng này trên Weibo, một cư dân mạng bình luận: “Sợ thật! Dùng được cả cho người lẫn vật nuôi.”
Sự chậm trễ trong việc công bố thông tin giải trình chuỗi gen của vi-rút
ĐCSTQ không chỉ ngang nhiên che đậy số ca tử vong vì Covid-19 mà nghiêm trọng hơn, họ chưa bao giờ minh bạch thông tin về quá trình bùng phát đại dịch, khi thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, được xác định là tâm điểm.
Theo các nhà điều tra của Quốc hội Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phân lập và lập bản đồ chủng vi-rút gây ra Covid-19 vào cuối tháng 12 năm 2019, một tháng trước khi Vũ Hán bị phong tỏa, để ngăn chặn vi-rút lây lan.
Một bài báo trên tờ Wall Street Journal chỉ ra rằng các tài liệu do Ủy ban Năng lượng và Thương mại của Hạ viện Hoa Kỳ thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ thu được cho thấy, vào ngày 28 tháng 12 năm 2019, các nhà nghiên cứu ở Viện Sinh học Mầm bệnh thuộc Học viện Khoa học Y tế Trung Quốc ở Bắc Kinh đã tải trình tự gen của một chủng vi-rút Corona lên cơ sở dữ liệu ở Hoa Kỳ. Trình tự đó gần như giống hệt vi-rút gây ra dịch Covid-19 mà ĐCSTQ chính thức công bố vào ngày 10 tháng 1 năm 2020. Ủy ban Quốc hội Hoa Kỳ kết luận rằng ĐCSTQ đã che giấu trình tự gen của vi-rút trong hai tuần.
Các chuyên gia cho rằng hai tuần đó rất quan trọng để cộng đồng y tế quốc tế tìm ra cách thức lây lan của Covid-19 và xây dựng kế hoạch can thiệp tương ứng. Nhưng ĐCSTQ đã không làm gì trong thời gian đó, ngoại trừ việc cho phép các chuyến bay quốc tế từ Trung Quốc Đại lục bay đến khắp nơi trên thế giới.
Nhìn thấu sự dối trá của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Kể từ khi cầm quyền vào năm 1949, ĐCSTQ chưa bao giờ ngừng nhồi nhét văn hóa hận thù, chủ nghĩa vô thần và thuyết tiến hóa của nó. Nó đã thay thế các giá trị và đạo đức truyền thống bằng giả-ác-đấu (giả dối, đàn áp và đấu tranh bạo lực). Vì bị Đảng tẩy não, người dân Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ, đã mất đi khả năng phân biệt đúng sai, thật giả.
Sau khi nhận ra dân số Trung Quốc đang sụt giảm sau đại dịch SARS năm 2003, ĐCSTQ cuối cùng đã dỡ bỏ chính sách một con hà khắc (nghĩa là mỗi cặp vợ chồng chỉ được phép sinh một con). Vào tháng 1 năm 2016, nó đã công bố chính sách sinh con thứ hai trên toàn quốc, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh hai con. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn quốc vào năm 2020, để tăng dân số, nó lại đưa ra chính sách ba con vào tháng 5 năm 2021.
Ngày 15 tháng 1 năm 2023, Đại sư Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công, cho biết ĐCSTQ đã che đậy đại dịch trong hơn ba năm. Đại dịch ở Trung Quốc đã lấy đi sinh mạng của 400 triệu người, và còn tiếp tục tiến đến mốc 500 triệu người, rồi mới kết thúc. Đại sư Lý cũng cho hay, khi dịch SARS xuất hiện ở Trung Quốc vào năm 2003, đã có 200 triệu người chết.
Tại sao ĐCSTQ lại muốn che đậy những cái chết đó? Rõ ràng là để duy trì “uy tín” là “quang vinh, vĩ đại” để duy trì sự kìm kẹp đối với người Trung Quốc. Chừng nào Trung Quốc còn nằm dưới sự cai trị của ĐCSTQ thì những thảm họa lớn và những con số khổng lồ về các ca tử vong là không thể được “cho phép”.
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/2/21/473460.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/2/23/215983.html